Từ Việt Nam Cộng hoà đến Cộng hoà Hồi giáo Afghanistan
Bùi Văn Phú
03/11/2009 2:17 sáng
http://www.talawas.org/?p=12584
Mấy ngày qua theo dõi tin tức liên quan đến Afghanistan từ tình hình chiến sự, dự định tăng quân Mỹ đến việc em trai Tổng thống Kamid Karzai dính dáng đến CIA, đến thuốc phiện và kết quả bầu cử tháng 8.2009 làm tôi liên tưởng chuỗi biến cố đó với lịch sử cuộc chiến ở Việt Nam vào thế kỉ trước.
Và lịch sử như một khúc phim đang được chầm chậm chiếu lại.
1. Sài Gòn, Việt Nam 1963 – 1971
Cuối năm 1963 Hoa Kỳ yểm trợ cho phe quân đội làm đảo chánh lật đổ và giết chết anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Đầu năm 1965 Hoa Kỳ đem lính chiến đấu vào Nam Việt Nam để đánh đuổi Việt Cộng và bộ đội miền Bắc.
Ngày 1.4.1967 Hiến pháp mới của Việt Nam Cộng hoà được ban hành. Số lính Mỹ đổ vào Việt Nam ngày càng tăng.
Bầu cử tổng thống đầu tiên của Đệ nhị Cộng hoà diễn ra vào tháng 9.1967. Liên danh Nguyễn Văn Thiệu / Nguyễn Cao Kỳ thắng cử với khoảng một phần ba tổng số phiếu bầu. Kết quả này bị 8 liên danh thua khiếu nại là có nhiều gian lận, nhưng cuối cùng Quốc hội Lập hiến đã thông qua kết quả với 58 phiếu chấp thuận, 43 phản đối. Riêng Chủ tịch Phan Khắc Sửu không bỏ phiếu và đã từ chức để phản đối kết quả.
Chính phủ Hoa Kỳ công nhận kết quả bầu cử và chúc mừng chính quyền mới của Việt Nam Cộng hoà.
Năm 1971 luật bầu cử thay đổi. Muốn ra tranh cử phải có sự giới thiệu của một số dân biểu, nghị sĩ, nghị viên hội đồng tỉnh hay thành phố. Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ bất mãn với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nên cũng muốn ra tranh cử và đã vận động được đủ chữ kí đề cử. Nhưng phe Tổng thống Thiệu chơi trò gian bằng cách mua chữ kí ủng hộ cho ông, nhưng cho phép họ vẫn kí để đề cử ông Kỳ. Đến khi kiểm soát chữ kí thì có nhiều ủng hộ cho ông Kỳ trở nên bất hợp lệ, khiến ông Kỳ không có đủ số dân cử đề cử.
Cựu tướng Dương Văn Minh được đề cử hợp lệ để tranh cử, nhưng thấy ông Thiệu manh nha chơi gian từ giai đoạn tiền bầu cử nên đã quyết định rút lui, dù Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lúc bấy giờ muốn tướng Minh tiếp tục ra tranh cử và hứa ủng hộ tài chánh cho ông.
Dù chỉ có một liên danh cuộc bầu cử vẫn diễn ra, nhiều người gọi đó là màn “độc diễn”. Kết quả còn khôi hài hơn khi liên danh duy nhất Nguyễn Văn Thiệu / Trần Văn Hương đạt được 94.63% tổng số phiếu bầu.
Hoa Kỳ hoan hỉ công nhận kết quả.
Số lính Mỹ có mặt trên chiến trường Việt Nam đã lên cao, hơn nửa triệu vào năm 1969, trước khi Hoa Kỳ thực hiện chương trình Việt Nam hoá chiến tranh, rút quân Mỹ từng phần.
2. Kabul, Afghanistan 2001 – 2009
Sau vụ khủng bố tấn công Hoa Kỳ vào ngày 11.9.2001, lính Mỹ đã được đưa vào Afghanistan để lật đổ chính quyền, tiêu diệt Taliban, Al-Queda và dựng lên một chính quyền mới được Hoa Kỳ yểm trợ về mọi mặt.
Năm 2003 Hiến pháp mới cho Afghanistan được ban hành.
Tháng 10.2004 có bầu cử tổng thống đầu tiên, sau mấy lần trì hoãn. Có gần 20 ứng viên tranh cử và kết quả ông Kamid Karzai được 55.4% và sẽ làm Tổng thống Afghanistan với nhiệm kì 5 năm.
Tháng 8.2009 có bầu cử tổng thống lần thứ hai theo qui định của Hiến pháp. Đương kim Tổng thống Karzai tái tranh cử cùng hơn 30 ứng viên khác, đạt 50% số phiếu, và được tuyên bố tái đắc cử tổng thống. Nhưng giới quan sát nói rằng đã có nhiều gian lận. Đếm phiếu lại, ông Karzai chỉ được 47% nên sẽ có cuộc bầu cử vòng nhì giữa hai ứng viên được nhiều phiếu nhất là Tổng thống Kamid Karzai và Tiến sĩ Abdullah Abdullah, cựu Bộ trưởng Ngoại giao.
Bầu cử vòng nhì dự định diễn ra vào ngày 7.11 tới đây. Một tuần trước ngày bầu cử ứng viên Abdullah quyết định rút lui với lí do cuộc bầu cử không được bảo đảm là sẽ không có gian lận.
Vì chỉ còn một ứng viên duy nhất, hội đồng tổ chức bầu cử đã quyết định bãi bỏ bầu cử và tuyên bố đương kim Tổng thống Hamid Karzai thắng vòng nhì.
Hoa Kỳ lại hân hoan thừa nhận kết quả, gửi lời chúc mừng đến Tổng thống Hamid Karzai.
*
Giới lãnh đạo và người dân Mỹ rất sợ cái bóng ma chiến tranh Việt Nam, nhất là khi Hoa Kỳ phải quyết định đưa binh lính đi tham chiến ở nước ngoài.
Sau thất bại tại cuộc chiến ở Việt Nam, lính Mỹ đã qua chiến đấu ở Lebanon, Grenada, Panama, Somalia, Kosovo nhưng chỉ trong ngắn hạn rồi rút lui.
Ngày nay lính Mỹ đang chiến đấu Afghanistan. Cuộc chiến ở đây kéo dài đã 8 năm mà hy vọng kết thúc để đưa quân Mỹ trở về xem ra còn rất xa vời. Số lính Mỹ có mặt tại Afghanistan là 38 nghìn và Tổng thống Barack Obama đang phải suy nghĩ trước đề nghị của cấp chỉ huy tại chiến trường là tăng số lính thêm 30 nghìn nữa. Gọi là “escalate” – leo thang, như trong chiến tranh Việt Nam hay ngày nay là “surge” – dâng lên, thì có cùng nghĩa là đổ thêm quân vào chiến trường, mà không biết có thắng được hay không.
Không người Mỹ nào muốn Afghanistan trở thành như Việt Nam, nhưng những sự kiện đã và đang xảy ra khiến nhiều người không thể có cái nhìn khác hơn.
Trong Bạch Cung những bài học từ Việt Nam đang được phân tích và bóng ma Việt Nam đang lởn vởn từ Afghanistan đến chính trường Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama tuy còn trẻ để có kinh nghiệm Việt Nam, nhưng cũng không thoát khỏi ám ảnh.
Sẽ có không một “Decent Interval” cho Afghanistan. Và từ đây đến ngày 30.04.1975 thì còn bao lâu nữa?
© Buivanphu 11.2009
No comments:
Post a Comment