Saturday, August 29, 2009

BÀI NGỬA Ở BIỂN ĐÔNG và BÀI BẢN VỀ TƯ DUY (2)


Bài ngửa ở Biển Đông và bài bản về tư duy (2)
Lê Tuấn Huy
29/08/2009 7:39 chiều
http://www.talawas.org/?p=9610

5. Những trạng huống khả dĩ của cuộc chơi đi dây mới, hay tình thế của Việt Nam trong cục diện mới ở biển Đông

Tình trạng cài răng lược về quan hệ thể chế và liên hệ đồng minh, đồng chí, trong bối cảnh tranh chấp khi lạnh khi nóng, cùng với việc thi thố đồng thời nhiều đối sách ngoại giao, chính trị, quân sự, khiến cho viễn cảnh can dự của nhiều chủ thể vào biển Đông đồng nghĩa với việc có một cuộc chơi “đa dây”.
Tất nhiên, theo cách nhìn của giới thẩm quyền Việt Nam, khi không đủ cả thế và lực thì trạng thái tốt nhất là như hiện nay. Tức là, dù có lúc căng thẳng, thậm chí gặp tổn thất nhất định, nhưng không có xung đột quân sự với Trung Quốc khiến thay đổi hiện trạng biển, đảo, thì ta và bạn vẫn gắn bó. Còn với Mỹ, dù có thân thiện đến đâu, thậm chí là đi đến hợp tác nhất định về quân sự, nhưng do đối nghịch về ý thức hệ nên nước này vẫn chỉ là đối tác cơ hội, như một đối trọng dự phòng và từ xa để giữ nguyên trạng cho biển Đông và nguyên trạng cho quan hệ với Trung Quốc.
Về phía Hoa Kỳ, kịch bản tốt nhất vẫn là Việt Nam trở thành đồng minh đầy đủ trên mặt trận chống lại sự bành trướng hải dương của Trung Hoa. Nhưng đương nhiên, họ cũng có thể vận dụng thể thức đối tác tương ứng mà Việt Nam chủ trương với họ. Với quan hệ kiểu này, họ vẫn không thất thế trên biển nhưng có phần bị động trước sự bất định triền miên, có chủ ý của Việt Nam. Tuy vậy, siêu cường này không thiếu đồng minh để chấm dứt sự bị động của họ. Việc “xuất hiện” Philippines có lẽ không nằm ngoài bước đi đó.
Về địa lý, sau khi qua khỏi một trong các eo từ phía đông bắc, thì cùng với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam và Philippines, mà cụ thể là các cảng chiến lược, nằm trong số những điểm nút ngoại vi phía đông của eo Malacca. Trong khi Việt Nam có vịnh Cam Ranh và có thể kiểm soát một phần hải lộ từ bắc về nam của hải trình biển Đông, thì Philippines có vịnh Manila, vịnh Subic, và có thể kiểm soát một phần hải trình này vào mùa gió mùa tây nam
[1].
Cũng về địa lý, Philippines có thể hợp với đảo Đài Loan tạo thành một cửa ngõ và kiểm soát điểm chốt đông bắc của tuyến Đông Nam Á – Đông Bắc Á tại eo Luzon (hình 2). Eo biển này là vùng nước rộng khoảng 250 km, gồm ba eo “con”, thứ tự theo hướng nam bắc là eo Babuyan, eo Balintang, và eo Bashi. Eo thứ ba có một bên là Đài Loan, còn hai eo đầu chỉ gồm các đảo của Philippines
[2]. Ngoài ra, với vị trí của một cung đảo ở cực đông tiểu vùng, Philippines không chỉ trực tiếp nối liền với Thái bình dương mà còn dễ dàng tiếp cận Trường Sa. Do vậy, nước này có vị thế hết sức quan trọng đối với bất kỳ thế lực nào muốn đứng chân tại biển Đông.


Hình 2: Biển Đông và những “cánh cửa” trực tiếp sang các vùng biển xung quanh (Nguồn: en.wikipedia.org; có chỉnh lý)
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/08/LTH2-400x347.jpg


Không kể Thái Lan và Indonesia, Philippines là đồng minh gần gũi nhất của Hoa Kỳ trong vùng. Dù đòi hỏi chủ quyền tại Trường Sa khiêm tốn hơn so với Việt Nam và Trung Quốc nhưng họ lại có một thái độ rất tự tin và chủ động, tỏ ra không hề kém cạnh hai thành tố tranh chấp kia ngay ở thời điểm nóng về thềm lục địa. Điều đó có thể lý giải không chỉ vì những đảo đòi hỏi chủ quyền đều nằm trong phạm vi đường cơ sở của họ, mà còn vì mối liên hệ đồng minh mà họ có.
Thực tế, họ đã bắt đầu tạo nên cục diện Philippines, khi vào tháng Ba qua, chẳng bao lâu sau khi thông qua Luật về Đường cơ sở, họ đã đề nghị với phía Trung Quốc về hội đàm Trường Sa, theo mô hình đàm phán sáu bên về hạt nhân Triều Tiên. Mới đây, ngày 04/08/2009, chỉ vài hôm trước khi hết hạn kháng nghị hồ sơ thềm lục địa của các nước (sau 90 ngày kể từ 13/05/2009), Philippines đã phản đối hồ sơ của Việt Nam và hồ sơ chung Việt Nam – Malaysia, dù trước đó họ đã được cho là sẽ không chống lại.
Một khi Phillippines nổi lên như một yếu tố chính trong tranh chấp ở nam biển Đông thì Việt Nam sẽ phải chấp nhận một cuộc chơi đi dây mới, nhiều người chơi và luật chơi hơn, nhiều khó khăn và hiểm nghèo hơn.
Trước tiên trong đó, chính là cuộc chơi của Hoa Kỳ, giữa Việt Nam với Philippines (và có thể với các nước Đông Á khác có tranh chấp trên biển). Với vai trò đồng minh thể chế, sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với Philippines là điều khó nghi ngờ. Đồng thời, Việt Nam vẫn là một đồng minh tiềm tàng trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc trên biển, nên vẫn là một đối tác để Hoa Kỳ đu đưa.
Trừ trường hợp không quan trọng những tính toán sách lược hay chiến lược với Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ phải giữ cho đầu dây của mình tạo được sự cân bằng. Tình huống xấu nhất của cục diện này là Hoa Kỳ ngả hẳn về Philippines, chẳng hạn do sự cân bằng đó bị mất, do vai trò đồng minh cơ hội của Việt Nam không còn nữa… Khi đó, chẳng những mất cơ may thắng lợi hoặc cùng thắng trong tranh chấp với Philippines và những nước phía nam khác, ta chắc chắn sẽ thất bại trong tranh chấp với Trung Quốc vì đối với họ, khả năng dàn xếp “nội bộ” với Việt Nam về một giải pháp đôi bên cùng thắng là bất khả.
Hoa Kỳ cũng có thể đi dây giữa Việt Nam với Trung Quốc. Đây là điều bình thường trong quan hệ đặt biệt giữa ba quốc gia này, khi mỗi chủ thể đều cùng lúc vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa tựa lưng vừa đối mặt với hai chủ thể kia. Khách quan mà nói, sau sự kiện Hoàng Sa năm 1974, đến nay, các nước đi của Hoa Kỳ với Trung Quốc không gây phương hại đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhưng trong cục diện mới, điều đó có thể thay đổi.
Kiềm tỏa sự độc chiếm của Trung Quốc là một trong hai mục tiêu chính của Hoa Kỳ tại biển Đông. Điều đó cũng nhằm phục vụ cho mục tiêu còn lại, là bảo đảm cho nhu cầu và quyền tự do hải hành trên vùng biển quốc tế có tuyến hải lưu quan trọng bậc nhất thế giới. Ở cả hai mục tiêu này, Hoa Kỳ đều cần đến quan hệ đồng minh với các nước phía nam Trung Hoa, đặc biệt là mục tiêu đầu. Với mục tiêu đó, sẽ thành công cao nhất nếu Việt Nam là đồng minh của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ khi có sự “thiên vị” của Việt Nam thì mới có được thành công.
Trong trường hợp xấu nhất, Việt Nam nghiêng nhiều hay nghiêng hẳn về Trung Quốc, mức độ hoàn thành mục tiêu thứ nhất sẽ thấp nhất đối với Hoa Kỳ, nhưng cũng là nguy hiểm nhất đối với Việt Nam. Khi đó, bên cạnh việc chịu sự “bảo hộ” tuyệt đối của Trung Quốc, Việt Nam chẳng những mất một quan hệ đồng minh tiềm tàng, đối trọng khả dĩ với tham vọng của Hoa lục ở biển Đông, mà còn có thể bị đồng minh hờ này đem ra đổi chác.
Với lựa chọn như thế của Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ phải thích ứng, giảm mức độ của mục tiêu thứ nhất. Nếu vậy, đối với Bắc Kinh, một mặt, Washington mặc cho việc biến vịnh Bắc Bộ và vùng lân cận thành ao nhà; nhưng mặt khác, sẽ tăng cường hậu thuẫn cho các đồng minh thực ở phía nam để giữ vững ảnh hưởng ở trung và hạ biển Đông. Đối với Hà Nội, do không còn giá trị đồng minh, một mặt họ sẽ mặc cả với Bắc Kinh bằng quyền lợi của Việt Nam để đổi lấy quyền lợi tối đa có thể được trên vùng biển gần Việt Nam mà họ nay không có nhiều cơ hội để gia tăng ảnh hưởng; mặt khác, sẽ là sự hậu thuẫn cao nhất dành cho các đồng minh phía nam trong tranh chấp với Việt Nam, với mục đích là mở rộng tối đa vùng lãnh hải mà họ có thể duy trì sức mạnh, nhằm bảo đảm cao nhất cho mục tiêu thứ hai trên biển Đông.
Tương tự, khả dĩ Trung Quốc cũng đi dây giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Trong điều kiện chưa hoặc không thể độc chiếm hoàn toàn biển Đông, chia sẻ ảnh hưởng với Hoa Kỳ là điều họ buộc lòng phải chọn. Trong thời gian phải “chịu đựng” đó, tăng cường tối đa và củng cố phạm vi kiểm soát của mình trên biển là chiến lược của họ. Vùng biển quanh Hoàng Sa, quanh những đảo mà họ chiếm đóng tại Trường Sa, cùng với vùng “phụ cận” tiếp giáp với Việt Nam mà họ kiểm soát, là những đối tượng hàng đầu cho sự tăng cường đó. Thỏa hiệp nhất định với Hoa Kỳ để củng cố những phạm vi này, là điều họ đương nhiên tính đến. Một khi Hà Nội không là đồng minh của mình, do ưu thế mà Bắc Kinh có được từ việc kiểm soát Hoàng Sa, Washington không cớ gì mà không “hy sinh” quyền lợi của Việt Nam nhằm đổi lấy nhượng bộ nào đó từ Trung Quốc. Với vị thế chỉ vừa nổi lên trên biển mà Hoa lục đã có thể trắng trợn đề nghị Hoa Kỳ chia đôi Thái bình dương, thì việc đưa những đề xuất “chia sẻ” khác, khả thi hơn, hẳn là cũng chẳng cần phải giấu giếm.
Trung Quốc cũng có nhiều khả năng đi dây giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á khác có mặt trong tranh chấp. Xé lẻ ASEAN, vô hiệu hóa giải pháp đa phương, đơn độc hóa Việt Nam trong tranh chấp vẫn luôn là chiến lược và sách lược của Hoa lục. Bằng ưu thế chính trị và kinh tế, ngoại giao và quân sự, bất kỳ lợi lộc nào có được từ hợp tác với Việt Nam cũng có thể dễ dàng bị họ làm cho suy yếu hoặc triệt tiêu, khi so sánh với lợi lộc tương ứng nếu hợp tác với Trung Quốc.
Phần các nước Đông Nam Á, ngoài Campuchia và Lào, Việt Nam chưa bao giờ là đồng minh thân cận của họ, xét cả về thể chế lẫn văn hóa, lịch sử lẫn hiện tại. Trước sức ép từ sự bành trướng của Trung Hoa, khi so với Việt Nam, họ ở một vị trí địa lý ít nguy hiểm hơn nhưng lại có một liên hệ đồng minh vững vàng hơn. Do vậy, thật khó tìm được lý do để họ phải vì Việt Nam mà đưa ra những lựa chọn không có lợi ích trực tiếp đối với họ. Liên hệ đồng minh song phương nào đó mà Việt Nam có thể tạo lập với một trong những nước này, nếu không xem chỉ như bước đệm để có một liên hệ đồng minh thực chất hơn, thì cũng chỉ là nhất thời, thiếu hiệu quả, sớm muộn sẽ đứt lìa trước những sức ép hay liên hệ khác, thực chất hơn mà nước đó có được từ nước Đông Nam Á khác, từ Hoa Kỳ hay Trung Hoa…
Chưa hết, Đài Loan cũng là một thành tố tiềm ẩn. Trên trường quốc tế, vị thế chính trị của họ rất yếu nhưng không thể vì thế mà Việt Nam có thể xem thường, vì vị thế chiến lược và quân sự của họ trong tranh chấp biển Đông lại không như vậy. Việc trấn đóng và bước đầu xây dựng đảo Ba Bình như một căn cứ
[3], cùng với lực lượng hải quân đã không ngừng hiện đại hóa từ những năm 1990, Đài là một thế lực mạnh ở Trường Sa.
Sự có mặt của Đài Loan ở nơi thuộc nhóm đảo trung tâm của Trường Sa tạo nên một tình thế zigzag. Với tư cách đồng minh sống còn của hòn đảo đang muốn giành sự độc lập đầy đủ này, có thể xem như Hoa Kỳ đã đứng một chân vào vị trí mà Đài trấn giữ, và thế đan xen đó tiềm ẩn những tình huống “khác thường”. Trong thời điểm nổi sóng khi đăng ký thềm lục địa mở rộng, Đài dường như không nổi bật so với các nước có tranh chấp khác, nhưng họ sẽ là một trong những quân bài năng động nhất khi đến thời điểm. Không thể chính danh như một quốc gia để đưa tranh chấp ra quốc tế như Philippines, nhưng với mối nối của Hoa Kỳ, khi cần, hai chủ thể này có thể tạo thế liên kết
[4]. Với tuyên bố chủ quyền trên toàn thể Trường Sa và có các đồng minh thể chế – dù chỉ ẩn tàng nhưng ổn định và vững chắc – Đài Loan cũng có thể trở thành một đầu chung dây với Việt Nam, mà các thế lực khác đi trên đó.
Như thế, trong cục diện mới đang định hình ở biển Đông, thế đi dây của Việt Nam đã vỡ, vì khác với trước, khi Hà Nội chủ động giăng một sợi dây và đi trên đó, nay thì chính mình bị đặt thụ động vào nhiều đầu dây.
Các lựa chọn cũng sẽ gay gắt hơn nhiều. Trừ khi diễn biến trên biển Đông chỉ dừng lại như hiện nay, tức dù có những đụng độ cục bộ và có sự hiện diện nhất định của Hoa Kỳ nhưng hiện trạng trấn đóng và xung đột không thay đổi; bằng không, dù có những dị biệt nhất định, ngoài Việt Nam, các nước nhỏ khác có tranh chấp chắn chắc sẽ nghiêng hẳn về Mỹ như thế lực chính hậu thuẫn cho họ.
Ở tình huống đó, trừ khi Trung Quốc từ bỏ hẳn dã tâm thôn tính nốt Trường Sa và biển Đông, cuối cùng thì Việt Nam sẽ hoặc là cùng nằm trong nhóm đồng minh này, hoặc nghiêng hẳn về Trung Quốc. Khả năng thứ ba, Hà Nội tiếp tục giữ tính “độc lập”, thì sẽ phải chơi cuộc chơi đơn độc, để vừa chống lại sự tước đoạt chủ quyền biển của Trung Quốc vừa kháng cự trước sự tranh giành quyền kiểm soát biển Đông của các thế lực đại dương khác. Còn khả năng thứ tư, Việt Nam tạo liên hệ đồng minh với các thế lực khác ngoài các thành tố vừa nêu, là bất khả, vì hoặc là các thành tố đó chung cuộc cũng quy về nhóm đồng minh đông và nam biển Đông, hoặc là thế và lực của họ không đủ để trở thành một thành tố riêng lẻ, độc lập và có ảnh hưởng trong khu vực.
Từ việc đặt trong hiện thực tình thế chính trị, bối cảnh địa chính trị và trong cục diện mới ở biển Đông, cho đến những tình huống khả dĩ giả định của cục diện này, có thể nói, Việt Nam đang đứng trước những thử thách chưa từng có trong lịch sử của mình. Nhiều quân bài hiện thực đang di chuyển trên bàn cờ sinh tử về chủ quyền biển và vận mệnh dân tộc, đòi hỏi chính quân bài tư duy phải vận động đúng với quy luật của hiện thực đó.

6. Ý thức hệ và dân tộc
Trong tình trạng chung ở Việt Nam, từ tư duy ngoại giao đến tư duy địa chính trị và tư duy chiến lược vẫn mang đậm nét ý thức hệ. Với một châu Á và thế giới chuyển biến quá nhanh, quy chiếu này đã đóng khung tiếp cận, khống chế nhận thức, khiến việc đối ứng trở nên bất xứng trầm trọng. Trong vấn đề chủ quyền, tư duy địa chính trị và tư duy chiến lược là cái trực tiếp cần thay đổi, nhưng điều này sẽ không thực hiện được nếu tư duy ý thức hệ làm nền đó vẫn còn chưa thay đổi.
Cần khẳng định dứt khoát, rằng lãnh thổ và chủ quyền, trước hết và quyết định, là vấn đề quốc gia-dân tộc, mà không phải là vấn đề ý thức hệ. Trong quan hệ với Trung Hoa, điều đó lại càng không.
Khi xét đến tận cùng, như mọi vấn đề khác, lãnh thổ và chủ quyền cũng không tránh khỏi gắn với một hệ quy chiếu. Tuy nhiên, cũng như mọi vấn đề khác, ý thức hệ không phải là hệ quy chiếu duy nhất, mà cũng không có nội hàm hoặc vai trò bất biến. Khi “đặc trưng của thời đại” là cuộc đấu tranh giữa hai phe, lãnh thổ và chủ quyền cũng đi liền với nó. Nhưng khi đặc trưng đó không còn là một mất một còn về chính trị, mà là toàn cầu hóa về kinh tế, thì lãnh thổ và chủ quyền lại hoàn nguyên về quan hệ tự thân của nó.
Giới khoa học Việt Nam nói chung và khoa học xã hội nói riêng, biết rõ việc tuyệt đối hóa ý thức hệ và cột chặt tư duy vào nó đã có tác dụng ngược như thế nào. Các sử gia là những người đầu tiên đã tự cởi trói khỏi “tiếp cận hình thái”, biến thể chính trị của ý thức hệ trong tư duy sử học
[5]. Khi nhận thức hiện thực của quá khứ, việc nhất mực phân ranh bạn – thù trên cơ sở giai cấp cùng lắm chỉ khiến lịch sử trở thành những câu chuyện như nhau và cứng nhắc[6]; nhưng khi nhận thức hiện thực đương đại, đặt biệt là vấn đề chủ quyền, việc áp đặt đường ranh ta – địch trên cơ sở đối đầu ý thức hệ chắc chắn đem đến nhiều hậu quả, vì đã lấy cái ranh giới ảo từ lịch sử (mà nay đã qua đi) làm cái cần bảo vệ, thay cho ranh giới thực về chủ quyền. Người Trung Hoa, ngược lại, luôn lấy cái ranh giới ảo về giai cấp để bảo đảm cho ranh giới thực về lãnh thổ.
Khi tiếp xúc với các giới chức và lãnh đạo Việt Nam, đặt biệt vào thời điểm có vấn đề về lãnh thổ hay chủ quyền, người bạn phương bắc thường nhấn mạnh đến đại cuộc. Chữ “đại cuộc” này thường được hiểu là đại cuộc của chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, lịch sử Trung Hoa từ khi có Đảng Cộng sản, đối với bên ngoài, chưa bao giờ họ đặt đại cuộc của chủ nghĩa xã hội lên trên cái đại cuộc đại Hán.
Nếu vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, họ đã không viện cớ Liên Xô “xét lại” để đối đầu, gây ra cuộc xung đột biên giới Trung – Xô (1969), và sau đó là liên kết hoàn toàn với “tên đế quốc đầu sỏ” để chống lại nhà nước Xô Viết. Nếu vì sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội, họ đã không phá vỡ sự hợp nhất và hợp lực cả khối, hòng đạt vị thế ngang ngửa với hai siêu cường kia qua việc giành lấy vị trí lãnh đạo thế giới thứ ba
[7].
Nếu vì tinh thần quốc tế vô sản, họ đã không lợi dụng sự giúp đỡ Việt Nam để dời cột mốc, nắn dòng chảy, âm thầm mở rộng bờ cõi vốn đã rộng lớn của họ, từ mảnh đất nhỏ nhoi của người đồng chí đang đứng nơi tiền phương của chủ nghĩa xã hội, mà vốn cũng đã chịu sự chia cắt để tạo nên vùng đệm an toàn cho nước họ. Đó là chưa kể, vì “đại cuộc”, họ có thể “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, có thể hy sinh cả một dân tộc khác để thí điểm mô hình nhanh nhất đi đến chủ nghĩa cộng sản
[8].
Ngày nay cũng thế, đồng minh gần gũi nhất của họ, cả ở vị trí địa lý lẫn trên trường quốc tế, cả về ý thức hệ lẫn đường hướng phát triển xã hội, lại là đối tượng bị họ uy hiếp nhất. Đơn giản là vì với Việt Nam, hệ ý thức để quy chiếu là “chủ nghĩa”, thì đối với họ là “trung Hoa”
[9]. Đối ứng thích hợp là chúng ta phải trả quan hệ lãnh thổ và chủ quyền về với hệ quy chiếu của chính nó: quốc gia-dân tộc.
Hệ quy chiếu giai cấp đã đưa đến tiếp cận đồng chí, trong khi lẽ ra, với quy chiếu quốc gia-dân tộc, sẽ đưa đến tiếp cận đồng minh.
Khi gặp vấn đề, tiếp cận đồng chí khiến ta cứ loay hoay với bạn để thu xếp về lãnh thổ và chủ quyền, trong khi với tiếp cận đồng minh, ta sẽ mạnh dạn đến với các đối tác khác để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền đó.
Thực tế, đã có những kiểu mẫu nổi bật cho việc thay tiếp cận đồng chí bằng tiếp cận đồng minh mà những người cộng sản đã làm và đem đến thành công lớn. Đó là quan hệ đồng minh của Liên Xô với Mỹ, Anh trong Thế chiến II, là quan hệ đồng minh của Trung Quốc với Hoa Kỳ để chống lại Liên Xô trong những năm 1970-1980.
Như thế, cũng như vấn đề về tư duy địa chính trị ở trên, tư duy về lãnh thổ và chủ quyền cũng cần có sự kết hợp đúng đắn và vận dụng đúng lúc các tiếp cận. Cho đến lúc này, sau khi đã thu xếp xong biên giới trên bộ, nếu tiếp tục xem tiếp cận đồng chí là cái quyết định, thì sẽ là sai lầm rất lớn.
(Còn 1 kì)

-------------------------------------------------

[1] Xem: Nguyễn Mạnh Hùng, Tài liệu đã dẫn.
[2] Trong trận chiến Thái bình dương của Nhật đã nói ở trên, cùng ngày tấn công vào Trân Châu cảng, họ không những đưa quân sang Thái để nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ những nước áng ngữ Malacca, mà còn đổ bộ lên các đảo ở bắc Philippines để kiểm soát eo Luzon. Ý đồ khóa chặt hai cửa ngõ của biển Đông, một thông sang Ấn Độ dương, một sang Thái bình dương là quá rõ.
[3] Tháng 12/2007, Đài Loan hoàn tất việc xây dựng đường băng trên đảo, và ngày 21/02/2008, máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của họ đã hạ cánh xuống đây lần đầu tiên.
[4] Có một tình huống đặc biệt nữa đối với Đài Loan nhưng tôi không đề cập chính thức trong bài, vì xem ra viễn cảnh đó còn xa hơn viễn cảnh có những xung đột bất lợi cho Việt Nam. Đó là với tư cách “nguyên quốc”, Trung Quốc xem như cũng đã đứng một chân vào vị trí của Đài Loan trên Trường Sa. Trong trường hợp họ quy tập được lãnh thổ này, cái gì “của” Đài Loan đương nhiên thành của họ.
[5] Tên gọi đầy đủ là “tiếp cận hình thái kinh tế xã hội”, lấy căn cứ là sự tiến hóa xã hội theo năm hình thái kinh tế xã hội để phân kỳ và ghi nhận lịch sử toàn thế giới và từng dân tộc, trong khi tiếp cận “tiếp cận (theo nền) văn minh” lấy yếu tố văn hóa, văn minh làm cơ sở để nhận thức từng đối tượng lịch sử.
[6] Biểu hiện là ở đâu cũng thế, thời nào cũng vậy, ngoài những chuyện cung đình, gia tộc, chinh chiến, thì “cốt truyện” xuyên suốt vẫn là giai cấp thống trị (chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư sản) nắm chính quyền, bóc lột và áp bức nhân dân (nô lệ, nông dân, công nhân), khiến cho giai cấp bị trị phải vùng lên…
[7] Khi tìm hiểu về giai đoạn chủ nghĩa xã hội trước đổi mới ở Trung Quốc, có thể tham khảo những cuốn sách ít nhiều đã thành “kinh điển” như:
- Vương Minh [nguyên Uỷ viên BCT và Bí thư BCHTƯ Đảng CSTQ], Nửa thế kỷ tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự phản bội của Mao Trạch Đông, Tài liệu tham khảo nước ngoài, lưu hành nội bộ, 1978.
- O. Vlađmirốp, V. Riadanxép, Những trang tiểu sử chính trị của Mao Trạch Đông, Tài liệu tham khảo, lưu hành nội bộ, 1978; Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1983.
- P. P. Vlađmirốp, Nhật ký Diên An (2 tập), Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1981, 1982.
- Phơrenxơ Varơnai, Chủ nghĩa Mao chống phong trào cộng sản thế giới, Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1982.
- M. X. Culesốp, Bắc Kinh chống lại phong trào gỉai phóng dân tộc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982.
- T. R. Rakhimốp, Số phận các dân tộc không phải Hán tộc ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982.
- A. Cudơlốp. Hoạt động phá hoại của bọn Mao-ít ở Đông Nam Á, Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1984.
- M. A. Ilin, Bắc Kinh – kẻ thù của hòa bình, hòa dịu và hợp tác quốc tế, Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1984.
- Nhiều tác giả, Mao – tấn thảm kịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (5 tập), Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1984-1985.
Tất nhiên, ngày nay, đọc những tài liệu này, ta đủ khách quan để tách bóc thái độ bôi đen và tô hồng khỏi dữ liệu lịch sử; đồng thời, tất cả những nội dung đó cũng không hề và không thể bôi xóa những thành tựu hết sức to lớn mà Trung Quốc đã đạt được từ cải tổ tiên phong của họ. Thế nhưng, chính việc bóc tách đó lại càng cho thấy tính xuyên suốt trong “đại cuộc” của họ.
[8] Xem:
- Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Sự thật và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979.
- Thành Tín, Mô hình Bắc Kinh, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1979.
- Phrăngxoa Giayô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1981.
- U. Bớcsét, Tam giác Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1986.
[9] Thử hỏi một cách giản dị, nếu thật lòng về ý thức hệ, với tư cách một đàn anh khoáng đạt, họ có dám “hy sinh” Hoàng Sa và Trường Sa để vỗ yên Việt Nam không, mà lại đòi ta phải vì “đại cuộc” mà hy sinh lợi ích dân tộc? Do vậy, trong số những trạng huống của cuộc chơi mới ở biển Đông, có một khả năng mà tôi không đưa vào vì hoàn toàn bất khả ngay từ lý thuyết. Đó là khi Trung Quốc giao trả Hoàng Sa cho Việt Nam và từ bỏ yêu sách đối với Trường Sa. Nếu như vậy, giữa hai nước không còn mâu thuẫn về quốc gia-dân tộc, và phân bố lực lượng tại Đông Nam Á sẽ nhanh chóng an bài theo tiêu chí ý thức hệ.


No comments: