Wednesday, July 22, 2009

. . . LẠ THÊ ! (VĂN HOÁ XUỐNG CẤP)


...Lạ thế!
Vương Văn Quang
Đăng ngày 22-7-2009
http://danchimviet.com/articles/1309/1/L-th/Page1.html
Gần đây, trên báo chí, truyền hình…, người ta thường than vãn về tình trạng “Văn hóa xuống cấp thời hội nhập”, về tình hình “Tiếng Việt đang mất đi sự trong sáng”. Nhưng cái tít kiểu: “Nỗi buồn văn hóa thời hội nhập” [1], “Sự xâm lăng văn hóa”, “Ngôn ngữ mạng … văng mạng” đầy rẫy, nhan nhản trên mặt báo. Không tin, quí vị có thể vào trang google gõ những cụm từ như trên mà xem. Sẽ hàng đống, vô thiên lủng, hằng hà sa số kết quả hiện lên… Nhìn thấy, rồi đọc, đọc xong, rồi thấy, thấy rồi sẽ bật ra câu hỏi: Ai dám bảo thời gian và tiền bạc là thứ quí hiếm?

Trong muôn vàn lời than thở về sự xuống cấp văn hóa, thì cái sự hờn trách bọn trẻ, lũ công dân mạng, tụi 8X, 9X… với lối hành văn trên blog, kiểu đối thoại chat chit, góp phần làm cho văn hóa xuống cấp, khiến tiếng Việt mất đi sự trong sáng… là nhiều hơn cả. Nào là viết/nói chen tiếng Tây, nào là làm biến dạng chữ/từ khiến các bậc lão thành khả kính phải nhăn mũi chóng mặt mà suy mà luận. Ví dụ: iu/yêu; hem, hok/hông/không/; bít, biết; chim cò; trym kò; nài/nào… vân vân và vân vân.

Thế rồi từ tình trạng sử dụng ngôn ngữ như vậy, bọn “chúng” (8X, 9X) cho ra đời những tuyệt tác văn chương trong các kì thi của các (loại) cấp. Cũng lại vào google gõ cụm từ: “văn cười ra nước mắt” mà xem. Ôi thôi thôi, la bành cờ hiệu, đủ kiểu đủ cỡ đủ loại.

Nhưng có một sự thật là, cái sự “cười ra nước mắt” ấy nó là của ai đó, của các bậc hàn lâm khả kính chẳng giáo sư cũng tiến sĩ, thạc sĩ, chứ riêng với tôi, nó chẳng ra tí nước mắt nào mà ngược lại, tôi cười tươi cứ như hoa mùa xuân vậy. Tôi thấy đó là những câu/bài văn thật sự hay. Chúng, những bài/câu văn ấy có tính sáng tạo, có sự tưởng tượng, và ngôn ngữ thì tươi mới tràn trề sức sống. Ít nhất là so với những bài/câu “văn mẫu”. Một thứ văn chương nhồi sọ, văn chương được lập trình.

Tuy nhiên, tất cả những điều vừa nói (rất sơ lược) bên trên, không phải là cái đáng bàn (bởi với riêng tôi cả tiền bạc lẫn thời gian là món thiếu trầm trọng). Cái tôi muốn nói, muốn bàn tới trong bài viết này là, ngay bản thân ngôn ngữ chính thống trên các phương tiện truyền thông lề phải, cũng đâu chịu kém cạnh bọn 8X, 9X, lũ citizennet trong việc “sáng tạo” ra từ/ngữ mới, làm “mất trinh” tiếng Việt. Này nhé, tôi đố các vị biết cụm từ “Giáo viên đứng nhầm lớp, học trò ngồi nhầm lớp” có nghĩa gì đấy? Hay “Dịch tiêu chẩy cấp” thực chất nó là bệnh gì? Sở dĩ tôi đố, bởi tôi dám xác quyết rằng số người hiểu một cách rõ ràng và đầy đủ những cụm từ này không phải chiếm đa số trong cộng đồng nói tiếng Việt.

Thôi thì trót đánh đố đành giải đố vậy. “Giáo viên đứng nhầm lớp, học trò ngồi nhầm lớp” là cụm từ có nghĩa như sau: vế đầu chỉ tình trạng giáo viên trình độ dậy tiểu học, “đôn” lên dậy trung học là giáo viên “đứng nhầm”, vế sau chỉ học sinh bị “đúp”, bị lưu ban, nhưng vì thành tích, nên cứ cho lên lớp gọi là học sinh “ngồi nhầm”. Thi vị chưa? Rõ ràng đây là nghệ thuật tu từ nhằm thi vị hóa một tình trạng lộn xộn bết bát nát bét trong ngành giáo dục XHCN. Chứ biết nói sao khác đây?

“Dịch tiêu chẩy cấp” thì chăm phần chăm nó là thằng[2] dịch tả. D-ị-ch T-ả. Ấy dưng cơ mà cái bệnh tả ngày nay trên thế giới nó chỉ có thể xảy ra nơi hoang sơ mông muội, ăn lông ở lỗ, chứ đường đường Việt Nam ta, nơi có chỉ số hạnh phúc đứng thứ 5 trên thê giới[3], nơi mà các nhà lãnh đạo đang hy vọng lớn lao ở ngành công nghiệp không khói là du lịch, làm sao mà có thể xẩy ra dịch tả được? Không được, không không là không[4]. Vậy là lại phải “tu từ”, lại sử dụng thủ pháp nhằm thi vị hóa một căn bệnh mà chỉ nghe đã hãi: bệnh thổ tả.

Đúng là cái đồ thổ tả!

Bên cạnh hai cụm từ tôi vừa dẫn, còn vô số những sáng tạo, những từ/cụm từ mới tươi giẫy đành đạch, nóng hôi hổi. Nào là “nhậy cảm”, nào “lề bên phải”, nào “đinh tặc”… nhiều lắm, nhưng đặc biệt mới (chỉ chừng chưa tới một năm đổ lại đây) phải kể tới từ: “tầu lạ”.

Tôi lại tiếp tục đố các vị biết thực chất nghĩa của những từ trên, và khi nào thì người ta sử dụng nó? Thôi thì mấy từ trước xin phép bỏ qua không giải đố, vì ít nhiều nó cũng đã “hơi bị” quen thuộc. Nhưng riêng từ “tầu lạ” thì phải giải thích. Và xin giải thích như sau: Là tầu lạ (nhưng) của quốc gia thân quen hữu hảo. Gọi là “tầu lạ” còn bởi vì nó thuộc phạm trù rất… “nhậy cảm”.
Nếu ai không chịu với cách định nghĩa/giải thích của tôi, thì xin phép cho tôi được hỏi: Tầu lạ, tại sao thủy thủ đoàn trên tầu nói rặt tiếng… Tầu. Sao lá cờ trên “tầu lạ” tung bay trong gió màu đỏ thắm với chùm sao nơi góc trái, nói cho ngắn là cờ cắm trên “tầu lạ” đích thị quốc kì … Tầu.

Bởi vậy nên ông nhà báo Ôsin mới có bài viết với cái tựa “hơi bị” vần: Tầu thì lạ, sự hèn hạ lại quen. Phải nói là cái tựa bài báo của ông Ôsin đắc địa thật. Chưa cần đọc bài, chỉ nội cái tựa cũng xứng “điểm 10 cho chất lượng”[5]

Tôi có đọc ở đâu đó (lâu nên quên) một đoạn trích hồi kí của một sĩ quan hải quân Việt Nam trấn giữ Trường Sa. Đoạn trích kể về trận hải chiến năm 1988 giữa ta và Tầu (không biết có lạ hay không?). Đại khái, khi phía Tầu khai hỏa, viên sĩ quan hối hả xin chỉ thị từ bộ tổng tham mưu Hải Quân, rằng xác định Trung Quốc là bạn hay thù? Có được phép triển khai thế trận chống trả hay không …?

Từ những tin tức dồn dập về những hành vi láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt của các “tầu lạ” trên báo chí gần đây, cộng với đoạn trích hồi kí của viên sĩ quan nọ, khiến tôi chợt hình dung một viễn cảnh: báo chí dồn dập đưa tin: “Đoàn người lạ, được thiết giáp hỗ trợ, đã làm chủ tỉnh Lạng Sơn”, “Đoàn quân lạ bao gồm các binh chủng bộ binh, pháo binh, thiết giáp và không quân đã làm chủ hoàn toàn 6 tỉnh biên giới phía bắc”, “Những chiến hạm lạ được hộ tống bởi những tầu ngầm cực lạ đã cập cảng Đà Nẵng, đổ bộ và làm chủ tỉnh thành này”.
Tất nhiên, vì “lạ” nên chúng ta phải án binh bất động, tìm hiểu xem kẻ gây họa là ai, mới có biện pháp mà đối phó chứ. Và, cứ án binh cứ bất động, cho tới khi bọn người “lạ” nọ làm chủ hoàn toàn Việt Nam.

Cái viễn cảnh nực cười do sự tưởng tượng của tôi khiến tôi bật cười như mếu rồi phều phào buông thõng thượt: Lạ thật! Lạ thế! Lạ quá! Lạ vãi… fart![6] Hic hix ặc ac hu hu ke ke! (thán từ của công dân mạng hệ 8, 9X)


Phụ lục: Lai rai chút xíu với ngôn ngữ
“Văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa là chủ đề chính trong cuộc hội thảo do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức vào sáng nay, 31/7. Chủ đề này thu hút sự có mặt của khoảng 30 nhà văn, họa sĩ, đạo diễn, kiến trúc sư…với 17 bản tham luận”
“Quả thật, bây giờ không chỉ là ngôn ngữ trong chuyện trò hàng ngày, mà xem các trò chơi truyền hình (game show), thể nào thí sinh tham gia cũng mở miệng: “Wow”, “Ok”, “Yes”, “No”…khiến người mới ghé mắt vào xem tưởng đâu đó là cuộc thi của người nước ngoài. Ca sĩ, diễn viên, người càng nổi tiếng thì những tiếng kêu chứng tỏ…sự sành điệu đẳng cấp kia càng nhiều.”
“Wow, teen là thứ tiếng gì mà bây giờ mở miệng ra là cứ nghe Wow, rồi là teen…”, nhà văn Nguyễn Minh Hoàng (Hồ Đại) bức xúc.”
(trích dẫn từ:
www.vtc.vn)

Đọc bài viết này, tôi cũng bức xúc. Nhưng cái bức xúc của tôi chẳng dính dáng gì tới bức xúc của ông nhà văn kia.
Nghe nói hiện nay, một trong những cách “giải ngân” hữu hiệu nhất là … tổ chức hội thảo!? Vâng, tôi bức xúc với việc các ông các bà cứ lấy tiền thuế của dân để suốt ngày hội nghị hội thảo về những vấn đề vớ vẩn, vô bổ. Có thể thấy, những loại hội thảo kiểu này diễn ra rất thường xuyên, và… rất tốn tiền. Tôi cũng bức xúc, vì lẽ ra các ông, những nhà văn, hoạ sĩ, đạo diễn, kiến trúc sư … , các ông thuộc thành phần tri thức, giới tinh hoa của đất nước, lẽ ra các ông nên bức xúc về những vấn đề đáng bức xúc hơn nhiều - như việc bà con nông dân đang dãi nắng dầm mưa ngoài vỉa hè khiếu kiện đất đai, chẳng hạn - thay vì đi hằm hè với đám trẻ cái việc chúng nó Wow, OK, Yes.

Trở lại chuyện bọn “đạp cứt Tây” suốt ngày mở mồm OK, Yes, Wow wow. Ngẫm cho cùng, là con dân nước Việt, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, ai chẳng đạp (nhầm tí ti) cứt ngoại bang, chẳng [thằng] Mỹ thì [thằng] Pháp, chẳng [ông] Liên Sô thì [bà] Trung Quốc. Chứ sao nữa! Này nhé, trong ngôn ngữ chúng ta hiện dùng, có bao nhiêu từ gốc Hán ? Nghe nói có tới hơn 80% kia đấy. Lại nữa, chẳng phải cách đây gần thế kỉ, giới tinh hoa của chúng ta (mà trong đó, có nhiều người, hiện nay, dù đã chết nhưng vẫn nằm chình ình trên một số con đường) vẫn thường thể hiện đẳng cấp bằng cách vừa nói vừa đệm tiếng Pháp đấy ư? Nào “moa” nào “toa” nào “luý gầm luý gừ luý sực me xừ luý sực cả moa”. Ấy thế nhưng mà có hội thảo nào lên án họ đâu. Sao thế ? Phải chăng thời đó Việt Nam ta chưa thừa tiền và thời gian để tổ chức hội thảo ?

Ngẫm mà đau, mà “bùn” (buồn – nhại ngôn ngữ bọn teen. Bọn công dân mạng). Dân tộc này chưa từng có triết gia hay nhà tư tưởng đúng nghĩa, thì cần quái gì triết gia với chả tư tưởng; nhưng khốn khổ, chỉ cần suy nghĩ độc lập một cách bình thường như thiên hạ, thì hình như, chúng ta cũng chẳng [chịu] nghĩ. Nhìn mà xem, hệ thống ngôn ngữ thuần Việt, vốn rất ít ỏi của chúng ta có bao giờ được coi trọng đâu. Gần đây, kẻ này có một truyện ngắn, khi gửi đăng báo người ta cắt phăng chữ: hành kinh. Thế mới ức! Kẻ này bèn mang cái bọc ấm ức tới một nhà văn rất nhớn và đáng kính để sổ. Nhà văn nhớn kia bảo: “Ừ, hành kinh thật ra là một từ tử tế vì nó là từ gốc Hán, nhưng cũng rất khó dùng trong văn viết, cắt là phải”. “Vậy cái từ tương đương, nhưng không tử tế, nó là gì?” kẻ này hỏi. Không suy nghĩ nửa giây, nhà văn nhớn với vốn từ giầu có bao la trả lời ngay: “Là máu l… Đây là từ thuần Việt” (lưu ý: Nhà văn nọ nói tắt nguyên bản như vậy chứ không phải kẻ này viết tắt. Và khi nói từ đó, ông có hạ giọng, mắt thì đong đưa như gầu sòng tát nước, như thể đang đang làm việc gì vụng trộm tày đình sợ bị bắt quả tang. Chi tiết này càng chứng tỏ ông là nhà văn lớn và đáng kính).

Như vậy, theo quan niệm của nhà văn kia, ta có thể kết luận, những từ gốc Hán là những từ tử tế, còn những từ thuần Việt là những từ không tử tế. Thực ra thì quan niệm đó cũng chẳng phải là độc quyền của nhà văn kia; cứ thử ngẫm mà xem, đó là tâm lý chung của chúng ta (nói là tâm lý, bởi chẳng có một văn bản qui định chính thức nào như thế cả). Dương vật, âm hộ, giao hợp … là tử tế, vì nó là Hán. Còn “ấy”, “ấy”, “ấy” là không tử tế, vì nó thuần Việt.
Hay thật ! Tại sao không quan niệm ngược lại nhỉ ?

Trong những trường hợp khác, nếu không bị qui vào phạm trù tử tế và không tử tế thì dứt khoát dùng từ Hán vẫn sang trọng hơn dùng từ thuần Việt. “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” thì rõ là “oách” hơn, sang trọng hơn “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” đứt đuôi đi rồi
Chữ nghĩa cũng bị “phân biệt chủng tộc”. Thế có đau không cơ chứ !

Cũng như đời sống con người, đời sống ngôn ngữ luôn vận động. Ngôn ngữ của thời đại này không thể thay thế cho thời đại khác. Ngôn ngữ cũng già nua, cũng chết. Thời xã hội phong kiến, người ta nói “Thánh thượng vạn tuế” thì thời xã hội chủ nghĩa người ta nói “Đảng quang vinh muôn năm”, “Hồ chủ tịch muôn năm”. Không hiểu, lúc giao thời, mấy ông quan trong bộ Lễ triều đình Huế, khi lần đầu nghe từ muôn năm, họ có nổi xung viết bài hay tổ chức hội thảo để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” không ?

Ngôn ngữ là sản phẩm của con người, nhưng sản phẩm này khi định hình, nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát của thế lực sáng tạo ra nó. Có những từ tưởng là hay ho, nhưng nếu thiếu sức sống thì tự nhiên nó sẽ chết yểu mặc cho ai cố tình tô vẽ, và ngược lại, có những từ tưởng như vớ vẩn lại cứ sống phây phây mặc cho ai đấm ngực bứt râu dè bỉu.

[Ố ồ] Vậy thì hà cớ gì các anh văn hoá các chị văn nghệ các ông “định hướng” các bà “chỉ đạo” cứ phải nhẩy đổng lên vì mấy đứa trẻ ranh nó “xổ Tây” nhỉ? Cả một hệ thống tư duy, ngôn ngữ, chắp vá vay mượn, nay, mấy đứa trẻ nó vay mượn thêm tí ti thì cũng chỉ làm phong phú thêm cái đống hổ lốn đó thôi, chứ chẳng mất đi đâu sự “trong sáng” mà lo. Xưa các cụ “xổ Nho” thì nay chúng nó “xổ Tây”, thế thôi mà. Yên tâm đi. Đừng “lo bò trắng răng” nhé!

Cái trò nói một câu đệm một câu tiếng ngoại quốc dưới nhãn quan kẻ viết bài này, thật chẳng khác nào văng tục (nói một câu đệm một phát). Nhưng kẻ này chẳng chỉ trích nó, ngược lại cũng chẳng bao giờ cổ vũ hay bắt chước. Cái gì tồn tại thì có lí, hình như có triết gia nào nói thế (?). Và ngôn ngữ cũng không nằm ngoài qui luật này. Bọn trẻ nó mở mồm là no, là wow, là yes chắc chắn là có lí (do).

Một ông Tây viết blog tiếng Việt, những huyền thoại trạng Quỳnh đối đáp sứ Tầu hay “tích” Trần Đức Thảo đấu khẩu J.P.Sartre … v.v, được chúng ta tự hào phổng mũi thổi lên mây xanh phải chăng là một minh chứng sinh động cho tinh thần nhược tiểu đã ngấm vào xương tuỷ? Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến bọn trẻ (và cả già) nói tiếng ngoại (lai) như khỉ!

Tinh thần chung của cả dân tộc mà nỡ chê trách một đám trẻ khi chúng thể hiện cái tinh thần ấy liệu có công bằng ?

Nhân chuyện hươu tranh thủ quàng sang chuyện vượn. Nghĩa là tiện đây, cũng muốn bình luận về cái vụ hội thảo “Sức mạnh ngôn từ”[1] bị dẹp bỏ. Đành rằng, cuộc hội thảo này là do ông Tây (hội đồng Anh) và tiền của ông Tây, chẳng mất gì của bọ, nên cứ hội thảo liên miên, cứ nói phét, vô tư đi. Nhưng mà cái hội thảo kì này, bị dẹp cũng đáng, vì cái tên/chủ đề của nó. Cái gì mà “Sức mạnh của ngôn từ”? Nghe hắc ám quá! Đáng nghi quá! Định dùng sức mạnh ngôn từ để “câu kết với các thế lực phản động thù địch nước ngoài để diễn biến hòa bình, để kích động chống phá chế độ” hả ? Đây là kẻ này nói hộ ra suy nghĩ của giới lãnh đạo, giới “định hướng văn hóa tư tưởng” của nhà nước, còn suy nghĩ của kẻ này thì khác. Kẻ này nghĩ, họ định nói về ngôn từ nào thế nhỉ? Ngôn từ của Hội nhà văn Việt Nam chăng ? Úi giời, rặt một thứ thơ lãnh cảm văn liệt dương thì sức mạnh cái nỗi gì, hở giời? Tóm lại, suy nghĩ theo kiểu nào thì dẹp cũng phải. Cũng có khi chẳng cần suy nghĩ gì, mà chỉ đơn giản là … thấy ngứa mắt thì dẹp. Xưa nay các “cơ quan đoàn thể” made in Việt Nam vẫn thường hành xử như vậy. Trường hợp “Sức mạnh ngôn từ” đâu phải là cái gì ngoại lệ khiến “chúng ông” phải nể mà không dẹp? Dẹp!© Đàn Chim Việt Online
-------------------------------------------------

[1]Xem phụ lục
[2]Theo nhà văn Phạm Thị Hoài, trong tiếng Việt, một khi từ thằng mà không dùng để chỉ người, thì hẳn phải chỉ thứ kinh khủng hoảng tởm lợm giọng lắm
[3]
www.vietnamnet.vn
Để “ngửi” rõ mùi, xin ghé đọc tranh “chính chủ”
NEF http://www.neweconomics.org/gen/
[4]Ca từ nhái “Khoan khoan hò khoan”
[5]Câu slogan quảng cáo cho một loại dầu ăn
[6]Từ này là từ Anh (còn sang hơn Hán ấy chứ lị), theo logic đã viết (xem ở bài phụ lục), đây là một từ tử tế. Đố ai dám bảo tôi viết/nói thô, không nhã, không tử tế.

[1]Xem:
www.tienve.org


No comments: