Saturday, November 21, 2009

VIỆT NAM GIA TĂNG KIẺM SOÁT INTERNET

Việt Nam gia tăng kiểm soát Internet
Thanh Phương
Bài đăng ngày 21/11/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 21/11/2009 13:36 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5766.asp
Phải chăng chính quyền Hà Nội đã ra lệnh chặn luôn cả việc truy cập vào Facebook ? Những năm gần đây, Việt Nam đã liên tiếp đưa ra các quy định, luật lệ để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa mạng Internet, nơi duy nhất ở Việt Nam người dân còn có thể tự do phát biểu.

Hiện nay, số người sử dụng Internet ở Việt Nam được thẩm định là 22 triệu người, trên tổng số khoảng 86 triệu dân. Bên cạnh những tờ báo điện tử, con số các trang blog đang tăng với tốc độ chóng mặt, bởi vì hầu như ai cũng có thể tạo cho mình một trang blog. Số người truy cập vào các mạng xã hội trực tuyến cũng ngày càng nhiều.
Riêng Facebook hiện có hơn 1 triệu người sử dụng ở Việt Nam, phần lớn là giới trẻ và con số đã tăng nhanh chóng kể từ khi mạng xã hội này thêm vào phiên bản tiếng Việt. Đa số sử dụng Facebook để liên lạc với bạn bè, gia đình, mở rộng quan hệ, trao đổi với nhau hình ảnh, điạ chỉ trang web và trang blog.
Nhưng theo hãng tin AFP, những người sử dụng Internet ở Việt Nam than phiền là từ nhiều tuần qua ngày càng khó truy cập vào Facebook.

Theo nguồn tin từ các công ty dịch vụ Internet được hãng tin AFP trích dẫn hôm thứ năm vừa qua (19/11), chính quyền Hà Nội gần đây đã ra lệnh chặn luôn cả việc truy cập vào Facebook.
FPT, công ty Nhà nước cung cấp dịch vụ Internet, hôm qua (20/11) đã bác bỏ tin nói trên, khẳng định là họ đang làm việc với các công ty ngoại quốc để giải quyết sự cố kỹ thuật đang ngăn chận việc truy cập vào các máy chủ của Facebook đặt ở Mỹ.
Facebook có thật sự là đã bị chặn hay không, điều đó còn chờ xem. Nhưng rõ ràng là trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã liên tiếp đưa ra các quy định, luật lệ để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa mạng Internet, nơi duy nhất ở Việt Nam mà người dân còn có thể tự do phát biểu.

Tháng 8/2008, chính phủ ban hành Nghị định 97 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Đến tháng 3/2009, Chính phủ ban hành tiếp Nghị định 28 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.
Với quy định mới, các trang blog chỉ được đăng những chuyện cá nhân, chứ không được bàn chuyện chính trị. Nhiều blogger đã bị bắt, thậm chí bị kết án tù chỉ vì dám đụng đến những chủ đề chính trị nhạy cảm, như quan hệ với Trung Quốc.
Bộ Thông tin và Truyền thông nay chuẩn bị đưa ra vào tháng 12 tới một thông tư hướng dẫn hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến để cụ thể hóa Nghị định số 97.

Như vậy là mạng xã Facebook chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị đưa vào khuôn khổ quản lý của Nhà nước, bởi vì theo bản dự thảo thông tư, các mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp đều phải có giấy phép mới được hoạt động.
Hơn nữa, theo dự thảo thông tư, trang thông tin điện tử của các tổ chức và doanh nghiệp không được trích dẫn lại các thông tin báo chí. Nếu đăng lại thông tin của báo chí thì sẽ bị xem là trang thông tin điện tử tổng hợp và như vậy phải xin phép.
Ngoài ra, các trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được trích dẫn lại nguyên văn từ các cơ quan báo chí và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan báo chí đó. Nói chung, thông tư này quy định rất nhiều điều bó buộc quá đáng và như vậy là hàng ngàn trang web ở Việt Nam sẽ phải xin phép Bộ Thông tin.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội Việt Nam ngày thứ ba vừa qua (17/11) Bộ trưởng thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã nói chính quyền phải tăng cường kiểm soát mạng Internet bởi vì theo ông, Internet đang bị một số người lợi dụng để phát tán những thông tin '' độc hại và có dụng ý xấu'', cũng như để tập hợp những '' thế lực thù địch '' với Nhà nước.
Phải chăng Facebook rồi cũng sẽ bị xem là nơi ''phát tán thông tin độc hại '' và '' tập hợp các thế lực thù địch'' ?


Tại Việt Nam, giới cung cấp dịch vụ Internet xác nhận chính quyền đã phong tỏa mạng Facebook
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 20/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày 20/11/2009 17:39 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5765.asp
Trong nhiều ngày qua, những người tại Việt Nam muốn truy cập vào mạng Facebook đã gặp rất nhiều khó khăn. Theo hãng tin AFP, các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã nhận được lệnh của bộ Công An là khoá cửa trang thông tin xã hội trên phạm vi toàn quốc từ cuối tháng 8
Theo hãng tin AFP, bộ phận tiếp xúc với khách hàng của một công ty cung ứng dịch vụ Internet tại Việt Nam hôm qua, 19/11/2009 đã xác nhận : chính quyền đã ra lệnh phong tỏa mạng này. Trả lời câu hỏi của AFP với tư cách một người sử dụng bình thường, công ty này cho biết đã đóng cửa trang Facebook từ nhiều ngày qua. Theo nguồn tin này : ''Chúng tôi đã nhận được lệnh của bộ Công An là khoá cửa trang này trên phạm vi toàn quốc từ cuối tháng 8''.
Cũng theo nguồn tin trên, các nhà cung cấp dịch vụ Internet khác chắc chắn cũng đã nhận được chỉ thị kể trên. Tuy nhiên, khi được hỏi qua điện thoại thì các công ty đó chỉ nêu lên vấn đề kỹ thuật mà thôi. Riêng hai công ty FPT và VNPT thì đã trả lời thẳng thắn với hãng tin Đức DPA rằng họ đã nhận được lệnh của chính quyền từ tuần trước, và bắt đầu áp dụng chỉ thị kể từ tuần này.
Theo ghi nhận của AFP, từ hơn một tuần lễ nay, việc phong tỏa không còn liên tục nữa, nhưng nhiều người sử dụng Internet vẫn than phiền là khó truy cập được vào trương mục Facebook của họ. Một người xin giấu tên đã nói với AFP rằng anh bị trở ngại trong những ngày trước đây, nhưng đến hôm qua thì đã vào được trang của mình.
Đối với hãng AFP, chính quyền Việt Nam đã hiểu rõ là mạng Internet cung cấp cho người dùng một quyền tự do ngôn luận không thể thấy nơi các phương tiện thông tin truyền thống. Mới thứ ba vừa rồi, bộ trưởng bộ Thông tin Việt Nam đã nhắc lại ý định kiểm soát internet một cách chặt chẽ hơn.
Theo ghi nhận của hãng tin Đức DPA, chính quyền Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều biện pháp nhằm đàn áp các tiếng nói bất đồng trên mạng internet và trên báo chí. Nhưng đây là lần đầu tiên mà chính quyền tìm cách phong toả nguyên một mạng xã hội.





No comments: