(Nhân vụ Việt Á và Giải
cứu)
Một hôm, cánh lính cũ chúng tôi trong “Hội đạp xe”, đưa ra một tình huống
thế này: Giả sử có người mang 100.000 USD (chỉ mới 100.000 USD, quy ra khoảng
2,4 tỷ đồng thôi nhé, so với 3 triệu USD hay 14,5 tỷ đồng thì nó chỉ là một món
rất vừa phải) đến hối lộ, để cảm ơn về một việc gì đó (ví dụ giúp họ thắng thầu,
ví dụ giúp họ giảm án tù, ví dụ giúp họ trốn thuế, ví dụ giúp họ mua rẻ bán đắt…)
thì liệu ai trong số những người ngồi đây có thể từ chối?
Tất cả đều trả lời giống nhau: Khó từ chối vô cùng.
Bản năng sống của con người là hám lợi. Ở đâu có lợi là nó mò đến. Cái
gì đem lại lợi ích là nó lao vào. Vì nó là con người, với đầy đủ những khiếm
khuyết tự nó không hoàn thiện được (thế mới cần đến tôn giáo). Chính vì vậy,
tham nhũng, nhận hối lộ, ăn cắp của công… xuất hiện từ thời thượng cổ, khi con
người biết đến quyền lực và khi xã hội phân tầng về giai cấp.
Mặc dù cũng là ăn cắp, nhưng những hành động trên luôn được “bào chữa”
rằng kẻ ăn cắp chẳng lấy không của ai (giúp và nhận công), chẳng lấy của ai cụ
thể (của công cũng giống như của… trời!). Vì thế, tham nhũng, nhận hối lộ luôn
có sức cám dỗ khủng khiếp, trong mọi xã hội.
Nếu nhìn thật sâu vào tâm can của chính mình, nói thật, bạn hay tôi
cũng khó mà thoát khỏi cám dỗ đó.
Việc từ chối món tiền lớn, kể cả với những người giầu nứt đố đổ vách,
có gì đó thậm chí còn “phản tự nhiên”. Vì thế đạo đức giả mới có đất để diễn và
nó thường nhuốm mầu cay cú (Không nhận được thì nhè ra, tiện thể làm mầu, chứ từ
sâu xa cũng tiếc đứt ruột).
Người ta chỉ từ chối món lợi lớn mang dâng tận miệng,
trong các trường hợp sau:
1-Biết rõ là hành động đó không thể thoát sự trừng phạt của luật pháp,
do xã hội có cơ chế giám sát tinh vi và sự trừng phạt lạnh lùng… (Báo chí tự
do, tòa án độc lập…) Trong trường hợp này, con người từ chối phạm tội vì ý thức
chấp pháp, lo sợ bị trả giá đắt gấp bội, chứ chả phải do họ có nhân cách, đạo đức
lớn.
2-Ý thức về một cặp mắt vô hình NHÌN THẤY TẤT CẢ. Cái kết vẫn là nỗi sợ
về sự trừng phạt nào đó. Sự trừng phạt tinh thần này thậm chí còn đáng sợ hơn sự
trừng phạt vật chất. Chẳng hạn nó khiến lương tâm day dứt, sợ bị quả báo nhiều
đời, sợ khi chết đi rồi vẫn bị phán xử, nguyền rủa, tức là sợ tiếng xấu truyền
đời…
3-Ý thức về danh dự cá nhân vì thế mà bị ô uế.
Trong ba loại “barrier” ngăn cản người ta phạm tội đã kể, thì “barrier”
đầu tiên có giá trị hiện thực nhất và cũng thực chất nhất về mặt hiệu quả. Bởi
nó bao phủ số đông tuyệt đối. Cái số đông đó là trăm ngàn vạn triệu loại người,
với ngần ấy cách sống, cách nghĩ, cách quan niệm khác nhau về đạo đức, phẩm
giá, danh dự… Nhưng cho dù họ là ai, để đủ tư cách tối thiểu làm một công dân,
thì tuyệt đại đa số họ đều đủ năng lực để làm theo luật pháp, với những quy định
rành mạch, rõ ràng, không có ngoại lệ, hoàn toàn vô tình. Những gì luật pháp
không cấm, họ có quyền làm, kể cả nó không phù hợp với quan niệm về danh dự, ứng
xử được coi là hợp lẽ của nhiều người khác. (Vì thế mới cần đến văn hóa)
Tình huống thứ hai không hiếm nhưng chắc chắn không phổ biến và không
thể là thước đo chuẩn mực để khép tội hay xá tội cho ai đó. Đơn giản là với một
bộ phận đông đảo, nó chả có ý nghĩa gì (chẳng hạn với những người vô thần).
Không ai có quyền tước bỏ niềm tin tôn giáo của người khác, nhưng cũng không ai
có quyền ép người khác phải theo, phải tin một tôn giáo nào đó.
Tình huống thứ ba thì vô cùng hy hữu. Cho đến nay, trong hàng ngũ các
nguyên thủ quốc gia, người ta mới chỉ khẳng định CHƯA THẤY tổng thống Mỹ nào
tham nhũng, nhận hối lộ, ăn cắp của công?
Nhiều người lấy làm tiếc cho một vài quan chức, chỉ cần tiền quà biếu
cũng ăn vài đời không hết, nhưng vẫn lập ra các sân sau để rút tiền ngân sách,
vẫn chia chác tiền dự án, vẫn cài lợi ích vào việc đấu thầu…
Những người nghĩ như vậy là đang nghĩ như một nhà đạo đức, vốn của giả
nhiều hơn của thật, chứ không phải đang nghĩ như một con người xã hội.
Bạn hãy đặt mình vào vị trí của một quan chức có rất nhiều cơ hội để
tham nhũng, bạn sẽ thấy, ông/bà ta hành động chả có gì khác thường. Khuân của cải
về nhà mình, chất đầy nhà, sau đó bình an sống ngoài mọi lo toan, thỉnh thoảng
cúng dường, thỉnh thoảng ban quà cho đám trẻ con đói rách (chúng đói rách cũng
một phần vì hành vi tham nhũng của họ)…trong khi đó vẫn có đủ các diễn đàn để
lên mặt dạy đời (như ta vẫn thường thấy), nó tạo ra một thứ hạnh phúc chất ngất,
thứ hạnh phúc của người thành công và may mắn, dù thực chất nó là cơn say sưa của
ma quỷ. Nó còn tạo ra cảm giác họ đã sống trọn vẹn cho cuộc đời, cho gia đình,
cho bạn bè. (Không ít quan chức tham nhũng kinh người bày tỏ lòng hiếu thảo với
cha mẹ, thầy cô, những người già yếu, neo đơn, nghèo khó; gương mẫu làm từ thiện,
mạnh miệng kêu gọi xã hội rủ tình thương với những số phận không may… giống như
hành động của một Bồ tát cứu khổ cứu nạn!)
Tiền là tiên là phật, tiền đi liền với ruột, tiền là tất cả…Xin đừng
coi thường những quan niệm này, bởi có thể nó xấu xí, nhưng nó luôn thật, luôn
đúng với hầu hết chúng ta.
Đừng đạo đức hóa, lý tưởng hóa các nguyên tắc chống lại những gì thuộc
về bản chất tự nhiên.
Kết lại: Hiểu rõ bản chất của con người, bản chất của hành
động tham nhũng, để thấy sự kiểm soát hành vi xấu xí, bản tính tham lam, thói
quen khuất tất của con người bằng các điều luật, mới là giải pháp lâu dài để có
được một xã hội ÍT THAM NHŨNG, ÍT CÓ KHẢ NĂNG THAM NHŨNG.
Và rõ ràng là nó không có tí ti gì mới mẻ.
No comments:
Post a Comment