Tuesday, July 7, 2009
NGƯỜI THƯỜNG và NGƯỜI CỘNG SẢN
NGƯỜI THƯỜNG VÀ NGƯỜI CỘNG SẢN
TRẦN BÌNH NAM
http://daohieu.com/website/?pg=gl&id=772
Gần đây, trên các báo mạng có rất nhiều bài viết lên án và cũng có rất nhiều bài viết bênh vực chế độ cộng sản. Có những bài lý luận rất công phu, cũng có những bài chửi nhau tùm lum mà cuối cùng chẳng ai chịu ai.
Với bài viết ngắn này, tôi xin nêu ra một phép so sánh đơn giản NGƯỜI THƯỜNG với NGƯỜI CỘNG SẢN để quý độc giả tham khảo tí chút trong việc đánh giá. Những đặc điểm của NGƯỜI CỘNG SẢN được nêu dưới đây thì ai cũng có thể thấy và chính những người cộng sản cũng thừa nhận.
*
NGƯỜI THƯỜNG mà tôi muốn nói ở đây là người mà nhận thức không bị nhuốm màu phe phái, không mang lập trường riêng của một phe nhóm hay đảng phái nào, không tôn thờ bất kỳ thứ “chủ nghĩa” nào. Đa số họ là phi đảng phái. Tuy nhiên, họ cũng có thể là thành viên của một tổ chức chính trị - xã hội hay đảng phái do một vài lý do tình cờ nào đó, nhưng không cố thủ lập trường của tổ chức đó và thông thường không có vị trí trong hệ thống chức sắc của tổ chức đó.
Họ có thể là những người dân bình thường nhất (công nhân, nông dân,...) với trình độ văn hoá tương đối thấp, thậm chí “mù chữ”. Những người này không quan tâm nhiều đến những vấn đề to tát. Do hoàn cảnh sống, họ phải dành hết thời gian vào việc mưu sinh nên không có điều kiện để tìm hiểu các loại lý thuyết cao siêu. Họ cũng ít được đảng hoặc các tổ chức chính trị chú ý để kết nạp.
Họ cũng có thể là những người hiểu biết, có thể đã từng nghiên cứu nhiều học thuyết, nhiều thứ chủ nghĩa, nhưng họ không tự ghép vào một phe nhóm nào, không lấy bất kỳ quan điểm của đảng phái nào làm lập trường riêng của họ. Họ có thể có lý tưởng cao siêu, nhưng đó không phải lý tưởng được áp đặt từ bất kỳ cá nhân nào, cho dù đó là vĩ nhân. Họ có thể tham gia một đảng phái nếu thấy tôn chỉ và việc làm của đảng đó phù hợp với nhận thức của họ. Trong trường hợp đảng đó xa rời những tôn chỉ ban đầu, họ sẽ từ bỏ đảng, trừ trường hợp vướng phải một đảng tuy đã “biến chất” nhưng vẫn còn có sức mạnh, đồng thời có quan điểm cực đoan đến mức sẵn sàng gây nguy hiểm cho những ai dám từ bỏ nó.
Những NGƯỜI THƯỜNG HIỂU BIẾT này thông thường đề cao các giá trị tinh thần, đề cao hoạt động sáng tạo, đề cao cái đẹp. Đối với họ, cái đẹp chân chính không mang tính đảng phái. Cần hiểu đúng câu này. Ở đây không nói: cái đẹp chân chính phải loại trừ đảng phái. Nó có thể tồn tại cùng với đảng phái. Một bức tranh giống như của Van Gogh hay Monet, nếu được vẽ cho dù bởi bàn tay của một đảng viên của một đảng nào đó, kể cả đảng “xấu”, thì cũng không vì thế mà nó xấu đi. Nhưng sẽ là ngu xuẩn nếu khi xem tranh người ta lại để ý đến “tính đảng” trước, sau đó mới dựa vào đó để phán xét về giá trị nghệ thuật. Sẽ là man rợ nếu kết tội người sáng tạo ra cái đẹp vì nó không có tính đảng hay chỉ vì nó không ca ngợi nhà cầm quyền.
Một trong những nhu cầu tinh thần thiêng liêng của NGƯỜI THƯỜNG HIỂU BIẾT là tự do tư tưởng. Nhiều người trong số đó rất cần phát biểu công khai quan điểm riêng của họ, cần có sự “cọ xát” để tiếp cận chân lý. Họ có thể hoàn toàn ủng hộ quan điểm của một lãnh tụ, nếu nó phù hợp với nhận thức của chính họ. Nhưng họ quan niệm rằng: vào bất kỳ thời điểm nào họ cũng có quyền đặt lại câu hỏi về tính đúng đắn trong quan điểm của bất kỳ ai, rằng việc xem xét lại quan điểm, kể cả của vĩ nhân, không phải là tội lỗi. Có thể họ không có chức tước gì, có thể họ không có bằng cấp cao, có thể họ không có tiếng tăm và có thể việc họ thảo luận những vấn đề lớn lao của cả đất nước có rất ít hoặc không có tác dụng gì đối với xã hội, nhưng họ phải luôn có cái quyền đó.
*
Một trong những mẫu người khác người thường là NGƯỜI CỘNG SẢN.
NGƯỜI CỘNG SẢN có những đặc điểm cơ bản như sau.
1) Không chấp nhận để trong xã hội có bất kỳ đảng phái nào khác, bất kỳ hệ tư tưởng nào khác. Đặc điểm này xuất phát từ mô hình độc đảng do K. Marx nêu ra. Điều này kết hợp với quan điểm “đấu tranh giai cấp” và “bạo lực cách mạng” đã đưa đến những cuộc thanh trừng quy mô lớn ở khắp các nước cộng sản. Kết quả những cuộc thanh trừng như vậy là xã hội được “thuần hoá” triệt để, khắp nơi đều ca ngợi chế độ, và nếu báo chí hoặc chính phủ các nước phi cộng sản có lên án việc áp đặt tư tưởng ở các nước cộng sản thì chính những người lên án sẽ phải xấu mặt, vì mọi người dân được phỏng vấn đều sẽ nói là mình tự nguyện theo đảng. (Xin hãy nhớ lại những câu “thơ”: “Giết, giết nữa bàn tay không ngừng nghỉ - Cho ruộng đồng xanh tốt, thuế mau xong - Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ - Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng - Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!” - Tố Hữu).
Trong xã hội cộng sản, người dân không bao giờ công khai đặt ra vấn đề về tính đúng sai của đường lối của đảng. Từ “xét lại” được coi là từ nguy hiểm nhất, việc “xét lại” là việc xấu xa nhất.
2) Coi thường trí thức, quản chế nghiêm ngặt hoạt động sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo ra cái đẹp. Đặc điểm này cũng xuất phát từ lý thuyết cách mạng của K. Marx lấy công nhân làm giai cấp lãnh đạo và phê phán lập trường không kiên định của giới trí thức. Nó được củng cố và tăng cường do ở những nước mà đảng cộng sản đã giành được chính quyền (vốn rất lạc hậu) thì lực lượng trí thức rất mỏng và ảnh hưởng của họ coi như bằng không.
Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, áp dụng cái gọi là “tính đảng”, những người cộng sản rèn văn nghệ sĩ trở thành những người chuyên ca ngợi đảng, ca ngợi lãnh tụ. Việc sáng tạo ra những cái đẹp không có “tính đảng” được coi là tội lỗi, nghiêm trọng hơn cả tội giết người. Vụ “Nhân Văn Giai Phẩm” thể hiện rất rõ điều đó. Nhưng đỉnh cao phải là những cuộc “cách mạng” do các đồng chí Mao Trạch Đông và Pol Pot phát động.
Ngày nay, nhiều cán bộ lãnh đạo của đảng đã có học vị cao.
Có vẻ như đảng cộng sản không coi thường trí thức nữa?
Xin quý độc giả tự trả lời câu hỏi này.
3) Xem nhẹ những giá trị tinh thần truyền thống. Thay cho những giá trị như “tín”, “nghĩa”, “hiếu”,..., người cộng sản đưa lên hàng đầu chữ “trung”; nếu ngày xưa là “trung quân” thì ngày nay là “trung với đảng” mà thực chất là “trung với người đứng đầu đảng” hoặc “bộ chính trị”. Chữ “hiếu” được lồng một nội dung mới (hiếu với dân). Các thứ tình cảm thông thường bị “hạ bệ”. Thứ tình cảm được coi là cao quý nhất phải là tình yêu lãnh tụ. (“Thương cha, thương mẹ, thương chồng - Thương mình thương một, thương Ông thương mười” (Ông ở đây là Stalin) - lại Tố Hữu).
(Xin nói thêm: những đảng viên thường, không có chức sắc trong đảng cộng sản, thực ra nghiêng về NGƯỜI THƯỜNG nhiều hơn; họ không có quan điểm bất di bất dịch như những người có chức sắc.)
*
Mặc dù những NGƯỜI CỘNG SẢN có đặc điểm 1, nhưng nếu những NGƯỜI THƯỜNG nắm chính quyền, họ vẫn để các đảng cộng sản tồn tại. Điều này là sự thật. Nó đã và đang diễn ra ở các quốc gia phi cộng sản.
t.b.n
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
1 comment:
Một sự phân tích nhẹ nhàng,thâm trầm, ngắn gọn mà rất đúng bản chất vấn đề. Khó mà bác bỏ được.
Post a Comment