Saturday, August 29, 2009

NHÂN QUYỀN và ĐẠO ĐỨC HAI MẶT của PHƯƠNG TÂY


Nhân quyền và đạo đức hai mặt của Phương Tây
Armando Valladares
Bắc Phong dịch

29/08/2009 4:45 chiều
http://www.talawas.org/?p=9541
Lời người dịch: Armando Valladares là nhà thơ và cựu tù nhân lương tâm Cuba. Ông bị trừng phạt 22 năm giam cầm trong nhà tù Cuba vì lý do chính trị. Ông sống sót những hoàn cảnh bất nhân, sự tra tấn hàng ngày, cưỡng bách lao động, và biệt giam với sự can trường và niềm tin tôn giáo sâu xa. Sau khi được thả năm 1982, ông cho xuất bản cuốn hồi ký Against All Hope: A Memoir of Life in Castro’s Gulag, một trong những cuốn hồi ký bán chạy nhất thế giới. Ông từng được bổ nhiệm làm đại sứ, trưởng đoàn đại biểu Hoa Kỳ trong Ủy ban Quốc tế Nhân quyền ở Geneva.

-----------------------------

Xin cám ơn ông John Peder Egenæs, vì việc làm của Hội Ân xá Quốc tế tại Na Uy rất quan trọng cho việc tôi được phóng thích. Xin cám ơn, cám ơn nhiều.
Kính chào quí vị. Trước khi bắt đầu bài nói chuyện của mình, tôi xin cám ơn tất cả những người đã tạo cho tôi cơ hội này và xin được gửi một vòng ôm trong tình đoàn kết đến những người bị tra tấn, những tù nhân và những người tranh đấu cho sự tôn trọng phẩm giá con người.
Con người là một sinh vật kỳ diệu của thiên nhiên. Hủy diệt, tra tấn hắn vì tư tưởng của hắn không chỉ là một vi phạm nhân quyền, mà còn là một tội ác nhân loại.
Thi hào John Donne đã từng nói: “Không có ai là một ốc đảo… mỗi người là một phần của đại lục.” Điều đó rất chính xác. Quên điều này và không liên kết chúng ta với những nạn nhân… không nghĩ hay không đau khổ về những đọa đày nơi người khác như ở chính mình, là một trong những nguyên nhân mà dựa vào đó những kẻ Quốc xã có thể đẩy hàng triệu người Do Thái vào các lò thiêu một cách vô tội vạ.

Khi Vladimir Bukovsky, một người bạn đối kháng Nga và tôi tố cáo Khmer Đỏ đã giết một triệu người Căm Bốt như thế nào, báo chí nhắm mắt và bảo chúng tôi là phóng đại. Chúng tôi phải đợi đến lúc chính những kẻ lãnh đạo Khmer Đỏ, Pol Pot và Ieng Sary, trả lời chúng tôi trong một cuộc họp báo với những lời thú nhận là họ không chỉ giết một triệu mà là hai triệu người. Tất cả những ai biết đọc và biết viết, những ai biết nói ngoại ngữ, ngay cả những ai đeo kính cận đều bị hành quyết.

Khi được tường trình là 60 triệu người đã chết dưới tay Stalin, người ta cũng cho đó chỉ là những tuyên truyền chống cộng. Đến lúc Liên bang Sô-viết sụp đổ và KGB mở hồ sơ thì người ta mới khám phá ra con số nạn nhân của Stalin đâu chỉ ngừng ở 60 triệu mà lên tới 109 triệu người.

Khi chúng tôi yêu cầu báo chí Tây phương loan báo những con số đó thì họ bảo mặc dù chúng chính xác, chúng chẳng còn mang ý nghĩa nào trong lúc này.
Nhưng cái sự nhạy cảm có chọn lọc này hoạt động thế nào mới là thú vị. Nhiều năm tôi làm đại sứ của Hoa Kỳ trong Ủy ban Quốc tế Nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc. Tôi không tin là có một tổ chức nào thiếu đạo đức hơn.
Ở đó, khi những vụ vi phạm nhân quyền, tra tấn, và sát nhân được trình lên cho chúng tôi cứu xét, thay vì tố cáo những lạm dụng này một cách thẳng thừng, không đắn đo, phương cách của họ là trước tiên phải điều tra về ý thức hệ của nạn nhân và thủ phạm.
Và chỉ sau đó, dựa trên khuynh hướng chính trị tự bạch của mình, đa số các chính quyền và các tổ chức phi chính phủ mới lên án hay né tránh, hay biện minh cho những tra tấn đó. Nhiều trí thức, nhà báo, và cơ quan quốc tế cũng cư xử tương tự.

Đối với tôi, không có cái gì gọi là một chế độ độc tài tốt. Các chế độ độc tài đều bất công như nhau, bất kể phía bên này hay bên kia.
Tôi tin là mọi tội ác và cư xử man rợ, bất kể từ phía tả hay phía hữu, đều phải bị cự tuyệt và không có gì biện hộ được chuyện vi phạm nhân quyền.
Trong nhiều năm, hơn 20 năm, tôi là nạn nhân của sự tra tấn và tàn ác, của những đối xử hạ nhục và bất nhân. Tôi vẫn còn nhớ những tên lính từ trên nóc lưới sắt chuồng cọp giam tôi, thọc xuống những cây gậy không cho tôi ngủ. Khi họ thôi làm chuyện đó, tôi lăn ra ngủ ngay như khúc gỗ. Nhưng đấy là lúc họ đổ nước tiểu và phân xuống người tôi.
Tôi biết nếm vị nước tiểu và phân người khác vì tôi phải chùi chúng khỏi miệng và mặt, và cũng không có cách nào rửa ráy sau đó. Thực vậy, cả mấy năm trôi qua tôi có được làm chuyện này đâu.

Cuộc cách mạng của Fidel Castro ca khúc khải hoàn năm tôi 20 tuổi. Vào tháng 1 năm 1959, đại đa số dân Cuba ủng hộ vị lãnh tụ có râu, người đã hứa hẹn công lý, tự do, và sự tôn trọng phẩm giá con người. Cây thánh giá Fidel Castro đeo ở cổ như tuyên xưng ông không phải là người cộng sản và chống lại mọi chế độ độc tài.
Sự ngụy trang chẳng được bao lâu. Chuyện xảy ra là Castro đã thay thế chế độ độc tài thiên hữu của Batista với chế độ độc tài mác-xít của chính mình.

Tôi là một nhân viên trong chính phủ cách mạng. Một buổi sáng khoảng cuối năm 1960, dân quân xuất hiện ở từng phòng làm việc và đặt khẩu hiệu trên mỗi bàn giấy chúng tôi với nội dung: “Nếu Castro là một người cộng sản, hãy ghi tên tôi vào danh sách, vì tôi đồng ý với Castro.”
Lúc đó Castro chưa tuyên bố ông là người cộng sản. Phải vài tháng sau, nhưng người ta đã sẵn sàng tạo điều kiện để dân chúng nghĩ rằng nếu những hành vi của Castro là cộng sản, thì cộng sản đâu có tệ. Tôi không cho đặt cái bảng hiệu đó trên bàn. Đám dân quân hầm hè hỏi tôi: “Anh không đồng ý với Fidel?”
“Nếu ông ta là cộng sản thì: Không”
– đó là câu trả lời của tôi; câu này được dùng để nhận diện tôi là một thành phần bất mãn với cách mạng.
Vài tuần sau, tôi thức dậy hoảng hốt vì một nòng sùng gí đầu mình vào gối.
Đó là sáng sớm ngày 28 tháng 12 năm 1960. Họ lục soát kỹ càng khắp nhà tôi mà chẳng tìm ra chứng cớ nào để quy cho tôi là kẻ có âm mưu. Không súng đạn, không chất nổ, không truyền đơn…, không có gì hết.
Trong lúc tra vấn tôi ở sở công an, họ báo cho tôi biết là mặc dù họ không có chứng cớ gì để buộc tội tôi, họ vẫn tin chắc rằng tôi là một kẻ thù tiềm năng của cách mạng, và vì vậy họ phải kết án tôi.
Khi ra tòa xử, ông chủ tịch Tòa án Cách mạng ngồi dựa lưng ngả ghế về phía sau và gác chân lên bàn (chỉ thấy đế giầy của ông ta).
Trong lúc trò hề diễn ra, ông ta và các thành viên tòa án khác chia nhau đọc truyện tranh. Chẳng cần chứng cớ, bọn họ tuyên án tôi 30 năm tù ở, 20 năm cấm hoạt động chính trị.

Ngủ ở nhà tù La Cabaña là chuyện không tưởng. Suốt đêm, sự yên tĩnh thường bị phá tan bởi những tràng súng nổ của các tiểu đội hành quyết và tiếng hô to của những tử tội trước lúc chết, “Đức Chúa Trời muôn năm! Đả đảo cộng sản!” Tiếng la của họ rền vang trong các hố trại giam vẫn còn dư âm trong đầu tôi cho đến phút này.

Nếu có ai báo cho tôi biết những gì sẽ xẩy ra 22 năm sau đó, chắc tôi phát điên mất. Robert Louis Stevenson không bao giờ có thể ngờ là hòn đảo châu báu nổi tiếng của ông ở phía nam Cuba lại trở thành trại cưỡng bách lao động cho những tù nhân chính trị. Mỗi sáng tinh mơ, khi được đám lính cai lao tác dẫn ra đồng, chúng tôi chẳng bao giờ biết mình sẽ sống sót hay lành lặn trở về.

Diosdado Aquit đang đứng trong hàng, đợi leo lên xe tải trong khi đám lính cai đứng vây quanh với súng máy và chó. Gió thổi bay mũ anh xuống đất gần chỗ đứng. Tay đội trưởng bước tới đếm tù lúc họ leo lên xe. Diosdado xin hắn cho mình nhặt mũ. “Khi nào tao đếm xong thì mày có thể nhặt nó,” hắn cho phép. Khi hắn đếm xong, Diosdado đi vài bước, cúi xuống, thì rồi – từ hàng phía sau, một trong những tên lính áp tải nã nguyên một băng đạn AK-47 vào lưng Diosdado, anh gục chết trên chiếc mũ. “Để cho mày biết cấm rời hàng lúc chưa được phép.” Tên lính giết người nói.

Gerardo González là một mục sư. Ông cao, vạm vỡ, với cặp mắt xanh sáng. Lúc bị bọn lính đâm lưỡi lê vào lưng, ông đã chỉ giương tay và ngước mắt lên trời kêu: “Xin Chúa tha cho những kẻ không biết họ đang làm gì.”

Khi họ đánh đập Enrique Diaz Correa, anh giơ tay lên như mọi lần, nhưng lần này anh không thực hiện xong lời cầu Chúa tha cho những kẻ tra tấn, vì một tên trong bọn, trung úy Pérez de la Rosa, đã lia một loạt đạn súng máy tưởng như có thể bứt đầu anh khỏi cổ.

Alfredo Carrión là tù cùng phòng với tôi. Anh tìm cách trốn khỏi một trại lao động. Anh bị một dân quân bắn trúng chân, quị ngã. Tên dân quân bước lại gần. “Đừng bắn tôi.” – người tù van xin. Tên lính xả hết băng đạn vào lưng Alfredo. Và rồi cũng đêm đó, hắn biện luận ở một quán rượu trong phố: “Mấy ông nghĩ coi, nó xin tôi đừng bắn! Trong khi tôi thì nôn nóng muốn thử cây súng trường mới coi sao.”

Sinh mạng của tù nhân trong các trại lao động chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng điều tệ hại nhất, đáng buồn nhất, đau lòng chúng tôi nhất, không phải là những trận đòn thù, không phải chuyện bị lưỡi lê đâm, không phải chuyện không liên lạc được với ai hay chuyện bị ném phân vào mặt. Sự kinh khiếp nhất chính là thái độ lãnh đạm của thế giới đã cho phép Castro đàn áp, với quyền miễn nhiễm tuyệt đối và sau đó chôn lén xác những nạn nhân của ông ta.

Tôi gặp vợ tôi lúc cô ấy đi thăm cha, một người tù đồng phòng với tôi. Năm đó cô ấy mới có 14 tuổi. Trong khi Penélope may vá đợi Ulysses 20 năm thì vợ tôi, Marta, cũng đợi chồng 20 năm nhưng không may vá.
Vợ tôi cất bước đi khắp thế giới, gõ cửa để đòi tự do cho chồng.
Vợ tôi điều hành một cuộc vận động quốc tế mà cao điểm là thỉnh nguyện thư của Tổng thống Pháp François Miterrand, gửi Castro yêu cầu phóng thích tôi. Nhiều người Na Uy cũng giúp tôi: Các nhóm Ân xá Quốc tế đón nhận tôi như một tù nhân lương tâm. Nữ tài tử Na Uy Liv Ullman, người tôi không bao giờ quên là một thành viên của Ủy ban Valladares, và một cuốn thơ của tôi cũng đã được xuất bản ở đây. Cuốn thơ tôi viết lén trong tù.

Trong chuyến đi vận động, Marta có dịp phỏng vấn Pierre Schori, một chính trị gia người Thụy Điển. Vợ tôi bảo các ông không biết gì về những hành hạ và vi phạm nhân quyền với những tù nhân của Fidel Castro. Schori đáp thực ra họ có biết. Vợ tôi kinh ngạc hỏi: “Thế tại sao các ông không nói gì hết?”
Chà!” Ông ta đáp, bởi vì như thế tức là công nhận đám Mỹ là đúng.”

Một bản tường trình mật soạn từ văn phòng đại sứ Tây Ban Nha trong chính phủ Felipe González nói rõ những tội ác và vi phạm nhân quyền của Castro và họ cũng đã bàn với Castro để giúp ông ta ra khỏi tình cảnh đó, có nghĩa là giúp Casto giấu nhẹm tội ác của mình. Nhưng Castro từ chối. Bản tường trình viết tiếp: “Trong mọi hoàn cảnh, vấn đề này không được đem ra công chúng, vì như thế sẽ làm tăng cương vị của người Mỹ.” Cũng chính ông lãnh sự Tây Ban Nha, người đã ký tên bản tường trình, vài tháng sau tuyên bố là Tây Ban Nha chẳng có chứng cớ nào về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Cuba. Vài người bạn của tôi đã thu xếp rồi chuyển cho chúng tôi được một ấn bản của nó đăng trên các báo Tây Ban Nha.

Chính sách khước từ, không đồng ý với Hoa Kỳ trong việc tố cáo Cuba là nguồn hỗ trợ Castro mạnh mẽ nhất, vô lương nhất, và cũng may mắn nhất để ông ta giữ ngôi. Cũng chính những người đã từng xé áo tố cáo các chế độ độc tài ở cực Nam Châu Mỹ lại im lặng hay bào chữa cho những tội ác gây ra bởi công an Cuba.

Và loại tiêu chuẩn đạo đức hai mặt này đã được phiên dịch như là sự hỗ trợ đồng lõa những vi phạm nhân quyền với người dân Cuba và sự thiếu tự do hoàn toàn của họ.
Sự ủng hộ này được ban cho Castro, vì ông ta dám đương đầu và giữ lập trường công kích Hoa Kỳ.

Đa số các nước, các chính trị gia, các nhà trí thức, tổ chức, và báo chí ghét Hoa Kỳ, và họ đã chuyển sự bất mãn của họ sang ủng hộ tội ác của Castro, bởi vì họ lầm tưởng rằng sự ủng hộ của họ cho nhà độc tài cộng sản và những hành động chống đế quốc Mỹ là một cách giẫm lên chân người Mỹ.
Trong khi tôi và các bạn tù chờ đợi sự thắt chặt tình đoàn kết từ các nước anh em châu Mỹ La Tinh, từ các nước dân chủ, từ những công dân tự do trên thế giới, thì chúng tôi kinh ngạc nhận ra rằng sự thắt chặt ấy lại được dành cho tên đao phủ của dân tộc chúng tôi.

Mấy tháng vừa qua có một kiểu hành hương đã thành thời thượng, các nguyên thủ quốc gia sang thăm Cuba với mơ tưởng điên khùng là được gã bạo chúa sắp chết tiếp kiến và cho họ được chụp chung hình lưu niệm.

Vài người còn thẳng thừng phủ nhận Castro là một nhà độc tài và trao cho ông ta những huân chương cao quí nhất của quốc gia họ. Họ vinh danh tội ác và sự man rợ.

Mọi người ở đây đều biết, không có ai trong những nhà lãnh đạo này dám nghĩ đến chuyện viếng thăm Pinochet ở Chí Lợi hay chế độ kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi.

Tôi đã dành trọn cuộc đời đấu tranh chống những tiêu chuẩn đạo đức hai mặt. Tội ác và vi phạm nhân quyền phải luôn luôn bị tố cáo, bất cứ ở đâu chúng xảy ra.
Đó là cách duy nhất để đem đến sức mạnh tinh thần cho những người tố cáo và sự khả tín cho những điều cáo buộc. Tôi, cựu đại sứ của Hoa Kỳ trong Ủy ban Quốc tế Nhân quyền, đã trở lại Liên Hiệp Quốc để tố cáo Hoa Kỳ với những vi phạm nhân quyền ở trại giam căn cứ hải quân Guantánamo.
Gia đình tôi và tôi đã bị tra tấn. Bố tôi đã bị giam cầm. Nhưng tôi phản đối chuyện ngược đãi những kẻ đã từng tra tấn người khác.

Những buổi hội thảo như thế này nhằm nâng cao sự cảnh giác cho tất cả nhân loại rằng không ai trong chúng ta là một ốc đảo, và chỉ qua sự đoàn kết chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Nếu cái tiêu chuẩn đạo đức hai mặt, biện minh cho những chế độ độc tài phía bên này hay bên kia đã không hiện hữu cách đây 40 năm, thì tôi đã chẳng bị giam 22 năm và nhiều người bạn đồng cảnh của tôi đã không phải chết trong tù.
Cám ơn quí vị rất nhiều.

Nguồn:
Armando Valladares – Bài nói chuyện tại Diễn đàn Tự do Oslo Na Uy; 19 tháng 5 năm 2009. Tên bài do talawas đặt.

Bản tiếng Việt © 2009 Bắc Phong
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog



No comments: