Friday, July 3, 2009

QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN


QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN, VŨ KHÍ HỮU HIỆU CHỐNG THAM NHŨNG
Nguyễn Hoàng Linh
[01.07.2009 02:02 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
http://www.nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1938
Không cần phân tích dài dòng, cũng có thể thấy tham nhũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự đói nghèo, khiến người dân bị khóa chặt trong vòng kiềm tỏa của sự nghèo đói, như khẳng định của ông Peter Eigen, chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI). Điều này lại càng đúng đối với Việt Nam, một quốc gia mà tại đó, tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước đánh giá là “quốc nạn”.

Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền căn bản nhất của công dân

Dễ thấy, muốn chống tham nhũng hiệu quả, cần minh bạch: đây là điểm mà các quốc gia hiện diện trong cuộc chiến chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc, cũng như tham gia Hiến chương Liên Hiệp Quốc về tham nhũng đều thống nhất.
Và để minh bạch những yếu tố xã hội nổi bật nhất (về ngân sách, nguồn tài chính, về những khoản mua sắm, cũng như về những khiếu nại của cư dân), điểm quan trọng sống còn là minh bạch về thông tin.
Bởi lẽ, đi ngược lại với minh bạch thông tin là sự bưng bít – cùng với sự độc quyền và thiếu vắng trách nhiệm giải trình, đây là một trong 3 yếu tố duy trì và thúc đẩy tham nhũng trong thực tế công quyền.

* Quyền tiếp cận thông tin
Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền căn bản nhất của công dân, là chìa khóa để công dân có thể giám sát chính phủ và các cơ quan nhà nước, nhằm đẩy lùi tham nhũng, vốn luôn nhằm những mảnh đất thiếu minh bạch và đói thông tin để hoành hành.
Bằng việc dùng lá phiếu thông qua những cuộc bầu bán và trả những khoản thuế má, công dân nuôi bộ máy nhà nước và ủy nhiệm cho chính phủ của mình một quyền hành nhất định để họ thực hiện nguyện vọng và mong mỏi của cử tri. Ngược lại, chính quyền có bổn phận thông báo đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin trước công luận, để hỗ trợ và thúc đẩy sự tham dự của công dân vào việc đưa ra các quyết định.
Để làm được điều ấy, người dân phải có quyền tiếp cận thông tin. Cho đến nay, tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, luật định đảm bảo cho công dân được tiếp cận những thông tin phục vụ lợi ích cộng đồng.

* Tư duy mới về tự do thông tin
Tiếp cận thông tin là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tuy nhiên, bản thân việc luật định cho phép tiếp cận thông tin vẫn chưa đủ. Để có được văn hóa của luồng chảy tự do thông tin, phải thay đổi những tập quán cố hữu ở cả hai phía: bên có bổn phận chuyển giao thông tin, cũng như, bên tiếp nhận và sử dụng thông tin.
Những cơ quan chính quyền phải thay đổi quan niệm cũ, chủ trương độc quyền, duy trì, giữ khư khư mọi thông tin - ngược lại, phải làm quen với bầu không khí cởi mở, coi đó là bổn phận của mình. Đồng thời, công dân cũng cần học thói quen đòi hỏi thông tin, thực hiện quyền đòi hỏi và tiếp cận thông tin của mình trong tất cả những trường hợp mà họ cho rằng tham nhũng đang tồn tại.
Quá trình này có thể kéo dài nhiều thập niên, và đòi hỏi sự kiên trì, cảm thông và mềm dẻo cả từ hai phía.

* Giảm thiểu khái niệm “mật”
Ở một xã hội mà nền dân chủ chưa được phát huy, nhãn quan “nhìn đâu cũng thấy địch” còn phổ biến, không có gì khó hiểu khi các cơ quan chính quyền thường viện cớ “bí mật nhà nước”, “bí mật công tác” để hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đây cũng là điều hay gặp tại những nước mà tham nhũng lan tràn.
Trong thực tế, để bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, để đảm bảo sự hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, cần có hình thức bảo mật một số thông tin nhất định. Tuy nhiên, điều đó phải được thực hiện vì quyền lợi của công dân, chứ không phải đi ngược lại quyền tiếp cận thông tin của họ.
Đối với những thông tin phục vụ lợi ích công cộng, việc hạn chế sự tiếp cận của công dân chỉ có thể xảy ra trong những trường hợp hết sức đặc biệt, khi có những lý do thật hợp lý và hợp thức. Ngoài ra, những thông tin có thể ảnh hưởng đến chính quyền và một số cá nhân tham chính, thì không thể coi là “mật” - bởi lẽ, quốc gia không bao giờ đồng nghĩa với một chính quyền hay cá nhân nào, và việc hạn chế thông tin trong trường hợp này không phải gì khác, đơn thuần là sự ngăn cản người dân thực hiện quyền phản biện xã hội của họ.
Pháp luật cũng phải minh bạch trong chuyện ai – vì lý do gì - có thẩm quyền và chức năng liệt một thông tin vào hàng “mật”, và thời hạn của thông tin “mật” ấy là bao nhiêu năm. Nhiều quốc gia còn quy định việc tái kiểm định (một cách định kỳ, chẳng hạn trong vòng 2-3 năm) lý do và sự cần thiết của sự “mật hóa” một thông tin, để đến lúc thấy không cần thiết nữa, người dân và các tổ chức dân sự có quyền tiếp cận nó một cách đầy đủ.
Một xã hội dân sự dân chủ và lành mạnh là một xã hội mà chính quyền sẵn sàng giảm thiểu những “bí mật” trước công dân, vì lợi ích của người dân.

* Có thông tin - người dân được gì?
Một trong những yếu tố rất quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng là cán cân lực lượng giữa công dân và chính quyền phải được cân bằng ở mức tương đối.
Điều này sẽ có được khi người dân thật sự được tiếp cận những dữ liệu do nhà nước quản lý, nhưng thực chất là thuộc sở hữu của họ. Trong trường hợp ngược lại, nếu thông tin không được tiếp cận tự do, quyền lực của những cơ quan quản lý dữ liệu gia tăng và sự thiếu vắng minh bạch sẽ được dùng để che đậy tham nhũng.
Người dân, khi không được đáp ứng quyền tiếp cận thông tin, sẽ cảm thấy bất lực, không thể đưa ra ý kiến hoặc quyết định đúng đắn. Khi ấy, cho dù chính quyền có kêu gọi chống tham nhũng đến đâu đi nữa, họ cũng không còn khả năng “tham chính” một cách tích cực và hiệu quả.
Như thế, quyền tiếp cận thông tin là yếu tố căn bản để xây dựng niềm tin giữa nhà nước và công dân, không chỉ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Bởi lẽ, hơn thế nữa, nó còn thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc thực hiện nhiều quyền văn hóa, kinh tế và xã hội khác, như quyền tự quyết, quyền được làm việc và hưởng một nền giáo dục lành mạnh.
Khi quyền tiếp cận thông tin không được đáp ứng và đảm bảo, và đặc biệt, khi tự do ngôn luận, tự do báo chí bị hạn chế bởi sự kiểm duyệt hoặc kiểm soát vô lối của chính quyền, tham nhũng sẽ còn hoành hành, đặc biệt trong chính giới và giới viên chức, như một căn bệnh trầm kha mà không “liều thuốc thần” nào có thể chữa trị nổi.

(*) Bài viết
đã đăng tại chuyên trang “Tuần Việt Nam” của mạng “ViệtNamNet”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.

Nguyễn Hoàng Linh

No comments: