Từ người lái ta-xi, người bán hàng đến ông Thủ Tướng
Nguyên Hân
21-10-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5600
Tám chiếc ghế có chỗ dựa tay vây quanh chiếc bàn tròn nằm dưới patio phủ đầy lá nho và những chùm nho sây trái. Tám người ngồi quanh bàn gồm ba người từ Việt Nam mới qua và năm người sinh sống ở Mỹ đã lâu. Họ chuyện trò rôm rã.
Cả tám ngưòi đều là bạn thời sinh viên những năm sau 1975. Trong số đó, ba người vượt biển tìm tự do khi chưa tốt nghiệp, hai người qua Mỹ theo diện gia đình bảo lãnh khoảng đầu năm 2000. Ba người kia ở lại Việt Nam, học ra trường, làm việc, vô đảng và trở thành "đại gia". Trong lúc cao hứng, một người bạn ở Việt Nam qua rút ví ra khoe: “Giấy cho phép định cư ở Mỹ của tớ đây nhé. Nói như bố Hiển (cựu giám đốc Vietnam Airlines), tớ chưa đi Mỹ vì tớ chưa muốn đi!”. Nói thật hay chơi thì có trời biết, nhưng cả bàn có dịp cười rũ. Quan thế mới là quan chứ. Vừa có tiền, có thế lực ở Việt Nam nhưng đều cho con cái đi học ở Mỹ và ai cũng muốn tìm đường cho con cái họ được ở lại Mỹ. Nằm cạnh thẻ đảng trong ví là thẻ cho phép vào thường trú ở Hoa Kỳ.
Thẻ cho phép vào Mỹ thường trú nằm kèm thẻ đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Quan thế mới là quan chứ! Nguồn: wikipedia.com
http://www.dcvonline.net/php/images/102008/cards.jpg
Người trong nước muốn biết tình hình đời sống bên này, cộng đồng người Việt hải ngoại nghĩ sao về vần đề Hoàng Sa Trường Sa và thái độ của Mỹ trong chuyện tranh chấp này. Ngược lại, năm người sống ở Mỹ thì muốn tìm hiểu những vấn đề nổi cộm trong nước như chuyện Thái Hà, chuyện tranh giành giữa hai phe trong đảng… Chuyện ngày xưa thời sinh viên ít được nói đến.
Đề tài nói chuyện đến và đi như gió nhưng lại dừng khá lâu khi đề cập về Singapore. Lý do dễ hiểu, Singapore là một đất nước non trẻ, gần Việt Nam và có những thành tựu đáng kể trong công cuộc phát triển trong mấy mươi năm qua. Vậy, Việt Nam có thể học được những gì từ đó?
Đa số đều đồng ý về những yếu tố đã đưa Singapore trở thành một đất nước thịnh vượng như hôm nay; trong đó, khả năng lãnh đạo tài giỏi của ông Lý Quang Diệu đóng vai trò rất lớn trong chuyện này. Một anh bạn từ Việt Nam thì cho rằng “Singapore may mắn có đệ thất hạm đội của Mỹ đóng ở đây, nên được ổn định để xây dựng đất nước (?)”.
Trong lời giới thiệu cho bài “Singapore và hiểm họa Cộng sản thời lập quốc" trên DCVOnline đã trình bày sơ lược rằng: khởi thủy, Singapore là một vùng đất đa chủng tộc, hầu hết đều đến đây để kiếm kế sinh nhai. Vì vậy, sau ngày giành độc lập và mãi đến thập niên 1960, người dân Singapore vẫn chưa có một ý niệm về quốc gia. Người lớn tuổi ở Singapore ai cũng muốn hồi cố hương để chết, dù là người Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai Á, Nam Dương… nơi họ ra đi trước đây. Vì thiếu một ý niệm quốc gia như vậy nên việc chọn lựa đảng phái dạo đó hoàn toàn tùy thuộc vào sắc tộc. Người Singapore gốc Trung Hoa bầu cho đảng của người gốc Trung Hoa, người gốc Mã Lai Á bầu cho đảng của người gốc Mã Lai Á…
Ông Lý Quang Diệu và đảng Nhân dân Hành động của ông (People’s Action Party - PAP) đã thành công trong việc thu phục nhân tâm, kêu gọi sự đoàn kết của người dân Singapore cùng xây dựng một ý thức dân tộc, cùng làm việc, cùng hưởng phúc lợi xã hội chung; không kỳ thị tôn giáo, sắc tộc để cùng nhau xây dựng một đất nước Singapore như ngày nay. Nhưng thành công đầu tiên và lớn nhất của ông Lý Quang Diệu là đã đấu tranh quyết liệt, không cho mầm mống cộng sản sinh sôi nảy nở ở Singapore suốt thời gian lập quốc và cho đến sau này.
Ông Jumabhoy, cựu Bộ trưởng bộ Thương mãi và Kỹ nghệ của chính phủ dân cử đầu tiên ở Singapore năm 1955 cũng có nhận xét tương tự : “Singapore chỉ có thể tồn tại như là một quốc gia độc lập nếu những người cộng sản bị đánh bại. Giữa những đảng phái chính trị vào thời đó, chỉ có đảng PAP (đảng của ông Lý Quang Diệu) có khả năng triệt hạ được thảm họa cộng sản”.
Trong buổi nói chuyện gần đây ở Global Indian Diaspora Conference trong hai ngày 10 & 11 tháng Mười năm 2008 ở Singapore, khi được hỏi, chính ông Lý Quang Diệu đã trình bày lại những lý do đã giúp Singapore trở thành một quốc gia thịnh vượng, có nền dân trí cao, y tế và giáo dục phát triển và rất ít tham nhũng (Về tham nhũng, Singapore sạch đứng thứ nhì, sau Tân Tây Lan – New Zealand trong khu vực Á châu) và là một trong những nước sạch sẽ nhất với những cơ sở hạ tầng đứng hàng đầu thế giới.
Trước khi trả lời câu hỏi, ông Lý nói rằng ông rất hiểu sự khác biệt lớn lao giữa một đất nước nhỏ như một thành phố với một nước lớn bằng cả một đại lục như Ấn Độ (India). “Nhưng khi bạn so sánh những thành phố với nhau, nó giống nhau như đúc”, ông Lý nói thêm.
Trước hết, ông xác nhận ông không phải là người duy nhất có công trong nỗ lực xây dựng nước Singapore này mà do ông có một ê-kíp gồm những bộ trưởng có tư cách và năng lực; mà tư cách và khả năng của họ thì không ai có thể nghi ngờ được.
Ông Lý Quang Diệu nói, “Vâng, tôi là đội trưởng của đội xây dựng này và tôi đã có những quyết định quan trọng. Hơn thế, những người cộng sự với tôi họ hiểu được là cần phải làm gì để đạt được những mục tiêu đó.”
“Rất quan trọng là phải có một chính phủ không tham nhũng để điều hành đất nước,” ông nói thêm, “khi qúy vị có một chính phủ tham nhũng vận hành đất nước, quí vị đang có vấn đề trầm trọng… Cả một hệ thống bị hỏng.”
Một yếu tố cực kỳ quan trọng khác, theo ông Lý Quang Diệu là thiết lập cho được một chế độ tôn trọng nhân tài, một sân chơi bình đẳng cho mọi người.
“Anh có được việc làm căn bản không phải dựa vào sự quen biết – qua cha anh, qua bạn bè hay qua bất cứ điều gì – mà nó phải đặt trên căn bản năng lực làm việc của anh. Chúng tôi dành cơ hội bình đẳng cho mọi người về trường học, y tế và tôi có thể nói, cả cuộc sống. Mọi người đều bình đẳng và có chung cơ hội như nhau.”
“Bất kể anh là người thuộc chủng tộc nào, anh nói ngôn ngữ gì hay theo tôn giáo nào… Ai là người làm giỏi nhất? Thế thì anh làm đi.”
Và quan trọng nhất là trong sự thịnh vượng của nền kinh tế Singapore hiện nay, người dân ai cũng có phần. Ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh rằng rất nhiều người Singapore ngày nay là sở hữu chủ của bất động sản.
“Cho nên, hôm nay anh có thể hỏi bất cứ người lái ta-xi nào, hay người bán hàng ăn nào, anh ta làm chủ một chung cư, anh ta làm chủ căn nhà anh đang ở, mà cái gía trị thấp nhất cho dẫu bị hạ gía xuống vì nền kinh tế khó khăn hiện nay, gía tối thiểu của nó là 150.000 đô-la Singapore. Và cái có gía nhất sẽ là từ 600 đến 700 ngàn đô-la.”
Ông kết luận, “Vì vậy, anh lái ta-xi kia cũng có phần nhỏ trong nền thịnh vượng chung của Singapore.”
Do đó, người dân Singapore hiểu rằng nếu họ bầu phiếu cho một chính phủ xấu, không có khả năng điều hành đất nước; nó có thể dẫn đến chuyện mất gía bất động sản và mất việc, ông Lý Quang Diệu nói thêm.
“Người ta có thể nói đây là sự độc tài, nhưng đó là lý do tại sao chúng tôi cứ được dân bầu,” ông nói. “Họ không hiểu cái phần kinh tế nằm đằng sau nó. Mọi người đều có phần trong sự thịnh vượng chung của đất nước, và mọi người phải làm việc.”
Nói tóm lại, bốn điểm ông Lý Quang Diệu nói trong buổi nói chuyện hôm thứ Sáu rồi mà đã làm Singapore phát triển tốt đẹp, đã xây dựng một Singapore “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” bao gồm:
1. Một chính phủ có năng lực làm việc và không tham nhũng.
2. Một cơ chế được lãnh đạo bởi nhân tài và biết tôn trọng nhân tài của đất nước (meritocracy). Một sân chơi bình đẳng cho mọi người, đặt căn bản trên năng lực của người đó, chứ không phải dựa trên sự quen biết, móc nối, bao che…
3. Một cơ hội bình đẳng về giáo dục, y tế… cho mọi người dân.
4. Tạo điều kiện cho mỗi người dân Singapore được hưởng phần thịnh vượng của đất nước mình, mọi người đều có phần trong đó. Và, mọi người cần làm việc năng nỗ.
Trong buổi nói chuyện ngắn ngủi này, tuy ông Lý Quang Diệu không đề cập đến; nhưng tưởng cũng cần nói thêm là trong hiến pháp Singapore hiện nay không có điều nào khẳng định đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông Lý Quang Diệu là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước Singapore.
Và kể từ ngày lập quốc, ông Lý Quang Diệu cũng như đảng của ông ta được ghi nhận đã có công giáo dục người dân biết tôn trọng một nhà nước pháp quyền, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong chế độ pháp quyền đó.
© DCVOnline
---------------------------
Nguồn:
(1) Singapore và hiểm họa Cộng sản thời lập quốc. DCVOnline.net, 27 tháng 11 năm 2007
(2) "How Singapore achieved success." Singapore Straits Times, by Kor Kian Beng, 11 October 2008
Ý kiến Bạn đọc
Re: Từ người lái ta-xi, người bán hàng đến ông Thủ tướng
2008-10-21 04:05:26
Vô Sắc
Có một số người hay cố ý gán ghép rằng Singapore cũng có một chế độ độc tài, độc đảng (?) nhằm biện minh cho chế độ độc tài và độc đảng tại Việt Nam.
Thật ra bản chất hai chế độ hòan tòan khác biệt. Ngắn gọn, Singapore là một quốc gia có chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng. Hiến pháp cho phép đầy đủ các quyền tự do dân chủ như mọi nước dân chủ tiên tiến khác. Và luật pháp triệt để bảo vệ, chính quyền hòan tòan tuân thủ, các luật lệ hiến định. Các đảng khác không tranh nổi với đảng PAP của ông Lý Quang Diệu vì đảng ông đã quá xuất sắc trong việc trị nước chứ không phải vì những trò ma mảnh lừa bịp để mãi được cầm quyền.
Điều mà các nước phương Tây hay chỉ trích là luật lệ về báo chí của Singapore tương đối khắc khe so với các nước tiên tiến (xin nhắc lại, chỉ so với các nước Tây phương). Theo tôi, sự tương đối khắc khe này không nhằm bảo vệ đảng PAP cầm quyền của ông Lý Quang Diệu (và hiện nay TT là Lý Hiển Long), mà nhằm bảo vệ sự vẹn tòan cùng an bình của một xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa, còn non trẻ, với những khác biệt to lớn về ngưồn gốc. Thêm nữa, khái niệm cùng một tổ quốc cũng chưa hình thành rõ rệt với một thời gian quá ngắn ngủi từ khi lập quốc. Do đó, biến động tâm lý rất dễ bột phát nếu bị khích động, gây ảnh hưởng tai hại cho an ninh và ổn định xã hội.
Những sự khắc khe đó chúng ta còn có thể truy tìm ra thêm nguyên nhân đã phát khởi từ những năm cuối thập niên 1950 đầu 1960, do Singapore phải đối phó với đảng cộng sản, được giựt dây từ Trung Cộng, liên tục tìm mọi cách khuynh đảo, qua truyền thông, báo chí, qua các nghiệp đòan, nhằm chiếm chính quyền.
Trong Hồi ký Lý Quang Diệu (dịch từ nguyên bản, Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, 2000) có cho biết, đã vài lần (1956 và 1963), các lãnh tụ cộng sản Singapore đã bị ông Lý Quang Diệu bắt giam. Nhờ lợi thế địa lý của mình, không nằm sát cạnh một nước cộng sản để bị xâm nhập người và vũ khí, nhờ tài lãnh đạo khôn ngoan và cương quyết của ông Lý, cùng sự hổ trợ đắc lực của những cộng sự viên thân tín của ông, Singapore đã thoát khỏi hiểm họa cộng sản (Malaysia mãi đến năm 1960 và Indonesia đến 1965 mới thực sự thoát khỏi hiểm họa này). Chỉ trong hơn nửa thế kỷ, từ một vùng đất nghèo khó, Singapore đã trở thành một quốc gia tiên tiến về mọi mặt.
Ông LQD đã từng phát biểu: “Một số quốc gia đã được độc lập từ khi lập quốc, một số khác phải giành mới được, Singapore thì bị buộc phải độc lập.” Thế mới thấy, giành được độc lập chưa hẳn đã là một thành quả, một mục tiêu cuối cùng, để mà cứ mãi ca ngợi. Phương cách cai trị một đất nước có được độc lập có lẽ mới là điều quan trọng nhất để phán xét và đánh giá khả năng cùng tấm lòng của người cai trị đất nước.
Cũng lạ là quyển Hồi Ký của ông được dịch sang tiếng Việt, phát hành tại Việt Nam gần tám năm qua, nhưng xem ra không có mấy người trong nước đã đọc. Hay những người Việt đọc sách này chẳng có chút thẩm quyền gì trong việc tham gia điều hành đất nước? Hoặc cũng có một số quan chức đọc, nhưng rồi không rút ra được mấy những điều hay cho mình mà áp dụng?
No comments:
Post a Comment