Tuesday, August 25, 2009
GIÁO DỤC VIỆT NAM : NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
Giáo dục Việt Nam : Những con số biết nói
talawas blog
25/08/2009 1:52 sáng
http://www.talawas.org/?p=9366
Theo bài “VN có bao nhiêu GS, PGS trình độ quốc tế?” trên VTC, cả nước có gần 6.600 giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS).
Trong khi đó báo Người Lao động cho biết, “theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này tổng số giảng viên cơ hữu của các trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) là 61.190 người”, “trong đó, số giảng viên có chức danh giáo sư chỉ có 320 người”, “giảng viên có chức danh phó giáo sư là 1.966 người”. Như vậy là trong tổng số 6.600 GS và PGS của cả nước chỉ có khoảng 1/3 trực tiếp làm công việc giảng dạy tại các trường ĐH và CĐ (2.286 người).
Cũng theo bài nói trên ở VTC, “đánh giá nghiêm túc theo chuẩn mực quốc tế, có lẽ chỉ 15-20% số GS, PGS của ta có trình độ thật sự tương xứng với chức vụ đó, theo sự thú nhận của chính ông Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước. Còn lại không chỉ thấp mà có đến hơn 1/3 rất thấp.” Như vậy, trong số 6.600 GS, PGS chỉ có từ 990 tới 1.320 người “có trình độ thật sự tương xứng với chức vụ đó” (tức khoảng từ 40 tới 60% số GS, PGS dạy tại các trường ĐH và CĐ). Khoảng từ 5.280 tới 5.610 người (80 – 85 %) còn lại là các GS, PGS yếu kém hay nói theo ngôn ngữ dân gian là “rởm”, “đểu”, “vứt đi”.
------------------------------------------------------
376 trường đại học, cao đẳng chỉ có 320 giáo sư
Cập nhật lúc 01:01, Thứ Hai, 24/08/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/08/864997/
- Cả nước hiện có 320 giảng viên ĐH chức danh giáo sư (GS), chiếm 0,52% trong gần 62.000 giảng viên cơ hữu ở 376 đại học, học viện, trường ĐH, CĐ. So với năm học trước, số GS đã tăng 6 người, trong khi lượng sinh viên tăng gần 120.000 em.
Thống kê này được tính đến ngày 10/8 và Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra trước hội nghị tổng kết năm học 2008 - 2009 khối ĐH, CĐ tổ chức tại Hà Nội vào ngày mai (25/8).
Theo thống kê, số giảng viên có chức danh PGS là 1.966, đạt tỷ lệ 3,21%, tăng 121 người so với năm học 2007 - 2008.
Qua một năm học, số giảng viên cả nước đã tăng hơn 9% với 5.070 người. Trong số đó, tăng nhiều nhất là lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ.
Cụ thể, số giảng viên có trình độ tiến sĩ là 6.217, đạt tỷ lệ 10,16% (tăng 335). Số giảng viên có trình độ thạc sĩ là 22.831, đạt tỷ lệ 37,31% ( tăng 2.556).
Lượng giảng viên này đảm nhiệm công tác giảng dạy cho hơn 1,7 triệu sinh viên.
Từ năm 2000 - 2007, Việt Nam đã công nhận 3.252 GS và PGS, trong đó có 450 GS và 2.802 PGS.
Năm 2008 việc công nhận bị gián đoạn. Dự kiến công việc này sẽ tiếp tục vào tháng 11/2009.
Theo số liệu mới nhất của Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN), hàng năm, Việt Nam công nhận 41 GS và 255 PGS.
Con số này ít hơn số nghỉ hưu - trung bình mỗi năm là 866 người (gồm 50 GS, 716 PGS).
Trong số cán bộ khoa học đang làm việc ở các trường ĐH, CĐ, có tới 75% đã quá tuổi 50.
‘Điều này đáng báo động về thực trạng thiếu cán bộ khoa học kế cận”, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường (Bộ GD-ĐT) Tạ Đức Thịnh nhìn nhận.
“Còn khiêm tốn”, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga cho biết về đội ngũ cán bộ đầu ngành có kinh nghiệm ở đại học này, dù ĐH đã "nỗ lực xây dưng đội ngũ trong gần 35 năm qua".
Việc thiếu cán bộ đầu đàn, không đủ cán bộ có kinh nghiệm giảng dạy và có trình độ cao ở từng lĩnh vực chuyên môn chính dẫn tới hậu quả không đủ người có năng lực biên soạn giáo trình.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực đầu đàn cũng góp phần khiến nhiều chương trình ở các trường không được xây dựng theo cấu trúc và các khối kiến thức quy định; để lẫn lộn các học phần giữa các khối kiến thức; khối lượng kiến thức không đủ yêu cầu tối thiểu đối với trình độ đào tạo hoặc kiến thức cốt lõi tối thiểu của ngành đào tạo; có tên ngành đào tạo không phù hợp với nội dung chương trình. Nhiều học phần có tên gọi quá cũ thể hiện nội dung cũ, không được cập nhật.
Một "hậu quả" khác là sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên đào tạo trình độ tiến sĩ và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thậm chí, có những chuyên ngành chỉ có một hoặc hai người có đủ trình độ tham gia giảng dạy và tham gia hội đồng chấm luận án.
"Trẻ hóa đội ngũ"
Ngày 17/7/2009, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) đã ban hành qui định và tiêu chuẩn mới cho chức danh GS, PGS.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia), quy định mới có phần hợp lí hơn so với các quy định trước, nhưng vẫn còn rất khác và phức tạp hơn so với các chuẩn mực ở nước ngoài.
Tại phiên họp thứ nhất của HĐCDGSNN khóa 2009 - 2014, nhiều ý kiến cho rằng với các mức ’chấm điểm" tỷ mỉ dành cho ứng viên GS, PGS sẽ hạn chế các trường hợp ứng viên trẻ; đặc biệt là những người có năng lực khoa học tốt đã được thể hiện qua các bài báo đăng ở tạp chí uy tín nước ngoài nhưng chưa đủ thời gian để hướng dẫn NCS, nhất là "đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ" hoặc tiêu chuẩn "chủ nhiệm đề tài", "chủ trì đề tài"...
GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, thay đổi theo hướng chính xác, đơn giản hoá sẽ giúp cho việc "trẻ hóa" đội ngũ PGS, GS ít gặp trở ngại.
Hạ Anh
Chỉ có 320 giảng viên là giáo sư
Thứ hai, 24/08/2009 00:06GMT+7
http://www.nld.com.vn/20090823103730808P0C1017/chi-co-320-giang-vien-la-giao-su.htm
(NLĐ)- Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này tổng số giảng viên cơ hữu của các trường ĐH, CĐ là 61.190 người, tăng 5.070 người so với năm học 2007 - 2008.
Trong đó, số giảng viên có chức danh giáo sư chỉ có 320 người (tăng 6 người), giảng viên có chức danh phó giáo sư là 1.966 người (tăng 121 người), giảng viên có trình độ tiến sĩ là 6.217 người (tăng 335 người) và giảng viên là thạc sĩ 22.831 người (tăng 2.556 người).
Ở các trường CĐ, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ đều tăng so với năm học 2007 - 2008 (tiến sĩ tăng 95 người và thạc sĩ tăng 931 người).
Y.Anh
VN có bao nhiêu GS, PGS trình độ quốc tế?
10/01/2008 16:32
http://www.vtc.vn/19-172017/xa-hoi/giao-duc/vn-co-bao-nhieu-gs-pgs-trinh-do-quoc-te.htm
Ngày 12/1, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức lễ công nhận chức danh cho 54 giáo sư mới phong năm 2007. Trong khi các nước rất cẩn trọng trong công tác này thì chúng ta lại có cách làm... chẳng giống ai. GS Hoàng Tụy đã nói về vấn đề phong GS, PGS hiện nay của nước ta.
20% GS, PGS xứng đáng với chức vụ này
Từ 1976, Nhà nước đã có chủ trương tiến hành phong GS, PGS để tiêu chuẩn hóa đội ngũ giáo chức đại học, nhưng mãi đến 1980 mới có đợt phong đầu tiên. Trong đợt này, phần lớn những người xứng đáng đã được phong, nhưng điều không hay là có khá nhiều quan chức mà công tác và trình độ rất xa lạ với chức danh GS cũng được phong dù.
Nguyên nhân là do ngay từ đầu cái từ “học hàm” đã làm cho nhiều người xem GS, PGS là một phẩm hàm, một danh vị, chứ không phải một chức vụ cụ thể. Quan niệm sai lầm này tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay vẫn chưa dứt.
Năm 1995, để trấn an dư luận sau một đợt phong GS. PGS nhiều tai tiếng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ đã dõng dạc tuyên bố GS, PGS đã được phong hoàn toàn ngang trình độ quốc tế.
Sự huênh hoang ấy đã bị vạch trần ngay vì ai cũng thấy rõ đại bộ phận các vị ngồi trong Hội đồng xét phong GS, PGS đều chưa đủ trình độ quốc tế thì làm sao có thể đánh giá nổi GS, PGS ngang trình độ quốc tế.
Đấy là chưa kể nhiều người được phong không phải căn cứ trên trình độ, năng lực mà chỉ vì có chức vụ cao, như thứ, bộ trưởng. Kết quả là chức danh GS , PGS ở VN ngày càng mất giá trị. Có người nói lạm phát cũng không quá đáng.
Đánh giá nghiêm túc theo chuẩn mực quốc tế, có lẽ chỉ 15-20% số GS, PGS của ta có trình độ thật sự tương xứng với chức vụ đó, theo sự thú nhận của chính ông Tổng Thư Ký Hội đồng Chức danh GS Nhà Nước. Còn lại không chỉ thấp mà có đến hơn 1/3 rất thấp.
Hệ quả là rất nhiều tiến sĩ của ta trình độ không hơn gì cử nhân ở các nước, rất đông PGS của ta không so sánh nổi với trợ giảng mới ra của họ.
Liệu nhận định đó có quá đáng không? Tôi nghĩ làm giáo dục, làm khoa học, nhất là trong thời toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, mà không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế thì chỉ chuốc thât bại khi hội nhập. Không phải chỉ thất bại về văn hóa, khoa học mà thất bại về kinh tế trước hết.
Chính vì thế mà mấy năm qua việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế mới trở thành đề tài sôi nổi và Nhà Nước cũng phải quan tâm. Mà đẳng cấp của một đại học phụ thuộc trước hết ở chất lượng, trình độ khoa học của đội ngũ GS, PGS của đại học đó, chứ không phải, như có người ngụy biện, phụ thuộc chủ yếu chương trình đào tạo.
Đơn giản vì nếu chỉ cần có chương trình đào tạo tiên tiến là đủ thì chỉ cần du nhập các chương trình đó là hàng chục đại học của ta sẽ lập tức lên đẳng cấp quốc tế ngay.
Chính những quan niệm kỳ lạ, ấu trĩ như trên là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến cho đến nay tuy đã hai mươi năm đổi mới mà đại học ta vẫn còn quang cảnh vô cùng nhếch nhác từ việc tuyển chọn GS, PGS cho đến mọi hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Cơ chế tuyển chọn đang loại chính những người giỏi
Điều này thật đáng tiếc, vì trong sự nhếch nhác chung đó vẫn nổi lên những điểm sáng và trong đội ngũ xô bồ giáo chức đại học của ta không thiếu những vị dù theo chuẩn mực nào trên quốc tế cũng rất xứng đáng.
Hơn nữa, trong số này có nhiều người trẻ, đang sung sức, chính họ sẽ làm nên tương lai của nền đại học VN, nhưng thật đáng buồn cho đất nước, họ đang bị “sàng lọc” quái ác bởi cái cơ chế tuyển chọn GS, PGS rất lạc hậu, ấu trĩ, từ hàng chục năm nay không rõ nhằm mục đích gì, nhưng chắc chắn không phải nhằm xây dựng một nền đại học đáp ứng các yêu cầu hội nhập.
Tôi đã nhiều lần phát biểu thẳng thắn về chuyện này. Có lần nhà báo hỏi tôi có nên miễn chức những người đã được phong mà sau một thời gian đã tỏ ra không xứng đáng, hay không? Tôi nghĩ ta khó có thể làm như vậy.
Trước hết với cơ chế hiện nay làm sao biết chính xác ai xứng đáng ai không? Không khéo, như kinh nghiệm trong xã hội ta trong quá khứ, những việc thanh lọc kiểu này rốt cuôc loại ra người ngay thẳng hơn là người không xứng đáng.
Tốt nhất, hãy nên tập trung chấn chỉnh cái tổ chức và cơ chế tuyển chọn GS, PGS cho đúng với các thông lệ quốc tế, để ít ra là những người xứng đáng, nhất là ngưòi trẻ, không bị loại một cách bất công, vô lý như hiện nay.
Có làm được điều đó mới có thể mong chấn hưng giáo dục đại học. Trước mắt, mới mong thực hiện chủ trương đúng đắn của Nhà Nước huy động chất xám người Việt ở nước ngoài về xây dựng quê hương.
Gần đây Bộ GD-ĐT có kế hoạch đào tạo 20 000 tiến sĩ. Trong khi đó, cơ chế tuyển chọn GS, PGS vẫn giữ nguyên xi lạc hậu như cũ (mặc dù lẽ ra, theo quyết định của Thủ Tướng trước đây, đã phải áp dụng cơ chế mới).
Trong đợt phong GS, PGS vừa rồi tôi biết ít ra một trường hợp gây sốc lớn: một nhà toán học trẻ tuổi (36 tuổi) đã được Hội đồng Viện Toán học đánh giá hoàn toàn xứng đáng PGS theo những tiêu chuẩn quốc tế nghiêm túc nhất, nhưng khi đưa lên xét ở Hội đồng TƯ thì bị gạt.
Tôi rất ngạc nhiên khi biêt tin đó, nhất là khi Chủ tịch Hội đồng TƯ không ai khác là chính ông bộ trưởng mà, theo sự hiểu biết của tôi, cũng là người thường không ủng hộ những kiểu tuyển chọn, đào tạo bất chấp chuẩn mực.
Kiều Giang ghi
Năm 2007, Việt Nam có thêm 54 người được phong hàm GS và 445 người được phong PGS. Tính cả số mới được công nhận, đến nay cả nước đã có gần 6.600 GS, PGS.
Có 613 ứng viên trong đợt xét công nhận chức danh GS, PGS đợt này. Trong đó có 80 ứng viên cho chức danh GS, 533 ứng viên cho chức danh PGS. Số ứng viên tập trung đông nhất vẫn là ngành Y và Kinh tế.
Khoảng trên 60% ứng viên cho chức danh GS, PGS đang giảng dạy trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ, gần 30% làm việc tại các viện nghiện cứu, chỉ có 10% đảm nhiệm công việc quản lý và các việc khác.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment