Saturday, August 29, 2009
BÀI NGỬA Ở BIỂN ĐÔNG và BÀI BẢN VỀ TƯ DUY (1)
Bài ngửa ở Biển Đông và bài bản về tư duy (1)
Lê Tuấn Huy
29/08/2009 6:43 chiều
http://www.talawas.org/?p=9605
Trong thời gian 11 – 24/06/2009, tàu khảo sát Bruce C. Heezen của Hải quân Hoa Kỳ đã vào hải phận Việt Nam. Giới quan sát cho rằng đây là bước đi chính trị của Hà Nội. Tuy nhiên, đó không phải là chuyện đột ngột. Trước khi Hội nghị Trung ương lần thứ Tư (15 – 24/01/2007) bế mạc, mà một trong những điểm đáng chú ý là nghị quyết về chiến lược biển đến năm 2020, đã có thông tin Việt Nam chấp nhận để tàu Mỹ vào tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh.
Trên hai năm rưỡi đó, để chính thức hóa một quyết định nhân đạo liên quan đến biển Đông với phía Mỹ, là những biến động ngoại giao có tương tác chiều sâu với đường hướng bảo vệ tổ quốc. Và, bên dưới khoảng thời gian và tương tác này, là những vấn đề của tư duy chiến lược.
1. Cục diện mới ở Biển Đông
Khởi đầu chuỗi diễn biến nóng ở biển Đông, ngày 05/03/2009, Thủ tướng Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với đá Hoa Lau và vùng biển phụ cận thuộc Trường Sa. Tiếp theo, ngày 10/03/2009, Philippines thông qua Luật về Đường cơ sở (Baselines Law) để xác định lãnh hải. Khi hạn định đăng ký thềm lục địa mở rộng với Liên hiệp quốc đang gần kề (13/05/2009), hai động thái này thể hiện ý nguyện khẳng định chủ quyền biển.
Thế nhưng, đến vụ đụng độ giữa tàu Impeccable của Mỹ với năm tàu Trung Quốc vào ngày 08/03/2009, thì cả trên bề mặt diễn tiến lẫn thực chất vấn đề đã không còn đơn giản như vậy.
Sau sự việc, Hoa Kỳ đã lập tức điều chiến hạm đến hỗ trợ hoạt động quan trắc. Đáp lại, Hoa lục cho xuất bến tàu tuần ngư lớn nhất, vốn được đóng lại từ tàu chiến. Có điều là, thay vì chỉ đến vùng biển đã xảy ra chạm trán hoặc nơi hiện có hoạt động hải thám của Hoa Kỳ, Bắc Kinh lại nhanh chóng cho tàu đến Hoàng Sa, Trường Sa. Và, trước khi họ đến những nơi có trong hải trình “tuần ngư”, thì ngày 12/03/2009, Việt Nam đã phải phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền vì tổ chức tour du lịch đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Các tàu Mỹ, Hoa tiếp tục có những va chạm riêng rẽ sau đó nhưng thiệt hại lớn nhất lại là Việt Nam, do có lệnh cấm đánh bắt trên biển kéo dài hai tháng rưỡi mà Trung Quốc đưa ra, từ ngày 15/06/2009, với phạm vi bao gồm cả một số vùng thuộc chủ quyền Việt Nam mà họ tranh chấp.
Toàn bộ diễn biến vẫn đang tiến triển này không những khẳng định chiếc lược và sách lược “Nam hải” của Trung Quốc đối với các bên liên quan, mà còn mở ra cục diện mới tại đây.
Về chiến lược, Trung Quốc trước sau như một, không những muốn chiếm tuyệt đại bộ phận biển, đảo phía nam, mà còn có tham vọng biến biển Đông thành ao nhà, đẩy các thế lực đại dương khác ra khỏi vùng.
Về sách lược và chiến thuật, cùng với việc lâu nay vẫn giữ cho các tranh chấp ở dạng song phương, họ dùng phương cách đúng đắn, là chọn đúng đối tượng cho từng thái độ ứng xử, theo từng diễn tiến, trong thế sẵn sàng đối kháng với các quốc gia nhỏ trong vùng, đặc biệt là với Việt Nam. Đồng thời, ứng với thế và lực hiện nay, họ tránh đối kháng với thế lực lớn, dù vẫn có hành động khẳng định mình.
Về cục diện, trong bối cảnh mà việc xác quyết và bảo vệ lãnh hải trở thành vấn đề phải trực diện đối với các nước trong vùng, khiến cho từ đây về sau, tuy từng lúc có khác nhau nhưng khu vực biển Đông khó có thể bình ổn như trước, thì việc tăng cường thám sát bằng hải quân cho thấy đã đến lúc Hoa Kỳ tái hiện diện quân sự ở Đông Nam Á. Nếu thế, cuộc chơi “ao nhà” sẽ khó khăn hơn nhưng đồng thời cũng khiến cho Trung Quốc tăng cường hơn nữa áp lực quân sự để đạt vị thế mong muốn. Cũng sẽ không dừng lại ở Hoa Kỳ và Hoa lục, vì với thông lệ tự do lưu thông trên các vùng biển quốc tế, và để bảo đảm từ xa các quyền lợi của mình, các quốc gia khác cũng có thể hiện diện tại khu vực như những thế lực biển.
Như vậy, thành tố Trung Hoa đã thay đổi, thành tố Hoa Kỳ đang thay đổi, các thành tố khác bên ngoài sẽ thay đổi. Thế nên, các thành tố bên trong của tranh chấp biển Đông cũng không thể đứng yên, mà sẽ vận động theo hướng ít nhiều tạo thế liên minh với Hoa Kỳ và đưa tranh chấp ra quốc tế.
Nói vắn tắt, đã khởi sự một cục diện đa thành tố, với xu hướng gia tăng về quân sự và gắn kết về liên minh, khiến tranh chấp biển Đông ngày càng mang tính quốc tế.
2. Tình thế của Việt Nam trong diễn tiến chính trị thế giới
Ở bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào, không chỉ bằng chứng hiện thực và bằng chứng pháp lý mới quan trọng, mà thế và lực của quốc gia cũng giữ vai trò không kém. Với tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa, dù “có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý”, Việt Nam lại không có đủ cả thế và lực để xác lập chủ quyền thực tế trên toàn bộ hai quần đảo này.
Sau khi Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa (1974) và một phần Trường Sa (1988), trên thực tế, lực của Việt Nam khó có thể chống đỡ trước đe dọa quân sự trên biển. Sự vươn dậy ở tầm toàn cầu của phương bắc càng khiến gia tăng khoảng cách này.
Do yếu về lực, chiến lược của Việt Nam chủ yếu xoay quanh thế.
Cùng với sự sụp đổ của khối Xô-viết, thế đứng của Việt Nam không còn được như trước. Sau khi rút khỏi Campuchia (1989) và gia nhập ASEAN (1995), Việt Nam đã tạo được vị thế mới trong đối thoại an ninh biển Đông. Quy tắc Ứng xử biển Đông (tức Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại biển Nam Trung Hoa, Declaration On The Conduct Of Parties In The South China Sea, 2002) là kết quả từ đó. Đối với Hà Nội, đây là thành công lớn, không những ở việc các bên cam kết không sử dụng vũ lực, mà còn ở chỗ biến tranh chấp biển vừa thành một quan hệ đa phương vừa thành một quan hệ đối trọng, giữa các nước nhỏ phía nam với quốc gia lớn phía bắc.
Thế nhưng, quy tắc này đã nhanh chóng chứng tỏ tính vô hiệu. Các nước Đông Nam Á không những không tạo thành tiếng nói chung mà còn hoàn toàn im lặng khi có sự vụ vi phạm quy tắc, mà phía bị thiệt hại phần lớn là Việt Nam. Quả thật, dù đã có cơ chế đa phương nhưng Việt Nam vẫn ở vào thế “đối thoại” song phương, trong trạng thái thuần nhu, mà không có lấy sự hậu thuẫn – chí ít là về mặt “tinh thần” – của bất kỳ thế lực nào.
Trước khi có mặt trong khối ASEAN, Việt Nam đã chính thức bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991) và Hoa Kỳ (1995). Không như thế giới đơn diện trước đây của phe xã hội chủ nghĩa, trong thế giới đa diện, hai đối tác này đã dần tạo nên tình thế mới đối với Việt Nam. Dù đều tăng tốc trên mọi mặt trong vài năm qua, nhưng những biến động sách lược và chiến thuật vẫn khiến cho các quan hệ này thăng trầm, mà lắm khi Việt Nam phải đối ứng bị động.
Ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định Phân định vịnh Bắc bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá. Nhưng chính vào thời điểm hai hiệp định này có hiệu lực (07/2004) trở đi, Hoa lục lại khởi sự lối hành xử ngang tàng hơn trên biển, mà hầu như động thái sau luôn tăng phần nguy hiểm hơn trước.
Thế chênh vênh đó buộc Việt Nam phải tìm cách cân bằng. Việc Washington cùng trong tháng 12/2006, không những thông qua Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relations, PNTR) mà còn âm thầm bỏ cấm vận vũ khí đối với Hà Nội (trong khi không giải tỏa cho Bắc Kinh), là những điểm nổi bật trong chuỗi sự kiện dồn dập cho thấy sự nồng ấm nhanh chóng giữa hai nước. Nhưng cũng nhanh chóng sau đó, từ giữa năm 2007, chiều hướng ngược lại cũng tiến triển, từ sự bất đồng về nhân quyền, mà đến gần đây mới giảm đi.
Cho đến trước khi có những diễn biến nóng trên biển Đông, trong quan hệ chính trị nói chung và tương quan trên biển nói riêng, có thể nói, chiến lược đi dây của Hà Nội đã thành công. E ngại đối tác này ngả hẳn sang một bên khiến cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không có những động thái cứng rắn trong các vấn đề thuộc “tầm ngắm” họ. Điều đó làm tăng vị thế “cửa giữa” của Việt Nam. Thế nhưng tới đây, mọi sự có thể không còn được như trước.
3. Tình thế của Việt Nam trong cục diện mới ở biển Đông
Thời chiến tranh nóng hay chiến tranh lạnh, quan hệ đồng minh hình thành một cách cơ hữu. Vào thời hợp tác và hòa hoãn như hiện nay, thường không như thế. Sự hậu thuẫn của quốc gia này dành cho quốc gia khác – chính thức hay không chính thức, trong các vấn đề quốc tế hay quốc nội, thường trực hay hay tiềm tàng – thường trên cơ sở tương đồng nhất định về văn hóa hay thể chế mà không gắn chặt vào lợi ích của nhóm quốc gia cơ hữu. Đồng minh kiểu này có tầng sâu ở văn hóa chính trị.
Trong tương quan biển Đông, vốn đã bị đặt vào thế phải tranh chấp, Việt Nam lại không có đồng minh cơ hữu lẫn đồng minh thể chế khi mà đồng minh lớn nhất về chính trị lẫn văn hóa chính là chủ thể muốn tước đoạt biển, đảo. Việt Nam cũng hầu như không có được sự hậu thuẫn của công luận thế giới trong vấn đề này, và đó cũng là một phần hậu quả từ việc thiếu vắng tương tác đồng minh.
Yếu về lực, bị động về thế và không có đồng minh thể chế, Việt Nam trông cậy nhiều vào sự tự giác của các bên tranh chấp nhằm “không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông”. Thế nhưng, từng chiến thắng trước một Việt Nam Cộng hòa cạn lực, bí thế và không còn sự hậu thuẫn của đồng minh cơ hữu, lẽ ra ngày nay, giới lãnh đạo đã hiểu ngay từ đầu, rằng với kẻ mạnh và đầy quyết tâm, việc giữ nguyên hiện trạng ở những nơi có tầm quan trọng chiến lược, mà theo họ sẽ có lợi cho kẻ yếu, thì chỉ là chuyện không tưởng.
Trong những năm qua, khi Việt Nam chú tâm vận dụng tổng hợp các chiến thuật để bảo đảm thế cân bằng đối ngoại và đạt mục đích đối nội, thì Trung Hoa đã “âm thầm” trở thành một thế lực đại dương. Bên cạnh tác động chiến lược châu lục, căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Hải Nam, căn cứ tại Hoàng Sa và Hạm đội Nam Hải – mạnh nhất trong ba hạm đội của họ, là mối đe dọa trực tiếp đối với Việt Nam. Phần Hoa Kỳ, sau khi đóng cửa căn cứ không quân Clark (1991) và căn cứ hải quân Subic (1992) ở Philippines, với việc Liên Xô tan rã (1991), thế lực trên biển duy nhất còn lại lúc đó đã chấp nhận rời khỏi Đông Nam Á. Sự thể này nay chấm dứt, họ không thể kéo dài sự giậm chân chiến lược dù có đến được “cửa ngõ” nào đó hay không.
Bên cạnh đó, chiến lược của Hà Nội dùng ASEAN như một đối trọng với nước lớn trong tranh chấp biển vốn đã không hữu dụng, nay vô dụng trước sự vượt bậc của Trung Quốc, và sắp tới có thể sẽ phản tác dụng trước sự nổi lên khả dĩ của Philippines.
Tình thế của Việt Nam trong cục diện mới ở biển Đông sẽ còn được tiếp tục nhận diện, nhưng đến đây đã có thể thấy rằng trong bối cảnh đa thành tố, có sự gia tăng về quân sự và tính chất quốc tế, thì sự yếu kém về thế và lực, cùng với việc không có quan hệ đồng minh đã khiến cho các giải pháp như trước nay ngày càng trở nên ảo chứ không thực, càng khiến cho việc bảo vệ chủ quyền biển ngày một mong manh. Đó là cái giá phải trả cho sự trì trệ về chiến lược và sách lược trên biển. Việc bám víu quá lâu – mà nói khác đi, là lạm dụng – vào chiến lược đi dây đã biến Việt Nam thành một thành tố tĩnh trong một cục diện động và các thành tố động, khiến Hà Nội gần như bế tắc trong lựa chọn chiến lược bạn – thù[1]. Điều này chủ yếu xuất phát từ việc đánh giá chiến lược không đầy đủ đối với tương quan địa chính trị.
4. Cách nhìn địa lý trong đánh giá địa chính trị
4.1. “Cửa ngõ” Việt Nam
Cách nhìn thịnh hành cho rằng Việt Nam có một vị trí đặc biệt, là cửa ngõ của Đông Nam Á. Trong bối cảnh hiện nay, vị trí chiến lược của Việt Nam có vẻ càng đắc địa hơn. Nhưng điều này lại khiến sinh ra một số ảo giác, cả trong tiếp cận chiến lược lẫn việc thực thi sách lược.
Trước tiên, ta thấy rằng vị trí địa lý của một quốc gia là không thể thay đổi, nhưng vị thế địa lý và vị thế địa chính trị thì lại có thể.
Ở đây, xin phân biệt về mặt từ ngữ. “Vị trí địa lý” chỉ nơi chốn của đối tượng, được xác lập bằng chính liên hệ nơi chốn với – và của – những đối tượng xung quanh. “Vị thế địa lý” nói đến quan hệ địa lý, tức quan hệ nảy sinh từ vị trí địa lý, của chủ thể một vị trí địa lý với một hay nhiều chủ thể của vị trí địa lý khác. Vị thế địa lý là một khía cạnh của “vị thế địa chính trị”, tức những quan hệ chính trị phát sinh quanh một vị trí hay vị thế địa lý, do có những tương tác chính trị rộng lớn hơn so với tương quan xung quanh.
Như vậy, trong khi vị trí địa lý là một vấn đề thuần tự nhiên, có độ biến đổi hết sức thấp, thì vị thế địa lý và vị thế địa chính trị xác định từ vị trí đó, là những hiện tượng xã hội và có tính lịch sử, tức có sự biến đổi theo thời gian, tùy vào tương quan của các liên hệ không thuần địa lý.
Tất nhiên, tách bạch giữa ba phạm vi này là sai lầm về phương pháp luận, nhưng nhập nhằng giữa chúng lại là một sai lầm lớn hơn.
Việt Nam quả đã giữ vị trí đặc biệt tại Đông Nam Á kể từ Chiến tranh Thế giới II. Khi đó, Nhật đã dùng Đông Dương làm bàn đạp để thôn tính các nước phía tây và nam bán đảo này[2]. Với việc định hình một dải liền lạc và rộng lớn của phe xã hội chủ nghĩa, từ năm 1954, Việt Nam trở thành cánh cửa mà hai bên đều muốn mở ra cho mình và chốt lại với bên kia. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, vị trí của Việt Nam hầu như không được chú trọng. Cho đến gần đây, nó lại thường xuyên được nói đến.
Nhưng đúng ra, khi nói đến “cửa ngõ”, ta đang nói đến vị thế địa lý chứ không còn là vị trí địa lý. Việt Nam vẫn luôn ở chốn đó nhưng vị thế thì có thể thế này mà cũng có thể thế kia, tùy vào một hoặc một số tương quan trong không gian, thời gian được xét đến.
Và trong hiện thực, có một thực tế lịch sử xuyên suốt hơn so với giai đoạn từ thế chiến II đến khi chấm dứt chiến tranh lạnh, là cái được gọi là “cửa ngõ” Việt Nam thường liên quan chủ yếu đến Trung Quốc, chứ không phải lúc nào cũng liên quan đến cả vùng hay cả thế giới. Đất Việt đã là cánh cửa mà triều đại nào ở phương bắc cũng muốn mở tung. Dưới thời cộng sản chủ nghĩa, điều đó cũng không hề thay đổi dù biện pháp có khác biệt ở từng thời kỳ.
Ngoài trường hợp Nhật đưa quân chiếm đóng các nước khác từ Đông Dương, trước đó, khi các nước thực dân bắt đầu mở rộng sự đô hộ sang phương đông, Việt Nam không phải là địa bàn đầu tiên để từ đấy họ bung ra cả vùng hay tiến lên phía bắc. Còn ngày nay, với vị trí nằm lọt trong không gian được bao bọc bởi Trung Hoa và các nước Đông Nam Á kia, thì ngoài Miến Điện, Lào và Campuchia, các nước khác trong tiểu vùng này, dù mức độ có khác nhau nhưng khi so với Việt Nam, đều có quan hệ gần hơn với Hoa Kỳ và châu Âu; do vậy, phương Tây hẳn là không phải dùng đến cửa Việt Nam để mở đường chinh phục Đông Nam Á, mà chính là Việt Nam đã từng (và có lẽ vẫn sẽ tiếp tục) cần đến ngõ ASEAN trong những toan tính với phương Tây.
Ngay cả Trung Quốc, nay cũng xâm nhập phương nam không chỉ qua cửa Việt. Thậm chí, Lào và Campuchia mới là địa bàn mà họ “thôn tính mềm” trước tiên, để từ đó siết chặt gọng kìm đối với Việt Nam, cho dù hai quốc gia này có thể chỉ là “quá độ”. Ngoài ra, do có sự cách biệt nhất định về văn hóa hoặc địa lý giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á còn lại, nên đối với các nước khác, đều không nhất thiết thâm nhập tiểu vùng này duy chỉ từ Việt Nam, xét cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm. Nếu có nước nào đó xem Việt Nam như cửa ngõ (giả định như Pháp, Ấn, Nga hay các nước Đông Âu…) để thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa với cả vùng, thì chủ yếu là do sự thuận lợi từ quan hệ lịch sử, chứ không phải vì Việt Nam là cửa nhất thiết phải qua về mặt địa lý.
Ảo giác về một vị thế lớn lao bất biến xuất phát chính từ việc đồng nhất vị trí địa lý với vị thế của nó ở những tương quan và thời kỳ cụ thể, rồi từ đó lại quy ngược về vị trí và quy kết thành vị thế địa chính trị.
Muốn đánh giá vị thế địa lý hay vị thế địa chính trị của một quốc gia hay một vùng, thì điều đầu tiên, đơn giản là nhận định đúng về vị trí địa lý “chưa chính trị” của nó.
Trước khi là cửa ngõ hay bất kỳ cái gì khác, Việt Nam, tự thân, chỉ là nước cực đông của bán đảo Trung Ấn, nơi chuyển tiếp duyên hải giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, có biên giới với Trung Hoa, Lào, Campuchia, và là một trong những quốc gia có bờ biển tạo nên vành đai của biển Đông. Việt Nam chỉ thành “cửa ngõ” khi đặt trong tương quan với những quốc gia nào đó, đi cùng những tính toán chiến lược của họ trong thời kỳ nhất định.
Từ sự định vị tự thân để bước sang những phạm vi không còn thuần địa lý, sẽ thấy rằng với vị trí này, Việt Nam tiếp nhận từ bên ngoài được rất nhiều về văn hóa và kinh tế, chính trị và quân sự, nhưng cũng phải đương đầu với từng ấy nguy cơ.
Một mặt, ta liền kề với một Hán tộc có xu hướng bành trướng và đồng hóa. Mặt khác, với một đất nước hẹp chiều ngang, bờ biển chạy suốt theo chiều dài lãnh thổ sẽ là một sườn để hở đối với bên ngoài. Mối đe dọa trên bộ ngàn đời từ phương bắc chỉ tạm ngưng lại khi chính họ cũng chịu số phận bị chinh phạt của chủ nghĩa thực dân từ hướng biển. Thế nhưng, nay lại đang hình thành nguy cơ của “chủ nghĩa thực dân đỏ” từ cả trên bộ lẫn trên biển, ở thế gọng kìm nhiều mặt. Chưa hết, khác với các quốc gia chuyển tiếp châu thổ kế cận, ta có vị trí chuyển tiếp duyên hải ở ngay vùng biển có hải trình huyết mạch đối với nhiều cường quốc chính trị và kinh tế, thì tranh chấp và xâu xé là nguy cơ luôn tiềm ẩn, đợi dịp để bùng phát.
4.2. Và những cửa ngõ không Việt Nam
Tương tự, các nước khác tại Đông Nam Á cũng có vị trí địa lý tự thân của họ (hình 1), từ đó mà nảy sinh những vị thế địa lý tương ứng và định hình các vấn đề địa chính trị cụ thể. Có thể kể đến một số nước trong đó.
Hình 1: Vị trí các nước Đông Nam Á (Nguồn: southchinasea.org; có chỉnh lý)
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/08/LTH1-400x375.jpg
Miến Điện là nước cực tây của bán đảo Trung Ấn, có biên giới trên bộ giáp với Trung Hoa, Ấn Độ, Banglasesh, Thái Lan và Lào, có toàn bộ biên giới phía nam là duyên hải hướng ra biển Andaman thuộc Ấn Độ dương, và là quốc gia Đông Nam Á chuyển tiếp sang Nam Á[3].
Lào là lãnh thổ không tiếp giáp với biển, có biên giới với Thái Lan, Miến Điện, Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia.
Malaysia là quốc gia nằm trong vành đai các nhóm hải đảo, bán đảo phía nam và đông Đông Nam Á, gồm hai phần lãnh thổ ngăn cách bởi biển Đông; có biên giới với Thái Lan, Singapore, Indonesia và Brunei. Ngoài những vùng duyên hải hướng về biển Đông, sườn phía tây của Tây Malaysia là bờ hướng ra eo Malacca.
Indonesia là một quần đảo trải theo chiều đông-tây, nằm về phía nam của Malaysia và Philippines, là nơi tiếp giáp với lục địa Úc châu qua vùng biển phía nam thuộc Ấn Độ dương và biển Timor. Ngoài các quốc gia liên quan vừa nhắc, Indonesia ngăn cách với Singapore bằng một vùng nước hẹp thuộc eo Malacca. Indonesia còn có biên giới trên bộ với Malaysia, Papua New Guinea và Đông Timor.
Philippines ở vị trí cực đông của Đông Nam Á và được biển bao bọc, là một nhóm đảo trải theo chiều bắc-nam. Cực bắc Philippines là các nhóm đảo nhỏ phía nam Đài Loan, cũng là vùng nước nối biển Đông ở mạn tây với biển Philippines ở mạn đông.
Sơ lược như trên đã có thể thấy rằng, ngoài những nước nhỏ hay nước có địa giới hoặc hải giới khuất lấp, các nước khác tại Đông Nam Á, gồm cả Thái Lan, đều có những điểm rất đáng chú ý về vị trí, và từ đó, là vị thế của họ.
Cũng như Việt Nam, hầu hết các nước này đều nắm giữ cửa ngõ nào đó ở khu vực. Tuy vậy, trong khi Việt Nam, dù có thể kiểm soát hải lộ thuận lợi nhất trong hải trình ngang qua biển Đông[4] nhưng cũng chỉ là cái ngõ trung chuyển và có thể thay thế, thì họ nắm giữ những cánh cửa trực tiếp và không thể bỏ qua.
Như thế, với vị trí của Việt Nam, “cửa ngõ” vốn không là vị thế tự thân, bất biến và vĩnh viễn. Không những thế, Việt Nam cũng không phải là cửa ngõ độc nhất, cốt tử và không thể thay thế. Vì điều này mà trong cục diện mới, có khi chính “cửa ngõ” Việt Nam lại gặp phải thất lợi từ những “cửa ngõ” khác trên bàn cờ chính trị mà Hà Nội cũng tham gia vào với chủ đích riêng.
4.3. Bối cảnh địa chính trị và tiếp cận đối ứng
Bối cảnh địa chính trị quanh Việt Nam hiện nay, nhìn chung, hình thành ở những nét lớn sau.
Trước tiên là việc Trung Quốc quyết liệt lấp chỗ trống về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự mà nước Nga, hậu thân của Liên Xô, đã tạo ra khi rút ảnh hưởng khỏi Việt Nam. Không những thế, nước này còn muốn lấp cả chỗ trống của thế lực toàn cầu tại Đông Nam Á, do đã có thay đổi chiến lược từ các nước trong khu vực và Hoa Kỳ. Hậu thuẫn cho những mục đích này là sức mạnh siêu cường đang lên của phương bắc, mà một trong những trọng tâm là chia sẻ các đại dương, với mục tiêu trước mắt là biển Đông.
Song song, do việc hướng lên phía bắc, tây và đông vừa chưa phục vụ cho những lợi ích chiến lược sát sườn, vừa gặp nhiều trở ngại hơn về điều kiện địa lý hoặc vì cả thế và lực ở những nơi này đều lớn; và đồng thời, cho dù đang trổi dậy mạnh mẽ, Bắc Kinh cũng không thể cùng lúc tạo ra cho mình nhiều đối trọng không mong muốn, nên họ sẽ hướng sự bành trướng cố hữu xuống phương nam, một cách tối đa, và không chỉ với Đông Nam Á mà cả với Nam Á. Ở phạm vi này, với tư thế của người bảo trợ thể chế, cái giá địa chính trị mà Hoa lục nhận được từ tập đoàn quân nhân Miến, là Myanmar trở thành cửa ngõ để họ thâm nhập vào cả hai hướng, là đường thông và địa bàn chính để Trung Hoa tạo chỗ đứng tại Ấn Độ dương, “tiếp cận” Ấn Độ từ hướng biển và hiện diện tại một đầu cửa ngõ của eo Malacca. Đấy là chưa kể những quốc gia lân cận ở bắc Ấn cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng từ Bắc Kinh, có thể tác động tiêu cực đến cục diện an ninh.
Viễn cảnh sẽ đó khiến hình thành trận địa nhằm giữ thế cân bằng chính trị và quân sự đã hình thành ở châu Á, cả trên bộ và trên biển.
Trước mắt, Ấn Độ sẽ tập trung nhiều hơn cho vùng vịnh Bengal và biển Andaman. Nhưng xa hơn, phạm vi hiện hiện của họ có thể sẽ phải mở rộng, vì nếu Trung Hoa đã thực hiện những bước đi chiến lược để đứng chân tại vùng biển đông và đông nam Ấn Độ, thì nước này không thể không tính đến chuyện đối ứng, tại vùng biển nam Trung Quốc.
Phần Nhật Bản, ngoài vùng biển Đông Bắc Á, cũng sẽ khó bỏ qua sự quan tâm truyền thống đối với phía nam, nơi có cánh cửa vận chuyển sinh tử của đất nước giàu kinh tế nhưng nghèo tài nguyên này. Sự trở dậy của Quân đội và Hải quân Nhật trong những năm gần đây[5] và sự ganh đua công khai của họ đối với ảnh hưởng của Hải quân Trung Quốc[6] đã là tiền đề cho điều đó.
Thậm chí, còn tiềm tàng một Nam Hàn đứng ra chia sẻ gánh nặng an ninh với đồng minh, dự phần bảo vệ hải lộ có ảnh hưởng đến sự giao thương và thịnh vượng của họ.
Đối với các nước Đông Nam Á không thiên cộng sản, một mặt, họ giữ lấy vị thế đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ như lá bài an ninh cho riêng khu vực của họ; mặt khác thì dựa vào nguyên tắc đồng thuận cả khối để chơi trò cục bộ, thực chất là vừa bảo vệ quyền lợi quốc nội vừa giành lấy quyền lợi quốc tế từ tranh chấp biển.
Hoàng Sa và Trường Sa cũng giữ vị thế là thành tố độc lập tương đối, góp phần tạo nên bối cảnh địa chính trị của khu vực, vì không những là đối tượng mà các thành tố khác xoay quanh, với “thế trận” đã bày ra trên đó, hai quần đảo này còn khiến chuyển hóa các tương quan chính trị và quân sự của vùng chứ không chỉ cố định theo bối cảnh địa chính trị chung chung.
Đài Loan là một trong số những thành tố có thể tạo chuyển hóa như thế, và không ai có thể bỏ qua họ trong các tính toán chiến lược vùng.
Phần Australia, quốc gia Tây phương có vị trí gần gũi với Đông Nam Á, vào đầu và giữa những năm 1990 đã có chính sách hòa nhập vào tiểu vùng này, nhưng ngoài Indonesia[7], họ hầu như bị khước từ. Trong bối cảnh mới, việc tái hòa nhập có thể sẽ diễn ra, lần này thiết yếu hơn, thông qua cơ chế nào đó của an ninh vùng.
Còn nước Nga, trong điều kiện thể chế hiện nay, và do chiến lược lấy lại vị thế siêu cường đối trọng từ việc củng cố lại vị trí tại không gian Sô Viết cũ và châu Âu nên, ít ra là trong ngắn hạn và trung hạn, họ không vung vãi tiềm lực đang cần tập trung.
Nhưng dù sao, có hay không có Nga, dự phóng như vừa nói cũng đã quá đủ để biển Đông có thể trở thành điểm hút quân sự.
Như thế, hiện nay, cục diện địa chính trị đối với Việt Nam là hết sức phức tạp và khó khăn, đòi hỏi sự tiếp cận tỉnh táo và lạnh đầu.
Tiếp cận cửa ngõ cho thấy ta quan trọng đối với Đông Nam Á, với châu Á và cả thế giới. Tiếp cận chuyển tiếp cho thấy Đông Nam Á, châu Á và cả thế giới quan trọng đối với ta. Tiếp cận đầu cho thấy người cần và có lợi ở ta, trong việc bảo vệ ta. Tiếp cận sau cho thấy ta cần và có lợi từ người, và ta phải tự bảo vệ mình trong tương quan với người. Vấn đề là cần kết hợp đúng mức, đúng lúc các tiếp cận, và không áp đặt cái cục bộ lên toàn cục một cách phi lịch sử và phi địa lý.
Cần phải nói rằng tiếp cận cửa ngõ theo kiểu như trước nay là một cách nhìn què cụt, có nhiều tác dụng giáo dục lòng tự hào nhưng ít giá trị nhận thức chiến lược. Nó chưa nhận diện hết vị trí tự thân[8] thì đã vội đặt thành vị thế với người khác. Mà đó cũng chỉ là vị thế khiếm khuyết, khi vị trí và vị thế của các chủ thể xung quanh hoặc có liên quan cũng chưa được nhận diện hết. Ở đây, thay tiếp cận “đơn cửa” truyền thống bằng tiếp cận “đa cửa”, là cần thiết[9].
Cách nhìn đa cửa đòi hỏi ta nhìn nhận đúng vị trí và vị thế của mình trong tương quan với mỗi đối tác địa lý, theo từng điều kiện lịch sử, cùng lúc với việc nhìn nhận đúng vị trí và vị thế của họ trong bối cảnh tương ứng. Thực chất, tiếp cận như thế đã bao hàm cả nghĩa “cửa ngõ” và “chuyển tiếp”. Theo đó, về mặt phương pháp luận, mỗi đơn thể (với đặc trưng tự thân) được đặt trong toàn thể (với đặc trưng tổng hòa), và ngược lại. Về mặt nhận thức chiến lược và vận dụng sách lược, chiến thuật, nó cho ta biết mình là ai, hiện đang đứng ở đâu trong thế giới này, có thể làm được gì và không thể làm được gì, việc gì tự lực được và việc gì phải hợp lực… Và cũng cho biết như thế khi nhận diện về người, mà nói ngắn gọn, là biết đúng người và biết đúng ta.
Việt Nam đã thành công trong việc đưa ASEAN vào quỹ đạo đa phương (bằng Quy tắc Ứng xử biển Đông) và trong chiến lược đi dây (ở mức giữ cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều dừng lại ở giới hạn cần thiết), nhưng lại không thành công trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển mà xét trên tương quan quốc tế, chính là do đã gần như tuyệt đối hóa cách nhìn đơn cửa.
Đặt mình vào vị thế trung tâm Đông Nam Á từ vị trí cửa ngõ, xem mình như nhân tố không thể thay thế trong bàn cờ địa chính trị của khu vực và châu lục khiến dễ nghĩ rằng ta có thể chủ động đặt các thành tố khác vào thế trận đi dây của chính ta, với những điều kiện và cái giá thuận lợi hơn so với họ. Thế nhưng, như đã nói, khi ta tĩnh trong thế đi dây quá lâu thì các yếu tố khác buộc phải động, và điều đó có thể nảy sinh những tình huống khôn lường.
(Còn tiếp 2 kì)
---------------------------------------
[1] Ở đây, xin hiểu “bạn – thù” chỉ như một cặp đối ứng từ ngữ, không theo nghĩa cổ xúy sự vận động chiến lược theo hướng thù địch lẫn nhau. Tuy nhiên, với những người làm chiến lược, không thể ảo tưởng rằng khi có những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, vì yêu chuộng hòa bình, ta không xem ai là đối phương hay đối địch.
[2] Ngày 07/12/1941, Nhật từ Đông Dương đưa quân sang Thái Lan, đánh chiếm toàn bộ Malaysia, bọc hậu, thôn tính Singapore (15/12/1941), để rồi sau đó, tháng 03/1942, Indonesia cũng chịu chung số phận. Xem: Nguyễn Anh Thái (chủ biên), Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr. 200-202.
Xin nói thêm, vẫn cần thấy rằng lần đó, Đông Dương cũng chỉ là bàn đạp tại chỗ, trong một thế trận đã rồi, vì mặt trận châu Á – Thái bình dương đã được quyết định tức thời bằng trận Trân Châu cảng vào đúng ngày 07/12/1941, và Pháp cũng đã trao sẵn Đông Dương cho Nhật từ tháng 09/1940.
[3] Theo cách phân chia chung, Châu Á có bốn vùng, là Tây Á (hay Tây Nam Á), Trung Á, Nam Á, và Đông Á & Đông Nam Á.
[4] Xem: Doãn Mạnh Hùng, “Tây Nguyên là yếu huyệt trên bộ, vậy đâu là yếu huyệt trên bỉển?”
http://www.bauxitevietnam.info/ykien/090506_taynguyenyeuhuyet.htm
[5] Sau sự kiện 11/09, Nhật thông qua ba luật, cho phép đưa quân ra nước ngoài chống khủng bố và giữ gìn hòa bình, đồng thời nâng cấp lực lượng quân sự. Tháng 01/2007, Quốc hội Nhật thông qua việc tái lập Bộ Quốc phòng thay cho Cục Phòng vệ. Năm 2010, dự kiến sẽ đưa thông qua hiến pháp mới, cho phép Nhật tuyên chiến.
[6] Hạ tuần tháng 12/2008, Trung Quốc điều ba chiến hạm thuộc Hạm đội Nam Hải đến vịnh Aden để tham gia chống cướp biển Somalia. Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Hoa hiện diện ở tầm toàn cầu, khiến thế giới có phần bất ngờ. Ngay sau đó, Nhật Bản đã có hành động có tầm mức tương tự. Tháng 01/2009, Bộ Quốc phòng và Thủ tướng Nhật ra quyết định phái tàu chiến đến vịnh Aden. Trung tuần tháng Ba, hai chiến hạm nhổ neo (cùng hai máy bay do thám). Dự luật cho phép Hải quân Nhật tham gia hoạt động này được Hạ viện thông qua vào tháng Tư. Và ngày 19/06, Hạ viện cũng đã thu đủ số phiếu để bác kết quả chống lại dự luật tại Thượng viện, vừa biểu quyết trong cùng ngày.
[7] Tháng 12/1995, Australia và Indonesia đã ký một thỏa ước an ninh, nhưng việc Úc tham gia tái thiết Đông Timor đã khiến liên hệ này gián đoạn. Đến tháng 11/2006, hai nước mới ký một văn kiện khác thay thế, có hiệu lực vào tháng 02/2008.
[8] “Chưa nhận diện hết” theo nghĩa không đi đến chỗ nhìn nhận nó một cách đúng mức, còn việc xác định vị trí địa lý là điều đã được thực hiện chính xác từ lâu.
[9] Việc phê phán tiếp cận “đơn cửa” và đề xuất tiếp cận “đa cửa” đã từng được tác giả khác nêu lên. Xem: Hoằng Danh, “Lựa chọn chính trị (3): của Hoa Kỳ, qua chuyện đối lập Việt Nam, trong bối cảnh địa-chính trị” http://talawas.org/talaDB/suche.php?res=10255&rb=0401
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment