APEC 2009 : Một tương quan quyền lực kinh tế thế giới mới vừa được ra đời
Nguyễn Minh
Đăng ngày 18/11/2009 lúc 17:02:34 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4335
Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh của diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation APEC) lần thứ 17 tại Singapore vừa chấm dứt, chủ nhật 15-11-2009, giới truyền thông quốc tế và Việt Nam liền chuyển sự chú ý sang Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen về môi trường, sẽ được nhóm họp tại Đan Mạch từ ngày 7 đến 18-12 sắp tới. Người ta chú ý nhiều tới hội nghị Copenhagen vì số lượng quốc gia tham dự, 44 quốc gia thay vì 21 như APEC, và đề tài thảo thảo qui mô hơn vì liên quan đến sự sống còn của loài người và các sinh vật trên trái đất, do đó hấp dẫn hơn nhiều.
Như mọi họp mặt quốc tế cấp cao, dư luận quốc tế và Việt Nam theo dõi hội nghị APEC 2009 một cách hững hờ, vì các đề tài thảo luận và quyết định của hội nghị không liên quan hay ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường ngày của mỗi người. Nhưng đối với những người quan tâm đến chính trị, nhất là chính trị tại Việt Nam, những thỏa thuận hay cam kết trong hội nghị này liên quan trực tiếp đến chỗ đứng và tương lai của dân tộc Việt Nam trên chính trường quốc tế và khu vực.
Không phải tình cờ mà có hơn 10.000 đại biểu các cấp lãnh đạo của 21 quốc gia trong khu vực đến tham dự hội nghị APEC Singapore 2009. Tuy hội nghị chỉ kéo dài trong 5 ngày (từ 11 đến 15-11-2009) nhưng số buổi họp đã phá mọi kỷ lục: hơn 80 cuộc họp từ cấp chuyên gia đến các hội đồng bộ trưởng và báo chí. Thời gian từ 11 đến 13-11 là các cuộc họp của các cấp chuyên gia, các cấp bộ trưởng và hội đồng các bộ trưởng về các vấn đề chuyên môn: tài chánh, thương mại, ngoại giao. Các vị nguyên thủ quốc gia chỉ đến họp từ ngày 14-11 để ra một tuyên bố chung ngày 15-11-2009 mà thôi. Tất cả mọi trao đổi, thương lượng và thỏa thuận đã diễn ra trong những ngày trước đó.
Được thành lập cách đây 20 năm, ngày 6-11-1989, với 12 quốc gia thành viên, diễn đàn APEC đã phát triển và qui tụ 21 quốc gia thành viên. Mục tiêu ban đầu của APEC là cải thiện đà tăng trưởng kinh tế và phồn vinh của các quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ trong khu vực để cùng chia sẻ những phúc lợi chung, nói chung là để khuyến khích sự tự do trao đổi thương mại quốc tế. Trong thực tế, mục tiêu chính nhưng không nói ra, sự ra đời của APEC là để tăng cường và củng cố sức mạnh kinh tế của các quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ, và đồng thời là hậu cần kinh tế chiến lược quan trọng của Mỹ nhằm đối đầu về lâu về dài với khối cộng sản tại Châu Á trong cuộc chiến tranh lạnh. Không ngờ ba ngày sau thì bức tường Berlin sụp đổ (9-11-1989), sự ra đời của tổ chức APEC không còn lý do tồn tại, Trung Quốc, Hongkong và Đài Loan xin gia nhập năm 1991. Trong suốt thời gian từ 1989 đến 1993,ø không một hội nghị nào được tổ chức sau 3 năm ra đời. Lý do này giải thích tại sao hội nghị thượng đỉnh APEC Singapore 2009 lần này là thứ 17.
Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đánh bại quân của Saddam Hussein và chiếm lại Kuwait. Chi phí dồn cho cuộc chiến này quá lớn khiến sinh hoạt kinh tế của Hoa Kỳ và đồng minh bị trì trệ, phục hồi tăng trưởng kinh tế là điều bắt buộc. Hoa Kỳ quyết định hồi sinh lại APEC để làm đầu cầu thúc đẩy tăng trưởng, với sự cộng tác của ba đồng minh chiến lược chính tại Đông Á là Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan. Do đó Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ nhất được tổ chức tại Blake Island (gần Seattle, Hoa Kỳ), từ 17 đến 19-11-1993, nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy phồn vinh bằng cách giảm thiểu mọi cản trở về thuế quan và đầu tư để thúc đẩy trao đổi thương mại. Từ sau ngày đó, hội nghị thượng đỉnh APEC được nhóm họp mỗi năm một lần theo thứ tự luân phiên.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai được tổ chức tại Bogor (Indonesia), từ 11 đến 15-11-1994. Đây là hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất vì nó đặt nền tảng vững chắc để thực hiện những mục tiêu của tổ chức APEC trong 25 năm tới, gọi là Những mục tiêu Bogor: tiếp tục thúc đẩy và hoàn tất quá trình tự do buôn bán và đầu tư đối với các quốc gia phát triển là năm 2010 và đối với các quốc gia đang phát triển là năm 2020. Nói chung là tự do hoá các dịch vụ buôn bán và đầu tư.
Là thành viên cuối cùng của APEC (được kết nạp năm 1998 cùng với Nga và Peru), Việt Nam chủ trì hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14, tổ chức tại Hà Nội từ 18 đến 19-11-2006. Hai chủ đề chính của hội nghị này là: dành mọi ưu đãi cho tự do buôn bán và đầu tư ; xác tiến những cải tổ cơ bản nhằm thúc đẩy năng động, tăng trưởng và phát triển bền vững.
Hội nghị thượng đỉnh APEC Singapore 2009 lần thứ 17 có một tầm quan trọng đặc biệt, nó đánh dấu một khúc quanh mới trong tương quan quyền lực kinh tế tại Châu Á - Thái Bình Dương. Cho đến 2007, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia lãnh đạo APEC cả về kinh tế lẫn thương mại. Nhưng từ sau cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế thế giới năm 2008, sinh hoạt kinh tế của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh tại Châu Á (Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan) suy yếu hẳn, vai trò lãnh đạo kinh tế thế giới của Hoa Kỳ đang được đánh giá lại trước sự vươn lên của Trung Quốc và Nga. Thêm vào đó, Hoa Kỳ đã chi rất nhiều vào hai cuộc chiến tại Afghanistan (2001) và Iraq (2003) nên ngân sách quốc gia thâm thủng trầm trọng (-1 417 tỉ USD năm 2009), chính phủ phải đi vay tiền và phát hành công khố phiếu để bù đắp lỗ hổng tài chánh. Sự kiện này là làm đồng đô la Mỹ (USD) suy yếu và những quốc gia lệ thuộc vào tỉ giá đồng đô là Mỹ càng suy yếu hơn, trong đó có Trung Quốc (đã mua gần 900 tỉ USD công khố phiếu của Mỹ để làm nguồn dự trữ ngoại tệ). Mặc dầu không hài lòng trước sức mạnh kinh tế áp đảo của Hoa Kỳ, lãnh đạo các quốc gia Châu Á yêu cầu Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ hơn với từng đối tác trong khu vực để cân bằng hoá quan hệ kinh tế và trao đổi thương mại quốc tế.
Cũng nên biết, dân số của 21 quốc gia thành viên APEC bằng 1/3 tổng dân số trên thế giới (2,6 tỉ người), trọng lượng kinh tế tương đương 60% tổng sản lượng nội địa gộp (GDP) của thế giới, và 47% lượng trao đổi thương mại quốc tế. APEC là khu vực duy nhất trên thế giới còn giữ được mức tăng trưởng cao so với phần còn lại của thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế năm 2008 (Trung Quốc: 8%, Ấn Độ: 6,5%, Indonesia: 4,3%). Đây cũng là khu vực góp phần cao nhất cho đà phát triển chung của thế giới từ khi thành lập cho tới nay: gần 70% từ 1994 đến 2004). Trong thực tế, hơn phân nửa lượng trao đổi thương mại là với Hoa Kỳ.
Sau khi khối Đông Âu, bức tường Berlin và Nga sụp đổ (1989-1991), với sức mạnh quân sự và kinh tế có sẵn, Hoa Kỳ gần như lãnh đạo độc quyền thế giới về kinh tế và tài chánh. Sự độc tôn này đã khiến Hoa Kỳ mất định hướng, không còn dè dặt và nể nang bất cứ ai trên các vấn đề quốc tế. Khuynh hướng sử dụng bạo lực chiếm ưu thế và ngày càng lộ liễu: bắt sống Noriega (nguyên thủ Panama) năm 1989, đánh bại Iraq dể chiếm lại Kuwait (1990-1991), đổ bộ vào Somalia (1993-1994), can thiệp vào Haiti (1994), dội bom Bosnia-Herzegovina (1995), Kosovo và East Timor (1999), chiếm Afghanistan (2001), đánh Iraq (2003) và làm áp lực với các quốc gia tình nghi chứa chấp khủng bố và chế tạo vũ khí nguyên tử (Pakistan, Iran, Syria, Bắc Triều Tiên), v.v. Sự bất chấp dư luận quốc tế của Hoa Kỳ đã gây một phong trào bài Mỹ hoặc chống Mỹ trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tai Liên Hiệp Quốc và các quốc gia không cùng văn hoá với Mỹ. Từ 2003 trở lại đây, bất đồng ý kiến đã xảy ra ngay trong nội bộ các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ, khuynh hướng cổ xúy một thế giới đa cực và loại bỏ vai trò lãnh đạo độc tôn của Hoa Kỳ trên các vấn đề thế giới ngày càng chiếm đa số.
Đó là chưa kể Nga, một siêu cường quân sự bị suy yếu sau khi Liên Xô không còn, đang cố gắng phục hồi lại vai trò đối trọng với Mỹ trên các vấn đề quốc tế. Gần đây, từ đầu thiên niên kỷ thứ ba, sau khi gặt hái được nhiều thành quả kinh tế ngoạn mục, Bắc Kinh đang có khuynh hướng thay thế vai trò lãnh đạo của Liên Xô cũ để làm trung tâm kết hợp những quốc gia thuộc thế giới thứ ba và đối đầu trực tiếp với Mỹ trên các vấn đề quốc tế (Darfur, Bắc Triều Tiên, Iran). Một số tổ chức khủng bố Hồi giáo quá khích tại Trung Đông và Nam Á còn kêu gọi chống Hoa Kỳ bằng vũ lực nhằm phục hồi lại những giá trị văn hoá và tôn giáo truyền thống. Nói chung, vai trò lãnh đạo độc tôn của Hoa Kỳ trên thế giới đang bị đặt lại và muốn được thay đổi.
Nhưng đặt lại như thế nào và thay đổi ra sao? Đó là cả một vấn đề. Mặc dù không chấp nhận vai trò lãnh đạo độc tôn hay thù ghét Mỹ, gần như toàn bộ các quốc gia thù địch và lớn nhỏ trên thế giới đều cần đến Mỹ để tồn tại. Người ta cần Mỹ để buôn bán, để duy trì tăng trưởng kinh tế, để thu về ngoại tệ, để được bảo vệ khi bị tấn công, để có nơi đầu tư và cất giữ tài sản an toàn, hay chỉ giản dị là để làm bình phong củng cố quyền lực trong nước.
Sự bối rối về vai trò lãnh đạo của Mỹ thể hiện rõ qua hội nghị APEC Singapore 2009. Sự vắng mặt của tổng thống Mỹ Barack Obama trong ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh 14-11-2009 đã làm tẻ nhạt bầu không khí tay bắt mặt mừng của ngày gặp lại.
Thông tín viên Carrie Nooten của đài RFI (Pháp) tường thuật không khí ngày khai mạc như sau: "Tại hội nghị APEC, các nước tham gia sốt ruột chờ đợi sự hiện diện của tổng thống Obama vào buổi tối hôm nay [14-11-2009]. Bất chấp những khó khăn hiện nay về kinh tế, Hoa Kỳ phải chứng tỏ vẫn còn giữ vai trò đầu tàu của sự hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trước sự vươn lên ngày càng quan trọng của Trung Quốc. [...] Tốc độ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong 20 năm qua không sớm thì chày sẽ dẫn đến một cuộc tranh giành địa vị lãnh đạo về kinh tế, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh vừa qua [2008] đang hiện thực hoá quá trình thay ngôi nhường chỗ này. Các quốc gia APEC nói rằng họ không còn tín nhiệm vào mô hình của Mỹ, họ muốn một trật tự kinh tế thế giới mới cân bằng hơn. Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn còn nắm trong tay một số lợi thế. Một mặt, các quốc gia Châu Á vẫn còn e dè ý đồ của Trung Quốc trong ước muốn lãnh đạo kinh tế khu vực ; mặt khác, những quốc gia này yêu cầu Bắc Kinh phải thả nổi đồng dân tệ [CNY] theo yêu cầu của Hoa Kỳ".
Thái độ lừng khừng đối với Hoa Kỳ cho thấy một tâm lý bất an trong quan hệ hợp tác khu vực. Mọi người đều trông đợi thái độ đối phó của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế vừa qua, nghĩa là tiếp tục khuyến khích tiêu thụ bằng mọi giá, kể cả vay thêm tiền, để tạo tăng trưởng. Đối với các quốc gia APEC, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu béo bở hàng đầu để thu về ngoại tệ. Cũng phải nói thêm là phần lớn lợi tức thu về của các quốc gia xuất khẩu hàng hoá, trừ Nga, đều từ thị trường Hoa Kỳ.
Nhưng đối với tổng thống Obama thì khác. Hoa Kỳ thời Barack Obama không phải là Hoa Kỳ thời tổng thống George W. Bush trước đó. Lãnh đạo các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương rất lo ngại tính thựïc tiễn của Obama, chính ông đã ban hành những biện pháp bảo hộ mậu dịch đối với hàng hoá của Mỹ (tăng thuế nhập khẩu), với khẩu hiệu "buy american" (mua hàng Mỹ), đặc biệt là trong công nghệ xe hơi và sản phẩm sắt thép. Obama không chấp nhận tình trạng bất cân đối về ngoại thương tiếp tục thâm thủng thêm. Một vài thí dụ điển hình: năm 2008, Nam Hàn bán vào thị trường Hoa Kỳ gần 800.000 xe hơi trong khi chỉ mua hơn 60.000 xe hơi sản xuất tại Mỹ. Đối với Trung Quốc, vỏ xe hơi và lượng ống thép với giá rẻ tung vào thị trường Hoa Kỳ gây nhiều thiệt hại cho công nghiệp vỏ xe và sắt thép Mỹ. Nói chung các quốc gia APEC tuy ngoài miệng lớn tiếng phê bình và chỉ trích vai trò chỉ đạo độc tôn của Hoa Kỳ về kinh tế, nhưng trong thâm tâm rât lo sợ chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ vì nếu biện pháp này tiếp tục, chính họ gánh chịu thiệt hại chứ không phải Mỹ. Nhìn lại những thành tựu của APEC, lượng trao đổi với Hoa Kỳ đã chiếm hơn phân nửa những con số 60% tổng sản lượng nội địa gộp (GDP) và 47% lượng trao đổi hàng hoá quốc tế.
Sự vắng mặt của tổng thống Obama trong ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh APEC 2009 có lý do của nó, ông đang viếng thăm Nhật Bản và phác họa với các cấp lãnh đạo Nhật về vai trò mới của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sau hội nghi APEC 2009, Obama đã lần lượt viếng thăm Trung Quốc và Nam Hàn để thảo luận về những quan hệ song phương. Trong những cuộc họp song phương này, chính các quốc gia APEC phải nhượng bộ chứ không phải Hoa Kỳ vì tổng thống Obama không chấp nhận cán cân thương mại tiếp tục bị thâm thủng. Hoa Kỳ cũng không thể tiếp tục tiêu xài quá khả năng và không thể tiếp tục phát hành công khố phiếu hay vay thêm tiền, vì số nợ năm 2008 đã gần bằng 80% GDP, khoảng 12.000 tỉ USD.
Nhưng cho dù có thế nào, Hoa Kỳ không dễ dàng chấp nhận bị mất hay chia sẻ vai trò lãnh đạo kinh tế thế giới với bất cứ ai, kể cả với các đồng minh trong Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản, với Trung Quốc là cả một viễn tượng xa vời. Sự vượt trội của Hoa Kỳ không phải tình cờ, đó là một cố gắng không ngừng, dựa trên ý kiến và sáng kiến, của từng người Mỹ do đó không thể một sớm một chiều bị tước đoạt.
Dư luận và các khối hợp tác kinh tế thế giới rất muốn loại bỏ hay làm vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ, nhưng mọi người đều lo sợ phản ứng ngược lại. Hội nghị thượng đỉnh APEC Singapore 2009 là một thí dụ, một tương quan quyền lực kinh tế thế giới mới vừa được ra đời nhưng phải chờ nhiều năm nữa mới trở thành hiện thực.
Hiện nay tuy rất nhiều trung tâm quyền lực mới, về kinh tế lẫn quân sự, vừa được ra đời, nhưng không nơi nào có chiều dài và bề sâu lãnh đạo thế giới như Hoa Kỳ. Có thể Hoa Kỳ đã gây bất bình trong cách giải quyết các vấn đề quốc tế, nhưng không ai có thể chỉ trích hay tố cáo Hoa Kỳ chiếm hữu tài nguyên của các quốc gia khác làm của riêng. Hơn nữa, không ai có thể chỉ trích hay tố cáo Hoa Kỳ là một quốc gia độc tài hay vi phạm nhân quyền. Người ta có thể chỉ trích hay lên án Hoa Kỳ là xem-đầm (gendarme) quốc tế nhưng nếu không có sự hiện diện hay can thiệp quân sự của Hoa Kỳ, liệu thế giới ngày có được an toàn hay không ? Kể cả Trung Quốc, nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Afghnistan, liệu vùng Tân Cương có được sự an toàn như hiện nay hay không?
Nguyễn Minh
(Tokyo)
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment