Friday, August 28, 2009

GIẤC MƠ ĐẠI HỌC "QUÁ LÃNG MẠN"


Giấc mơ đại học “quá lãng mạn!”
Thiện Giao, thông tín viên RFA
2009-08-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Will-VN-have-4-world-class-universities-in-the-next-4years-TGiao-08262009140338.html
Cách đây không lâu, báo chí Việt Nam đưa tin: “Bốn năm tới, Việt Nam sẽ có bốn trường đại học theo chuẩn quốc tế.”
Bản tin của báo điện tử Vietnamnet viết: “Bốn đại học đẳng cấp quốc tế sẽ được thành lập vào năm 2013,” và “hướng xây dựng được đưa ra bàn thảo đầu tháng Tám với sự tham gia của đại diện nhóm tư vấn và các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước.”

Rao bán hy vọng…
Dự định có bốn đại học đẳng cấp quốc tế trong bốn năm tới được tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, thuộc viện Garvan, Úc Châu, nhận định là “một giấc mơ quá lãng mạn.”
“Ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử rao bán trăng, còn ngày nay mấy người trong Bộ GDÐT đang rao bán hi vọng.”

Trong bài viết đăng trên blog riêng của mình hồi trung tuần tháng Tám, tiến sĩ Tuấn viết, rằng: “Ðiều đáng nói là Bộ GDÐT có vẻ thích mô hình của Ðại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. Một quan chức của Bộ nói rằng vào thời điểm mà Ðại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông thành lập đầu thập niên 1990, Hồng Kông cũng lưỡng lự như Việt Nam hiện nay, là nên xây trường mới hay đầu tư vào những trường lâu đời có sẵn.”
Ông tin rằng, “nhận định này của Bộ là sai.” Lý do: “Trước khi có trường Ðại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, [khu vực này] đã có những đại học danh tiếng, có thể nói là có đẳng cấp quốc tế. Những trường như University of Hong Kong và Chinese University of Hong Kong đã là những học viện có tiếng chẳng những trong vùng mà còn trên trường quốc tế. Họ thu hút khá nhiều giáo sư tài năng từ nước ngoài. Cho đến nay, hai trường này vẫn là hàng “top” của Hồng Kông và Á châu...”
Ðại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông lại là một trường hợp khác, và sự xếp hạng trường này, theo lời tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, được Bộ Giáo Dục – Ðào Tạo Việt Nam diễn dịch sai.

Tiến sĩ Tuấn viết, theo quan chức Giáo Dục của Việt Nam, thì “chỉ trong vòng 15 năm kể từ ngày khai giảng khoá đầu, trường đã được NewsWeek xếp hạng 60 trên toàn thế giới, cao nhất trong số các trường ÐH ở Hồng Kông.” Thứ hạng này, vẫn theo bài viết của tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, là “không thấy tài liệu nào nói như thế.” … “mấy loại xếp hạng này cũng chẳng đáng tin cậy,...
Ngay cả cách xếp hạng [nổi tiếng] của nhóm Ðại học Giao thông Thượng Hải, khi bị một nhóm nghiên cứu Hà Lan mắng cho là “không biết nghề” thì mới chịu thú nhận là … sai. Nói chung, chẳng có cách xếp hạng nào đáng tin cậy cả. Chạy theo những hạng này là một sai lầm ghê gớm vì làm hao tổn tiền bạc và nhân lực cho những mục tiêu không có thật.”
Một ý kiến khác, thậm chí có thể là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành bại của một hệ thống giáo dục, được tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn nêu trong bài viết chính là thể chế chính trị, môi trường xã hội, và hệ thống hành chính.
Tác giả phân tích: “Hồng Kông là một nơi có thể chế chính trị cởi mở, tương đối dân chủ, hệ thống hành chính Tây Phương, mà với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và tài chính, họ cần đến 15 năm để đưa một đại học lên hàng kha khá; còn Việt Nam ta, với cái hệ thống “hành là chính,” cơ chế cồng kềnh, hệ thống giáo dục bệ rạc như hiện nay mà dám nói rằng trong bốn năm sẽ có bốn đại học đẳng cấp quốc tế thì đúng là một giấc mơ quá lãng mạn.”
Không chỉ là hệ thống chính trị, môi trường xã hội hay hệ thống hành chánh, những khiếm khuyết ngay trong nội tại của nền giáo dục cũng đã từng được trích dẫn để giải thích cho các vấn nạn trong ngành giáo dục hiện nay tại Việt Nam.
Những khiếm khuyết bắt đầu ngay từ các cấp tiểu học và phổ thông!

Theo tiêu chuẩn quốc tế
Trước đây, một bài viết đăng trên Tạp Chí Phía Trước của Ðoàn Lan, đưa ra nhận định, rằng nền giáo dục Việt Nam hiện nay có bốn khiếm khuyết: nặng lý thuyết, thiếu thực hành; xơ cứng trong năng lực dạy và học; thiếu vắng nghiên cứu khoa học; và tình trạng ê a – “thầy đọc – trò chép.”
Theo tác giả Ðoàn Lan, tình trạng giáo dục hiện nay liên quan đến “năng lực sáng tạo của người dạy và học.” Về tình trạng này, một số nhà giáo dục, nhà văn hóa, đã từng phân tích, và đưa ra lý giải liên quan đến “tư duy giáo dục,” hay “triết lý giáo dục.”
Chẳng hạn, theo cách nói ngắn gọn của nhà văn Nguyên Ngọc, thì câu hỏi phải được đặt ra là: “Nền giáo dục này định làm cái gì đây?”
“Triết lý giáo dục, có người gọi là tư duy giáo dục, có thể nói nôm na, là đặt câu hỏi: nền giáo dục này định làm cái gì đây? Nền giáo dục này định đào tạo ra những con người theo kiểu nào?”
Ông nhận định, có những nền giáo dục “đào tạo con người học thuộc lòng những điều gọi là chân lý… những chân lý mà người ta cho là bất di bất dịch.”
Nền giáo dục ấy, theo ông, sẽ đào tạo ra những sản phẩm tương xứng: “không thể hành xử thành công ở đời, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay.”
Ông tái xác định một điều, có thể xem như tuyên ngôn giáo dục hiện đại, được đương kim Hiệu Trưởng Ðại Học Harvard nói với sinh viên, rằng giáo dục đại học phải đào tạo những con người “liên hệ với cả quá khứ và tương lai, chứ không chỉ là hiện tại.”
“Ðại học không phải là tạo ra con người dùng ngay bây giờ. Tân hiệu trưởng Harvard nói rằng, con người đó phải liên hệ với cả quá khứ và tương lai, chứ không chỉ là hiện tại. Chính những con người như vậy mới có thể hành động thành công, độc lập và đầy hiệu quả trong xã hội hiện đại.”

Hồi đầu năm nay, một nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng đã từng phát biểu trên blog của ông, rằng “Cách quản lý văn hóa ở nước ta và châu Âu cách nhau đến cả trăm năm ánh sáng!”
Người phát biểu là giáo sư Nguyễn Ðăng Hưng, một Việt kiều tại Bỉ, là sáng lập viên, điều phối viên chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ Châu Âu giữa Ðại Học Liege của Bỉ với một số đại học kỹ thuật tại Việt Nam, trong đó có Ðại Học Bách Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh.
Chương trình của giáo sư Hưng kéo dài 15 năm, rất thành công, và đã đào tạo được hàng trăm thạc sĩ cùng hàng chục tiến sĩ trong ngành kỹ thuật cho Việt Nam.

Cũng vào thời điểm ấy, giáo sư Hưng quyết định rút lui sau một thời gian dài làm việc. Ông nói, rằng ông “đã chấm dứt đúng lúc và trao lại những gì cần thiết cho các cơ quan chức năng đôi bên. Sớm hơn thì hơi uổng, trễ hơn thì không tiện!”
Giáo sư Hưng cũng nói đến “những hạt sạn, những đố kỵ, dèm pha từ những phía không ngờ được, những người phe “bạn!”” Có kẻ vu khống ông với cơ quan chức năng, ngay cả với công an, an ninh!
Giáo sư Nguyễn Ðăng Hưng viết trên blog, cũng là lời ông trả lời với một phóng viên trong nước, là ông “hằng mong đợi đợt đổi mới lần thứ hai nhưng có cảm tưởng việc này ngày càng lùi xa ra!”
Sau đó tình trạng tham nhũng không những không giảm thiểu mà ngày càng trầm trọng, tác hại đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế … những phương tiện cần thiết để chống tham nhũng như báo chí, lại bị vô hiệu hóa một cách nhức nhối xót xa.
Ðiều đáng buồn, một chương trình lớn đến như vậy, thành công đến như vậy, theo lời giáo sư Nguyễn Ðăng Hưng: “Thành lập tổ chức một cơ sở quốc tế giảng dạy tại Việt Nam sao khó thế. Còn chấm dứt thì, vèo, chỉ một bức thư là xong!”
Liệu, bốn năm nữa, Việt Nam có đạt được ước mơ là có bốn đại học theo tiêu chuẩn quốc tế? Hay đơn giản, chỉ là “một giấc mơ quá lãng mạn.”?
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


Bốn năm nữa có 4 đại học đẳng cấp quốc tế
Tuấn’s Blog
Monday, August 10, 2009
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/08/bon-nam-nua-co-4-ai-hoc-ang-cap-quoc-te.html

Mới đọc qua bản tin “4 năm tới, Việt Nam sẽ có 4 trường ĐH theo chuẩn quốc tế” tôi tưởng rằng 4 năm nữa VN sẽ có 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế (world class university), nhưng đọc kĩ thì thấy là chỉ dự tính thôi.
Điều đáng nói là Bộ GDĐT có vẻ thích mô hình của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST). Một quan chức của Bộ nói rằng vào thời điểm mà HKUST thành lập (đầu thập niên 1990) Hồng Kông cũng lưỡng lự như VN hiện nay là nên xây trường mới hay đầu tư vào những trường lâu đời có sẵn. Nhưng tôi nghĩ nhận định này của Bộ sai. Rất sai. Trước khi có trường HKUST, Hồng Kông đã có những đại học danh tiếng, có thể nói là có đẳng cấp quốc tế. Những trường như University of Hong Kong và Chinese University of Hong Kong đã là những học viện có tiếng chẳng những trong vùng mà còn trên trường quốc tế. Họ thu hút khá nhiều giáo sư tài năng từ nước ngoài. Cho đến nay, hai trường này vẫn là hàng top của Hồng Kông và Á châu, còn HKUST thì làm sao sánh được.

Quan chức của Bộ GDĐT nói: “Tuy vậy, chỉ trong vòng 15 năm kể từ ngày khai giảng khoá đầu, trường đã được NewsWeek xếp hạng 60 trên toàn thế giới, cao nhất trong số các trường ĐH ở Hồng Kông.” Nhưng tôi không thấy tài liệu nào nói như thế. Thật ra, chỉ thấy tài liệu nói HKUST xếp vào hạng 24 về công nghệ. Mà, như tôi từng nhận xét, mấy loại xếp hạng này cũng chẳng đáng tin cậy, vì nó rất … tào lao. Ngay cả cách xếp hạng [nổi tiếng] của nhóm Đại học Giao thông Thượng Hải (bên Tàu) khi bị một nhóm nghiên cứu Hà Lan mắng cho là “không biết nghề” thì mới chịu thú nhận là … sai. Nói chung, chẳng có cách xếp hạng nào đáng tin cậy cả. Cứ chạy theo những hạng này là một sai lầm ghê gớm vì làm hao tổn tiền bạc và nhân lực cho những mục tiêu không có thật.

Hồng Kông là một nơi có thể chế chính trị cởi mở, tương đối dân chủ, hệ thống hành chính Tây phương, mà với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và tài chính, họ cần đến 15 năm để đưa MỘT đại học lên hàng kha khá (chứ chưa phải là world class như Bộ GDĐT nghĩ đâu); còn Việt Nam ta với cái hệ thống “hành là chính”, cơ chế cồng kềnh, hệ thống giáo dục bệ rạc như hiện nay mà dám nói rằng trong 4 năm sẽ có 4 đại học đẳng cấp quốc tế thì đúng là một giấc mơ quá lãng mạn. Ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử rao bán trăng, còn ngày nay mấy người trong Bộ GDĐT đang rao bán hi vọng.
NVT


-----------------------------------

4 năm tới, Việt Nam sẽ có 4 trường ĐH theo chuẩn quốc tế
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/08/862624/

No comments: