Saturday, October 25, 2008

HỒ SƠ ĐẠI KẾ HOẠCH BAUXITE TÂY NGUYÊN

Mặc những cảnh báo về tác hại vô cùng lớn của việc khai thác bô-xít, và bất kể tới vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của Tây Nguyên đối với nền an ninh quốc phòng của đất nước, chính quyền đã cho phép Trung Quốc "trúng thầu" xây dựng nhà máy alumin ở Tây Nguyên.

Khởi công xây nhà máy alumin trị giá 466 triệu USD
Thứ Bảy, 26/07/2008, 18:17 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=270614&ChannelID=11

TTO - Gói thầu số 9 xây dựng nhà máy alumin, gói thầu lớn quan trọng nhất trong tổ hợp dự án bauxit - nhôm Lâm Đồng (chủ đầu tư Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam), nằm trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng vừa được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh khởi công sáng ngày 26-7.
Nhà máy alumin có công suất 600.000 tấn/năm khi hoàn thành sẽ khai thác quặng bauxit ở khu vực phía tây mỏ Tân Rai, Bảo Lâm với tổng mức đầu tư xây dựng lên đến 466 triệu USD. Theo đó, Công ty Chalieco đến từ Trung Quốc - đơn vị trúng thầu - sẽ đưa khoảng 800 kỹ sư và công nhân sang thi công xây dựng nhà máy alumin này trong 24 tháng theo hợp đồng đã ký kết.
Được biết khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ tạo khoảng 16.000 việc cho người lao động trong và ngoài tỉnh.
HỒ KHẢI NHIÊN


Đại kế hoạch bauxite ở Tây Nguyên bị phản đối quyết liệt
24/10/2008 07:55 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5134/index.aspx

Mặc dù quy hoạch khổng lồ về khai thác quặng nhôm ở Tây Nguyên đã bắt đầu được triển khai, các nhà khoa học đang phản biện quyết liệt. Một trong những phản biện đó lại chính từ bên trong đơn vị thực hiện.

Trong hai ngày 22 và 23/10 vừa qua, tại tỉnh Đắk Nông đã diễn ra một hội thảo khoa học về quy hoạch ngành khai thác quặng nhôm (bauxite) ở Tây Nguyên. Mặc dù quy hoạch đã bắt đầu được triển khai, các nhà khoa học đang phản biện quyết liệt. Một trong những phản biện đó lại chính từ bên trong đơn vị thực hiện, chuyên gia Nguyễn Thành Sơn của Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV). Tuần Việt Nam xin giới thiệu những điểm chính trong phản biện của ông.
Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Chính phủ VN đã từng đề xuất đưa dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên của khối hợp tác COMECON. Các nước thành viên của COMECON, đặc biệt là Liên Xô, khi đó rất cần bauxite cho nhu cầu công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, Hội đồng COMECON đã quyết định không triển khai dự án, thay vào đó, đã tích cực giúp VN triển khai các dự án cao su, cà phê và chè.

Các chuyên gia khi đó đã nhận định: nếu triển khai các dự án bauxite, về môi trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước của vùng Tây Nguyên, không đủ nước để phát triển được cây công nghiệp cao su, chè và cà phê.

Về sinh thái, sẽ ảnh hưởng xấu đến khí hậu của toàn vùng miền Nam Trung Bộ và Campuchia, hạn hán sẽ kéo dài, lũ lụt sẽ thường xuyên xẩy ra hơn.

Về kỹ thuật, không thể lưu giữ một khối lượng khổng lồ bùn đỏ (red mud) ở trên cao nguyên, chỉ có thể tuyển bauxite ở vùng đồng bằng ven biển để chôn cất bùn đỏ gần bờ biển.

Về kinh tế, các dự án bauxite không có hiệu quả và không thể giúp VN phát triển bằng các dự án cao su, cà phê, và chè.

Tính đúng đắn và hiệu quả của những quyết định của COMECON đến nay càng thể hiện rõ.

Một quy hoạch phát triển bauxite “chẳng giống ai” hiện nay

Sau hơn 20 năm “án binh bất động”, năm 2007 Việt Nam đã thông qua một quy hoạch phát triển ngành bauxite-nhôm rất hoành tráng. Đây là quy hoạch một ngành kinh tế hoàn toàn mới, lần đầu tiên được phê duyệt của VN.

Lẽ ra, chúng ta nên thuê trực tiếp một tổ chức tư vấn nước ngoài có tên tuổi thực hiện (tương tự như qui hoạch ngành khí của tập đoàn Dầu khí VN đang lập, hay quy hoạch đầu tiên của các ngành than, điện… trước đây do Liên Xô giúp). Quy hoạch bauxite-nhôm do tư vấn của VN chưa có kinh nghiệm soạn thảo. Việc soạn thảo chưa dựa vào và không có các thông tin tham khảo cần thiết nên “chẳng giống ai”. Vì vậy, bản quy hoạch này, mặc dù đã được Chính phủ thông qua (QĐ 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007), nhưng còn có quá nhiều vấn đề cần được trao đổi, làm rõ để xác định tính khả thi trên thực tế.
Nhìn chung, quy hoạch bauxite-nhôm của VN có quá nhiều tham vọng không có cơ sở, quá nhiều dự án không cần thiết, quá nhiều rủi ro không quản lý được, và quá nhiều bất cập chưa được tính đến.

Một cảnh khai thác Bauxite trên thế giới (ảnh: picasaweb)
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/54/2008/10/images1645230_1Manual_Loading_at_Kawardha_Mine2.jpg

Mục tiêu của quy hoạch: quá nhiều tham vọng không có cơ sở

Đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhôm không phải là nguyên liệu chiến lược. Nhu cầu về nhôm của VN không lớn. Cũng như của thế giới, 30% nhu cầu nhôm được đáp ứng do tái chế nhôm phế liệu. 30% nhu cầu nhôm có thể được thay thế bằng sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền khác (sắt, thép, gỗ, nhựa, giấy…) Vì vậy, thị trường nhôm trên thế giới cũng như ở VN chưa khi nào có khủng hoảng hoặc khan hiếm.

Việt Nam là nước còn nghèo (về vốn và khoáng sản) và đói (về năng lượng), nhưng đã có quy hoạch phát triển một ngành bauxite-nhôm đầy tham vọng. Tham vọng lớn là tốt, nhưng cần phải có cơ sở.
Nguồn lực phát triển các dự án alumina-nhôm của Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) hiện nay chỉ là quyết tâm chính trị và ý chí trên giấy. Nhân lực và tri thức công nghệ gần như bằng 0. Các cán bộ quản lý chỉ đạo từ cấp Tập đoàn đến các cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm việc với các “đại gia” nước ngoài và đưa ra các quyết định về alumina chỉ có chuyên môn về khai thác than lộ thiên ở Quảng Ninh. Khai thác bauxite chỉ là khâu đơn giản nhất trong tất cả các khâu làm alumina, còn dễ hơn so với khai thác than ở Quảng Ninh.

Nguồn lực bằng 0, nhưng tổng số dự án lên tới 15 (trong khi cả thế giới chỉ có khoảng 55), tổng công suất thiết kế các dự án của VN lên tới 18 triệu tấn/năm (cả thế giới chỉ có 74 triệu tấn/năm), qui mô bình quân của các dự án của VN cũng ngang ngửa với thế giới (1,3 triệu tấn/năm, sản lượng của VN là 15 triệu tấn/năm, trong khi cả thế giới có 70 triệu tấn/năm.

Quy hoạch có quá nhiều dự án không cần thiết

Phần lớn các dự án chỉ tập chung vào khâu khai thác bauxite để chế biến thành alumina. Alumina chưa phải là nhôm kim loại (aluminium). Xuất khẩu alumina là xuất khẩu quặng bauxite đã được tinh chế, chỉ phục vụ cho các nhà máy luyện nhôm đang khan hiếm alumina của nước ngoài.

Ở Lâm Đồng, dự kiến khai thác tới 3,96 triệu tấn bauxite, chế biến khoảng 1,2 triệu tấn alumina. Dự án khai thác bauxite Nhân Cơ có công suất tới 1,8 triệu tấn/năm, dự kiến chế biến thành 0,6 triệu tấn alumina. Khu vực Măng Đen-Kon Hà có dự án khai thác bauxite lên tới 9 triệu tấn/năm, dự án chế biến alumina lên tới 1,5 triệu tấn/năm.
Có thể nói, nếu triển khai theo qui hoạch này, toàn bộ vùng Tây Nguyên của VN sẽ biến thành “sân sau”, là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy luyện nhôm của các đại gia ở nước ngoài. Kể cả tới cuối thế kỷ này, mặc dù Tây Nguyên sẽ phải trả giá về sinh thái, môi trường, nhưng, ngành công nghiệp nhôm của VN vẫn là con số 0. Khâu điện phân nhôm có công suất được quy hoạch rất khiêm tốn, chỉ 0,2-0,4 triệu tấn/năm, nhưng còn rất xa vời, ngay trên giấy (trong quy hoạch) cũng rất khó tìm ra.

Vấn đề đường sắt và cảng biển, chỉ là “đâm lao, phải theo lao”, thực sự không cần thiết. Những sai lầm chiến lược đã dẫn đến nhiều sai lầm chiến thuật. Sai lầm chiến lược của chúng ta là chỉ tận dụng khai thác nguồn bauxite trên Tây Nguyên để xuất khẩu quặng dưới dạng alumina. Việc xuất khẩu quặng alumina dẫn đến phải xây dựng đường sắt và cảng biển với qui mô lớn, có năng lực thông qua (cả đường sắt và cảng biển) tới 30 triệu tấn/năm.

Với cung độ ngắn (khoảng 200-300km), nhưng chênh lệch độ cao lớn (hàng trăm mét) giữa Tây Nguyên với Bình Thuận, trước đây, các chuyên gia của COMECON chỉ dám nghĩ tới đường sắt trong phương án không để lại bùn đỏ trên Tây Nguyên, đưa bauxite xuống gần biển để tuyển thành alumina và lưu giữ bùn đỏ một cách an toàn bên cạnh bờ biển. Nhưng phương án này cũng quá tốn kém và rất không hiệu quả.
Nếu xét về mặt quốc phòng, tuyến đường sắt “chẳng giống ai” Tây Nguyên - Bình Thuận này cũng chẳng có ý nghĩa gì, và cũng không có lợi thế cơ động hay an toàn như đường bộ. Còn nếu để vận chuyển alumina ra biển xuất khẩu, hiện nay có phương thức “băng tải ống” rẻ tiền hơn, và thân thiện với môi trường hơn nhiều.


Vận chuyển quặng bauxite (ảnh: picasaweb)
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/54/2008/10/images1645232_1Trucks_move_up_Dust_at_Kawardha.jpg

Quy hoạch có quá nhiều rủi ro không quản lý được

Bình thường, nếu dự án có một rủi ro nào đó không quản lý được, chúng ta đã phải xem xét lại. Việc phát triển bauxite trên Tây Nguyên có quá nhiều rủi ro không quản lý được.

Trước hết là rủi ro về thị trường. Nguyên liệu alumina của chúng ta chủ yếu để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Thị trường trong nước nhu cầu về nhôm không lớn, cũng không đủ điện để luyện alumina thành nhôm. Thị trường nước ngoài, mặc dù nhu cầu nguyên liệu alumina để luyện nhôm rất lớn, nhưng vì chi phí vận tải cao, Việt Nam chỉ có thể bán rẻ nguyên liệu alumina cho các nhà máy luyện nhôm trong khu vực.

Thứ hai là rủi ro về tài chính. Nhu cầu vốn để phát triển rất nóng ngành bauxite như của VN sẽ rất lớn. Phương thức huy động vốn chủ yếu là đi vay nước ngoài. Trong khi đó, chỉ tiêu hoàn vốn nội tại (IRR) của dự án Nhân Cơ chỉ có 14,98% (được tính từ trước thời kỳ khủng hoảng tài chính và trước khi giá năng lượng tăng). Khâu luyện nhôm có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế nhất thì không nằm ở Tây Nguyên. Toàn bộ lãi suất vay và chi phí môi trường đắt đỏ đều nhằm vào quặng alumina xuất khẩu.

Thứ ba là rủi ro về tài nguyên. Chỉ duy nhất có mỏ “1 tháng 5”, và mỏ Gia Nghĩa có trữ lượng được phê duyệt. Hầu như toàn bộ tài nguyên bauxite còn lại chưa được đánh giá đúng mức cần thiết, số liệu không thống nhất, điều tra địa chất chưa đạt yêu cầu.

Thứ tư, rủi ro về kỹ thuật. Công nghệ tuyển bauxite thành alumina của VN dựa trên qui trình Bayer, bản chất của qui trình này là chuyển hoá ô xít nhôm ngậm nước trong quặng bauxite bằng dung dịch kiềm nồng độ cao và ở nhiệt độ cao để thành aluminat natri. Thành phần khoáng vật của quặng nhôm trong trong quặng bauxite có nhiều dạng khác nhau và có phản ứng rất khác nhau với dung dịch NaOH. Ngoài thành phần khoáng vật, các chất khác lẫn trong quặng bauxite cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình kiềm hoá. Quặng bauxite của VN, trong các báo cáo địa chất chưa được nghiên cứu kỹ về mặt khoáng vật, chưa có thử nghiệm công nghiệp các phản ứng cơ bản.

Thứ năm, rủi ro về công nghệ. Qui trình Bayer phổ biến khắp thế giới. Nhưng thiết bị kỹ thuật để thực hiện qui trình này (cũng giống như nhà máy điện nguyên tử) đối với VN cũng là con số 0. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Nhà máy alumina là nhà máy hóa chất, sử dụng NaOH nồng độ cao, ở nhiệt độ lớn.

Thứ sáu, rủi ro về môi trường sinh thái. Đối với các dự án đang triển khai, chúng ta mới chỉ có đánh giá tác động về môi trường cục bộ của dự án, chưa có nghiên cứu về vấn đề sinh thái toàn vùng. Ngoài ra, cơ quan thực hiện và thẩm tra các báo cáo đánh giá tác động môi trường của VN cũng có nhiều rủi ro do trình độ chuyên môn rất hạn chế, không có kinh nghiệm.

Quy hoạch có quá nhiều bất cập không được tính đến

Bất cập thứ nhất- sự không cân đối giữa các khâu đầu nguồn và cuối nguồn: các dự án tuyển luyện để bán quặng có công suất lên tới hơn 18 triệu tấn/năm. Nhưng các dự án chế tạo (điện phân) nhôm kim loại có công suất chỉ 0,2-0,4 triệu tấn/năm.
Bất cập thứ hai: Các dự án đều triển khai ở vùng rất nhậy cảm về môi trường và xã hội nhưng không có thử nghiệm trước.
Bất cập thứ ba: Các dự án tuyển luyện bauxite cần rất nhiều nước, được triển khai ở vùng hiếm nước (Tây Nguyên còn đang thiếu nước cho các cây công nghiệp cau su, chè, cà phê, điều…)
Bất cập thứ tư: Mất cân đối về cung cấp điện trên địa bàn có hệ thống nguồn và lưới điện hiện còn đang kém phát triển. Các dự án luyện cán nhôm cần rất nhiều điện. Việt Nam còn đang thiếu điện, và sẽ không có nguồn thuỷ điện rẻ tiền để đảm bảo cho các dự án nhôm.
Bất cập thứ năm: Các dự án hạ tầng (đường sắt, cảng biển, điện) triển khai sau các dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina.
Nguyễn Thành Sơn


Nguy cơ hiện hữu trong các dự án bauxite trên Tây Nguyên
25/10/2008 08:40 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5145/index.aspx

Phản biện về quy hoạch các dự án bauxite - alumina tại Tây Nguyên,
trong bài trước, TS. Nguyễn Thành Sơn nêu ra các rủi ro của ngành bauxite. Tuần Việt Nam xin giới thiệu tiếp phần phân tích cụ thể về các nguy cơ chính của việc triển khai dự án.

Cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu của thảm thực vật Tây Nguyên (ảnh: thinkquest)
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/53/2008/10/26_hoa-ca-fe-thinkquest.jpg

Thứ nhất, đó là nguy cơ chiếm dụng diện tích đất lớn, nhưng mang lại hiệu quả thấp, tạo ít việc làm trên một địa bàn kinh tế kém phát triển và nhạy cảm về xã hội.

Thứ hai, dự án phải lưu giữ một khối lượng lớn bùn đỏ (bom bẩn) trên cao nguyên, gây ra nguy không chỉ về môi trường mà còn về an ninh.

Thứ ba, dự án làm tổn thất hết sức nghiêm trọng nguồn nước hiện đang còn thiếu để phát triển các cây công nghiệp quý hiếm và rất có hiệu quả (cà phê, cao su, chè, điều…)
Thứ tư, điều chắc chắn là môi trường và sinh thái sẽ bị thay đổi, trong khi hậu quả của sự thay đổi này chưa thể lường được.

Nguy cơ chiếm dụng đất là không thể tránh khỏi

Phần lớn, tới 95% bauxite trên thế giới khai thác lộ thiên. Trong ngành mỏ, đây là phương thức khai thác đòi hỏi chiếm dụng nhiều đất, có tác hại huỷ diệt hệ thực vật và động vật (flora & fauna), làm xói mòn trôi lấp đất (soil erosion). Mức độ chiếm dụng đất của các dự án bauxite trên Tây Nguyên rất lớn. Diện tích rừng & thảm thực vật bị phá huỷ trong khâu khai thác bình quân 30 - 50ha/triệu tấn bauxite, diện tích mặt bằng bị chiếm dụng để tuyển bauxite bình quân 150 ha/triệu tấn, và diện tích mặt bằng bị chiếm dụng để tuyển alumina 450 ha/triệu tấn.

Việc chiếm dụng đất lớn, nhưng lại mâu thuẫn với việc tạo ra chỗ làm việc cho cư dân. Ví dụ, dự án Tân Rai có diện tích chiếm đất tới 4.200ha, nhưng chỉ tạo ra chỗ làm việc cho tổng số 1.668 lao động. Như vậy, bình quân dự án bauxite cần 2,5ha để tạo ra một việc làm.

Phần lớn các dự án trên thế giới (VN không là ngoại lệ) đều lẩn tránh việc xác định danh mục các ngành nghề của nhà máy alumina có thể phù hợp để sử dụng lao động tại chỗ. Các cơ sở sản xuất alumina về bản chất là các nhà máy hóa chất, đòi hỏi công nhân phải được đào tạo ở trình độ cao, với số lượng không cần nhiều, khả năng tạo ra chỗ làm việc là không đáng kể. Khâu khai thác bauxite thì cần có mức độ cơ giới hóa cao, càng không thể tạo ra việc làm cho dân cư tại chỗ.

Các chủ đầu tư thường vận hành các dự án bauxite hay alumina bằng lực lượng công nhân được thuê từ nơi khác đến, vì rẻ hơn nhiều so với đào tạo cư dân tại chỗ. Điều duy nhất, như các chuyên gia thường đánh giá, các dự án bauxite và alumina có thể tạo ra cho cư dân tại chỗ là chất thải và bùn đỏ.

Bùn đỏ: là nguy cơ hiện hữu lớn nhất.

Bùn đỏ (red mud) gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, không biến chất và tồn tại mãi mãi như Hematit (Fe2O3), Natri silico aluminate, Canxi titanat, Monohydrate nhôm (Al2O3.H2O), Trihydrate nhôm (Al2O3.3H2O)…

Bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bauxite. Trên thế giới, chưa có nước công nghiệp phát triển nào (kể cả Mỹ) có thể xử lý được vấn đề bùn đỏ một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội (chỉ đáp ứng được khả năng của nhà đầu tư). Australia là nước có lợi thế về địa hình (bằng phằng, có lớp đá gốc), khí hậu (rất ít mưa) và dân cư (rất thưa) thuận lợi cho việc chế biến bauxite tại chỗ và chôn cất bùn đỏ.

Một hồ chứa bùn đỏ ở Ấn Độ từ khai thác bauxite (ảnh: redmud.org)
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/53/2008/10/26_Red-Mud-lake.jpg

Ở Việt Nam, nếu chế biến bauxite thành alumina trên Tây Nguyên sẽ bắt buộc phải tạo ra các hồ chứa bùn đỏ thường xuyên đe dọa tình hình an ninh trên địa bàn (các hồ “red mud” có thể bị biến thành bom bẩn “mud bomb”). Lượng bom bẩn tạo ra trên Tây Nguyên sẽ lớn gấp 3 lần lượng alumina thu được từ Tây Nguyên để xuất khẩu. Ngoài ra, còn phải thường xuyên tồn chứa một lượng lớn hoá chất độc hại (để chế biến bauxite) trong các kho trên Tây Nguyên.

Chỉ riêng dự án của công ty cổ phần Nhân Cơ, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, phần đuôi quặng nước thải và bùn thải có khối lượng tới hơn 11 triệu m3/năm. Dung tích hồ thải bùn đỏ 15 năm: 8.754.780m3. Tổng lượng bùn thải vào hồ: 1733 tấn/ngày. Lượng nước thải phải bơm đi từ hồ: 5.959.212m3/năm. Với qui mô như vậy, thiệt hại do vỡ đập không thể kiểm soát được, nguy cơ vỡ đập không thể lường trước được.

Tương tự, dự án Tân Rai có lượng bùn đỏ thải ra môi trường: 826.944m3/năm, lượng bùn oxalat thải ra môi trường 28.800m3/năm, lượng nước thải ra môi trường (sau tuần hoàn) 4,625 triệu m3/năm. Khối lượng quặng bauxite khai thác của dự án này lên tới 2,32 triệu m3/năm, dẫn đến nguy cơ tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên cả đời dự án Tân Rai 80-90 triệu m3. Nhưng tổng dung tích của hồ chứa của dự án chỉ có 20,25 triệu m3, số còn lại không biết chứa ở đâu?
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về số bùn này: chủ đầu tư hay người dân địa phương?

Nguy cơ làm mất nguồn nước không có gì thay thế

Cả hai khâu tuyển bauxite và tuyển alumina trên Tây Nguyên đều đòi hỏi rất nhiều nước. Dự án Nhân Cơ có tổng mức tiêu dùng nước 14,832 triệu m3/năm, trong đó để tuyển quặng cần 12 triệu m3/năm, để sản xuất alumina cần 2,4 triệu m3/năm, trong khi cấp cho sinh hoạt chỉ là 0,432 triệu m3/năm.

Dự án Tân Rai có dự kiến xây đập chắn nước để đáp ứng nhu cầu của dự án khoảng 18 triệu m3/năm. Nước thải ra sau tuần hoàn là 4,625 triệu m3/năm. Như vậy, nguồn nước cho cà phê, cao su và các nhu cầu khác bị mất đi 13,375 triệu m3/năm.

Nguy cơ thay đổi môi trường và sinh thái là đương nhiên

Vấn đề môi trường chủ yếu liên quan đến các chất thải. Các chất thải không thể tránh được trong các dự án bauxite gồm: (i) trong khai thác bauxite, khối lượng chất thải rắn rất lớn, bình quân lượng đất đá phủ phải bốc lên và đổ thải 1m3/tấn bauxite; (ii) trong khâu tuyển quặng bauxite, lượng chất thải bình quân 1tấn/tấn quặng nguyên khai; (iii) trong khâu tuyển alumina lượng chất thải (gồm bùn đỏ, bùn oxalate, và nước thải) bình quân trên 2m3/tấn; và cuối cùng, (iv) trong khâu luyện nhôm, lượng chất thải độc hại (gồm chất thải cathode, phát thải fluoride) bình quân 1kg/tấn.

Chúng ta hoàn toàn có thể xác định được cái giá phải trả (định lượng) về ô nhiễm môi trường của các dự án bauxite trên Tây Nguyên trong tất cả các khâu.

Về vấn đề sinh thái, ngoài các nguy cơ phá hủy môi trường tại chỗ, các dự án bauxite alumina còn có những ảnh hưởng tiêu cực không thể tránh được đến hệ sinh thái trên qui mô rộng lớn.

Trong khâu khai thác bauxite, nguy cơ hiện hữu là thảm thực vật và động vật của Tây nguyên (Flora & Fauna) sẽ bị thay đổi. Trong khâu tuyển alumina nguy cơ hiện hữu là tiêu dùng nhiều nước, phải xây đập chắn, sẽ ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của các dòng chảy. Các biến đổi dị thường về thời tiết và khí hậu khu vực miền trung có nguy cơ sẽ xẩy ra gay gắt hơn (thiệt hại do các biến đổi dị thường về thời tiết hiện nay đã tới 4000 - 5000 tỷ đồng/năm).
TS. Nguyễn Thành Sơn

Bài 1:
Đại kế hoạch bauxit ở Tây Nguyên bị phản đối quyết liệt

Bài 3: Thế giới đã và đang làm gì với ngành bauxite?


Xem thêm :
Tây nguyên sẽ “chết” vì... khai thác bôxit
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2008/10/ty-nguyn-s-cht-v-khai-thc-b-xt.html

No comments: