Ukraine
chuyển giai đoạn: Phương Tây ồ ạt viện trợ vũ khí
Bình Phương
18 tháng 1, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ukraine-chuyen-giai-doan-phuong-tay-o-at-vien-tro-vu-khi/
Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine có dấu hiệu chuyển
sang một giai đoạn mới: Phương Tây gia tăng viện trợ vũ khí để giúp Ukraine phản
công giành lại lãnh thổ, có thể cả bán đảo Crimea trước khi quân Nga củng cố lực
lượng và mở những cuộc tấn công mới vào mùa xuân.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1457415190.jpg
Xe của quân Ukraine di
chuyển ở Bakhmut – một thành phố chiến lược của Ukraine – hôm 18/1/2023. Quân
Nga đã nỗ lực tối đa để chiếm thành phố này theo cách mà thị trưởng thành phố
nói là “chiến thuật hủy diệt toàn bộ”. Ảnh Spencer Platt/Getty Images
Để chuẩn bị phản công, Ukraine đã thực hiện một chiến dịch vận động ngoại
giao, khẩn nài Mỹ và châu Âu trao cho họ những loại vũ khí tân tiến hơn như xe
tăng và hỏa tiễn phòng không. Đến nay, chính quyền Biden đã chuẩn bị chuyển
giao 50 xe bọc thép Bradley và 100 xe bọc thép Stryker trong gói viện trợ $3,75
tỷ mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố mười hôm trước.
Các quan chức Mỹ nói với báo Washington Post rằng chiến tranh đã sang
giai đoạn mới, quân đội Ukraine phải chiến đấu bằng phương thức nhuần nhuyễn
hơn, kết hợp xe tăng, xe bọc thép, pháo và không quân trong cái gọi là chiến
tranh vũ khí tổng hợp. Các loại thiết vận xa Bradley và Stryker giúp họ gia
tăng đáng kể về hỏa lực và di chuyển quân đội trên chiến trường.
Stryker là loại xe bọc thép chạy bằng tám bánh cao su, có thể chở một
tiểu đội lính, di chuyển với vận tốc 60 dặm mỗi giờ. Loại xe này trang bị khá
nhẹ, chỉ có súng đại liên và giàn phóng lựu đạn tự động. Stryker đã được quân đội
Mỹ sử dụng trong chiến tranh Iraq và Afghanistan, có ưu thế di chuyển nhanh
nhưng dễ bị lún trong bãi lầy.
Bradley là loại xe bọc thép chạy bằng bánh xích, nặng hơn và chậm hơn
so với Stryker; nó cũng chở được ít lính hơn. Nhưng Bradley dễ dàng di chuyển
qua bùn lầy, có lớp giáp thép kiên cố hơn và trang bị vũ khí hạng nặng, gồm đại
liên 25 ly và hỏa tiễn TOW có hệ thống dẫn đường điện tử để diệt xe tăng đối
phương.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-657158790.jpg
Xe bọc thép M2A3
Bradley được sư đoàn bộ binh số 4 của Mỹ sử dụng trong cuộc tập trận chung với
quân đội Estonia hồi tháng Ba 2022 trong nỗ lực của NATO đề phòng sự can thiệp
quân sự của Nga. Sean Gallup/Getty Images
Ukraine nhiều lần yêu cầu viện trợ xe tăng M1 Abram tân tiến nhất của
quân đội Mỹ, nhưng chính quyền Biden từ chối, viện cớ những khó khăn về kỹ thuật
và hậu cần. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách chính sách Colin Kahl nói rằng
xe tăng Abrams rất phức tạp và đắt đỏ, chạy bằng động cơ phản lực, tiêu tốn 3
gallon nhiên liệu mỗi dặm đường và rất khó điều khiển. “Nó có thể hoặc không phải
là hệ thống thích hợp, nhưng chúng tôi tiếp tục xem xét đề nghị [của Ukraine]”,
ông Kahl nói.
Trong khi đó, Vương quốc Anh quyết định viện trợ cho Ukraine 14 xe tăng
Challenger 2 cùng các phi đạn phòng không tầm trung, các hệ thống phòng không
Starstreak, xe thiết giáp Bulldog, đạn dược… Đây là gói hỏa lực tác chiến quan
trọng nhất mà Anh cấp cho Ukraine tính tới nay, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng
Anh Ben Wallace.
Hành động của Anh gửi xe tăng cho Kyiv đang tạo ra một áp lực lên các
nước thành viên NATO khác, kể cả Mỹ. Các nước Ba Lan và Phần Lan muốn viện trợ
cho Ukraine loại xe tăng Leopard 2, được coi là “ngựa chiến của quân đội châu
Âu” nhưng cần phải được sự đồng ý của Đức là nhà sản xuất. Bộ trưởng Quốc phòng
mới của Đức, ông Boris Pistorius, được biết cũng muốn gửi xe tăng Leopard 2 ra
chiến trường Ukraine nhưng có thể ông chờ cho Mỹ có hành động trước.
Hôm thứ Ba, tại Washington D.C. thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte thông báo
cho tổng thống Joe Biden rằng Hòa Lan có kế hoạch cung cấp cho Ukraine hệ thống
phòng không Patriot, tiếp theo hành động tương tự của Đức và Mỹ. Hàng trăm binh
sĩ Ukraine đã bắt đầu được huấn luyện sử dụng hệ thống này tại Mỹ, Đức và Ba
Lan.
Tuy vậy, con số vũ khí mà phương Tây cam kết viện trợ cho Ukraine vẫn
còn thấp xa so với yêu cầu của nước này: 300 xe tăng và 600 xe bọc thép bộ
binh.
Hai xe tăng chiến đấu
hạng nặng Leopard 2 A6 đang tập trận gần Munster, Đức. Ảnh Sean Gallup/Getty
Images
Viện trợ vũ khí tân tiến đang là chủ đề chính trong chiến dịch ngoại
giao của Ukraine. Đệ nhất Phu nhân Ukraine, bà Olena Zelensk, đã có mặt tại Diễn
đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ để vận động các nhà lãnh đạo và chủ doanh
nghiệp lớn ủng hộ đất nước bà.
Hôm qua thứ Ba, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng
Mark A. Milley đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine tại một địa điểm
bí mật gần biên giới Ba Lan – Ukraine.
Vào thứ Tư và thứ Năm, bộ trưởng quốc phòng các nước
thành viên NATO sẽ họp ở Brussels để bàn giải pháp giúp Ukraine. Sau đó vào thứ
Sáu, đại diện của quân đội khoảng 50 quốc gia sẽ hội nghị tại căn cứ Ramstein ở
Đức, dưới sự chủ trì của bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin III, bàn về
chủng loại và số lượng vũ khí mà các nước sẽ yểm trợ cho Kyiv, kể cả vấn đề có
nên gửi xe tăng chiến đấu cho Ukraine hay không.
Báo New York Times ghi nhận rằng các nước phương Tây ủng hộ Kyiv đều
cho rằng họ đang lãng phí thời gian trong việc giúp quân kháng chiến Ukraine
phá vỡ thế giằng co tàn bạo và đẫm máu với quân Nga trên chiến trường miền Đông
và miền Nam nước này. Do thiếu vũ khí tân tiến, quân Ukraine đã không thể đẩy
lùi quân Nga mà cũng không chống cự được các trận mưa hỏa tiễn của Nga tàn phá
phần lớn cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Về phần Nga, giới quan sát chiến trường nói rằng Điện Kremlin đang gấp
rút tái trang bị và củng cố phòng tuyến ở những vùng đất đã chiếm được nằm về
phía đông vùng Donbass của Ukraine; đến cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân sẽ tổ
chức tấn công để giành thêm nhiều vùng lãnh thổ khác nữa. Hôm thứ Ba, tổng thống
Vladimir Putin nói trên truyền hình rằng các nhà máy sản xuất vũ khí của
Nga “đang làm việc cả ba ca không nghỉ, suốt 24 giờ mỗi ngày”. Trước
đó vào tháng Chín 2022, ông Putin đã động viên 300.000 lính và một nửa con số
đó sẽ được tung ra chiến trường trong thời gian tới, sau khi được huấn luyện và
trang bị, để bổ sung cho quân Nga ngoài mặt trận.
Cuộc xâm lăng của Nga đã bị chặn đứng vài tháng
qua, nhưng cuộc phản công của Ukraine, bắt đầu từ tháng Chín 2022, gần đây cũng
không tiến triển được do thiếu vũ khí và đạn dược.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1246344039.jpg
Quân Ukraine phải tận
dụng loại xe tăng cũ kỹ từ thời Liên xô nhưng thiếu đạn dược để chiến đấu. Ảnh
chụp ngày 18/1/2023 tại vùng Donbass, Ukraine. Ảnh Diego Herrera
Carcedo/Anadolu Agency via Getty Images
Các quan chức và chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng cuộc chiến sắp
chuyển sang giai đoạn quyết định, mỗi bên đều quyết tâm chiếm những lợi thế chiến
lược.
Nếu Mỹ và EU gia tăng viện trợ cho Ukraine những loại vũ khí tân tiến
mà nước này liên tục đề nghị, đặc biệt là các loại xe tăng chiến đấu tối tân
như Abrams, Leopard 2, hỏa tiễn Patriot và các loại tên lửa tầm xa thì cục diện
chiến trường có thể thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine và có thể buộc Nga
phải ngồi vào bàn đàm phán để đi đến một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.
Trả lời báo chí về chương trình viện trợ vũ khí của Mỹ cho Ukraine, hôm
thứ Ba, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói mục đích của Mỹ là “nhằm
đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất có thể khi bàn đàm phán được mở ra để hai bên
có thể đạt tới một nền hòa bình công bằng và bền vững”.
Nếu Ukraine có thể đẩy lùi quân Nga trở về đường biên giới trước khi nổ
ra cuộc xâm lược ngày 24 tháng Hai năm ngoái thì các chuyên gia phương Tây tin
rằng tổng thống Zelensky có thể sẵn sàng đàm phán và tổng thống Putin cũng có
thể chọn giải pháp ngoại giao Cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy người
Nga tỏ ra nghiêm túc trong việc đàm phán, còn kế hoạch hòa bình 10 điểm của tổng
thống Zelensky vẫn cương quyết đòi Nga phải rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine,
kể cả bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm năm 2014, bồi thường chiến tranh và bị xét
xử trước tòa án quốc tế.
-------------------
Đọc thêm:
No comments:
Post a Comment