Ngày 15/10 tuyên án nguyên 2 phóng viên, 2 cựu cảnh sát
23:55' 14/10/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/10/808476/
Mặc dù dự kiến phiên sơ thẩm vụ nguyên 2 phóng viên Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến và 2 cựu sỹ quan cảnh sát Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh chỉ gói gọn trong một ngày, nhưng rốt cuộc, phải sang ngày 15/10, HĐXX mới có thể tuyên án.
Gần 18h30 ngày 14/10, phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Cố ý làm lộ bí mật công tác" và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" mới tạm dừng nhưng HĐXX cũng chưa thể tuyên án. Dự kiến sáng ngày 15/10 mới có thể tuyên án và kết thúc phiên toà. Thân nhân các bị cáo và hàng chục phóng viên các báo gần như thay phiên có mặt tại toà án suốt ngày, dù chỉ đứng ngoài đường dưới trời mưa, vì không có thẻ vào toà.
Tướng Phạm Xuân Quắc : Nội dung vụ án nhiều người biết chứ không chỉ tôi!
Vẫn phong thái đĩnh đạc thuở còn là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH (C14), bị cáo Phạm Xuân Quắc trước toà đã bác bỏ những cáo buộc mà VKSNDTC truy tố ông về tội "Cố ý làm lộ bí mật công tác".
Từng là Phó ban chuyên án vụ án Năm Cam, chỉ đạo phá những vụ án hình sự nổi tiếng một thời: Khánh trắng, Palestin (Phạm Chí Tin ở Khánh Hoà), cu Nên, Dũng "chim xanh", Hoàng lựu đạn, Hà Lê..., bị cáo Phạm Xuân Quắc trước toà cho hay từ trước đến nay, trong tất cả các vụ án lớn, việc báo chí sát cánh cùng CQĐT là rất bình thường. Thậm chí, trong vụ án Năm Cam và đồng phạm, mỗi chiều có rất đông phóng viên báo chí đã tiếp cận cơ quan điều tra để cập nhật thông tin.
Với những cáo buộc về tội "Cố ý làm lộ bí mật công tác" trong vụ án PMU18, ông Phạm Xuân Quắc hoàn toàn phủ nhận. Thừa nhận việc có nhiều phóng viên báo chí đã liên lạc với mình, nhưng bị cáo Quắc cho rằng không hề cho tin bất cứ phóng viên nào.
Việc các phóng viên có đến nhà, ông Quắc khẳng định là chỉ sau khi ông về hưu. Trước cáo buộc ông để phóng viên vào phòng riêng hỏi thông tin điều tra vụ án, bị cáo Quắc khai có khi mở cửa đã thấy có phóng viên rồi, sau đó đã chấn chỉnh trực ban...
Trước toà, bị cáo Phạm Xuân Quắc thừa nhận rằng thông tin Dũng "tổng" chi 500 ngàn USD để chạy án là từ báo cáo của một phạm nhân trong trại tạm giam. Tuy nhiên, việc ông báo cáo lên cấp Chính phủ là do yêu cầu của cấp trên, để xin chủ trương có điều tra xác minh hay không và đơn vị nào điều tra, chứ không phải là vượt cấp, vì trong danh sách ông nhận được "có những người còn cấp to hơn tôi".
"Trong cuộc họp đó có hàng chục người, có lộ lọt từ đâu hay không thì tôi không chắc. Nhưng tôi không cung cấp tin này cho báo chí như cáo trạng nêu" - ông nói. Nhiều nhân chứng cũng khai rằng có gọi điện xác minh thông tin này từ bị cáo Phạm Xuân Quắc, sau khi nghe tin.
Liên quan đến nội dung tin nhắn, số lượng cuộc gọi giữa tướng Oánh và Dũng "Huế", sau khi phân tích về kỹ thuật lưu tin nhắn, ông Quắc khẳng định rằng C14 không phải là đơn vị rút list điện thoại nội dung này, mà là C16. "Báo đăng từ tháng 4/2006, đến tháng 5 - tháng 6 tôi mới ký công văn gửi xin sao lại nội dung list điện thoại này. Trong tay tôi không có tài liệu thì làm sao cung cấp?" - bị cáo Phạm Xuân Quắc đặt câu hỏi ngược.
Bị cáo Quắc cũng khai trước toà CQĐT không tổ chức xác minh điều tra những chuyện cá nhân, bồ bịch của các bị can trong vụ PMU18, nên không thể biết số điện thoại các người mẫu để cung cấp cho phóng viên. Ngày 20/3/2006 mới triệu tập nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, thì không thể có chuyện ông cung cấp thông tin ngày 21/3/2006 sẽ bắt "vì mới triệu tập thì đã biết cụ thể gì đâu mà bắt".
Riêng thông tin "gần 40 quan chức nhận tiền chạy án", ông Quắc khẳng định ngay khi báo nêu, ông đã yêu cầu gọi Phó TBT báo Thanh Niên Nguyễn Quốc Phong và phóng viên Việt Chiến sang trụ sở C14 để nhắc nhở, yêu cầu đính chính. Ông Quắc thừa nhận tại cuộc gặp này có nói: "Các cậu viết chừng 10 người thì không sao".
Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà (Trưởng Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ) bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Quắc, sau khi phân tích khoản 2 điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự "Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức và công dân tham gia tố tụng hình sự"; điều 7 Luật Báo chí quy định việc Cung cấp thông tin cho báo chí; khoản 1 điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-Cp quy định "Các cơ quan Nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước"... đã đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Phạm Xuân Quắc vô tội.
Luật sư Hà cho rằng, Nhà nước vẫn thu hồi đủ 34 xe ô tô, việc thu hồi xe này là do ông Quắc yêu cầu văn phòng PMU18 tự lên danh sách, thu hồi, "trong 1 tuần xe ô tô thu về đậu chật bãi", nên không thể nói là ông cung cấp.
Bị cáo Phạm Xuân Quắc trước toà cho biết, từ khi ông nghỉ hưu, chưa từng có ai ở Bộ Công an được bổ nhiệm cương vị Trưởng ban chuyên án PMU18 thay ông, nên vị trí này hiện vẫn để trống.
Bị cáo Đinh Văn Huynh: "Tôi bị oan!"
Là điều tra viên cao cấp của Bộ Công an, chuyên điều tra án hình sự, bị cáo Đinh Văn Huynh tỏ ra không khoẻ. Người ta thấy, cuối ngày xét xử, ông Huynh lấy thuốc ra uống và cho hay đang bị cao huyết áp.
Phủ nhận các lời khai của phóng viên việc được ông cung cấp thông tin, bị cáo Huynh cũng phủ nhận những cáo buộc trong cáo trạng. Theo bị cáo Huynh, việc cáo trạng cáo buộc bị cáo để phóng viên tự do ra vào cơ quan, tới nhà riêng không thuộc trách nhiệm của ông, vì ông Huynh không phải thủ trưởng cơ quan.
Ngoài ra, với danh sách 178 cuộc điện thoại rút list thể hiện trong cáo trạng, ông Huynh cho rằng việc các phóng viên gọi là việc của họ, ông toàn phải nói tránh sang chuyện khác hoặc nhiều khi mở máy bỏ đấy không nghe.
Trước toà, bị cáo Huynh khai nhận có phóng viên tới làm việc với C14 có giấy giới thiệu của cơ quan, được thủ trưởng phê tiếp, nhưng ông cũng không cung cấp thông tin. Việc cáo trạng cáo buộc ông cung cấp thông tin việc bắt Phạm Tiến Dũng là không đúng.
Việc cáo trạng cáo buộc bị cáo Đinh Văn Huynh trực tiếp hỏi cung Bùi Tiến Dũng về số tiền chạy án 500 ngàn USD rồi xác nhận với báo chí, bị cáo Huynh khai trước toà rằng có căn cứ chứng minh ông không phải là người hỏi Bùi Tiến Dũng về nội dung này, mà là một người khác (?!).
Việc cáo trạng cáo buộc bị cáo Huynh cung cấp kế hoạch làm việc của các điều tra viên, bắt, khám xét, hỏi cung, triệu tập... cho các phóng viên, bị cáo Huynh khẳng định không cung cấp. Hơn nữa, việc các phóng viên biết nhưng họ không đăng báo thì không gây hậu quả. Đồng thời, các hoạt động tố tụng như bắt, khám xét, triệu tập... đều diễn ra công khai thì không thể nói bị cáo "Cố ý làm lộ bí mật công tác".
Bào chữa cho bị cáo Đinh Văn Huynh, luật sư Phạm Ngọc Thạch than phiền với toà rằng ông gặp khó khăn khi tiếp cận với tài liệu vụ án để tham gia bào chữa. Ông Thạch cho rằng, trong vụ án PMU18, mảng tham nhũng điều tra chưa xong, phóng viên cũng "không thể bịa ra vụ án". Đồng thời, quy định về bảo vệ tài liệu là của ngành công an, nếu sai phải xử lý hành chính nội bộ ngành.
Luật sư Thạch cho rằng chỉ dùng lời khai và list điện thoại để làm căn cứ định tội các bị cáo thì không xác đáng. Ông Thạch cũng tỏ ra hoài nghi khi nói rằng "Lời khai của các phóng viên mâu thuẫn, lúc nhớ lúc không thì không thể làm căn cứ xét xử".
Bị cáo Nguyễn Việt Chiến: Phối kiểm thông tin từ 5 nguồn
Gầy hơn sau 5 tháng bị tạm giam để điều tra, bị cáo Nguyễn Việt Chiến ra toà với mái đầu đã bạc đi nhiều. Tỏ ra sắc sảo trong từng luận điểm, trước 8/14 trích đoạn trong cáo trạng buộc tội Nguyễn Việt Chiến liên quan đến thông tin số tiền 500 ngàn USD chạy án của Bùi Tiến Dũng, bị cáo Chiến cho rằng ông lấy thông tin từ các cuộc họp báo công khai tại Tổng cục Cảnh sát, tại Ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, xác minh tổng hợp qua nhiều nguồn.
Là phóng viên làm 20 năm trong mảng nội chính, Nguyễn Việt Chiến khai trước toà "mối quan hệ quen biết của tôi cũng không ít". Vì vậy, các nguồn xác minh thông tin của ông Chiến gồm đủ cả 4 vị tướng trong ngành công an và các điều tra viên trong vụ án PMU18. Ngoài ra, nguồn phối kiểm của ông còn có Vụ 1A - VKSNDTC; các cán bộ lãnh đạo cao cấp; những người có trách nhiệm ở Bộ GTVT như nguyên Bộ trưởng Đào Đình Bình, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công và thông tin từ đồng nghiệp, từ các báo...
Bị cáo Chiến trước toà khẳng định: "Có thể nói tôi là phóng viên duy nhất trong số 40 phóng viên đưa tin vụ PMU18 còn lưu giữ và giao nộp cho cơ quan ANĐT toàn bộ băng ghi âm mà tôi có trong quá trình sưu tập thông tin, đưa tin về vụ án".
Bị cáo Nguyễn Việt Chiến đề nghị HĐXX cho trích phát những nội dung băng ghi âm làm bằng chứng để chứng minh mình vô tội. Bị cáo Chiến cho rằng những thông tin ông đã dùng đăng báo không là mật, bởi thông tin nào mà ông ý thức là mật của Nhà nước thì đã đề nghị lãnh đạo Báo Thanh Niên mang lên báo cáo với Chính phủ, chứ không dùng đăng báo.
Riêng nội dung cáo buộc trong cáo trạng về bài viết "Bùi Tiến Dũng khai nhận đưa tiền chạy án cho gần 40 quan chức", bị cáo Chiến khai: Báo Thanh Niên đã cải chính thông tin này, đồng thời bị cáo còn lưu giữ nội dung phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, chứ không chỉ xác nhận qua ông Phạm Xuân Quắc. Ngoài ra, hiện Báo Thanh Niên còn lưu giữ nội dung ghi âm một cán bộ điều tra trong vụ án PMU18 có nội dung này.
Về bản "danh sách chạy án", bị cáo Chiến khai khi phối kiểm qua ông Quắc, ông Quắc không phủ nhận mà chỉ nói đang xác minh điều tra.
Bị cáo Chiến khai trước toà rằng tất cả các bài báo ông viết không hề phân tích, bình luận thêm, và ông vẫn tin rằng đó là những thông tin có độ tin cậy cao, được phối kiểm từ nhiều nguồn chặt chẽ, có ghi âm lưu trữ chứ bị cáo không hề bịa ra tại thời điểm đưa tin.
"Cáo trạng kết luận bị cáo viết trong 6 tháng. Nhưng thực tế mãi suốt 2 năm sau vụ PMU18, bị cáo và cả cơ quan báo Thanh Niên chưa từng có đơn kiện nào nói bị cáo viết sai sự thật, không thấy cơ quan nào nói báo đưa tin sai. Bị cáo không thấy mình xâm hại ai cả" - bị cáo Nguyễn Việt Chiến khai trước toà.
Nghẹn lời khi bào chữa bổ sung, bị cáo Chiến nói: "Nếu bị cáo ăn tiền viết bài chạy án thì hôm nay phải đứng trước toà chắc chắn bị cáo không kêu ca lấy một lời".
Bào chữa cho nguyên 2 phóng viên, luật sư Phạm Hồng Hải cho rằng cần phải áp dụng Luật Báo chí xử phạt các bị cáo khi đưa tin sai: đính chính, cải chính, bồi thường dân sự...
Luật sư Hải cũng cho rằng cơ quan điều tra chưa làm rõ, gọi tên cụ thể khách thể bị xâm hại khi truy tố các bị cáo Hải và Chiến; đồng thời viện dẫn luật quy định để khẳng định rằng nếu bị truy tố hình sự, phải là người đứng đầu cơ quan báo chí chứ không phải phóng viên. Ngoài ra, các băng ghi âm là các bằng chứng trong vụ án mà bị cáo Chiến đã nộp cơ quan ANĐT đã không được xem xét tại toà.
Luật sư Phạm Hồng Hải đã đề nghị toà trả lại hồ sơ vụ án để "làm lại vụ án từ đầu và đề nghị toà thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị cáo".
Nguyễn Văn Hải chấp nhận cáo buộc của VKS
Khác với đồng nghiệp cũng là bị cáo trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Hải chấp nhận phần luận tội của VKS. Chỉ trả lời rằng nội dung truy tố của cáo trạng và kết luận điều tra của cơ quan ANĐT là đúng, mặc dù không biết khách thể mà các bài viết mà mình xâm hại gồm những ai, nhưng Nguyễn Văn Hải trầm tư chấp nhận các cáo buộc trong cáo trạng truy tố mình.
Trong phần trả lời xét hỏi cũng như trong phần bào chữa bổ sung, Hải không lên tiếng phủ nhận, mà chỉ mong toà án xem xét cho ý thức phạm tội của mình là vô tình. Cụ thể là trong nội dung bài viết về các nội dung tin nhắn trao đổi giữa tướng Cao Ngọc Oánh và Tôn Anh Dũng hay danh sách 200 con bạc, việc ăn chơi ở nhà hàng Phố Núi nhận thông tin qua thư báo nặc danh... Hải thừa nhận đã không xác minh, thẩm tra kỹ và "sau này mới biết đó là những thông tin sai sự thật".
Bị cáo Hải cũng khai trước toà đã đề nghị Ban biên tập Báo Tuổi Trẻ lên tiếng xin lỗi những sai lầm của phóng viên trước khi bị bắt. Trong đoạn trích trong 6 bài báo được dẫn trong cáo trạng, Hải thừa nhận là kết quả của quá trình tác nghiệp sai lầm, dù vô tình nhưng chấp nhận trả giá cho hành vi.
Phần luận tội của VKS trong lúc cuối giờ chiều ngày 14/10 không khác nhiều so với cáo trạng. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Xuân Quắc 12-24 tháng cải tạo không giam giữ hoặc cảnh cáo ; bị cáo Nguyễn Văn Hải từ 18-24 tháng cải tạo không giam giữ; 2 bị cáo Đinh Văn Huynh và Nguyễn Việt Chiến mỗi người 24 - 30 tháng tù giam.
Sáng 15/10, phiên toà tiếp tục phần tranh tụng, trước khi HĐXX nghị án. Dự kiến, bản án đối với 4 bị cáo Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến sẽ được tuyên ngay trong sáng cùng ngày.
Hà Trường
No comments:
Post a Comment