Nadya Yeh & Pooja Bhatt / Quan hệ Philippines - Trung Quốc
Biên dịch, bổ sung và biên tập: Nhóm cộng tác viên
Luật quốc tế | Dự án Đại Sự
Ký Biển Đông
Khu vực nằm trong Thỏa thuận ba bên về
Khảo sát Địa chấn Biển năm 2005. Nguồn: Andi Arsana và Clive Schofield, Trung
tâm Quốc gia về Tài nguyên và An ninh Đại dương Úc, tháng 7 năm 2012.
Pooja
Bhatt, nhà nghiên cứu hàng hải và tác giả cuốn “Nine Dash Line: Deciphering the
South China Sea Conundrum” cho rằng Trung Quốc sẽ là bên có lợi nhất trong một
thỏa thuận thăm dò chung. Việc huỷ bỏ thoả thuận chung năm 2005 cho thấy Tòa án
Tối cao Philippines đã thực hiện các bước để bảo vệ chủ quyền của đất nước khi
nhận thấy giới lãnh đạo chính trị không đứng lên bảo vệ nó. Bước đi này cũng
đáp lại quan điểm của Trung Quốc về “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở các vùng
lãnh thổ tranh chấp, thay vì giải quyết vấn đề với các quốc gia có chung biên
giới.
*
Vào ngày 10/01/2023, Tòa án Tối cao Philippines đã hủy bỏ hiệp ước với
Trung Quốc và Việt Nam với nội dung thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông, chỉ một
tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Philippines,
Ferdinand Marcos Jr., tuyên bố nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán tương tự. Trong
chuyến đi tới Bắc Kinh vào tuần đầu tiên của năm 2023, Marcos đã đồng ý với một
loạt thỏa thuận thương mại và thậm chí là một biên bản ghi nhớ về Biển Đông với
Tập Cận Bình.
Phán quyết mới của Tòa án Tối cao liên quan đến một
thỏa thuận năm 2005 có tên gọi là Khảo sát Địa chấn Biển Chung (JSMU), được ký
kết giữa Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Tổng Công ty
Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM) và Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines (PNOC).
– Theo thỏa thuận, ba quốc gia sẽ được phép tiến hành một cuộc khảo sát
địa chấn chung trong khu vực “thỏa thuận” rộng 142.886 kilômét vuông (55.168 dặm
vuông) ở Biển Đông.
– Khu vực thỏa thuận bao gồm chuỗi đảo Trường Sa mà Trung Quốc, Việt
Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
– Mặc dù thỏa thuận đã hết hiệu lực vào tháng 7 năm 2008, phán quyết
cũng khiến các thỏa thuận được đề xuất khác bị nghi ngờ.
Quyết định của tòa án tuyên bố rằng hiệp ước đã vi phạm Mục 2, Điều
XII, Hiến pháp năm 1987 của Philippines, trong đó quy định rằng việc thăm dò,
phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải được đặt dưới sự kiểm soát và
giám sát hoàn toàn của nhà nước. Hiện chưa có bản sao toàn bộ quyết định của
tòa án. Văn phòng Thông tin Công cộng đã công bố bản tóm tắt phán quyết.
https://daisukybiendong.files.wordpress.com/2023/01/at1vpv16d6ba1.webp?w=640&zoom=2
https://daisukybiendong.files.wordpress.com/2023/01/y1pty966d6ba1.webp?w=640&zoom=2
Theo bản tóm tắt của Toà:
– JMSU đã mâu thuẫn với luật trong nước, quy định rằng Manila có thể
liên doanh để khai thác tài nguyên thiên nhiên miễn là 60% thuộc về
Philippines.
– Tòa án lưu ý rằng thuật ngữ “thăm dò” (exploration) có thể áp dụng để
nói về tìm kiếm hoặc khám phá một thứ gì đó theo cả nghĩa thông thường hoặc
nghĩa kỹ thuật – về cơ bản xác định rằng JMSU liên quan đến việc thăm dò tài
nguyên thiên nhiên của đất nước, đặc biệt là dầu mỏ.
Hiệp định này đã gây tranh cãi ngay từ ngày đầu tiên nó được ký vào
14/3/2005, dưới thời tổng thống Philippines lúc đó là Gloria Arroyo-Macapagal,
trong “kỷ nguyên vàng” quan hệ với Bắc Kinh. Những người chỉ trích thỏa thuận
đã tuyên bố rằng nó không chỉ vi hiến mà còn bị che giấu trong bí mật và có lợi
cho Trung Quốc một cách không công bằng.
“Khi JMSU được ký kết, chính quyền lúc bấy giờ của Philippines và Việt
Nam coi đây là cơ hội để giải quyết nhiều vấn đề — cải thiện quan hệ chính trị,
kinh tế và quân sự với Trung Quốc, trong khi vẫn cho rằng việc khai thác chung
các nguồn tài nguyên ở Biển Đông sẽ rất khó khăn,” Bhatt nói.
Kể từ đó, đã có nhiều lần quá trình thực hiện thỏa thuận được đề xuất
và gây tranh cãi, phần lớn là do căng thẳng về lập trường cứng rắn của Bắc Kinh
đối với các yêu sách chủ quyền của họ ở vùng biển tranh chấp.
– Thỏa thuận năm 2005 được ký kết trước khi Trung Quốc khẳng định yêu
sách “đường chín đoạn” đối với gần như toàn bộ Biển Đông, mà nước này đã chính
thức đệ trình lên một cơ quan của Liên Hợp Quốc vào năm 2009. Một phán quyết trọng
tài của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hague kết luận rằng những tuyên
bố của Bắc Kinh là vô căn cứ.
– Các nhà lập pháp Philippines cũng đã cố gắng vô hiệu hóa JMSU tại Tòa
án Tối cao vào năm 2008, nhưng không thành công.
– Philippines và Hoa Kỳ đã chỉ trích các nỗ lực của Trung Quốc ở Biển
Đông vào tháng 7 năm ngoái, nhân kỷ niệm 6 năm phán quyết của La Haye.
Chính quyền dưới thời cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người
tiền nhiệm của Marcos, đã ký một thỏa thuận với Bắc Kinh vào năm 2018 nhằm thống
nhất các điều khoản cho một hoạt động thăm dò dầu khí chung trong vùng biển
tranh chấp. Nhưng nhiều năm đàm phán đã thất bại, chủ yếu là do tranh chấp lãnh
thổ nói trên.
“Những năm tiếp theo chứng tỏ rằng Bắc Kinh trở nên hiếu chiến về chính
trị và quân sự với các yêu sách và quyền hàng hải của mình gây nhiều thất vọng
cho khu vực và toàn cầu,” Bhatt nói với The China Projec. “Hơn nữa,
không chỉ 80% diện tích được đề cập trong thỏa thuận là một phần của vùng đặc
quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, mà toàn bộ thỏa thuận cũng được giữ bí mật.
Thỏa thuận này hết hạn vào năm 2008. Mặc dù Manila đã thắng trong phán quyết của
PCA năm 2016 về Biển Đông chống lại Bắc Kinh, Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết
cũng như không lùi bước trong hành động gây hấn quân sự ở Biển Đông.”
Chỉ một tuần trước đó trong cuộc gặp với Tập ở Bắc Kinh, Marcos bày tỏ
sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về việc thăm dò dầu chung với Trung Quốc vốn
trước đó thất bại. Theo tuyên bố chung chính thức, cả hai bên đã “đồng ý
ghi nhớ tinh thần” của thỏa thuận năm 2018 và “nối lại các cuộc thảo luận về
phát triển dầu khí trong thời gian sớm nhất”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng còn quá sớm để thảo
luận về ý nghĩa pháp lý của quyết định đối với bất kỳ thoả thuận tương lai nào
với Trung Quốc, vì các cuộc thảo luận thực chất vẫn chưa bắt đầu. “Chúng tôi vẫn
đang trong quá trình thiết lập các thông số định hướng cho bất kỳ cuộc đàm phán
dầu khí nào trong tương lai,” Tessie Daza nói.
Người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Bân cũng lặp lại quan điểm tương tự,
lưu ý rằng trong cuộc gặp giữa Marcos với Tập, cả hai đã đồng ý sớm nối lại các
cuộc thảo luận về phát triển dầu khí “với quan điểm mang lại lợi ích cho hai quốc
gia và người dân của họ.”
Trong một tuyên bố do Đại sứ quán Trung Quốc đưa ra, người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Trung Quốc nói rằng cả hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến Bản ghi nhớ về
Phát triển Dầu Khí được ký kết vào năm 2018 giữa hai chính phủ, đồng thời cho
biết thêm rằng các cuộc thảo luận sắp tới sẽ “dựa trên kết quả của các cuộc nói
chuyện trước đó.”
“Thời điểm toà án đưa ra phán quyết rất đáng chú ý. Bất kỳ hiệp ước hoặc
thỏa thuận quốc tế nào phải được phê chuẩn trong phạm vi quyền tài phán quốc
gia để có hiệu lực. Vì vậy, trong khi Marcos Jr. bày tỏ mong muốn đàm phán lại
thỏa thuận này với Chủ tịch Tập trong chuyến thăm Trung Quốc, tòa án đã bác bỏ
các điều khoản pháp lý trong đó bằng cách gọi nó là vi hiến, tạo ra sự phong tỏa
hơn nữa trong việc thực hiện thỏa thuận ở phạm vi trong nước,” Bhatt nói. “Vì vậy,
Tòa án Tối cao Philippines và hệ thống pháp luật đã thực hiện các bước để bảo vệ
chủ quyền của đất nước khi nhận thấy giới lãnh đạo chính trị không đứng lên bảo
vệ nó. Bước đi này cũng đáp lại quan điểm của Trung Quốc về “gác tranh chấp,
cùng khai thác” ở các vùng lãnh thổ tranh chấp, thay vì giải quyết vấn đề với
các quốc gia có chung biên giới.
“Trung Quốc, thường xuyên là bên có quyền lực trên bàn đàm phán, sẽ có
lợi hơn trong thỏa thuận, giống như trường hợp của thỏa thuận JMSU, trong đó
CNOOC thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc là đối tác chi phối thoả thuận,” Bhatt
nói thêm.
Về phía Việt Nam, khi được đề nghị bình luận về quyết định của Toà Tối
cao Philippines, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói “là quốc
gia ven biển và thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam cho rằng, mọi hoạt động hợp
tác quốc tế, trong đó có hợp tác biển, cần phù hợp với luật pháp quốc tế,
UNCLOS 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của
các nước được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.” Đồng thời
bà nhấn mạnh “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định
chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng
thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia với các vùng biển được xác lập
phù hợp với UNCLOS 1982.”
—————
Dự án Đại
Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Dựa
vào hỗ trợ tài chính từ cộng đồng là cách để chúng tôi có thể tồn tại độc lập,
không phụ thuộc vào tổ chức chính trị hay thương mại nào. Mỗi sản phẩm của Dự
án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời
gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy cần phải
có một dự án tri thức độc lập, hãy chung tay với chúng tôi để Dự án có thể duy
trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng
kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.
No comments:
Post a Comment