Trung
Quốc và các hành động lấn lướt trên Biển Đông đầu năm 2023
Phân tích của Kim Phúc
2023.01.26
Một
video đang được lưu truyền trên mạng gần đây cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc xịt
vòi rồng xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra, các hành động bồi lấp của Trung Quốc tại Trường Sa trước đó được giới
quan sát đánh giá là động thái chưa từng có nằm trong mưu đồ lâu dài của Bắc
Kinh hòng củng cố các yêu sách đối với lãnh thổ tranh chấp. Philippines đã có
phản ứng tức thì. Trước nay, mỗi lần tàu Trung Quốc rượt đuổi ngư dân Việt Nam
hay có hành động mở rộng các đảo, Việt Nam đều lên tiếng nhưng tại sao lần này,
Bộ Ngoại giao của Việt Nam lại im lặng?
Hình ảnh vệ tinh của
Maxar Technologies cho thấy việc xây lấp tại Én Đất, quần đảo Trường Sa.
Philippines bày tỏ quan ngại sâu sắc về thông tin Trung Quốc mở rộng đảo ở đây. AFP
Mới đây, trang mạng Bloomberg cho hay, Trung Quốc
đã tiến hành hoạt động xây dựng trên một số thực thể không có người ở Biển
Đông. Bốn thực thể Trung Quốc vừa cho bồi đắp một cách lén lút, bao gồm các đảo
đá Ba Đầu (Whitsun Reef), Tri Lễ (Sandy Cay), An Nhơn (Lankiam Cay) và Én Đất
(Eldad Reef). Với các thông tin về hành động “cơi nới diện tích” tại Trường Sa, giới
quan sát cho rằng đây là động thái chưa từng có nằm trong mưu đồ lâu dài của Bắc
Kinh hòng củng cố các yêu sách đối với lãnh thổ tranh chấp tại khu vực giao
thương toàn cầu trọng yếu này. Các nhà phân tích phương Tây cảnh báo rằng, hoạt
động bồi đắp liên tục của Bắc Kinh cho thấy âm mưu thúc đẩy việc xác lập một
nguyên trạng mới, cho dù đến nay chưa biết, liệu Trung Quốc có tìm cách quân sự
hóa chúng hay không (1).
.
Tại sao Việt Nam im lặng?
Bộ Ngoại giao Philippines lập tức đã
ra tuyên bố: “Chúng tôi (tức là Philippines) hết sức lo ngại vì những hoạt động
như vậy trái với cam kết tự kiềm chế theo Tuyên bố Ứng xử về Biển Đông và Phán
quyết Trọng tài năm 2016”. Việt Nam đáng ra cũng cần phải công bố rộng
rãi về hành động phi pháp này của Trung Quốc, để cho công chúng trong nước và
trên thế giới hiểu rõ lập trường nhất quán của mình. Trước nay, mỗi lần Trung
Quốc có hoạt động mở rộng trên các đảo Trường Sa, Việt Nam đều lên tiếng phản đối,
nhưng lần này, Hà Nội “án binh bất động” (2).
Nếu chỉ theo dõi thông tin qua hệ thống truyền thông chính thức tại Việt
Nam thì tình hình gần đây trên Biển Đông dường như vẫn yên tĩnh. Phải chăng vì
hệ thống công quyền tại Việt Nam muốn tạo ra cảm giác bề ngoài ấy để giải quyết
vấn đề đấu đá trên thượng tầng tại Ba Đình trong những tuần cuối năm Tết cận kề.
Ngày 14/1, trao đổi thư chúc Tết với TBT Tập, ông Trọng đã bày tỏ, đại loại là
năm nay, ông mong muốn các ban, bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương hai
nước quán triệt, thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao đạt được
trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua. Còn khi giới thiệu thư chúc Tết của ông Tập
gửi TBT Trọng, truyền thông Trung Quốc còn cho biết thêm chi tiết, ông Tập đã
nhắn ông Trọng là Trung Quốc và Việt Nam “có cùng chung tương lai” (3).
Điều mỉa mai là vào ngày 14/1 nói trên, khi hai TBT đang “hảo hảo” chúc
Tết nhau thì trên Twitter vào ngày 15/1 xuất hiện một video chiếu cảnh
tàu hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi và phun vòi rồng vào tàu của ngư dân Việt Nam
đuổi tàu cá Việt Nam ra khỏi vùng biển đánh bắt truyền thống của mình. Video
clip này được một người có tên Renkai Mineyuki đưa lên Twitter và được tạp
chí Eurasia Times thuật lại là hình ảnh do một ngư dân ghi
được ở gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hiện
vẫn chưa rõ video này được quay vào lúc nào. Tàu Hải cảnh được xác định có số
hiệu là 056.
Trung Quốc xưa nay luôn thế. “Binh bất yếm trá” (Tôn Tử). Nước Đức ngày
ấy cũng từng cử Ribbentrop ký hiệp ước với Liên Xô, hứa bất tương xâm, nhưng rốt
cục bất thần đâm sau lưng khiến Nga choáng váng. 1988 được coi là năm đỉnh điểm
khó khăn của Việt Nam khi bị chìm trong khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc liền thừa
cơ động thủ cưỡng chiếm Gạc Ma ở Trường Sa (14/3/1988). Logic của Trung Quốc là
khi họ mua chuộc được người đứng đầu hoặc khi đất nước rơi vào hỗn loạn là họ
ra tay ngay!
Nhưng giới quan sát còn đưa ra một cách giải thích căn cơ hơn về việc tại
sao Việt Nam lần này không phản ứng trước các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc
tại Trường Sa. Cách giải thích này này dựa vào Tuyên bố chung Việt Nam – Trung
Quốc ngày 1/11/2022. Theo đó, các bất đồng về biển đảo giữa Bắc Kinh và Hà Nội
nay được xếp xuống vị trí thứ chín trên 13 nội dung được đúc kết trong văn kiện
ngoại giao năm ngoái. Nội dung thứ chín này tái khẳng định nguyên tắc xưa
nay: “Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề
trên biển… Nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình,
an ninh lâu dài ở khu vực”. Nhưng trên cơ sở nào? Trên cơ sở “tuân
thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước…” Nếu
xếp vào khung khổ giải quyết nội bộ giữa Lãnh đạo hai nước thì đố ai biết được, “nhận
thức chung” đó là gì và đến đời nào Việt Nam mới có thể “học tập”
Philippines đưa vấn đề Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa ra trước Tòa án Quốc tế? (4)
TBT Nguyễn Phú Trọng
nhận Huân chương Hữu nghị từ TBT Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 31/10/2022. Hình:
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao
.
Việt Nam sẽ tập trận chung với ASEAN?
Một vấn đề khác lạ tuy không mới, dư luận đang rất quan tâm, đó là liệu
rồi đây, Việt Nam có tham gia tập trận hải quân chung với các nước ASEAN
(AMNEX) lần thứ hai, do Philippines làm chủ nhà, vào quý hai năm 2023 này? Hãng
thông tấn Philippines hôm 18/1/2023 dẫn lời người phát ngôn Hải quân
Philippines Benjo Negranza cho biết, kế hoạch huấn luyện cơ bản cho cuộc tập trận
nhắm đến việc thúc đẩy tương tác và hoạt động thông suốt giữa các lực lượng hải
quân các nước ASEAN đã được đưa ra tại một hội nghị với sự tham gia của các đại
diện hải quân các nước thành viên ASEAN bao gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia,
Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Tập trận chung AMNEX giữa các nước
ASEAN được Hải quân Hoàng gia Thái Lan khởi xướng. Cuộc tập trận chung đầu tiên
diễn ra vào năm 2017 tại Thái Lan. Việt Nam vào lúc đó đã điều tàu chiến 012 –
Lý Thái Tổ tham dự. Người phát ngôn Hải quân Philippines cho biết cuộc tập trận
chung lần này thể hiện “quyết tâm của Philippines nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ
và làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, thúc đẩy hợp tác hướng tới khu vực ASEAN ổn định
và hòa bình”. Bộ Quốc phòng Việt Nam hiện chưa lên tiếng về thông tin này. Truyền
thông trong nước cho đến nay cũng “án binh bất động” nốt! (5)
.
Philippines “hâm nóng” quan hệ với Mỹ
Trong khi đó ngày 21/1/2023, sau bảy năm gián đoạn, theo trang tin NHK
của Nhật Bản, chính phủ Hoa Kỳ và Philippines đã tuyên bố sẵn sàng nối lại các
cuộc đối thoại Ngoại giao và Quốc phòng (2+2). Trong cuộc họp kéo dài 2 ngày tại
Manila, các quan chức cấp cao của hai nước đã nhất trí nối lại các cuộc đối thoại
này. Thông cáo chung công bố sau cuộc gặp cho biết, cuộc đối thoại 2+2 sẽ diễn
ra trong thời gian từ nay đến cuối năm. Cuộc gặp lần cuối giữa Washington và
Manila trong khuôn khổ này là vào năm 2016. Dưới thời của cựu Tổng thống
Rodrigo Duterte, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Philippines đã trở nên căng thẳng, nhiều
cuộc thảo luận giữa hai bên đã bị đình hoãn.
Thông cáo cũng cho biết, hai bên khẳng định nhanh chóng hoàn tất các thủ
tục để tăng số lượng các căn cứ quân đội Mỹ sẽ có thể sử dụng ở Philippines.
Theo thỏa thuận song phương, hiện tại có năm căn cứ quân sự như vậy. Thứ trưởng
Ngoại Giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái bình Dương, ông Daniel
Kritenbrink tuyên bố với báo chí sau cuộc họp rằng, mối quan hệ đồng minh bền
chặt giữa hai nước “góp phần vào sự ổn định vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
từ hơn 75 năm qua”. Ông nói thêm rằng mối quan hệ như vậy “sẽ chỉ
phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới”. (6)
Trong năm 2022 vừa qua, mặc dầu Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn về dịch
bệnh [COVID-19] nhưng họ vẫn không ngưng nghỉ hành động trên khu vực Biển Đông,
khẳng định sức mạnh cũng như tăng cường sự diện diện của họ. Trong khi cả thế
giới đang tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, bản thân Trung Quốc cũng tuyên bố
nước này sẽ không lạm dụng và hành động giống như Nga đang làm ở Ukraine. Tuy
nhiên, những hành động của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông vẫn luôn luôn ngược
lại. Các nhà quan sát đã liệt kê những vụ việc mà trong đó Trung Quốc bị phê
phán là đã xâm phạm vùng nhận diện phòng không hoặc vùng biển của nhiều nước
ASEAN. Phải chăng đấy là bối cảnh mà Tổng thống Philippines tuyên bố tại Diễn
đàn Davos: “Tôi ngày đêm canh cánh trong lòng vấn đề Biển Đông”. (7)
.
Mẫu hạm Mỹ, Trung “vờn nhau” ở Biển Đông?
Trong sự ấm lên của mối quan hệ chiến lược Mỹ – Phi, một số nước ASEAN
rất quan tâm đến các hải trình của hai nhóm Hàng không mẫu hạm (HKMH) của Mỹ và
Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 12/1/2023, sau khi đến Biển Đông, HKMH Nimitz
và các khu trục hạm (Decatur, Paul Hamilton…), cùng tuần dương hạm Bunker Hill
thuộc nhóm hộ tống Nimitz đã bắt đầu triển khai đội hình tấn công trên biển. Đợt
tập trận này bao gồm các hoạt động phối hợp đa mục tiêu giữa các lực lượng hoạt
động trên không với các lực lượng hoạt động bên trên và bên dưới mặt biển...
Chuyến hải hành đến Biển Đông lần này của HKMH Nimitz đã được tiến hành với qui
mô lớn hơn lần trước đây (năm 2021). Trong cuộc trò chuyện với Navy Times, Chuẩn
Đô đốc Christopher Sweeney khẳng định: “Hải đội 11 có thể thực hiện tất cả các
kiểu tấn công cả hủy diệt lẫn không hủy diệt, chỉ vô hiệu hóa khả năng của đối
phương từ mọi hướng, cả trên không lẫn đại dương”.
Cùng thời điểm nói trên, Hoàn Cầu Thời báo đưa tin, Trung Quốc đã điều
HKMH Sơn Đông tiến vào Biển Đông nhằm mục đích phối hợp giữa việc dùng các chiến
đấu cơ loại J-15 của hải quân Trung Quốc để chặn đánh những chiến đấu cơ của đối
phương với tác xạ từ chiến hạm vào kẻ thù. Kế hoạch tập trận tại Biển Đông của
Trung Quốc được loan báo và triển khai sau khi HKMH Nimitz đã nhổ neo, cùng với
các chiến hạm hộ tống rời quân cảng ở San Diego – California hồi đầu tháng 12
năm ngoái để tiến về Biển Đông. (8)
.
Thay lời kết
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, hơn một lần từng tuyên bố han hồn, Việt Nam
không chọn bên mà chọn chân lý và lẽ phải. Tổng thống Philippines Ferdinand
Marcos Jr được AFP trích dẫn ngày 19/1 từ Davos rằng, ông không hành động vì Bắc
Kinh, cũng không hành động vì Washington… nhưng căng thẳng trên Biển Đông khiến
ông “thao thức suốt đêm”. Xem thế để thấy, mỗi chính khách đểu bày tỏ lập trường
của chính phủ mình đối với cạnh tranh Trung – Mỹ nói chung cũng như tranh chấp
trên Biển Đông nói riêng. Trung lập nhưng Philippines thì “hâm nóng” quan hệ với
Mỹ, còn Việt Nam thì “làm nguội bớt” mối quan hệ ấy. Tháng 7/2022, Việt Nam đã
hủy chuyến cập cảng dự kiến của HKMH USS Ronald Reagan và loại bỏ một loạt chuyến
thăm của các quan chức cao cấp Hoa Kỳ. Sau đó, Việt Nam cũng không tham gia cuộc
tập trận hải quân “Vành đai Thái Bình Dương” của Mỹ. Nhưng đỉnh điểm của tiến
trình “giãn cách” là chuyến thăm Bắc Kinh của TBT Trọng cuối năm ngoái. Quan
sát trên thực địa như thế, dễ dàng nhận biết, chính phủ nào thực sự độc lập và
thực sự đại diện cho quyền lợi thiết han của quốc gia – dân tộc mình?
___________
Tham khảo:
4.
https://baochinhphu.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-102221101184708373.htm
6.
https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/20230121_07/
-----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment