ĐÔNG Á SẼ RA SAO?
BS Hồ Hải
Thứ sáu, ngày 06 tháng mười một năm 2009
http://bshohai.blogspot.com/2009/11/ong-se-ra-sao.html
Như một bài viết của tôi vào ngày 25 tháng 8, kế hoạch chạy đua giữa Trung Quốc và Mỹ trong tình hình kiểm soát biển Đông và Thái Bình Dương đang ráo riết và khẩn trương. Thế giới hôm nay không còn là sự cạnh tranh ý thức hệ như thế kỷ XX. Sự cạnh tranh của thế giới ngày nay là cạnh tranh về năng lượng và lương thực. Người Mỹ muốn kiểm tra Trung Quốc và các quốc gia Đông Á trong việc nhập khẩu và trung chuyển năng lượng qua eo biển Malacca. Chính vì thế Trung Quốc đã chọn cách của họ bằng cách ký hợp đồng với chính quyền quân sự Miến Điện để xây dựng đường ống dẫn khí gas và dầu đi ngang qua lãnh thổ Miến Điện đến tỉnh Vân Nam, để tránh việc chuyên chở các tàu hàng qua eo biển Malacca mà Mỹ đã chuẩn bị mấy năm gần đây để hòng tạo thế đối đầu trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước có liên quan trong khu vực.
Theo VOA ngày 03/11/2009, Tổ hợp dầu khí Quốc Gia National Petroleum Corporation của Trung Quốc hôm thứ ba cho biết sẽ bắt đầu xây dựng một đường ống tại Miến Điện để dẫn dầu từ Trung Đông. Một thông tin mà người Mỹ phải lo toan hơn khi sợ vai trò của mình ở khu vực Đông Nam Á ngày càng yếu đi. Chính vì thế mà trong tháng 9/2009 thượng nghị sĩ Jim Webb của đảng dân chủ Mỹ đã có 1 chuyến con thoi trong quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Sau chuyến đi đó, mặc dù người Mỹ có mềm mỏng hơn với chính quyền quân sự của Miến Điện và chính quyền này cũng có những nới lỏng với thành viên đối lập là bà Aung San Suu Kyi. Nhưng, với thông báo trên của Trung Quốc về đường ống khởi công giai đoạn 1 và chính quyền quân sự Miến Điện sẽ được lại quả khoảng 29 tỷ USD trong vòng 30 năm. Người Mỹ đã phải tuyên bố vuốt ve là sẵn sàng cải thiện bang giao với Miến Điện.
Theo dõi tiến trình này ta thấy khả năng mất dần thế chiến lược của Mỹ tại Đông Á. Vì bên cạnh ngày một lấn lướt của Trung Quốc ở biển Đông và những biện pháp thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ trong việc cung ứng năng lượng thì Nhật mới đây đòi quyền bình đẳng trong ban giao với Mỹ. Ngay cả khi Mỹ còn kiểm soát được nhưng Trung Quốc vẫn ngày một lấn tới trong tiến trình thực hiện mục đích làm chủ khu vực kiểu vết dầu loang. Đã thế, hôm qua Trung Quốc còn công khai quân sự hóa không gian. Đất liền thì đã thiết lập từ thế kỷ trước, biển đảo thì gần như đã nắm 80%. Không gian quân sự sẽ là điều cuối cùng Trung Quốc sẽ xác lập. Thế thì khi Trung Quốc xây dựng xong đường ống xuyên qua Miến Điện thì số phận Đông Á sẽ ra sao? Mỹ sẽ còn có thể kềm tỏa được Trung Quốc khi họ diễu võ dương oai? Không biết thuyết ngờ vực của tôi có đúng không, nhưng trước mắt thấy Trung Quốc ngày càng mạnh và muốn chứng minh quyền lực với thế giới còn lại.
Có cái gì đằng sau các sự việc này? Liệu có sự bắt tay của cặp vợ chồng đồng sàng như dị mộng giữa Mỹ và Trung Quốc như đã từng xảy ra với Việt Nam năm 1973 ký kết hiệp định Paris, sau khi Mao mời Nixon sang thăm và chuyện năm 1978 để Trung Quốc đánh vào biên giới phía Bắc Tổ Quốc ta khi Đặng xin phép Carter dạy Việt Nam một bài học không?
No comments:
Post a Comment