Tuesday, November 24, 2009
BA BÀI HỌC CHÍNH TỪ CHUYẾN ĐI TRUNG QUỐC của OBAMA
Ba bài học chính từ chuyến đi Trung Quốc của Obama
Tony Karon, Time Magazine
Cymbidium, X-Cafe chuyển ngữ
21.11.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2393
Cuộc viếng thăm Trung Quốc của Tổng Thống Obama đã đem lại sự hợp tác nhỏ nhoi quý báu của họ đến những quan tâm hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ, từ vấn đề tiền tệ cho đến Iran. Đó là dấu hiệu chuyển giao quân bình thế lực giữa hai quốc gia từng tay trong tay một cách miễn cưỡng trong hơn ba thập niên qua. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố “Tôi có nhấn mạnh với TT Obama rằng, với sự khác biệt về điều kiện quốc gia của chúng ta, hai bên bất đồng trên vài phương diện thì đó chỉ là chuyện bình thường. Điều quan trọng là phải tôn trọng và dàn xếp những quyền lợi căn bản và quan ngại chính của mỗi bên.”
Đương nhiên, những quan ngại của Trung Quốc đã gia tăng một cách đáng kể trong vài năm gần đây và được biểu hiệu qua sự lo lắng của Bắc Kinh về sự liên quan giữa tài sản dựa trên đô la của họ với những thâm thủng ngân sách Hoa Kỳ. Trong cùng lúc đó, Bắc Kinh cũng không vội vàng gì để đóng vai siêu cường quốc tế “còn lại” được bỏ trống bởi Liên Sô cách đây hai thập niên.
Sau đây là ba bài học chính yếu rút tỉa từ cuộc thăm viếng:
1. Trung Quốc đang lên và Hoa Kỳ đang xuống nhưng “quá lớn để thất bại”
Như tờ báo Washington Post đã viết, khi Tổng Thống Bill Clinton viếng Bắc Kinh cách đây một thập niên, Hoa Kỳ nợ Tây Ban Nha nhiều hơn là nợ Trung Quốc. Ngày nay, nước Mỹ của Tổng Thống Obama nợ Trung Quốc 800 tỷ đô la và còn nữa. Kinh tế của Trung Quốc lại một lần nữa tiếp tục tiến triển trong khi kinh tế Hoa Kỳ còn lận đận trong vài năm nữa. Kinh tế xuống dốc nhanh chóng và sự thất bại của Mỹ về đặt để ý muốn của họ trong hai cuộc chiến rất tốn kém đang diễn ra ở Iraq và A Phú Hãn đã làm giảm ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ. Ngày nay, những quốc gia kém xa Trung Quốc thường từ chối nghe theo sự dẫn dắt của Washington. Chiến thắng Chiến Tranh Lạnh của chủ nghĩa tư bản đã đem đến phần lãi trớ trêu là sự phát hiện những trung tâm quyền lực mới trong nền kinh tế toàn cầu, đó là Ba Tây, Nga, Ấn Độ, và đương nhiên, Trung Quốc.
Với sức khoẻ kinh tế và ảnh hưởng càng tăng trưởng, Bắc Kinh không những có thể đơn giản từ chối yêu sách của Hoa Kỳ; họ còn có những yêu sách riêng của họ đối với Mỹ mà nền kinh tế của nước này đã làm kẹt hầu hết tài sản của Trung Quốc. Thí dụ, các nhân viên chính phủ Mỹ tháp tùng TT Obama đã phải đối diện với những câu hỏi đầy chi tiết về phương cách Hoa Kỳ trù tính trang trải cho cải cách hệ thống bảo hiểm sức khoẻ, trong khi Trung Quốc càng trở nên lo sợ về ngân qũy thiếu hụt càng ngày càng gia tăng và viễn cảnh kinh tế u ám của Mỹ. Điều may mắn nhất cho Hoa Kỳ hiện nay trong mối liên hệ kinh tế với Bắc Kinh - một chủ nợ 800 tỷ đô la của Mỹ và giữ 2000 tỷ đô la tiền mặt – là đối với Trung Quốc, kinh tế Hoa Kỳ đơn giản là “quá lớn để thất bại.”
Trong khi Hoa Kỳ hiện nay cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trên nhiều vấn đề kinh tế và địa chính trị, Bắc Kinh ít lệ thuộc vào sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ mặc dù họ ngần ngại khi có bất cứ dấu hiệu phản đối nào từ Washington về chính sách mậu dịch bảo vệ công nghiệp trong nước của Trung Quốc. Dù một số người ở Washington sẽ chỉ trích Obama quá nể nang và để Trung Quốc đạo diễn cuộc thăm viếng để tránh né sự âu lo trong nước, sự chuyển giao về cán quân quyền lực thật sự mới là điều buộc Hoa Kỳ thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc.
2. Trung Quốc không muốn quản lý thế giới, nhưng quyền lợi của họ khác quyền lợi Hoa Kỳ
Nước Nga có thể đang chơi cờ địa chính trị với Mỹ với mục đích vớt vát từ sự đổ nát vai trò cường quốc của họ, nhưng Trung Quốc thì khác. Họ chống cự lại những đề xướng của Mỹ khi chúng được xem như đi ngược với quyền lợi quốc gia của Trung Quốc. Iran là một thí dụ điển hình. Vốn đầu tư sâu đậm và sự lệ thuộc của Bắc Kinh vào khu vực năng lượng của Iran gây cực kỳ khó khăn cho những hình phạt khắt khe hoặc chính sách tạo ra rối loạn chính trị ở Tehran. Trong khi kêu gọi tuân theo tổ chức giới hạn bành trướng, Bắc Kinh không tin Iran là mối đe dọa vũ khí nguyên tử trước mắt và phản ứng của họ với chương trình nguyên tử của Bắc Hàn cho thấy họ có thể chung sống được với một Iran được trang bị vũ khí hạt nhân.
Obama đến Trung Quốc để biện hộ rằng sự trổi dậy của họ như là một thế lực quan trọng đưa đến trách nhiệm lớn hơn, cùng sát cánh với Hoa Kỳ để giúp cai quản thế giới và giải quyết những thử thách toàn cầu như thay đổi khí hậu và Iran. Thật ra, ý tưởng vai trò lãnh đạo thế giới tập trung vào sự hợp tác “G2” giữa Washington và Bắc Kinh gây ra cơn rùng mình tập thể ở hành lang quyền lực Âu Châu. Nhưng họ không cần lo âu. Câu trả lời của Trung Quốc cho Obama có thể được đọc là: “Quản lý thế giới là chuyện của ông, chúng tôi chú tâm vào quản lý xứ sở riêng của chúng tôi và bảo đảm an ninh trong vùng giáp ranh. Chúng tôi muốn quan hệ hoà thuận với ông, nhưng đừng mong chúng tôi làm bất cứ gì mà chúng tôi nghĩ tổn hại đến quyền lợi quốc gia của chúng tôi.” Điều đó có nghĩa là không có hình phạt nặng cho Iran, không cần biết Washington và Moscow đã đạt được đến thỏa thuận gì, bởi vì quyền lợi quốc gia của Trung Quốc cần đến xuất cảng năng lực đang gia tăng từ Iran.
3. Duyên ngầm không thể thay đổi thế giới
Sự tín cẩn cá nhân giữa Tổng Thống Ronald Reagan và lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbachev là điều tối cần để nuôi dưỡng môi trường đưa đến chấm dứt chiến tranh lạnh một cách nhanh chóng với không một tiếng súng. Các Tổng Thống Clinton, Bush và hiện nay Obama tất cả đều cố gắng nuôi dưỡng quan hệ cá nhân với những đối tượng Trung Quốc của họ để hy vọng làm trôi chảy mối giao hảo rắc rối. Nhưng cái hữu dụng của duyên ngầm trong việc đối phó với Trung Quốc có nhiều hạn chế, chỉ vì một lý do đơn giản:
Trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ là “người quyết định”, theo lời của Tổng Thống George W. Bush, đối tượng tương ứng Trung Quốc thì không. Ông ta không phải là người bù nhìn, nhưng quyền hạn hành pháp ở Bắc Kinh được giữ dưới dạng lãnh đạo tập thể của ủy ban chín người đương nhiệm trong Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc – đương nhiên, trong đó Hồ Cẩm Đào là nhân vật chính. Nhiều quan sát viên nói đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố tránh những buổi họp tay đôi không chính thức với người Mỹ; họ thích hơn trao đổi những bài diễn văn được soạn và được Bộ Chính Trị thông qua trước.
Vấn đề giao thiệp với những cấu trúc lãnh đạo ngoại quốc không rõ ràng là một vấn đề hay xảy ra đối với chính phủ Hoa Kỳ. Tuần trước, Obama gặp Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev để thảo luận về những hình phạt cho Iran, nhưng sẽ không có gì xảy ra trừ khi Thủ Tướng Vladimir Putin đồng ý. Và người Iran chính họ cũng trở nên càng phức tạp hơn từ khi quân bình quyền lực truyền thống giữa chính phủ và giới lãnh đạo tôn giáo bị lung lay bởi náo động sau bầu cử. Cái duyên dáng và sự lôi cuốn của Tổng Thống Obama có thể là một lợi điểm cho Hoa Kỳ khi giao thiệp với nhiều quốc gia, nhưng, dù cho đó không phải là lỗi tại ông, Trung Quốc không nhất thiết là một trong những quốc gia này.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment