Monday, January 9, 2023

TÔI GẶP NHỮNG BÉ 'HẠO NAM' KIẾM ĂN TRÊN PHỐ SÀI GÒN (Song May, BBC News)

 



Tôi gặp những bé 'Hạo Nam' kiếm ăn trên phố Sài Gòn

Song May

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

9 Tháng 1, 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1zm4n5lpdo

 

Xin nói rõ câu chuyện về những “Hạo Nam” ở Sài Gòn mà tôi kể dưới đây chỉ liên quan đến việc trẻ em phải kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ giống như Hạo Nam ở Đồng Tháp, không hề có ý liên tưởng đến kết cuộc bi thảm như Nam.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/cba1/live/7bf8a980-900a-11ed-9e49-e92ae33dffd3.jpg

Cậu bé 10 tuổi nhỏ thó như trẻ 6 tuổi

 

Suy cho cùng, những cậu bé “Hạo Nam” mà tôi tình cờ tìm thấy trên đường phố Sài Gòn hôm 5/1/2023 vẫn có những phút giây vui vẻ, hạnh phúc vì tình thương hào phóng của dân Sài Gòn. Và để bảo vệ đời tư của các bé trong tương lai, câu chuyện này sẽ không có tên và địa chỉ của bất cứ đứa trẻ nào.

 

Kết luận bé Hạo Nam đã tử vong khi chưa có bằng chứng là 'không đúng quy trình y khoa'?

Để trẻ em VN không ngã vào hố sâu của nghèo đói, bất công

Có bao nhiêu Hạo Nam còn sống?

 

 

Hai cậu bé “Hạo Nam” từ Campuchia ở quận 1 và Chợ Lớn

 

Thằng bé 6 tuổi còm nhom đen nhẻm có đôi mắt đen với hàng mi dày và cong, cái quần đùi rộng rinh như mặc bính của ai đó, rảo quanh các cửa hàng ở đường Nguyễn Hữu Cầu quận 1 để bán vé số.

 

Hỏi nhiều câu con mới trả lời, từng tiếng một. Con ở đâu? Campuchia. Mẹ con đâu? Đi bán. Ba con đâu? Lắc đầu. Vé số bao nhiêu một tờ? 10 ngàn. Con có đi học không? Nhìn và cười.

 

Một ông chủ tiệm bánh gọi con lại mua vài tờ vé số và cho con nhiều hơn số tiền ông phải trả. Ông bảo về làm bánh ở đây mấy năm ngày nào cũng gặp ba mẹ con. Bà mẹ địu đứa con nhỏ, không biết đi đâu làm gì. Còn thằng nhỏ đi bán vé số quanh khu này, nhà ở đâu không biết. Thỉnh thoảng ông gọi thằng nhỏ, cho bánh ăn và mua vài tờ vé số. Cũng có người nhìn thấy cho thằng bé tiền chứ không lấy vé số, dù nó không hề xin. Ai cho tiền, nó xòe tay nhận và cười. Đơn giản vậy thôi.

 

Cuối đường Võ Văn Kiệt rẽ sang Hải Thượng Lãn Ông quận 5, tôi gặp người đàn bà mặc quần áo sặc sỡ địu một đứa bé khoảng vài tháng. Tay bà cầm cái nón lá che cho đứa bé. Tôi đoán bà sẽ ngừng lại ở đâu đó đặt đứa bé trên vỉa hè để xin ăn như đã từng gặp nhiều phụ nữ Campuchia làm vậy trên đường phố Sài Gòn.

 

Thế nhưng không. Bà chọn một bậc thềm căn nhà đã đóng cửa và ngồi xuống, mắt ngóng ra phía vòng xoay. Ra bà đợi ông chồng đến đón về phòng trọ, sau một buổi sáng đi lang thang bán vé số cùng cháu ngoại.

 

Gia đình bà gồm 3 người từ Campuchia sang Việt Nam hơn 10 năm nay. Họ thuê một cái phòng ở quận 6. Phòng thuê nhiêu tiền? Hơn 2 triệu đồng. Nhà mấy người? 5, tôi và chồng, con và chồng, và thằng bé này, 4 tháng. Hỏi con gái đâu? Nó làm công ty rồi. Hỏi con rể đâu? Nó cũng đi làm rồi. Chồng chị làm gì? Làm đinh.

 

Hỏi vé số chị đâu, tôi mua? Bán hết rồi. Vậy tiền này cho bé uống sữa nhé. Cảm ơn. Hỏi có ai làm khó chị khi đi bán không? Không, có ai đâu.

 

Đứa bé trai có khuôn mặt đẹp, sạch sẽ, bọc trong tấm vải như cái võng trong lòng bà ngoại, say sưa ngủ. Bà bảo tiền sữa cho nó đắt lắm. Người ta mua vé số thì cũng cho tiền nó mua sữa, thế là thằng bé có sữa uống.

 

Đứa trẻ “Hạo Nam” của bà cũng tự biết kiếm tiền rồi đó, từ tấm lòng của bá tánh Sài Gòn.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3d47/live/c4341120-900b-11ed-945e-a75c1cf265d9.jpg

Đứa bé từ Campuchia này may mắn có bà ngoại địu đi bán vé số chứ chưa phải nằm một chỗ xin ăn

 

Cậu bé “Hạo Nam” ở Chợ Lớn

 

Cậu bé bảnh trai ngồi bên cạnh bao tải đựng đồ phế thải trong tiểu công viên giữa đường Hải Thượng Lãn Ông. Hỏi bao nhiêu tuổi. Không biết. Cha mẹ đâu? Đi tù rồi.

 

Thằng bé cười nhe cái răng cửa trên đã thay to đùng, bên cạnh những cái răng khác nhỏ hơn có phần bị sâu. Tôi thầm nghĩ chắc cậu bé 7-8 tuổi rồi, nhưng người nhỏ thó, các ngón tay ngón chân móng dài và bám bụi đất đen thui. Hỏi con sống với ai? Chỉ người đàn bà phía xa đang bồng một đứa bé trên vai. Hỏi có anh chị em không? Có.

 

Người đàn bà đi tới đặt đứa bé gái xuống tấm cạc tông đã trải sẵn. Đứa bé gái 3 tuổi này là con tui. Tui tuổi mùi, 1991. Gia đình trước giờ ở đây, nhưng cha mẹ giành gia tài không lại bị đuổi ra khỏi nhà ông bà. Chồng tui chết rồi. Còn ba mẹ thằng này, đi tù rồi. Hôm ba mẹ nó bị công an bắt, tui đến nhà trọ nhận nó. Mẹ nó là em gái tui. Nó không có quần áo, giày dép gì hết, tui phải sắm cho nó. Nó 10 tuổi rồi đó, có một anh, một chị. Anh chị nó cũng đi lượm ve chai, ở hai bên phố này nè.

 

Người đàn bà huơ tay chỉ vào hai dãy phố bên đường đang phủ kín màu đỏ và vàng của những liễn, đèn, dây treo cây mai… trang trí nhà ngày tết. Con bé nằm ngủ say dù xe chạy ào ào hai bên đường, có khuôn mặt sáng nhưng lem luốc, móng tay móng chân dài chưa cắt bám bụi đen thui y như thằng em họ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3d90/live/4ec9ee50-900b-11ed-a869-7f9e5cb5d090.jpg

Người đàn bà hơn 30 tuổi và hai đứa trẻ 3 tuổi và 10 tuổi ngồi chờ ve chai thải ra từ dãy phố buôn bán hai bên đường

 

Bà mẹ con bé đi chân đất, lòng bàn chân có màu đen sậm của bụi bám lâu ngày quết lại. Hai dì cháu uống chung một ly nước màu đỏ trong cái ly nhựa. Tui mua 10 ly vầy có 40 chục ngàn mà bên kia họ bỏ đá vào bán 15 ngàn một ly! Nhà tui hả? Thuê xa đây lắm, tối tui mới về nhà. Con bé này cũng phụ tui lượm ve chai nè.

 

Trời lất phất mưa, thằng em họ lấy miếng bìa cạc tông phía trên che cho con chị họ.

 

Khi con bé 3 tuổi đã ngủ dậy, tôi đưa túi bánh mới mua, nó cầm lấy liền và giữ chặt, mặt sừng sộ lườm thằng em họ không cho đụng vào.

 

Tôi nói: Bà cho hai đứa, không phải cho một đứa, chia cho em đi. Thế là nó miễn cưỡng đưa bánh cho thằng em. Nhìn khuôn mặt sung sướng của hai đứa nhỏ bên túi bánh, tôi quay đi, bỗng thấy vui lây.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a102/live/7dc47360-900b-11ed-9a1a-f3662015ae8e.jpg

Một người lớn và hai đứa trẻ cùng sinh sống bằng nghề lượm ve chai giữa đường phố nhộn nhịp sắc đỏ mừng Tết sắp đến

 

Những “Hạo Nam” sống nhờ tình thương

 

Cuối tháng 12/2022, khi ngồi trong quán uống cà phê, tình cờ tôi chứng kiến trò khè lửa mua vui trước quán của một thiếu niên có khuôn mặt khờ khạo. Sau tiếng kêu lớn như lời chào, thiếu niên nuốt ngọn lửa vào miệng, uống ngụm dầu hôi đựng trong cái chai nhựa cũ kỹ rồi phun ra ngọn lửa lớn bao trùm cả nửa thân người. Sau khi kết thúc, thiếu niên cầm cái nón đi từng bàn xin tiền và thi thoảng mới có người cho, vì ai cũng cắm cúi nhìn điện thoại. Ông bảo vệ quán nói với tôi: Nghề này nguy hiểm lắm, thế mà có hôm mấy đứa nhỏ hơn cậu này cũng đến đây khè lửa. Có cả con gái nữa. Tội lắm.

 

Tôi chạy theo cậu thiếu niên khi cậu rời quán, hỏi vội: Con bao nhiêu tuổi? 17. Sao con làm nghề này nguy hiểm vậy? Không có chứng minh nhân dân cô ơi, cha con làm mất hết giấy tờ. Không có giấy không ai thuê con làm việc!

 

Chiều 5/1/2023, tôi chạy dọc theo các con đường có nhiều quán nhậu để tìm những đứa trẻ khè lửa mua vui nhưng không nhìn thấy một đứa bé nào. Lúc đó là hơn 8 giờ tối. Có người bảo bọn trẻ khè lửa mua vui thường đến tầm 6 – 7 giờ tối, hôm nay bé này, ngày mai bé khác, không ai biết bọn trẻ đến từ đâu.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/ea9f/live/dc439510-900b-11ed-945e-a75c1cf265d9.jpg

Cậu bé 17 tuổi ngậm dầu hôi phun lửa mua vui cho khách ở quán cà phê

 

Khi chạy qua bệnh viện Ung Bướu, tôi nhìn thấy một đứa trẻ ngồi một mình bên vệ đường, trong ánh đèn đường vàng vọt và dòng xe liên tục qua lại chiếu đèn lóa cả mắt. Thằng bé có khuôn mặt sáng, đội mũ, ăn mặc tử tế, cái khẩu trang kéo xuống cằm.

 

Tôi dừng lại hỏi: Sao con ngồi đây một mình? Con chờ người ta đến cho tiền. Rồi có ai cho con tiền chưa? Có. Mẹ con đâu? Cậu bé chỉ ra phía sau. Một người đàn bà mặc áo khoác đen, đội mũ, đeo khẩu trang, ngồi trước cổng bệnh viện Nhân Dân Gia Định – nay đã đóng kín vì đang sửa chữa. Bà ấy bước đến, nói với tôi một tràng, không đầu không đuôi. Cuối cùng ráp lại thì thế này:

 

Cháu trai 7 tuổi, đang học lớp một, hai mẹ con thuê phòng trọ hơn 1 triệu đồng một tháng. Ba của cậu bé lăng nhăng đi theo vợ nhỏ nên mỗi ngày đợi con học xong, mẹ chở con đến khu vực quanh bệnh viện vừa lượm ve chai vừa xin tiền. Khu vực này có rất nhiều đoàn từ thiện đến cho quà và cho tiền trẻ bị bệnh, nên nếu may mắn, cháu trai sẽ xin được đồ ăn và cả tiền nữa.

 

Người mẹ hơn 40 tuổi, bảo có cho con đi học và mua bảo hiểm học sinh cho con. Chiều nay con ngồi trên lề đường cũng được người ta cho phần gà chiên, mẹ con ăn xong còn dư mang về mai ăn tiếp. Khi thằng bé khoe con mới được cho 100 ngàn, người mẹ bảo “Con đưa đây mẹ cất”.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/95c6/live/3a76b9a0-900c-11ed-945e-a75c1cf265d9.jpg

Con ngồi chờ người đến cho tiền_ lời thật tình của cậu bé 7 tuổi ngồi trên lề đường ở quận Bình Thạnh lúc hơn 8 giờ tối

 

Tạm biệt hai mẹ con, nhìn trên lề đường đối diện bệnh viện Ung Bướu tôi thấy một người cha đang trải chiếu cho đứa con nhỏ. Ra ngoài ngã tư Nơ Trang Long và Phan Đăng Lưu, tôi lại gặp một người đàn ông nữa ôm trong tay một đứa bé ngồi trên lề đường.

 

Dường như khu vực này vào ban đêm là “chốn kiếm tiền” của những phụ huynh có con nhỏ, bằng cách trông chờ tình thương của người qua đường.

 

Những “Hạo Nam” ở Sài Gòn kiếm tiền có vẻ dễ dàng hơn nhờ tình thương hào phóng của dân Sài Gòn. Tôi chỉ mong rằng khi lớn lên các em sẽ nối tiếp sự hào phóng ấy để cưu mang những phận đời nhỏ nhoi, vô danh giữa đô thị giàu nhất đất nước XHCN.

 

----------------------------

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Song May hiện sống ở Sài Gòn.





No comments: