Thursday, July 2, 2009
THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN VIỆT NAM (II)
Thư của đứa con những người nông dân :
Bức thư thứ ba: Số phận những người đàn bà thôn quê
08:27' 30/06/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/thuhanoi/2009/06/855476/
...Họ (những người đàn bà thôn quê) sống như ở một thế giới khác và một thời khác thời chúng ta đang sống. Họ chỉ biết đến trâu bò, lợn gà, phân gio, bùn đất, cấy hái, con cái và muôn vàn nỗi lo khác. Và điều đau lòng mà tôi biết, họ không mấy khi có được một giấc mơ đẹp. Bởi hình như họ chẳng có một ngày thanh thản để một giấc mơ đẹp có thể bay về và trú ngụ trong tâm hồn họ...
Trong tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" của tôi (Giải thưởng Hội Nhà văn 1993) có một bài thơ viết về những người đàn bà thôn quê. Bài thơ đó như sau:
Trên đại lộ
Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen
Chỉ đôi tay, đôi chân và đôi mắt lộ ra
Nhưng tất cả cùng một màu như thế
Những chiếc dậm trên vai họ như vầng trăng khuyết vớt từ bùn lên
Những cái giỏ bên hông như những cái đầu trọc lắc lư theo nhịp bước
Bóng họ đổ xuống đường thành những vũng đen
Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận
Cán dậm chúi xuống mặt đường - Những nòng súng gỗ hết đạn
Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám
Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương
Họ chẳng cần tung hô, cũng chẳng đợi đón chào
Như mây trước cơn giông trôi nặng nề, oi bức
Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Họ đến từ đâu và sẽ đi đâu?
Với mùi tanh cua ốc tỏa quanh người.
Tôi đã viết bài thơ này 17 năm về trước. Nhưng cho đến bây giờ, những hình ảnh trong bài thơ về những người đàn bà thôn quê lam lũ và u buồn hình như vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu. Trên những con đường và trên những cánh đồng thôn quê, chúng ta vẫn nhìn thấy hiện thực ấy. Và bây giờ trong chính những đô thị thi thoảng chúng ta nhìn thấy họ đi qua khi chúng ta ngồi trong tiệm cà phê, quán ăn… Họ đi qua và bị lộ ra trước mắt chúng ta không thể nào che giấu được. Đại lộ trong bài thơ là hình ảnh của đô thị hóa. Đô thị hóa làm những ai đó thay đổi đời sống của mình, nhưng những người đàn bà thôn quê vẫn đang đi bên lề của sự đổi thay ấy. Họ đi như một sự cam chịu. Họ đi và không hề than thở. Họ thực sự là một đội quân thất trận trên cánh đồng của mình.
Đã có không ít họ và con cháu họ đã phải rời bỏ cánh đồng và quê hương mình để ra thành phố. Họ làm tất cả những gì có thể làm để bảo tồn sự sống của thân xác họ. Họ làm ôsin, họ làm bồi bàn, họ bán hàng rong và họ bán cả thân xác và tâm hồn họ… Nhìn vào mâm cơm của họ, nhìn vào giường ngủ của họ, nhìn vào gương mặt của họ… tôi luôn luôn mang cảm giác rằng họ không bao giờ có một giấc mơ đẹp sinh ra từ đời sống của mình.
Hàng tuần tôi vẫn trở về làng mình và lúc nào tôi cũng bàng hoàng bởi sự đổi thay nhan sắc của những thiếu nữ thôn quê. Tóc họ vừa mới dài đấy, má họ vừa mới hồng đấy, mắt họ vừa mới lấp lánh đấy, lưng họ vừa mới thon thả đấy… nhưng chỉ như một cái chớp mắt tôi đã không còn nhận ra họ nữa. Họ nhanh chóng trở nên già nua và xấu xí như bị một mụ phù thủy hóa phép. Khi tôi cất tiếng chào họ trên đường làng thì không ít người cúi mặt đáp lại lí nhí và vội vã bước đi.
Những người đàn ông quá mệt mỏi và thất vọng về sự cố gắng đổi thay đời sống của gia đình họ trên mảnh ruộng của mình, họ đã lao vào rượu chè và sự dữ dằn. Thế là bạo lực gia đình chẳng bớt đi mà mỗi ngày như một tăng lên. Tất cả sự thất vọng và cực nhọc được trút xuống những người đàn bà thôn quê. Chúng ta từng được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng về những người đàn bà thôn quê bị bạo hành như thế nào. Nhưng đấy chỉ là những trường hợp chúng ta biết. Còn hầu hết, 99%, những người đàn bà thôn quê bị bạo hành đã cam chịu và không bao giờ nói cho chúng ta nghe. Bởi nếu họ cất tiếng thì tình trạng của họ cũng không cải thiện được gì mà những cơn phẫn nộ hung bạo lại càng gia tăng.
Chúng ta cũng đã từng đọc trên báo chí tâm sự của những thôn nữ đi bán mình. Họ bán mình một hai năm để có chút vốn trở về quê lấy chồng và lập nghiệp. Những chuyện như thế trước kia cũng có nhưng không phổ biến và không được coi là “chuyện thường tình” như bây giờ nữa. Trước kia, cả xã hội cùng nghèo. Nhưng bây giờ, sự phân hóa xã hội càng ngày càng có một vực sâu ở giữa mà những người đứng phía bờ của đói nghèo không bao giờ dám tin có ngày họ sẽ vượt qua.
Tổ tiên họ đã trồng lúa, ông bà họ đã trồng lúa, rồi cha mẹ họ và đến họ cũng vẫn trồng lúa. Trồng lúa chỉ duy nhất giúp họ không chết đói chứ không bao giờ giàu lên được. Những người đàn bà thôn quê đời này nối đời kia trồng cấy không ngơi nghỉ nhưng tôi cam đoan hầu hết gia đình họ không có nổi vài triệu tiền mặt trong nhà. Nhưng chỉ một người có tên là doanh nhân đến và mua hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn hecta đất cấy trồng của họ để lập dự án xây chung cư và bán cho những người giàu có thì lập tức họ có trong tay hàng trăm, hàng nghìn tỷ. Đấy là sự thật đang diễn ra hàng ngày mà chúng ta ai cũng biết.
Như hình ảnh trong bài thơ của tôi, họ vẫn đi sát mép đại lộ như một sự chấp hành tội nghiệp và không than thở. Những người đàn bà ở rất nhiều vùng thôn quê sống như một tù nhân trong chính ngôi nhà của họ. Họ bị bắt sinh đẻ hết đứa con này đến đứa con khác. Có những người đàn bà thôn quê làm cho tôi nghĩ lúc nào họ cũng có thai. Họ phải lao động nhiều hơn những người đàn ông. Họ không còn biết đến điều gì thuộc về đời sống tinh thần. Họ không có báo, có sách để đọc, họ không biết đến mỹ phẩm, họ không biết đến cả một bát phở tồi bán ở thị trấn, họ làm sao biết đến những từ như sinh tố, kem caramen, cà phê nâu, sữa chua… Họ càng không biết đến nhà hàng hay tiệm làm tóc…
Họ sống như ở một thế giới khác và một thời khác thời chúng ta đang sống. Họ chỉ biết đến trâu bò, lợn gà, phân gio, bùn đất, cấy hái, con cái và muôn vàn nỗi lo khác. Và điều đau lòng mà tôi biết họ không mấy khi có được một giấc mơ đẹp. Bởi hình như họ chẳng có một ngày thanh thản để một giấc mơ đẹp có thể bay về và trú ngụ trong tâm hồn họ. Trong suốt những năm chiến tranh, họ sống âm thầm với bao giáo lý về đức hạnh để chờ chồng. Ngay cả khi người chồng đã hy sinh, họ cũng không dám đi bước nữa bởi bao ràng buộc và thói thị phi.
Nhiều năm nay, tôi đã cố gắng làm những gì có thể cho đời sống văn hóa của làng tôi. Bởi tôi chỉ mong muốn tôi và bạn bè mình có thể mang đến cho họ một khoảnh khắc hạnh phúc để tạm quên đi những cực nhọc và u buồn đằng đẵng bám theo cả cuộc đời họ. Hai câu thơ cuối cùng tôi viết: Họ đến từ đâu và sẽ đi đâu? Với mùi tanh cua ốc tỏa quanh người. Tôi đang nói về họ chứ không phải nói về những câu thơ của mình. Cũng 17 năm về trước, tôi đã gặp những người đàn bà thôn quê đi buôn cá khô, nước mắm, cua ốc trên những chuyến xe khách. Từ áo quần, tóc tai họ tỏa ra mùi cá khô và mùi gà vịt. Họ nghẹo đầu ngủ trên xe và có người miệng chảy dãi. Và tôi đã viết Giấc mơ như thế nào trong giấc ngủ thế kia? Đó không phải là một câu thơ. Đó là một câu hỏi như một tiếng nấc khổ đau.
Cuộc sống của con người đâu chỉ sinh ra, lớn lên, kiếm từng miếng ăn để nhét đầy dạ dày mà phải được khai mở tâm hồn và trí tuệ. Nhưng những người nông dân nói chung và những người đàn bà thôn quê nói riêng đã sống một cuộc sống hầu như không có sự khai mở ấy. Những điều tôi đang viết đây có thể ai đó cho rằng tôi đang cố tình bi kịch hóa đời sống của những người đàn bà thôn quê. Nhưng đó là sự thật, và nói chính xác hơn đó chỉ là một phần của sự thật. Hãy đến với họ và sống với họ, chúng ta sẽ phải kinh ngạc kêu lên: Chẳng lẽ con người sinh ra để sống như thế ư? Và làm cách nào mà họ có thể sống được một cuộc sống như thế khi quanh họ tất cả đã và đang thay đổi?
Nguyễn Quang Thiều
---------------------------------------------------------------------------
THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN VIỆT NAM (I)
Thư của đứa con những người nông dân:
Bức thứ nhất: Họ đang đi theo một… vòng tròn (VNN 26-6-09)
Bức thứ hai: “Tổng thu nhập một tháng của người nông dân (28-6-09)
Bức thứ ba: Số phận những người đàn bà thôn quê (30-6-09)
Bức thứ tư: Sự lựa chọn kinh hoàng (2-7-09)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment