Sunday, October 19, 2008

CÔNG LÝ MADE IN VIETNAM

Vở kịch hạ màn
Linh’s blog
Wednesday October 15, 2008 - 12:06pm (PDT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-LHs64Q8nc6oA.KIg0brqXw--?cq=1&p=16383

Phiên toà xử hai nhà báo (gọi tắt) này là một phiên toà rất đặc biệt. Khác với vụ án Điều Cày cách đây vài tháng được xử dấm dúi và người ta không thể biết những gì diễn ra tại phiên toà đó (dù tất nhiên là biết, đó chỉ là một trò hề và chánh án sẽ chỉ đọc những gì đã được viết sẵn), phiên toà này diễn ra công khai và lần đầu tiên công chúng trong và ngoài nước có thể theo dõi chặt chẽ phiên toà qua những tường thuật, và cả băng ghi âm một số diễn biến của phiên toà được đưa lên mạng. Thực tình, tôi chưa đọc/nghe hết những gì liên quan nên chỉ nói trên cơ sở những gì mình đọc hay nghe qua.

Phiên toà này còn đặc biệt ở thái độ ứng xử khác nhau của hai nhà báo và phán quyết rất khác nhau đối với hai người cho cùng một tội danh. Anh Nguyễn Văn Hải, báo Tuổi Trẻ, được tha ngay tại toà và được khôi phục quyền công dân, trong khi anh Nguyễn Việt Chiến, báo Thanh Niên, bị xử 2 năm tù. Tại sao lại có sự khác biệt này?

Sự trớ trêu lại ở chỗ, anh Chiến bị xử nặng hơn chính vì anh thực hiện đúng theo pháp luật. Theo luật pháp, nếu có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát hay Chánh án toà án cấp tỉnh thì phóng viên sẽ phải tiết lộ bí mật nguồn tin. Chắc chắn trong vụ này đã có yêu cầu tương tự và phóng viên Chiến đã cung cấp hàng loạt băng ghi âm cho cơ quan điều tra để chứng minh rằng mình vô tội và quả thực đã có những nguồn tin từ cấp tá tới cấp tướng trong cơ quan điều tra cung cấp cho anh. Ngay trong
đoạn băng ghi âm phần đối chất trước toà, anh Chiến cũng nhắc tới một trung tá công an tên Vinh, mà người này không hề xuất hiện trong cáo trạng. Anh cũng nhắc tới Trung tướng Ngọ, Trung tướng Oánh, vài vị tướng công an khác… mà những người này thậm chí không được mời ra toà làm nhân chứng. Còn nhớ sau khi anh Chiến bị bắt, báo Thanh Niên đã viết bài khẳng định còn giữ bản ghi âm cuộc nói chuyện với Trung tướng Ngọ trong đó ông Ngọ thừa nhận thông tin về 40 quan chức.

Tại phiên toà, anh Chiến đề nghị toà án công khai những đoạn băng ghi âm anh cung cấp cho cơ quan điều tra. Toà án không trả lời gì cho yêu cầu này của anh. Và anh trở thành người bị xử nặng nhất, nặng hơn cả thượng tá công an Huynh, người cung cấp tin tức cho báo chí, chỉ vì anh thực sự tin tưởng là bằng cách tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, anh có thể chứng minh rằng mình vô tội, không bịa đặt tin tức như cáo trạng nêu ra - điều này có thể thấy trong phát biểu cuối cùng của anh trước toà.

Đáng tiếc thay, anh Chiến không hiểu rằng phiên toà này chỉ là vở kịch và anh là diễn viên đã được đạo diễn sắm cho vai “chết”, nhưng chết đau thương hay chết nhẹ nhàng là tùy thuộc vào thái độ “diễn” của anh. Dù anh có cung cấp bao nhiêu băng ghi âm đi nữa thì anh cũng sẽ bị xử như con dê tế thần thôi. Thậm chí chính việc anh hợp tác với cơ quan điều tra, lôi ra một loạt tên tuổi trong ngành công an và những dấu hiệu về sự đấu đá nội bộ của họ lại càng là yếu tố khiến anh bị xử nặng hơn. Bởi vì người ta không thể để động xuồng rồi cả lũ cùng chết chìm trên xuồng đó. Họ cần phải dập thế nào càng im càng tốt, cảnh cáo một viên tướng công an thất thế và tống vào tù 1 năm cho viên thượng tá, thế là đủ rồi. Không nên tiếp tục lôi tên của những Oánh, những Ngọ…ra trước toà án làm gì.

Vậy là người thực sự tin rằng toà án không phải vở tuồng phải chịu cái án nặng nhất, 2 năm tù. Cái án này dù sao cũng hợp với bản chất thi sĩ lãng mạn của anh, với niềm tin rằng nếu tôi vô tội, tôi sẽ không nhận tội. Nhiều người có thể cho rằng anh thiếu khôn ngoan, khi không chịu đóng vai tuồng người ta sắm cho anh, là ngoan ngoãn cúi đầu nhận tội, thành khẩn trước bình minh, để có thể nhận được án nhẹ hơn. Nhưng tôi nghĩ hầu hết mọi người đều cảm phục anh. Tất nhiên, ở đây còn một vấn đề hơi tinh tế hơn: đó là anh Chiến có thể không ý thức được rằng có vở tuồng như thế. Người ta không thể đến nhà giam mà đặt vấn đề thẳng với anh, rằng nếu anh nhận là mình bịa đặt tin tức và chỉ lấy tin bịa đặt từ ông Quắc, ông Huynh thì họ sẽ xử nhẹ cho anh.

Anh Chiến rơi vào tình thế chọn hai phương án: một là đấu tranh, tung hê tất cả lên và hy vọng họ sẽ xử anh trắng án vì quả thực thấy anh vô tội hay vì muốn êm xuồng; hai là ngoan ngoãn hợp tác bằng cách nhận tội, không lôi thêm ông Vinh, ông Ngọ… vào nữa. Anh Chiến chọn cách thứ nhất, có lẽ một phần vì vẫn có những ảo tưởng nào đó vào pháp luật, và một phần vì niềm tin chân chính rằng mình vô tội thì không thể dối lòng nhận tội. Nhưng như ai đó (cụ thể: một ông giáo sư Nhật và một ông cựu quan chức Việt Nam) nói, dưới chế độ này thì tất cả đều là các tù nhân dự bị, ai cũng có cái “tội” nào đó, làm sao có thể cãi rằng mình “vô tội” được chứ, như thế khác nào là nhạo báng cả bộ máy điều tra - kiểm sát - toà án khổng lồ được huy động để xử vụ này. Hai năm tù cho một niềm tin vào sự trung thực và công lý. Thực ra cũng còn là nhẹ so với nhiều người khác.

Về phía anh Hải, anh làm đúng như những gì người ta kỳ vọng từ “vai diễn” của anh: thừa nhận cáo trạng của cơ quan điều tra trong đó khẳng định có sự bịa đặt trong việc đưa tin, và không dây dưa lôi tướng A, tá B…vào cuộc nữa. Anh Hải hiểu rõ mình đang ở trong vở kịch và thái độ ứng xử duy nhất có thể cứu vãn được mình là làm như anh làm. Vì thái độ “thành khẩn” của anh nên người ta xử anh tự do ngay sau phiên toà. Việc xử hai nhà báo cùng bị kết tội giống nhau nhưng có thái độ “thành khẩn” khác nhau còn có tác dụng mạnh như một tín hiệu tới giới báo chí trong tương lai. Nếu ngoan ngoãn nhận tội sẽ được “khoan hồng”, còn ngoan cố sẽ bị trừng phạt nặng.

Tôi tin rằng hầu hết mọi người (có thể cả tôi) nếu ở trong trường hợp của anh Hải sẽ có sự lựa chọn như anh: giữa tự do trước cửa và nhà tù sau lưng, giữa một bên là vòng tay của những người thân yêu, và bên kia là những bạn tù dữ dằn, xăm trổ đầy người. Anh Hải vẫn là người dũng cảm, trong phạm vi sự dũng cảm thông thường cho phép. Hơn thế, có thể còn bảo vệ được nguồn tin (?). Nhưng không thể nói anh là nhà báo thực sự trung thực bởi kiểu gì anh cũng đã có sự lừa dối: hoặc lừa dối bạn đọc khi bịa đặt tin tức trên báo, hoặc lừa dối công lý (thứ công lý của lương tâm, chứ không phải công lý toà án) khi nhận có tội trong khi vô tội. Nhưng nếu cơ quan đại diện cho công lý là toà án bắt bạn phải lừa dối mới được tự do thì bạn chọn gì, nghe theo thứ công lý nào?

Một điều trớ trêu là toà án thay đổi tội danh hai nhà báo vào phút chót: sửa từ tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn sang lợi dụng quyền tự do, dân chủ. Việc thay đổi tội danh này khiến vụ án thay đổi hẳn sắc thái, từ việc xử lý các nhà báo như những viên chức Nhà nước, sang việc xử lý họ như những công dân. Và tính chất của vụ việc cũng chuyển sắc thái sang một hình thức răn đe đối với “tự do, dân chủ”.

Đối với hai viên chức công an, họ bị xử lý như những người thua cuộc trong những cuộc tranh chấp nội bộ trong ngành. Vị tướng già Phạm Xuân Quắc bị cảnh cáo và thật ra, chưa từng phải ngồi tù một ngày nào. Án cảnh cáo chỉ là việc người ta khắc lên đầu ông cái ấn ghi chữ “kẻ thua cuộc” (loser, loser, cuộc đua kết thúc!). Ông Thượng tá Huynh bị xử 1 năm tù, nhẹ hơn mức án đề nghị (tương đương nhà báo Chiến). Nghe nói, cuối phiên xử, ông đã nhận tội và có lẽ vì thế nên toà đã “khoan hồng” với kẻ “biết điều”.

Vậy là vở kịch hạ màn. Người tiết lộ bí mật cho báo chí bị xử 1 năm tù trong khi nhà báo đưa tin trên cơ sở những tin tức của sĩ quan công an cung cấp bị xử 2 năm tù. Đó là công lý made in Viet Nam.


Linh




No comments: