Monday, July 6, 2009

CHÚNG TÔI ĐANG MẤT LÀNG


Thư của đứa con những người nông dân
Bức thư thứ sáu: “Chúng tôi đang mất làng”
08:43' 06/07/2009 (GMT+7)
http://www.vietnamnet.vn/thuhanoi/2009/07/856620/
“Chúng tôi đang mất làng” đấy là câu nói không chỉ của những người nông dân mà còn là câu nói của những người sinh ra và lớn lên từ các làng quê bây giờ đã định cư trong các đô thị.

“Chúng tôi đang mất làng” là một tiếng kêu. Trên văn bản tôi đang viết mà bạn đọc sẽ đọc thật khó có thể cảm nhận được tiếng kêu kia một cách đầy đủ. Nhưng quả thật nó là một thông báo giống như thông báo về một cái chết.
Tôi không phóng đại điều này. Cái chết của một truyền thống hay của một nền văn hóa thường làm cho chúng ta không nhận ra ngay lập tức khi chúng ta nhận được thông báo về cái chết đó.

Những gì tạo lên một làng Việt Nam truyền thống đang càng ngày bị phá vỡ. Theo nghiên cứu của cá nhân tôi, có hai nền tảng cơ bản của một làng Việt Nam truyền thống đang bị phá vỡ. Nền tảng cơ bản thứ nhất là mô hình kiến trúc làng truyền thống. Nền tảng cơ bản thứ hai là bản chất của văn hóa làng. Cả hai nền tảng này đang bị phá vỡ và nó dẫn đến sự hủy diệt làng Việt Nam.

Công cuộc đô thị hóa nửa vời và thiếu trách nhiệm ở các vùng quê đã đẩy mô hình kiến trúc làng vào một bi hài kịch. Điều này khẳng định các nhà quy hoạch và quản lý nông thôn không hề có khái niệm gì về làng truyền thống và họ cũng không có một ý tưởng hay một trách nhiệm gì về sự phát triển nông thôn. Không có một luật pháp nào quy định việc bảo tồn thiên nhiên và kiến trúc làng. Và cũng không có một hướng dẫn nào của những người quản lý và quy hoạch nông thôn cho việc đó.

Kiến trúc ở nông thôn cuối thể kỷ XX và đầu thế kỷ XXI là một kiến trúc tồi tệ nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. Nó là một thứ hỗn tạp đến kinh hoàng. Tôi sẵn sàng đối chất với bất cứ nhà quy hoạch hay quản lý nông thôn nào ở Việt Nam về vấn đề này.

Chỉ lấy ví dụ về kiến trúc ở các vùng nông thôn của một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… thì chúng ta thấy các nhà quản lý và quy hoạch nông thôn chính là thủ phạm phá hỏng các làng Việt Nam truyền thống. Các làng ở các nước tôi vừa kể trên vẫn lưu giữ được những vẻ đẹp và tính truyền thống của kiến trúc đặc trưng mà vẫn tạo ra những tiện ích cho một đời sống hiện đại.
Vì thế, không thể lấy lý do của những nhu cầu sinh hoạt và làm việc của đời sống công nghiệp mà biện minh cho những sai lầm trong kiến trúc nông thôn hiện đại. Trong khu Việt Phủ Thành Chương, họa sỹ Thành Chương đã xây những ngôi nhà truyền thống đẹp về thẩm mỹ và xúc động về tinh thần nhưng bên trong vẫn là những tiện ích cho một đời sống rất hiện đại.

Những người nông dân quả thực không có nhận thức và kiến thức đúng về vấn đề này. Nhưng họ lại là những người không có lỗi.
Các nhà quản lý và quy hoạch nông thôn phải có chiến lược tuyên truyền cho họ và có luật pháp để ngăn chặn sự tùy tiện của họ. Bởi thế, các nhà quản lý và quy hoạch nông thôn bắt buộc phải có sự hiểu biết đúng về làng truyền thống và có sứ mệnh hoạch định chiến lược bảo tồn và phát triển làng Việt Nam truyền thống. Bởi làng Việt Nam truyền thống không phải là một cụm cư dân lâu đời mà là nơi sinh ra văn hóa Việt.

Nếu không tin, bạn hãy làm phép loại trừ bạn sẽ nhận ra rằng chúng ta chẳng còn gì khi không còn văn hóa làng. Hầu hết những người có hiểu biết và có ý thức đều kinh hoàng và thất vọng khi nhìn thấy càng ngày càng thêm nhiều làng quê Việt Nam bây giờ chỉ là một đống bê tông thô thiển, nặng nề và vô cảm.
Tôi tin chắc rằng 30 hoặc 50 năm sau hoặc có thể lâu hơn chút nữa, người ta sẽ phải phá bỏ những ngôi nhà và những công trình công cộng ở các làng quê hiện nay để tìm lại những giá trị văn hóa của làng và tìm lại chính mình.

Kiến trúc nông thôn là hình thức của làng truyền thống thì lối sống của người thôn quê là bản chất của văn hóa làng. Nhưng lối sống của những người nông dân đã đang thay đổi quá nhiều.
Những năm gần đây, việc xây dựng lại đền chùa và tổ chức lại các lễ hội không phải là sự phục hưng văn hóa làng. Bởi ngay chính trong việc xây dựng lại đền chùa và tổ chức lại lễ hội ấy chứa đựng trong đó tính thực dụng quá nhiều.
Chính những hoạt động lễ hội ở các làng hay các vùng quê trong một hai thập niên trở lại đây đã gián tiếp giết chết bản chất của các lễ hội truyền thống. Còn những hoạt động gọi là văn hóa khác lại rơi vào những hoạt động mang tính phong trào. Cứ như thế, những hoạt động đó đã từng bước phá vỡ sự thuần khiết của tâm hồn con người ở thôn quê.

Bây giờ, những người nông dân không đói ngèo như trước kia. Nhưng chưa bao giờ người thôn quê lại tìm cách xây những bức tường bê tông cao, có lúc gắn mảnh chai sắc và thậm chí mắc dây điện trần để chống lại hàng xóm hay người làng mình. Bởi bây giờ, những người thôn quê không còn tin nhau nữa. Họ ngờ vực nhau. Họ đang đánh mất tính cộng đồng rất đặc biệt của làng xóm Việt Nam.
Chủ nghĩa thực dụng đã gặm nát truyền thống đùm bọc tắt lửa tối đèn có nhau của người thôn quê. Chủ nghĩa thực dụng này hiện hữu trong cả nhiều hoạt động từ thiện rầm rộ.

Tôi còn nhớ mãi câu chuyện mẹ tôi kể về những người hàng xóm của tôi đã giúp đỡ một gia đình nghèo khó trong xóm. Ngày ấy, mỗi ngôi nhà ở quê chỉ có một cái cổng ngõ hoặc một bờ dậu sơ sài ai cũng có thể vào được. Và thế là, họ đã phân công từng gia đình bí mật bỏ lúa bỏ khoai vào bồ của gia đình nghèo khó đó mỗi lúc một ít. Họ làm vậy để gia đình nghèo khó kia không thể nhận ra ngay sự giúp đỡ của người khác. Họ đã vì nhau mà không cần đến quảng bá “lòng tốt” của mình cho thiên hạ biết.
Khi đã tìm cách quảng bá cho thiên hạ biết “lòng tốt” của mình thì một phần của chủ nghĩa thực dụng đã có sẵn trong đó rồi.
Nhưng bây giờ thì tôi chẳng thể tìm được những câu chuyện như vậy nữa. Đó là một trong rất nhiều câu chuyện kỳ diệu trong những năm 70 của thế kỷ XX về trước.
Từ đó đến nay mới chỉ hơn 30 năm. Thế mà lòng người đã đổi thay quá nhiều. Bây giờ con người đâu đói khổ như 30 năm trước kia. Nhưng lòng tham và thói ích kỷ của con người tăng lên gấp bội. Quan hệ giữa người này với người kia và nhà này với nhà khác trong làng mỗi ngày một giống quan hệ của những người ở chốn đô thị.
Mỗi một cộng đồng dân cư có những đặc điểm trong sinh hoạt cộng đồng khác nhau. Nhưng nếu làng mất đi quan hệ tối lửa tắt đèn có nhau thì có nghĩa là văn hóa làng đang mất.

Chúng ta ngày ngày nói về sự tăng trưởng kinh tế nhưng chúng ta chẳng mấy khi nói về sự phát triển nhân cách và tâm hồn con người. Ngay cả trong các sáng tác văn học nghệ thuật của chúng ta lâu nay, nơi lẽ ra người ta chỉ để tôn vinh cái đẹp và sự dâng hiến, lại chứa đầy thói vị kỷ và tự phụ của chúng ta.
Đối với dân tộc Việt Nam thì làng, nơi khởi sinh và cũng là nơi trú ngụ cuối cùng những vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn đã và đang bị phá vỡ. Vậy thì tâm hồn chúng ta sẽ tìm về đâu để được trú ngụ, để được hồi sinh và để được tắm rửa trong nguồn nước của văn hóa?

Những công dân đích thực cuối cùng của làng quê Việt Nam đang kêu lên: “Chúng tôi đang mất làng”. Họ sẽ ra đi vĩnh viễn. Và thay vào họ sẽ là những con người đắm chìm trong chủ nghĩa thực dụng và thói vô cảm.
Nhiều lúc tôi cứ cất lên câu hỏi như một kẻ xa lạ trong thời đại này: Tại sao người ta lại bỏ quên những làng quê Việt Nam như thế. Thực tế cho thấy: họ chỉ quan tâm đến làng quê khi họ cần lợi dụng làng quê cho lợi ích của một cá nhân hay một nhóm cá nhân của họ mà thôi.
Nguyễn Quang Thiều

-------------------------------------

TIN LIÊN QUAN


Bức thư thứ năm: Vẫn chỉ là xóa nạn mù chữ (?)
Bức thư thứ tư: Sự lựa chọn kinh hoàng
Bức thư thứ ba: Số phận những người đàn bà thôn quê
Bức thứ hai: “Tổng thu nhập một tháng của người nông dân”
Thư của đứa con những người nông dân

No comments: