Sức mạnh đệ tứ quyền
Giao Chỉ
Đăng ngày 7-11-2009
http://danchimviet.com/articles/1652/1/Sc-mnh--t-quyn/Page1.html
Khi truyền thông lên tiếng:
Trong lịch sử của báo chí Hoa Kỳ, câu chuyện 2 anh ký giả tờ Washington Post mở cuộc phóng sự điều tra vụ Watergate đã đưa đến hậu quả sau cùng là tổng thống Nixon phải từ chức ngày 17 tháng 6-1974.
Trong buổi họp nội các cuối cùng, vị tổng thống ba chìm bẩy nổi, chín lênh đênh của nước Mỹ đã tức giận cất tiếng. Tại sao cái nước Mỹ này đối xử với ta như vậy. Con người đã B52 Hà Nội giữa mùa Giáng Sinh để lôi cổ cộng sản Việt Nam vào bàn hội nghị. Ai là người đã hòa giải với Nga và ai là tổng thống Mỹ đầu tiên mở đường vào Bắc Kinh để bước chân lên Vạn Lý Trường Thành. Ai là người chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh, ký hiệp ước Paris, đem lính Mỹ và tù binh trở về. Làm được tất cả các bước ngoạn mục như vậy, nhưng tổng thống Nixon lại là người bị dân chúng ghét nhất.
Nhưng dù dân Mỹ có thù ghét tổng thống đến đâu thì Nixon vẫn còn có thể tồn tại. Lý do ông phải ra đi chỉ vì tội bao che người của ông đột nhập vào trụ sở của đảng Dân Chủ đối lập để lấy tài liệu. Tội bao che giấu giếm đã bị 2 anh nhà báo “chết tiệt” phanh phui và sau cùng Nixon phải từ chức để tránh bị truất phế và truy tố.
Nếu tổng thống Nixon là người đứng đầu hành pháp không từ chức thì nội vụ sẽ đưa ra cho ngành lập pháp quyết định và sau cùng là tư pháp Hoa Kỳ nhập cuộc.
Nước Mỹ với thể chế dân chủ phân quyền rỏ rệt với 3 ngành : Lập pháp (Quốc Hội), Hành pháp (Chính phủ) và Tư pháp (Tòa án). Nhưng lại có thêm luật bất thành văn. Ðó là dân quyền đích thực phản ảnh trực tiếp qua báo chí, gọi truyền thông là Ðệ Tứ Quyền. Quyền của báo chí truyền thông. Và ở San Jose mấy ngày qua, Ðệ Tứ Quyền lên tiếng khá ngoạn mục.
Sức mạnh của báo chí:
Sau khi báo SJMN chủ nhật 25/10/09 đăng tin anh sinh viên bị cảnh sát đánh. Báo chí đặt câu hỏi còn được ông cảnh sát trưởng San Jose tuyên bố là mấy tay cảnh sát của ông không có gì sai trái cả. Xem ra việc xuống tay của các ông cò rất đúng sách vở. Riêng ông thị trưởng San Jose tuyên bố rằng chuyện đâu còn có đó. Hãy chờ điều tra.
Tiếp theo suốt 7 ngày, dư luận báo chí Hoa Kỳ từ các nơi đều lên tiếng phê bình cảnh sát San Jose. Ông thị trưởng Reed bèn xuống giọng : “ Tôi xem kỹ đoạn phim, hình như cảnh sát có vẻ quá tay “.
Qua đến số báo chủ nhật ngày 01/11/2009 tờ San Jose Mercury News đi loạt bài thứ hai, tấn công trực diện sở cảnh sát với đề tài: Cảnh sát và việc xử dụng vũ lực ( Cops and use of force ). Báo đưa ra nhiều trường hợp cụ thể để chứng minh việc cảnh sát hành động quá đáng và hoàn toàn không cần thiết, gây thương tích cho nạn nhân và buộc tội kháng cự lại nhân viên công lực. Kháng cự nên bị đánh hay đánh rồi đổ tội kháng cự ?
Loạt bài chủ nhật đầu tháng 11- 2009 lên án cảnh sát không khoan nhượng. Sau bài chủ nhật, còn bài tiếp theo đăng vào ngày thứ hai 02/11/09. Qua đến ngày thứ ba 03/11/09 thì có tin ông cảnh sát trưởng thành lập luôn một lượt 2 ủy ban để điều tra nội bộ về tất cả các trường hợp dùng võ lực quá độ của cảnh sát San Jose trong thời gian qua.
Riêng ông Thị trưởng thì lập tức lên tiếng khen Sở cảnh sát quá hay, có sáng kiến điều tra anh em trong nhà như vậy là xuất sắc. Giới chức trách nhiệm hoàn toàn lờ hẳn cái vụ báo chí khui ra toàn bộ những sai lầm từ nhiều năm qua.
Những trường hợp điển hình:
Nhận thấy đây là đề tài hết sức nhạy cảm nhưng lại vô cùng cần thiết phải học hỏi nên chúng tôi xin sơ lược lại các trường hợp điển hình.
Trường hợp số 1: là anh Scott Wright. Anh này đang sửa thắng xe trong parking tại nhà ở khu Willow Glen. Cảnh sát bắn anh bằng súng điện, đánh bằng baton và anh bị gẫy tay. Lý do : khi cảnh sát đến, anh này đi vào xe van để kiếm đồ chùi tay vì đang sửa xe. Cảnh sát nói tưởng anh đi lấy súng nên xông vào tấn công ngay. Về sau dù không thấy súng, anh này vẫn bị buộc tội kháng cự, nên bị đánh và bị giam. Sau biện lý tha tội kháng cự. Kỷ niệm đau thương còn lại là cái tay gẫy.
Trường hợp số 2: Damy Pina. Anh này bị cảnh sát chận lại ngay gần nhà vào tháng 4 vừa qua. Lý do xe đạp không có đèn. Pina bị buộc tội kháng cự. Hàng xóm khai rằng nghe thấy anh Pina la lên : “ Sao lại đánh tôi. Sao lại đấm tôi “ .Ðối với cảnh sát, việc kháng cự không phải chỉ bằng tay chân mà la lối cũng coi như kháng cự. Sau cùng dù bị bắt nhưng Pina được biện lý tha không truy tố về tội chống nhân viên công lực.
Trường hợp thứ 3: Micheal Morgen. Anh này bị bắt vì xe không có bảng số phía trước. Sau khi bị giữ lại, cảnh sát buộc tội tình nghi dùng ma túy. Tuy không bị đánh nhưng nghĩ rằng từ lỗi nhỏ là xe không có bảng số phía trước, cảnh sát đã xoay anh qua tội khác. Sau khi thử test không có ma túy, Morgen quay ra thưa cảnh sát. Kết quả được San Jose City thỏa hiệp qua luật sư bồi thường cho $ 20,000 .
Trường hợp thứ tư: Duran and Guizar . Duran đi với bạn gái Guizar vào bar uống rượu. Cảnh vô bắt mọi người nằm xuống. Cả hai bị bắn súng điện nhiều lần. Sau đó bị bắt. Anh Duran bị tội uống rượu. Chị Guizar bị tội kháng cự. Khi được tha, cả hai đi kiện lại Thành phố. Sau cùng San Jose City trả $120,000 cho các đương sự để bồi thường.
Trường hợp thứ năm : Natasha Barton. Cô này có mẹ là cảnh sát. Riêng cô đã từng trong ban cố vấn trẻ của cảnh sát San Diego. Ðã tốt nghiệp đại học SJSU nhờ học bổng của cảnh sát. Tương lai cô sẽ là một nữ cảnh sát.
Tuy nhiên tất cả giấc mộng cảnh sát tan tành vì 1 buổi chiều nhóm của cô đi chơi gặp cảnh sát San Jose hành hung, đánh bằng gậy, phun thuốc cay vào mắt, còng tay và tống giam. Vụ này truyền hình KPLX có chiếu được 1 đoạn cảnh sát bạo hành. Bây giờ nội vụ còn đang phân xử tại tòa, nhưng giấc mơ trở thành cảnh sát của cô sẽ không bao giờ thành sự thực. Cô không muốn làm cảnh sát nữa.
Qua các trường hợp thí dụ kể trên, phần lớn nạn nhân bị cảnh sát bạo hành vì tội kháng cự. Có thể là hiểu lầm, có thể là không hiểu rõ, nhưng luôn luôn khởi sự vô cớ hay vì lý do rất đơn giản, nội vụ trở thành đại hình. Nếu bị buộc tội hành hung cảnh sát coi như rất nặng hoặc nhẹ hơn là tội kháng cự không chịu cho còng tay.
Nếu đúng là đánh lại cảnh sát, hoặc vùng vẫy không chịu cho còng tay, tạo hiểu lầm, tất cả đều sẽ trở thành rất đáng tiếc.
Thành tích của cảnh sát San Jose:
Báo San Jose Mercury đã đi 1 loạt tin tức nghiên cứu về thành tích đáng phàn nàn của cảnh sát San Jose về việc dùng vũ lực trong khi làm việc.
Trong số 206 trường hợp ghi nhận năm 2008 thì 145 lần cảnh sát đã dùng vũ lực đàn áp.
Một thí dụ khác được ghi nhận là San Jose đứng đầu Bắc Cali với trên 1133 trường hợp bắt giữ đã gặp kháng cự và đương sự bị truy tố.
Vấn đề đặt ra là hơn 1000 vụ kể trên có bao nhiêu vụ thực sự cảnh sát bị tấn công hay ít nhất là thực sự chống cự lại cảnh sát. Không ai có thể biết được, vì bị bắt mà không ra tòa là mừng rồi. Ðó cũng là lý do trong số 1133 vụ đã có hơn 700 là người gốc Latin. Tại sao? Vì đa số dân gốc Mễ có vấn đề hay cảnh sát kỳ thị. Cứ thấy Mễ là ra tay. Ðó là câu hỏi nhưng không có câu trả lời.
Sau đây là một vài con số thống kê hết sức lý thú :
• “ 70% cảnh sát dùng vũ lực : Xin hiểu rằng khi bị cảnh sát giữ lại, có tội hay không chưa biết. Tội nặng hay nhẹ chưa biết. Chống đối hay bị hiểu lầm là chống đối thì cảnh sát ra tay ngay. Tiên hạ thủ vi cường. Cop đập liền. 100 vụ có 70 vụ bị ăn đòn. Nếu không có tội gì khác thì sẽ bị tội kháng cự.
• “ 0% khiếu nại : Năm 2008, Sở Cảnh Sát San Jose không nhận được bất cứ ỳ khiếu nại nào của các nạn nhân. Tại sao : Dân chúng sợ hãi, tránh phiền phức. Coi như tai nạn, cho qua luôn . Báo chí bình luận rất hay. Thì nếu có nhiều khiếu nại là có vấn đề. Khi không có ai khiếu nại thì vấn đề lớn nằm ngay tại 0%.
Sau cùng báo SJMN đưa ra các điểm sau đây :
1) Phần lớn cảnh sát đã dùng vũ lực
2) Ða số bắt đầu từ lý do rất đơn giản
3) 82% đối tượng sắc tộc
4) Cảnh sát buộc tội chống cự, nhưng đa số được biện lý tha
5) Các nhà chuyên môn cho rằng cần xem lại việc cảnh sát dùng vũ lực
6) Thành phố San Jose đã phải trả $ 861,000 cho các nạn nhân năm vừa qua
Vẫn là vấn đề giáo dục:
Ðề tài lần này là 1 vấn đề dân sinh. Hết sức Dân Sinh. Cảnh sát San Jose sẽ chấn chỉnh và giáo dục nội bộ đến bờ bến nào. Ðó là chuyện của họ. Ý kiến độc giả Hoa Kỳ cũng có người cho rằng dầu sao lỗi lầm của cảnh sát San Jose cũng còn thông cảm được. Chưa hung bạo bằng cảnh sát các nơi khác. Vấn đề là người dân phải cộng tác.
Bị bắt giữ phải bình tĩnh và tuân lệnh 100%. Sau đó quan sát, ghi nhận và nếu cần thì khiếu nại. Cảnh sát đến ta lại vùng vằng la lối để rồi bị đánh, bị bỏ tù, được tha vì vô tội, lại im lặng không khiếu nại. Như vậy là không được.
Lời khuyên này không phải dành cho người Mỹ. Ðây là lời khuyên dành cho tất cả mọi người. Một cụ già Việt Nam 80 tuổi tại quận Cam vừa bị cảnh sát đánh có thương tích. Lý do chạy xe bị phạt, không chịu ký giấy phạt, vùng vằng la lối. Cop đập ngay, chẳng nể nang gì bậc cao niên Á Châu khả kính. Vị cao niên của chúng ta đã được chỉ dẫn là không được ký vào bất cứ giấy tờ gì mà mình không hiểu rõ. Phải chờ luật sư. Bài học quý giá đó không đúng khi phải ký giấy phạt của cảnh sát. Cũng không đúng khi phải ký những giấy tờ hành chánh thông thường trong đời sống.
Vào nhà thương trước khi giải phẫu mà không chịu ký giấy trước thì bác sĩ giải phẫu đành khoanh tay đứng chờ. Không ký giấy cam kết dù chẳng biết nội dung, thì làm sao có điện, nước, có tel dùng trong nhà.
Vì vậy đọc 1 bài báo hầu quý vị, chúng ta suy ngẫm được rất nhiều.
Một anh Hoa Kỳ, xe đạp không có đèn, bị cảnh sát đánh cho thương tích. Dù được tha vẫn còn hồ sơ tư pháp. Xe không có bảng số phía trước cũng trở thành vấn đề, bị bắt, được tha nhưng vẫn có hồ sơ. Một anh khác đang sửa xe, thấy cảnh sát vội lo chùi tay cho sạch bỗng trở thành hung phạm đang đi tìm súng. Không bị bắn chết là may.
Bây giờ mọi chuyện phơi bày nhờ ở sức mạnh báo chí, quả thực truyền thông tại Hoa Kỳ xứng đáng là đệ tứ quyền.
Chúng ta còn nhớ vụ cảnh sát bắn chết 1 nạn nhân Việt Nam bệnh tâm thần. Trước đây cảnh sát, biện lý quận và thành phố đều không đồng ý cho công bố nội dung khi thân nhân kêu 911. Sau loạt bài của báo chí, các giới chức địa phương hết sức tử tế hiền lành. Họ nói rằng nếu gia đình không quản ngại công bố chuyện riêng thì chúng tôi tiết lộ ngay chứ có gì đâu mà giấu giếm.Rõ ràng là cảnh sát và chính quyền đã chịu áp lực của dư luận do đệ tứ quyền đại diện để phải duyệt xét lại phương cách làm việc sao cho hữu hiệu mà không lạm dụng vũ lực.
Ðó là lý do chúng ta còn có thể đặt chút niềm tin vào đời sống dân chủ pháp trị Hoa Kỳ.
Từ trái sang phải SJMN Reporter Sean Webby, SJ Mayor Chuck Reed, Chief Police Bob Davis (nguồn: SJMN)
http://danchimviet.com/content_images/43/SJMN-CTPL.jpg
Nói chuyện với người nhà:
Một anh cảnh sát Việt Nam, con ông bạn, than thở với tôi : “Phần lớn cảnh sát làm việc tốt nên San Jose vẫn là nơi bình yên. Chỉ có 1 vài phần tử xấu.” Gặp vụ này, kẹt quá.
Cháu lại còn nhớ câu ngụ ngôn Việt Nam nên nói thêm: ”Con sâu làm rầu nồi canh.”
Bác bèn nói với cháu : “Hình như nồi canh hơi nhiều sâu chứ không phải chỉ có 1 con. May mà không có con sâu nào là cảnh sát Việt Nam.”
Chàng cảnh sát Việt Nam nói ngay : “Cháu bảo đảm là nếu gặp cảnh sát Việt Nam thì tất cả các vụ liên quan đều không xảy ra. Mình đến nơi, ngửi thấy mùi nhà bếp Việt Nam hương thơm ngào ngạt là thông cảm liền.. Cháu sẽ la lớn bằng tiếng Việt rõ ràng : Cảnh sát đây nhé. Bà con đứng yên tại chỗ. Chuyện đâu còn có đó. Nhúc nhích lộn xộn, mấy tay cảnh sát Mỹ này hay bắn hoảng bắn tiều. Ðứng yên đó. Tôi là cảnh sát Nguyễn đây. Tôi vào đây nhé. Chắc chắn mọi chuyện sẽ êm ngay.
Tôi bèn hỏi cháu Nguyễn: “Nếu vậy khi khẩn cấp có thể yêu cầu gọi cảnh sát Việt Nam được không.”“ Ðâu có được bác. Ðã gọi 911 là cảnh sát phải đến cấp kỳ. Có phải mời đi họp cộng đồng đâu mà lựa chọn cảnh sát Việt Nam..”
“ Vậy thì theo cháu thì có giải pháp nào tốt nhất cho cộng đồng Việt Nam.”
“Cần nhiều cảnh sát Việt Nam có khả năng và biết Việt ngữ ngon lành. Hiện nay vẫn còn thiếu. Và cần nhiều chương trình cảnh sát nói chuyện với cộng đồng bằng Việt ngữ.”
Bác cháu ngồi nói chuyện, anh Nguyễn cho biết hiện cảnh sát Việt Nam có chừng 40 người. Về cấp bậc có một đại úy, một trung úy, 5 trung sĩ . Ða số đều có công việc chuyên môn, chỉ còn số ít đi tuần tra. Vì vậy, khi có chuyện ít có dịp gặp cảnh sát Việt Nam. Theo đúng tỷ lệ thì còn cần thêm 100 cảnh sát Việt Nam mới đủ số 140. Vấn dề hiện nay là ngân khoản thiếu hụt nên không tuyển mộ. Lại thiếu người Việt có khả năng ghi danh và cũng khó vượt các giai đoạn huấn luyện rất vất vả. Có thể không bao giờ có đủ số cảnh sát Việt Nam theo đúng tỷ lệ 10% dân số.
Trở lại vấn đề căn bản là thái độ đối với cảnh sát khi gặp trường hợp bất thường. Xin hiểu rằng nếu mình là người lương thiện thì gặp sui nên mới bị bắt, bị còng tay. Việc cảnh sát đánh thị uy là chuyện rất thường. Chỉ cần lên Oakland nghe chuyện cảnh sát là biết San Jose hiền cỡ nào. Ðược lệnh xông vào nhà được mật báo có băng đảng, cần sa. ma túy với vũ khí. Cảnh sát không thể hành động như nhân viên xả hội. Phải còng tay tất cả mọi người đem về quận, rồi sẽ tính sau. Không thể biết ai là kẻ gian, ai là người ngay. Ai là băng đảng, ai là người vô tình đến chơi. Bị bắt oan sẽ được tha. Nhưng không cho cảnh sát còng tay là phạm tội chống đối. Nhiệm vụ của cảnh sát là phải ổn định hiện trường cấp kỳ. Cảnh sát đối diện với nguy hiểm mỗi ngày, nên vợ con thường nghĩ rằng thà chồng mất việc hay ở tù còn hơn là bị cướp bắn chết. Bác nghĩ coi, cảnh sát đeo gậy mà không dùng thì đeo làm gì. Xin nhớ rằng cảnh sát không phải là nhân viên xã hội. Khách hàng của cảnh sát là trộm cướp băng đảng. Cảnh sát nhìn ai cũng nghĩ là khách hàng, đôi khi quá tay, gặp sui đánh nhầm, bị chụp hình thì ráng chịu. Nhưng bác đừng ghi tên cháu nói.
Trước khi chấm dứt mạn đàm, tôi hỏi rằng nếu bác gặp sui rơi vào hoàn cảnh tình nghi, bị cảnh sát bắt giữ thì nên làm gì.
“Bác nên đưa hai tay ra phía trước cho họ còng. Dễ chịu hơn còng phía sau. Không nên phản đối sẽ bị đòn oan. Chẳng cần phân trần giải thích. Sẽ vô ích và chẳng ai nghe đâu. Hạ hồi phân giải.
Bài tác giả gởi Đàn Chim VIệt Online
------------------------------------
ĐÔI LỜI VỀ VĂN HÓA SỐNG VỚI DU SINH VIỆT NAM Ở MỸ
BS Hồ Hải
Thứ năm, ngày 29 tháng mười năm 2009
http://bshohai.blogspot.com/2009/10/oi-loi-voi-du-hoc-sinh-viet-nam-o-my.html
Nhân câu chuyện du học sinh Hồ Quang Phương bị cảnh sát Mỹ đánh đập dã man và sự việc lên án của báo chí Việt Nam. Cũng như cháu Hồ Quang Phương nhờ luật sư để kiện ra ra tòa 4 cảnh sát Mỹ tham gia vào cuộc đánh. Với vốn hiểu biết nhỏ nhoi của mình tôi xin gửi đến các du sinh, đặc biệt, các du sinh Việt sang Mỹ ở tuổi trưởng thành một số hiểu biết của mình về văn hóa đối xử với cảnh sát Mỹ. Ngõ hầu sự việc đáng tiếc này không còn xảy ra nữa.
Văn hóa Mỹ là văn hóa du mục, duy lý. Khác với văn hóa Việt là văn hóa nông nghiệp, duy tình. Cách sống, quan hệ xã hội và pháp luật ở Mỹ không như ở Việt Nam. Nước Mỹ là nước tự do và dân chủ ai cũng rõ. Họ tự do vì họ là những con người ra đi từ những vùng miền chịu sự đàn áp của lề thói cũ, tụ hội về Mỹ để làm một xã hội mới theo tư tưởng phóng khoáng như tuyên ngôn độc lập mà họ viết ra năm 1776. Một tuyên ngôn độc lập mà có thể xem là hoàn hảo nhất nhân loại, đến nỗi cụ Hồ cũng phải vay mượn nó để viết bài tuyên ngôn độc lập cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Họ tự do vì ở đó giống như con người và mãnh đất miền Nam Việt Nam mà tôi đã viết trong bài 300 năm xây và 30 năm phá. Thậm chí, họ còn có luật dùng súng. Chính vì thế, cảnh sát Mỹ phải chịu nhiều áp lực của những băng cướp có súng lớn, súng nhỏ, thậm chí cả bom. Và luật pháp Mỹ cũng cho cảnh sát có rất nhiều quyền. Họ cũng rất mạnh tay với tội phạm và ai bị tình nghi là tội phạm khi cần thiết. Cho nên bạn cần phải tôn trọng cảnh sát, không nên chống cự và cãi lại họ. Nếu muốn gì bạn có thể chờ khi ra tòa, còn chống và cãi lại họ, nguy hiểm sẽ đến với bạn là chuyện đương nhiên. Một câu nói mà nếu ai đã từng xem phim hình sự Mỹ thường thấy dịch ra: "Bạn có quyền giữ yên lặng. Mọi lời nói của bạn đều là bằng chứng trước tòa án". Chỉ lời nói thôi, không cần hành động sai đều là bằng chứng chống lại bạn trước tòa. Câu nói này thể hiện tất cả những gì tôi đã nói ở trên và sau đây.
Khi bạn đi xe phạm luật bạn nên vui vẻ nhận giấy phạt, không được đôi co hay chống đối. Và lúc nào trên khuôn mặt bạn cũng phải tươi cười với những câu nói: "Yes, Sir" hoặc "No, Sir". Nếu bạn thấy không công bằng thì hãy đợi đến ngày ra tòa. Nếu bạn đi xe bị chặn lại vào ban đêm. Bạn phải giảm tốc độ, bật đèn khẩn cấp. Bật sáng hết toàn bộ đèn trong xe. Báo cho cảnh sát biết là bạn đang chọn chỗ đậu có đèn sáng, hạ cửa kiếng xuống, nhưng không được ra khỏi xe và 2 tay phải để trên tay lái, chờ cảnh sát đến. Không nên rời tay khỏi tay lái trước khi cảnh sát yêu cầu bạn làm bất cứ chuyện gì. Vì ngược lại như thế bạn sẽ bị cảnh sát nghi ngờ rút súng bắn cảnh sát. Bạn nên hỏi cảnh sát trước là họ yêu cầu gì? bằng lái xe, thẻ bảo hiểm xe ... Chỉ được bước ra khỏi xe khi họ yêu cầu. Và phải làm tất cả những gì họ yêu cầu như: đưa 2 tay ra sau gáy, dạng chân thậm chí đưa tay vào còng mà không được phản kháng. Nếu không có vấn đề gì bạn sẽ được thả ra sau đó. Nhưng nếu bạn làm sai những gì tôi đã nói ở trên thì bạn có thể mất mạng. Dĩ nhiên, nếu cảnh sát bắn bạn vô lý, họ sẽ ở tù. Nhưng chờ họ ở tù thì bạn đã mất mạng vì không hiểu luật và văn hóa sống của Mỹ.
Không được uống chất có cồn khi lái xe. Nếu bạn bị tội này thì nếu bạn đã có thẻ xanh chờ vào quốc tịch thì bạn cũng bị trục xuất về Việt Nam. Tội này gọi là tội DWI (Driving while intoxicaed). Không nên cho ai đi nhờ. Dù bạn thấy một người đang hư xe dọc đường họ đón lại. Bạn chỉ có thể giúp họ kêu xe cứu hộ, chứ không nên cho đi hộ, ngoại trừ người quen biết. Nếu không bạn có thể bị cướp. Nếu bạn thấy 1 cô gái xinh đẹp đi trên đường dưới trời mưa hoặc nắng chang chang, bạn cũng không nên cho cô ta đi nhờ. Vì cô ta có thể sẽ tố cáo bạn là quấy rối tình dục.
Không nên quan hệ tình dục với bạn gái dưới 18 tuổi. Ngoại trừ bản thân bạn dưới 18 tuổi thì không sao. Nhưng, nếu bạn lớn hơn 18 tuổi mà quan hệ trẻ gái dưới 18 tuổi, dù bạn gái đó yêu cầu thì bạn cũng có thể mang tội hãm hiếp trẻ vị thành niên. Tội này thì xem như bạn vứt cuộc đời bạn xuống bùn khi bạn còn sống trên đất Mỹ. Dù bạn quan có quan hệ với bạn gái 18 tuổi, nhưng khi bạn gái đó nói "No" sau khi đã lột quần áo, thì bạn cũng phải ngưng ngay. Nếu không bạn sẽ bị tội "date rape". Tội date rape cũng nặng không thua gì bất kỳ tội hãm hiếp nào. Đừng bao giờ có suy nghĩ như ở Việt Nam là cô ta giả bộ, cứ tiến tới sẽ thành công. Nguy hiểm đấy.
Không nên thấy trẻ con Mỹ dễ thương (trẻ con Mỹ thì hầu hết đẹp như thiên thần) mà cho kẹo, bánh khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ nó. Dù là con cháu của bạn. Không nên nựng trẻ con kiểu như ở Việt Nam là sờ ti bé. Làm như thế bạn sẽ bị kiện là xâm phạm tình dục trẻ em (child molesting) ở tù rất nặng.
Bạn không được hăm dọa bất kỳ ai bằng lời nói hay hành động, nhất là đối với dân bản xứ. Nói dong dài để rồi cuối cùng quay về vấn đề cháu Hồ Quang Phương. Sở dĩ cháu Phương bị gọi 911 là vì cháu đã dọa giết sinh viên Mỹ bản xứ bằng lời: "Nếu mà còn ở quê nhà tao thì tao đã giết mày rồi." Khi cảnh sát đến, Phương không tuân theo yêu cầu cảnh sát mà cứ đi theo cảnh sát. Nên cảnh sát nghi ngờ Phương sẽ tấn công cảnh sát. Nên cảnh sát phải tự vệ vì điều đó. Chưa hết cảnh sát còn nói là Phương đã chống cự lại cảnh sát.
Câu chuyện không biết ai đúng, ai sai? Còn phải chờ điều tra rõ ràng. Nhưng trước đó, Phương cũng đã bị ăn đòn nhừ tử vì thiếu hiểu biết. Vấn đề còn lại là làm sao để Phương thắng kiện? Một người quen của tôi, sống ở Mỹ trên 30 năm, chưa thấy một luật sư người Việt Nam nào ở Mỹ thắng kiện trong loại vụ việc như thế này. Còn cho rằng muốn tương đương chứ chưa nói đến thắng kiện thì ít nhất Phương phải có 3 điều kiện tối thiểu sau:
1. Bằng chứng video tape đã có.
2. Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ phải hết lòng ủng hộ từ xã hội đến các trường.
3. Phải thuê 1 luật sư giỏi người Mỹ. Còn luật sư người Việt dù có giỏi chưa chắc thành công. Ngay cả thuê những luật sư giỏi của Việt Nam ở Mỹ cũng chưa chắc thắng.
Cuối cùng cũng cầu mong cho cháu Phương được kiện, Nếu không được thắng theo kiểu buộc tội về mặt pháp lý đối với 4 cảnh sát (Criminal case), thì ít ra cũng được bồi thường tiền y tế (Civil case) là tốt lắm. Vì nó là con số có mơ thì cả một đời người cũng khó có thể làm ra. Nó lên đến cả triệu đô la Mỹ kim. Chính vì thế mà ở Mỹ rất dễ bị kiện tụng ra tòa. Đặc biệt, làm nghề y như tớ mà bị kiện, nếu không mua bảo hiểm thì chỉ có nước đi ăn cám. Cỡ như bác sĩ Tỵ giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định thì tù mọt gông và bị tước bằng từ lâu chứ không có chuyện lùm xùm và bảo kê của một ai đó để tồn tại đến ngày hôm nay.
Mong rằng bài vết này có thể giúp ích cho các cháu du học sinh Việt Nam trên đất Mỹ. Chúc hạnh phúc.
No comments:
Post a Comment