Tốc
độ tăng trưởng GDP cao che khuất các khó khăn kinh tế của Việt Nam
Lê Hồng Hiệp
Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi kinh tế vững chắc trong năm 2022, với
tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 8,0%, tốc
độ nhanh nhất trong 25 năm qua. Mặc dù đây là một thành tựu đáng ghi nhận
và đáng khích lệ của đất nước sau hai năm tăng trưởng chậm chạp vì đại dịch
Covid-19, nhưng nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta có thể thấy Việt Nam vẫn chưa hoàn
toàn thoát khỏi các khó khăn.
Tốc độ tăng trưởng GDP cao có thể được giải thích bởi một số nguyên
nhân. Mức nền thấp trong năm 2021 — khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,6%, mức
thấp nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào cuối những năm 1980 —
là một lý do rõ ràng. Các chuyên gia cũng đã đề cập tới các
lý do khác, chẳng hạn như tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, hoạt động xuất khẩu
khả quan, và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cải thiện.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam năm 2022 đạt 240,2
tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2021 và tăng 15% so với mức trước đại dịch
năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng 10,6%, ước đạt 371 tỷ USD.
Điều này giúp tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam năm 2022 lên tới
hơn
730 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân 22,4
tỷ USD trong năm 2022 để thực hiện các dự án tại Việt Nam, tăng 13,5% so với
cùng kỳ năm 2021 và là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm qua, cho thấy Việt Nam đang
được hưởng lợi từ nỗ lực của các nhà đầu tư quốc tế trong việc đa dạng hóa cơ sở
sản xuất ra ngoài Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng đã trở thành tin hàng đầu trên hầu hết
các trang báo trong nước và được các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin rộng
rãi sau khi số liệu được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 29 tháng 12. Tuy
nhiên, phản ứng của độc giả đối với thông tin này và các báo cáo khác được thực
hiện bởi các phương tiện truyền thông đã vẽ nên một bức tranh khá khác biệt.
Ví dụ, trong cùng bài
viết xuất bản ngày 30 tháng 12 nhằm giải thích về mức tăng trưởng GDP mạnh
mẽ của Việt Nam trong năm 2022, VnExpress, trang tin được đọc nhiều nhất
tại Việt Nam, cũng thực hiện một cuộc khảo sát, hỏi độc giả liệu thu nhập của họ
tăng, giảm, hay giữ nguyên trong năm 2022. 58 phần trăm trong số 5.672 người
tham gia khảo sát (tính đến ngày 3 tháng 1) cho biết thu nhập của họ giảm, 21%
cho biết thu nhập không đổi, và chỉ 21% cho biết thu nhập của họ tăng trong năm
2022.
Thật thú vị khi những câu trả lời ảm đạm như vậy có thể được lý giải phần
nào bởi hai bài viết khác được hiển thị bên dưới bài viết trên. Bài
viết đầu tiên kể về việc các nhà đầu tư Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản,
dù có khởi đầu đầy hứa hẹn vào đầu năm 2022, nhưng đã phải chịu “lỗ sốc” vào cuối
năm do giá bất động sản giảm. Bài
thứ hai mô tả một tình huống khó khăn tương tự tại các công ty may mặc của
Việt Nam. Họ đã thu được lợi nhuận tốt vào đầu năm nhờ nhu cầu mở rộng ở các thị
trường phương Tây, nhưng lại không có đủ đơn hàng để duy trì hoạt động trong nửa
cuối năm. Hai câu chuyện này cũng giúp mô tả cô đọng những thách thức kinh tế
mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt.
Bắt đầu từ tháng 3/2022, Việt Nam tiến hành một chiến dịch làm trong sạch
thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn đã mở rộng quá mức trong 5 năm qua và tạo
ra rủi ro đáng kể cho hệ thống tài chính. Ngoài việc đưa ra các yêu
cầu cao hơn đối với các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới và truy tố
chủ sở hữu của một số tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn như Tân
Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát vì đã sử dụng sai mục đích số tiền thu được từ
trái phiếu, chính phủ cũng đã yêu cầu hầu hết các tổ chức phát hành trái phiếu
lớn giảm nợ bằng cách mua lại trái phiếu trước hạn để thanh toán cho các ngân
hàng và trái chủ.
Điều này, cùng với lãi suất tăng và room tín dụng bị thắt chặt do nỗ lực
của ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát và hỗ trợ đồng nội tệ, đã dẫn đến
tình trạng “đói vốn” nghiêm trọng. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là lĩnh vực bất động
sản và năng lượng tái tạo, nơi các doanh nghiệp phải phụ thuộc vào trái phiếu
và các khoản vay ngân hàng để tài trợ cho các dự án của họ. Tuy nhiên, các công
ty trong các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng vì họ không thể phát hành trái phiếu
hoặc tiếp cận các khoản vay ngân hàng để hỗ trợ hoạt động của mình. Một số
doanh nghiệp đã phải bán bớt tài sản để mua lại trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp
khác phải thu hẹp quy mô hoạt động, hoặc thậm chí đóng cửa, dẫn đến tình trạng
sa thải hàng loạt, đặc biệt là trong ngành bất động sản.
Tình hình càng khó khăn hơn khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga hồi tháng
2 năm 2022 và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đối với Nga đã khiến
giá lương thực và năng lượng tăng vọt, dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao trên khắp thế
giới. Do đó, nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp,
khiến các nhà máy phải giảm lương hoặc sa thải nhân viên. Do đó, đã có báo
cáo về những hàng người thất nghiệp xếp hàng qua đêm để rút quỹ bảo hiểm xã
hội, bất chấp những cảnh báo của chính phủ về tình trạng mất an ninh tài chính
trong tương lai của họ.
Việc Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 25
năm qua trong khi các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn ngày càng tăng cho
thấy một vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam: đó là sự phụ
thuộc quá mức vào đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu. Thật vậy, khi
giải thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2022, các chuyên
gia đã chỉ ra hai động lực chính: xuất khẩu mạnh mẽ nhờ các doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài (hiện chiếm 74%
tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) và tình hình giải ngân vốn FDI được
cải thiện. Yếu tố thứ ba — doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng — cho thấy
người tiêu dùng Việt Nam hiện nay nhìn chung giàu có hơn và ngày càng trở thành
động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đặt cạnh
những phản hồi ảm đạm trong cuộc khảo sát thu nhập của VnExpress, nó
cũng gợi ý rằng chênh lệch thu nhập đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
Năm 2022 đã kết thúc với một nốt thăng cho Việt Nam khi trở thành một
trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, đây không
phải là lý do gì để các quan chức ở Hà Nội tự mãn. Với những khó khăn ngày càng
gia tăng mà các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt và những bất ổn toàn
cầu đang diễn ra, họ nên chuẩn bị tinh thần cho một năm đầy thách thức phía trước.
--------------
Một
phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.
No comments:
Post a Comment