Monday, August 31, 2009

QUYẾT ĐỊNH 97 - PHẢN BIỆN, PHẢN ĐỘNG hay PHẢN TIẾN HOÁ ?


Quyết định 97 - Phản Biện, Phản Động, hay Phản Tiến Hóa?
Lê Vĩnh
Cập nhật ngày: 30/08/2009
http://viettan.org/spip.php?article8869
“Tôi khinh miệt những cái mồm oang oang rao giảng và ’khích lệ’ sự phản biện, nhưng lại lăm lăm trong tay miếng băng keo và cái… còng số 8”, câu nói ngắn gọn đó của nhà báo Võ Đắc Danh lại gieo nhiều đồng cảm và để lại dư âm dài trong những tấm lòng cương trực trên đất Việt hôm nay. Đặc biệt vào lúc mà giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam thấy rằng, sau hàng chục năm dài “đảng là chân lý”, tiếp đến nghị định 31/CP và nay là thời của luật hình sự 88, không biết bao nhiêu hình thức “băng keo và còng số 8” đã được đảng dùng đến, nhưng xem ra vẫn chưa đủ. Bây giờ, qua quyết định 97 của ông Nguyễn Tấn Dũng, đảng phải chuẩn bị thêm nhiều băng keo và còng số 8 thích hợp khác để dùng sau ngày 15 tháng 9 này, hầu đáp ứng được nhu cầu bức thiết của đảng trong thời gian sắp tới.

Thực ra quyết định 97 chỉ liên quan đến việc tư nhân tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ. Nhưng quyết định này lại ghi rõ rằng: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần phải gởi ý kiến phản biện đó cho các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền, chứ không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ.”. Với chính sách về phản biện được xác định như vừa kể, quyết định 97 đã gặp nhiều phản ứng không đồng tình của giới trí thức ngay sau khi được công bố. Trong mấy tuần vừa qua, nhiều chuyên gia đã vạch rõ từ sự sai phạm trong việc ra văn bản này, cho đến những phân tích và chứng minh đây chỉ là một hình thức "bịt miệng" phản biện xã hội, một bước thụt lùi về dân chủ, đi ngược lại chủ trương “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” và thậm chí đi ngược lại hiến pháp hiện hành...

Ngay cả những người dễ tính nhất cũng thấy sự vô dụng của văn bản này. QĐ 97 quy định “cần phải gởi ý kiến phản biện cho các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền“. Đối với giới trí thức suốt hơn nửa thế kỷ qua, và hiện nay với ngay cả những người như ông Võ Nguyên Giáp đã mấy lần gửi kiến nghị can ngăn đến Bộ Chính trị, mà còn bị đảng vứt sọt rác, rồi lại còn động viên ông tướng này hãy tiếp tục đóng góp ý kiến cho đảng. Trí thức Việt Nam đâu có khờ đến độ vẫn không biết các góp ý của mình đi đâu suốt hơn 50 năm qua và tại sao đất nước cứ vấp vào các hầm hố ngày càng sâu như hiện nay.

Phản biện là sự nhận xét, đánh giá và đóng góp ý kiến phản hồi về một vấn đề nào đó hầu làm cho vấn đề được sáng tỏ, đúng đắn hơn. Để được như vậy, và đặc biệt đối với các vấn đề mang tầm vóc quốc gia, sự phản biện phải công khai, minh bạch, độc lập và tự do. Phản biện được quy định trong quyết định 97 là về những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã, đang hoặc sẽ được thi hành trên đất nước. Với những lãnh vực vừa kể, thường thì giới chuyên gia, trí thức sẽ là thành phần lên tiếng phản biện. Như vậy, đối tượng chính của quyết định này là giới trí thức. Đến đây câu hỏi được đặt ra là: tại sao giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam lại không dám cho công khai phản biện về đường lối, chính sách, và chủ trương của họ?

Câu trả lời là, dù liên tục sai lầm, nhưng lúc nào đảng cũng muốn nắm quyền lãnh đạo duy nhất trên mọi phương diện của đất nước. Sự phản biện công khai sẽ ngày càng bóc trần con đường mòn tư duy xưa nay của “thiếu kiến thức nhưng làm đại rồi khỏa lấp hậu quả” trong lề lối lãnh đạo, đồng thời vạch rõ tinh thần vô trách nhiệm của 15 nhà cai trị đang ngồi ở Bộ Chính Trị, và hệ quả đã được thực tế chứng minh là, đất nước phải đối diện với đủ loại vấn nạn nặng nề như hiện nay. Vì vậy, phản biện công khai không những sẽ làm tổn hại cho tư thế lãnh đạo của đảng, mà sẽ còn dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường khác. Vì một khi tư thế lãnh đạo của đảng bị lung lay, thì niềm tin vào đảng cũng bị soi mòn, dễ dàng tạo nên tình trạng “tự diễn biến” ngay chính trong hàng ngũ đảng viên. Đây là điều mà lãnh đạo đảng đang báo động bằng cả lời nói, văn thư, và báo chí. Tác động của “tự diễn biến” sẽ làm cho các cột trụ đang chống đỡ đảng mục dần từ trong ra, và sẽ theo nhau xụp đổ. Bởi vậy, tuy phản biện xã hội thường chỉ giới hạn trong thành phần trí thức, nhưng ảnh hưởng của nó lại rất rộng và hệ trọng, vì nó có khả năng tác động trên tư tưởng của toàn xã hội. Mà theo kinh điển cộng sản thì... “tư tưởng sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến hành động”.

Do tầm mức quan trọng như vừa kể, nên từ trước đến nay những tiếng nói phản biện hầu như bị dập tắt ngay từ trong trứng nước. Cuộc đàn áp nhân văn giai phẩm vào thập niên 1950 của thế kỷ trước chính là một chiến dịch để tiêu diệt những tiếng nói phản biện của giới văn nghệ sĩ, trí thức thời đó. Tiếp theo, những cuộc đàn áp, bắt bớ, giam cầm những nhà trí thức trong cuộc thanh trừng “xét lại chống đảng”, cũng không nằm ngoài chủ trương này, để cuối cùng trong xã hội chỉ còn lại tiếng nói duy nhất của đảng và “đảng là chân lý”; còn đối với nhân dân thì phản biện được đồng hoá với “chống đối”, với “phản động”, dễ dàng bị nâng lên hàng “quan điểm” để bị trừng trị... Hệ quả là hầu hết con người trong xã hội chỉ còn có thể biến thành một đàn cừu, hoặc là chỉ biết nhắc lại ý của đảng, hoặc bưng tai bịt mắt trước những sai trái trong các đường lối, chính sách của đảng... Một thí dụ điển hình vẫn thường được nhắc lại để minh họa mức tai hại của sự vắng bóng phản biện trong xã hội, là nghị quyết đại hội lần thứ tư của đảng, với chủ trương “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội ”. Lúc đó hầu như bất cứ văn bản nào của chế độ cũng đều mở đầu bằng hàng chữ: “Dưới ánh sáng nghị quyết 4 của đảng....”. Nhưng đến khi bắt buộc phải “đổi mới” từ thời 1986 đến nay, thì cũng chính giới lãnh đạo đảng đã không tiếc lời chê bai cái thời bao cấp dưới “ánh sáng nghị quyết 4 của đảng” đó; và họ làm như thể sự bần cùng của đất nước, sự tụt hậu vì điểm xuất phát quá thấp là do ai đó tạo ra, chứ đảng chẳng có trách nhiệm gì cả. Và cứ thế họ tiếp tục huênh hoang về công trạng lãnh đạo của đảng đối với đất nước... Tuy nhiên, cũng kể từ đó, giới trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam đã tận dụng mọi cơ hội để gióng lên tiếng nói phản biện trước những chính sách, đường lối của đảng.

Bài viết “Bàn về sự lãnh đạo của Đảng” trên báo Khoa Học và Tổ Quốc số tháng tư năm 1990 của ông Nguyễn Kiên Giang được dư luận coi là một trong những bài phản biện mạnh mẽ nhất của thời đó. Đương nhiên tờ báo này ngay lập tức bị đóng cửa 10 tháng và tác giả bị trù dập tàn nhẫn. Trong bài viết này, ông Nguyễn Kiên Giang đã thẳng thắn nhận định rằng “Mọi ý kiến khác với ý kiến những người lãnh đạo của Đảng bị coi là chống Đảng, mà chống Đảng cũng có nghĩa là chống Nhà nước, chống chế độ, chống cách mạng. Cho đến khi Đảng nhận ra được những sai lầm của mình (triệt để hay không triệt để) thì xã hội đã gánh chịu những hậu quả cay đắng, chưa nói tới một số người phải chịu đựng sự trừng phạt trái pháp luật mà đến nay vẫn chưa giũ bỏ dược hết số phận oan trái của mình.” Sau khi phân tích về sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đưa đến những đặc quyền cho đảng, ông đã nhấn mạnh rằng:“Nhưng còn một thứ đặc quyền khác còn nguy hiểm hơn nhiều: đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý. Có thể tính tác hại của đặc quyền vật chất thành những số tiền của mất đi, nhưng không thể nào tính được tác hại của đặc quyền tinh thần của độc quyền chân lý bằng những thước đo sờ thấy. Mà tác hại của thứ đặc quyền này đối với xã hội thì thật ghê gớm.”

Đến nay, gần 20 mươi năm sau khi ông Nguyễn Kiên Giang viết những giòng trên, giá trị của những nhận định đó vẫn nguyên vẹn. Do đó, những phản biện về đường lối, chính sách của đảng vẫn luôn luôn là nhu cầu bức thiết, nhất là tình hình đất nước lại đang nảy sinh thêm những vấn đề phức tạp khác phát xuất từ các “chủ trương lớn” của đảng. Thực ra bên cạnh vấn đề độc quyền lãnh đạo của đảng, từ đầu thập niên 90, những bài tiểu luận của ông Hà Sĩ Phu, đặc biệt là tập “Chia Tay Ý Thức Hệ”, đã đánh sập nền tảng tư tưởng Mác Lê, khiến cả một Hội Đồng Lý Luận Trung Ương của đảng không thể nào chống đỡ nổi; rồi sự phát triển của các phương tiện truyền thông đã ngày càng mở rộng thêm cho sự phản biện về mọi vấn đề của đất nước do đảng độc quyền kiểm soát. Nếu thực sự tự tin là mình có những đường lối đúng đắn, thì đảng đã không cần có nghị định 31/CP, không cần đến luật hình sự 88,... và không cần lúc nào cũng phải “tăng cường sự lãnh đạo của đảng” trong vấn đề này vấn đề kia. Do không tự tin, thiếu hiểu biết, thiếu chuẩn bị nên lúng túng trước những phản biện xã hội, đảng đã phải đẻ ra hết luật này này đến luật nọ, mà mục đích chỉ là để bịt miệng những tiếng nói phản biện. Và bây giờ là quyết định 97 để cho thấy rằng những cách bịt miệng và còng số 8 hiện có... vẫn chưa đủ.

Mới tháng 7 năm ngoái, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã phát biểu tại hội thảo của giới trí thức rằng: “Rõ ràng, phải tạo điều kiện hơn nữa cho tranh luận, phản biện". Và rằng: “Cần mở rộng hơn nữa hệ tư tưởng, đặt đúng vai trò của trí thức". Không biết lúc đó ông Tuyển có biết mình đang nói gì không, hay hiện giờ chính ông cũng đã bị “dán băng keo” rồi. Cũng không lẽ giới trí thức Việt Nam đã xuống cấp quá nhanh trong vòng 1 năm và không còn là trí thức nữa? Có lẽ dưới ánh sáng của QĐ 97, người ta chỉ còn có thể kết luận các tuyên bố của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là “phản động”!

Phải chăng những phản biện của quần chúng về vấn đề biển, đảo, ngư dân và nhất là bô-xít Tây Nguyên đang làm cho đàn anh phương Bắc không hài lòng? Và phải chăng vì đã bỏ túi hơn 150 triệu đô thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải làm sao coi cho được? Phải chăng những lên tiếng của giới trí thức mà đảng không có cách nào phản bác được, nhưng lại vẫn muốn tiến hành “chủ trương lớn”, nên phải lập ra một khung pháp lý để ngăn chặn và dập tắt sự lên tiếng?

Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề của đảng chưa được phản biện một cách rốt ráo, mà đảng sợ rằng, càng rốt ráo minh bạch thì đảng càng lâm vào thế bí. Chẳng hạn, như từ trước đến nay, đảng vẫn khép tội những người bất đồng chính kíến là “nói xấu nhà nước”, là “chống lại nhà nước XHCNVN”, v.v... Nếu không ngăn chặn phản biện công khai thì rồi đây sẽ có lúc vấn đề đặt ra sẽ là: “Một đảng và nhà nước nằm trong hệ thống diệt chủng như đã bị nghị quyết 1481của Nghị Viện Âu Châu lên án, thì đảng và nhà nước đó tốt hay xấu?“. “Một đảng và nhà nước bán đất, dâng biển cho ngoại bang, thì đảng và nhà nước đó tốt hay xấu? “v.v.... Nếu xấu, thì lên tiếng phản đối một đảng và nhà nước xấu là có tội, hay là nhiệm vụ của bất cứ một ai có lương tâm trên quả đất này?

Tóm lại, các nhà lãnh đạo tại Hà Nội biết rằng càng ngày họ sẽ càng bí lối về mặt lý luận cũng như trong việc biện minh cho những chính sách đường lối của họ, khi mà những phản biện công khai ngày càng vạch ra chuỗi sai lầm triền miên. Điều này chắc chắn sẽ gây thương tổn ngày càng trầm trọng cho tư thế lãnh đạo của đảng để dẫn đến những hậu quả khác như đã trình bày ở trên. Bởi vậy mà quyết định 97 đã ra đời để mong bịt miệng phản biện bằng bạo lực. Do đó QĐ 97 là bằng chứng về sự yếu kém và xuống cấp của lãnh đạo đảng CSVN.Những nỗ lực cao quí hiện nay của giới trí thức Việt Nam cho thấy không mấy ai đã nhìn ra thực trạng đất nước mà còn có thể an tâm phó mặc tương lai dân tộc vào tay 15 con người thiếu cả khả năng lẫn tinh thần trách nhiệm. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, giới trí thức Việt Nam đang đi đầu và hướng dẫn cả dân tộc trong nhận thức: Chống những người lãnh đạo bất xứng không phải là chống đất nước; và bảo vệ đồng bào ruột thịt lại càng không phải là chống đất nước.


No comments: