Mafia làm văn hoá
Nguyễn Tường Tâm
Đăng ngày 22-10-2208
http://danchimviet.com/articles/539/1/Mafia-lam-vn-hoa/TrangPage1.html
Nếu theo một trong các định nghĩa ghi ở Answers.com, Mafia là một tổ chức tội phạm, đặc biệt khi bị khống chế bởi các thành viên có cùng quốc tịch, (Any of various similar criminal organizations, especially when dominated by members of the same nationality. ) thì tổ chức kinh doanh và làm văn hoá mà tôi sắp đề cập dưới đây là một tổ chức mafia.
Báo Lao Động Cuối tuần số 33 Ngày 17/08/2008 có đăng một bài báo khiến người đọc trong nước cảm thấy hết sức hãnh diện, bài “Tâm hồn Việt giữa lòng Berlin". (1) Bài báo viết về Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư, văn hoá và du lịch Việt Nam tại Berlin có tên là "Viethaus-AG".
"Viethaus-AG" là liên doanh giữa Công ty dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO) và Công ty H.M.SKY (Việt Nam) tại Đức. Đây là liên doanh đầu tiên của Việt Nam tại Đức chính thức đăng ký hoạt động theo pháp luật hai nước. Chưa biết thực chất bên trong ra sao, cái tên Công ty dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO), cũng đủ tạo uy tín lớn cho Viethaus, bởi vì ở trong nưóc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phải là một công ty có phần hùn của nhà nước, hay hoạt động dưới chiêu bài một công ty nhà nước thì phải có phần hùn hay thực sự do một nhân vật chóp bu trong đảng làm chủ thì mới tồn tại. Mới ra đời nhưng uy tín của Viethaus tại Việt Nam đã nổi trong giới có máu mặt, có như vậy tờ báo nổi tiếng trong nước là tờ Lao Động mới chịu khó chạy bài giới thiệu. Tại nước Đức, uy tín của Viethaus trong cộng đồng người Việt gốc xã hội chủ nghĩa (để phân biệt với cộng đồng người Việt miền Nam tị nạn chính trị) được xác định bằng mối liên hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam qua ông Trần Đức Mậu, Đại sứ Việt Nam tại Đức. Đại sứ Mậu nhận định, “sự có mặt của Viethaus sẽ làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của hơn 90.000 người Việt Nam đang sống và làm việc tại Đức,” (2)
Ngoài ra, không biết mối liên hệ của người lãnh đạo công ty với nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam có bản chất ra sao, nhưng mới đây, ngày 6.3.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Viethaus và đã nhận định, “đây là một mô hình mới trong việc xã hội hoá phát triển các trung tâm văn hoá, xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài và cần được nhân rộng ra các nước khác.” (3) Theo truyền thống kinh doanh tại Việt Nam, từ khi mở cửa theo kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì sự viếng thăm và nhận định có tính cách khen ngợi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đủ bảo kê cho công ty Viethaus không thể bị băng nhóm nào đụng tới.
Người đọc quen thuộc với cộng đồng người Việt gốc là các du sinh và lao động tại các nước cựu cộng sản Đông Âu nói chung, Cộng Sản Đông Đức nói riêng, không xa lạ gì với những hoạt động kinh doanh mờ ám, chợ trời, buôn lậu, băng đảng, bạo động mà nhiều lần báo chí Đức và Nga đã lên tiếng. Riêng tại Đức mấy năm qua, công việc buôn bán bất hợp pháp, nhất là buôn lậu thuốc lá, kèm theo là những thanh toán có tính cách băng đảng để tranh dành thị trường đang làm đau đầu chính quyền nước này. Trong bối cảnh đó, thì người lãnh đạo công ty kinh doanh, đầu tư, văn hoá du lịch Viethaus này lại có nick name (biệt danh) rất giang hồ, “Hùng Râu.” Hùng Râu, tức Nguyễn Xuân Hùng - Chủ tịch HĐQT Viethaus, có gương mặt vừa anh chị, vừa nghệ sĩ: gương mặt to, đôi vai và bộ ngực rộng, đầy, mạnh mẽ. Mái tóc dài tới vai, kèm thêm hàm râu mép khiến ông có nụ cười, thoải mái, tự tin, và hiền lành; cái hiền lành và tự tin của những ông trùm. Phóng viên Vân Anh, tác giả bài báo, mô tả, ông chủ tịch công ty Viethaus có “khuôn mặt lãng tử, bộ tóc dài, cặp mắt tinh nhanh..” (4)
Trong phát triển kinh doanh, ông Hùng Râu cũng theo một phương cách mà độc giả không khỏi thắc mắc: xung đột quyền lợi với các chủ doanh nghiệp có trước tại địa bàn. Trong khi đáng lẽ cơ sở kinh doanh sinh sau đẻ muộn thường phải cố dành được cảm tình của các cơ sở kinh doanh có trước, các hàng xóm lân bang của mình, thì theo lời ông Hùng Râu, “Lúc đầu chúng tôi chỉ thuê được một diện tích nhỏ ở đây qua một môi giới người Đức. Sau đó, chúng tôi nghĩ cách để thuê nốt những nhà xung quanh. Đặc biệt, hồi đó ở khu này có một nhà hàng Tây Ban Nha và một công ty du lịch rất nổi tiếng. Họ kiên quyết không chịu nhượng bộ và còn định kiện chúng tôi ra toà. Nhưng rồi mọi việc cũng ổn thoả, chúng tôi đã thuê được cả diện tích mặt bằng gần 5.000m2 này trong trong thời gian 35 năm để làm một mô hình tổng hợp gồm nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội thảo, spa...” (5)
Chủ tịch HĐQT Viethaus Nguyễn Xuân Hùng. Ảnh của báo Laođộng online
http://danchimviet.com/articles/539/1/Mafia-lam-vn-hoa/TrangPage1.html
Tuy nhiên, trong kinh doanh, ông Hùng Râu cũng có một quan điểm khác lạ hơn nhiều người Việt khác. Theo ông Hùng, “Sự thực thì văn hoá Việt cũng như hàng hoá Việt chưa tạo được hình ảnh tốt ở thị trường này. Muốn hàng Việt thâm nhập vào thị trường Châu Âu, mà trước hết là qua thị trường Đức thì hàng Việt phải được nhìn nhận bằng con mắt khác, đẳng cấp khác.” (6) Từ nhận định này, ông Hùng đưa ra chiến lược kinh doanh khá mới lạ và đầy sáng tạo. Ông nói rằng muốn hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường Âu Châu thì “văn hoá phải đi trước.” Bằng ngôn ngữ bình dân, ông nói tiếp, “Khi người ta có "say" một nền văn hoá nào đó, người ta ắt sẽ phải nhớ đến con người, sau đó có thể người ta sẽ nếm thử những món ăn, uống thử một chai bia, tiếp theo là dùng thử hàng hoá. Nếu làm được như thế, không có lý gì mà hàng Việt không có chỗ đứng ở thị trường Châu Âu.” (7)
Trong câu chuyện, ông Hùng Râu tỏ ra là người say sưa với văn hóa dân tộc, ông nói, “Tôi muốn mọi thứ ở đây phải thấm đẫm tâm hồn Việt, toát lên tất cả sự sang trọng nhưng thanh tao như văn hoá Việt. Đó là lý do vì sao tôi lấy hình tượng hoa sen, vốn đã rất quen thuộc với người Việt Nam làm ý tưởng chủ đạo trong mọi thiết kế của Viethaus. Giàu chất Việt nhưng phải hiện đại, đó mới là cái khó. Bạn nhìn bức tranh gỗ kia có thấy quen thuộc không? Hẳn là rất quen phải không, vì nó lấy mẫu từ hoa văn Lăng Khải Định, ngoài ra còn có các hoa văn của 56 dân tộc Việt Nam.” (8)
Ngay cả việc xây dựng khu tắm spa, ông cũng chứng tỏ là một người am hiểu và yêu văn hóa Việt, nhưng đồng thời cũng là người có đầu óc cởi mở, khai phóng, hoà nhập với nền văn hoá khác. Trong khu tắm spa đang được xây cất, ông cho biết sẽ dùng hai hương liệu chính biểu tượng những nét đẹp của người Việt và hương liệu thứ ba có sắc thái biểu tượng cho nét đẹp Âu châu. ông nói, “Thứ nhất là hoa nhài vì hoa nhài là loài hoa thanh khiết của người Việt, loài hoa dùng ướp trà rất thơm ngon, nó toát lên sự tinh tế và sang trọng một cách kín đáo. Thứ hai là hoa đại. Việt Nam rất gần với đạo Phật, con người Việt luôn có xu hướng tìm về sự tĩnh lặng, bình yên sau những xô bồ của đời sống thường nhật, hoa đại là biểu tượng hoàn hảo. Thứ ba là hoa hồng, loài hoa không thể thiếu của tình yêu, của vẻ đẹp người phụ nữ, rất được ưu ái ở Châu Âu.” (9)
Theo mô tả của phóng viên Vân Anh của báo Lao Động, ông Hùng có phong thái rất nghệ sĩ. Trong xã hội Việt Nam, với lớp tuổi của ông, thế hệ của ông, mà chơi dương cầm thì ông phải thuộc vào giai cấp sang cả và trí thức có gốc chứ không phải loại trọc phú, dân giầu mới nổi. Phóng viên Vân Anh tường thuật, “Dứt mạch tâm sự, anh Hùng thư thái chơi piano hai bản nhạc mà anh thích nhất, một bản về Hà Nội và một bản anh nói là trích đoạn trong nhạc phẩm "My Way". Anh kể lần nào dẫn khách nước ngoài vào tham quan, anh cũng chơi đoạn nhạc này và giải thích "my way" có nghĩa là con đường anh đã lựa chọn, đó là Viethaus.” (10) Vân Anh còn khen ngợi Hùng Râu là một con người có chữ “Tâm”.
Thế rồi đùng một cái, trên tờ Hà Nội Mới online ngày mùng 3/10/2008 có bản tin, “Bắt tiếp viên hàng không chuyển 335 ngàn euro lậu”. Một “đại gia” tại Đức nhờ Hải (tiếp viên hàng không) mang về Việt Nam giúp số tiền 335.000 euro .“ Đại gia” tại Đức thực hiện hành vi chuyển lậu số tiền quá lớn mà có lẽ chỉ những tổ chức mafia lớn mới có được chính là vợ chồng Nguyễn Xuân Hùng và Thủy. Hùng là Tổng giám đốc Công ty Viethaus AG và Thuỷ làm việc tại một đại lý bán vé máy bay và dịch vụ du lịch tại Đức.
Bản tin của tờ Hà Nội Mới khiến độc giả giật mình ngạc nhiên và nghi ngờ về mối liên hệ giữa Công Ty Viethaus và giới quyền lực chóp bu trong nước được mô tả trong bản tin của tờ Lao Động trước đó hơn một tháng. Cả hai bản tin đều được posted trên mục spectrum của talawas trong cùng ngày 14/10/2008.
Trước tiên, người đọc nghi ngờ giữa Viethaus và báo Lao Động có mối quan hệ quyền lợi. Bởi vì sau khi tờ Hà Nội Mới online loan bản tin chuyển tiền lậu của công ty Viethaus ngày mùng 3/10/2008, thì ngay lập tức, ngày 13/10/2008, tờ Laođộng online lại posted lại cái bài khen ngợi “người nghệ sĩ, có lòng (tâm) Hùng Râu” cùng với công ty Viethaus của ông.
Điều nghi ngờ thứ nhì là có thể nhiều phần trăm Công ty dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO), một thành viên kết ước của Viethaus, chính là đầu mối của những hoạt động bất hợp pháp, rửa tiền xuyên quốc gia.
Điều nghi ngờ thứ ba là đằng sau hay bên trong công ty Viethaus có sự quan hệ quyền lợi với giới chóp bu quyền lực của Việt Nam, hay ít ra là với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đại Sứ Trần Đức Mậu, bởi vì hai ông đã viếng thăm và khen ngợi Viethaus hết lời.
Nhưng rồi người đọc cũng tự hỏi, nếu đã có mối quan hệ cao cấp như vậy thì tại sao người của Viethaus chuyển tiền lậu lại bị bắt? Ai dám “mó dái ngựa” đây? Phải chăng vụ này là bề mặt của sự tranh chấp quyền lực âm ỷ ở cấp chóp bu của Đảng Cộng Sản Việt Nam như lời nhận định thường lệ của Giáo Sư Thayler, một chuyên gia chuyên về Việt Nam thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng của Úc?
Tất cả đều phải chờ xem. Nếu vụ này bị cho chìm xuồng, thì có nghĩa là các nghi ngờ của độc giả là đúng sự thật và giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đang lún sâu vào những hoạt động mafia vượt biên giới.
-----------------------------------
Ghi chú:
- Các ghi chú có đánh số: bài Nguyễn Xuân Hùng - Chủ tịch HĐQT Viethaus: "Tâm hồn Việt giữa lòng Berlin"
Lao Động Cuối tuần số 33 Ngày 17/08/2008 Cập nhật: 2:35 AM, 17/08/2008
Laodong online 2008-10-13 trên Spectrum-talawas-2008-10-14
- Bắt tiếp viên hàng không chuyển 335 ngàn euro lậu 03/10/2008 13:31 - Hanoimoi online - Spectrum-talawas-2008-10-14
© 2008 www.danchimviet.com
No comments:
Post a Comment