Thursday, January 12, 2023

THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG VIỆT NAM THÀNH CÔNG? (Việt Hoàng)

 



Thế nào là một người đàn ông Việt Nam thành công ?

Việt Hoàng

11/01/23

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/27435-th-nao-la-m-t-ngu-i-dan-ong-vi-t-nam-thanh-cong

 

Tùy theo quan niệm của từng người và trong từng giai đoạn của lịch sử mà người Việt có những tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá thế nào là một người thành công. Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là một viên quan rất thành công và nổi tiếng sống dưới thời nhà Nguyễn, ông đã để lại cho hậu thế hai câu thơ khá nổi tiếng:

 

Làm trai sống ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông…

 

Đây là nhân sinh quan sống và cũng là định nghĩa thế nào là một người thành công dưới thời phong kiến. Dù thành công và làm quan đến chức thượng thư, tổng đốc nhưng cuối đời Nguyễn Công Trứ đã phải ngậm ngùi thốt lên:

 

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…

 

Nguyễn Công Trứ mất cách đây 165 năm, thời thế đã thay đổi nhiều. Vậy người Việt Nam hôm nay đánh giá một người thành công dựa trên những tiêu chí nào? Theo quan sát của chúng tôi thì có 4 tiêu chí mà đa số người Việt xem đó là thành công.

 

.

1. Sự giàu có

 

Không ai không biết đến sự quan trọng, cần thiết và sức mạnh của tiền bạc. Không có tiền thì rất khó sống hoặc phải sống một cuộc đời rất cơ cực. Nghèo khổ luôn bị coi thường nhất là trong một xã hội trọng tiền bạc và vật chất như Việt Nam. Một thành ngữ mới phản ánh rõ điều này ‘giàu thì bị ghét, nghèo thì bị khinh, thông minh thì bị diệt’.

 

Chúng ta đều biết Việt Nam vẫn là một nước nghèo, kém phát triển và tụt hậu vì thế còn rất nhiều người nghèo khổ. Những người giàu có chỉ chiếm một thiểu số nhỏ (khoảng 10-20%). Ước muốn giàu có là một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Có thực mới vực được đạo, phú quí sinh lễ nghĩa, cơm áo không đùa với khách thơ, tiền là tiên là phật…

 

Khi nghèo ai cũng muốn giàu có nhưng khi có tiền rồi thì lại có nhiều câu hỏi phát sinh như: Thế nào là giàu? Bao nhiêu tiền là đủ? Tiền nhiều để làm gì?...Ở những nước phát triển ít khi người ta nói về tiền bạc vì ai cũng có tiền. Chỉ cần một người đi làm là đủ để nuôi vợ con. Việt Nam không được như thế. Chúng ta đã trải qua một khoảng thời gian dài sống trong nghèo khổ và cơ cực, nhất là những người sinh vào thập niên 60-70. Bây giờ có tiền và có điều kiện sống tốt hơn nên ai cũng tranh thủ tận hưởng.

 

Làm giàu chính đáng bằng nỗ lực và cố gắng của bản thân là điều mà bất cứ xã hội nào cũng khuyến khích và tôn vinh. Những người làm giàu bằng cách tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và nhiều công ăn việc làm cho người dân xứng đáng được kính trọng. Còn việc làm giàu, kiếm tiền bằng mọi cách, bất chấp đạo đức và thủ đoạn rồi xem đó như là một tiêu chí quan trọng để đánh giá một người thành công thì rất không ổn. Tiêu chí này rất lạc hậu và chỉ phù hợp với những xã hội kém phát triển.

 

Có một sự thực buồn là không ít người Việt Nam giàu có thường kệch cỡm, kiêu căng và khinh người. Có ý kiến cho rằng những người thích khoe khoang tiền bạc và sự giàu có vì họ không có gì để khoe, ngoài tiền. Việc khoe khoang sự giàu có và tiền bạc trong một xã hội còn nhiều người nghèo khổ như Việt Nam không chỉ ích kĩ, kệch cỡm mà còn tàn nhẫn. Đó cũng là lý do khiến cho người giàu Việt Nam luôn bị ghét bỏ. Khi các tỉ phú Việt Nam bị bắt, không cần biết lý do và nguyên nhân từ đâu, đa số người dân đều vỗ tay hoan hô thay vì thông cảm và chia sẻ.

 

Đạo đức ở Việt Nam xuống cấp và suy đồi cũng vì lý do một bộ phận dân chúng xem tiền bạc và sự giàu có là mục đích và lẽ sống duy nhất để phấn đấu. Đáng nói nhất là quan niệm lệch lạc này bao gồm cả thành phần công chức và quan chức nhà nước. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho công chức thay vì phục vụ nhân dân thì họ luôn tìm mọi cách để tham nhũng và làm tiền người dân. Một số thanh niên với ước mơ làm giàu nhanh đã đốt cháy giai đoạn, bỏ bê chuyện học hành và nỗ lực vươn lên từng bước để tham gia vào việc buôn bán bất hợp pháp, bán hàng đa cấp, lừa đảo người thân với những khóa học ‘làm giàu không khó’ của những diễn giả thiếu lương tâm và đạo đức.

 

Tiền bạc rất quan trọng nhưng cũng chỉ là phương tiện. Phương tiện dù quí đến mấy thì cũng chỉ là phương tiện. Không nên lấy phương tiện làm mục đích của đời người.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52621769975_de691d4b55.jpg

Tiền bạc rất quan trọng nhưng cũng chỉ là phương tiện. Không nên lấy phương tiện làm mục đích của cuộc đời.

 

.

2. Bằng cấp

 

Do ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo nên người Việt khá háo danh và thích thể hiện bản thân. Bằng cấp là một trong những tiêu chuẩn của một người Việt ‘thành công’. Người Việt ham học nhưng học để có bằng cấp, để có ‘việc nhẹ, lương cao’, để được nhiều tiền và có thứ để khoe khoang. Rất ít người theo đuổi việc học hành, nghiên cứu như là một đam mê hay để cống hiến cho đời.

 

Việt Nam có hàng chục ngàn giáo sư tiến sĩ nhưng phát minh ra các công cụ cần thiết cho cuộc sống và công việc hàng ngày luôn là những người nông dân ít học. Tầng lớp háo danh và chuộng bằng cấp nhất trong xã hội Việt Nam chính là giới quan chức Đảng cộng sản. Nạn bằng giả tràn lan khắp nơi, vụ 55 công chức nhà nước mua bằng giả tại đại học Đông Đô để làm nghiên cứu tiến sĩ là một ví dụ. Vẫn có những người không hiểu bằng cấp không đồng nghĩa với trí tuệ, kiến thức quan trọng hơn bằng cấp.

 

Bằng cấp chỉ là chứng chỉ cho một thời gian học hỏi, nghiên cứu về một vấn đề hay công việc nào đó. Chúng chỉ là cơ sở để tiếp tục học hỏi và tiến về phía trước. Đó chỉ là sự khởi đầu chứ không phải đích đến. Ví dụ, các nhà khoa học đoạt giải Nobel hàng năm không bao giờ xem giải thưởng là mục đích của họ, đó chỉ là là kết quả và sự tôn vinh của xã hội cho những cố gắng của bản thân họ trong quá trình nghiên cứu khoa học. Họ vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến sau khi nhận giải.

 

Người Việt cũng chưa phân biệt được giữa ‘trí thức khoa bảng’ và ‘trí thức chính trị’. Trí thức khoa bảng là những người có bằng cấp và chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó trong khi trí thức chính trị là những người có quan tâm, tìm hiểu và học hỏi về chính trị. Trí thức chính trị cần có kiến thức tổng hợp về tất cả các bộ môn nhưng không nhất thiết phải có bằng cấp cao. Nhiệm vụ của trí thức chính trị là tìm tòi và đưa ra những giải pháp vĩ mô cho đất nước. Việc quan chức cộng sản khoác lên người đủ các loại bằng cấp chứng tỏ họ không hiểu gì về chính trị. Nhiều ý kiến cho rằng vì quan chức cộng sản, đa số xuất thân thấp hèn nên phải cố gắng đắp lên người đủ loại bằng cấp và cả sự giàu có để xóa đi quá khứ của mình. Họ không hiểu rằng không ai có thể thay đổi được quá khứ mà chỉ có thể thay đổi được hiện tại và tương lai.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52621338401_f6b1f97a5c.jpg

Nạn bằng cấp giả tràn lan cũng vì thói háo danh của người Việt.

 

.

3. Quyền lực

 

Từ khi loài người bắt đầu sống thành xã hội thì quyền lực luôn là khát khao, mong muốn của nhiều người vì quyền lực thường đi kèm với quyền lợi. Tuy nhiên trong xã hội văn minh thì quyền lực của quan chức và bộ máy nhà nước luôn bị giới hạn bởi rất nhiều định chế như báo chí, xã hội dân sự và các đảng đối lập. Việt Nam không như thế vì vẫn còn là một nhà nước độc tài, quyền lực của Đảng cộng sản không bị giới hạn bởi bất cứ định chế nào. HIến pháp cũng phải nằm dưới cương lĩnh đảng. Các quan chức cộng sản là những ông vua con, sự lộng hành của họ là lẽ đương nhiên. Điều đáng nói là quyền lực mà Đảng cộng sản ban phát đã làm mê hoặc không ít trí thức và người dân Việt Nam. Có những kẻ bất lương và gian trá đã tìm mọi cách, kể cả đi bằng đầu gối để mong có được một chức quan nhỏ (quan to tất nhiên không đến lượt họ). Với những người này thì chỉ cần một chức quan nhỏ là thành công, là có thể vênh váo với đời. Quan niệm ‘một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp’ vẫn còn ăn sâu trong đầu óc một số người.

 

Trong một xã hội văn minh thì quyền lực phải đi đôi với năng lực. Những kẻ ‘ngồi nhầm ghế’ trước sau gì cũng ‘thân bại danh liệt’. Quyền lực thực sự của đảng cầm quyền phải đến từ sự ủy nhiệm của đa số người dân, thông qua các cuộc bầu cử tự do và minh bạch. Quyền lực là để điều hành việc nước, việc chung chứ không phải là chiến lợi phẩm thu được sau các cuộc giành giật để rồi ban phát cho nhau như là một phần thưởng.

 

.

4. Khả năng tình dục cao

 

Có một ‘tiêu chuẩn’ rất lỳ lạ và chỉ mới xuất hiện gần đây để đánh giá một người đàn ông Việt Nam bản lĩnh và thành công đó là khả năng tình dục cao. Không ít các diễn đàn trên mạng xã hội chỉ bàn, chia sẻ và đề cập đến mỗi chuyện này. Theo họ thì đa số đàn ông Việt Nam khá yếu về sinh lý. Họ chia sẻ đủ loại thuốc cường dương và các phương pháp để tăng cường khả năng tình dục cho đàn ông Việt Nam. Không chỉ dừng lại trên mạng mà nhiều người tự xưng là ‘chuyên gia’ còn xuất hiện công khai trên ti vi và truyền hình để cổ vũ cho việc nâng cao khả năng tình dục của đàn ông Việt Nam.

 

Mặt tích cực của việc này là nó không còn xem chuyện sinh hoạt tình dục là chuyện kín, riêng tư và khó nói. Ai cũng có thể tìm hiểu và cải thiện khả năng đó cho mình. Ai cũng đồng ý vấn đề tình dục rất quan trọng cho cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên việc một số người nâng khả năng tình dục lên thành một ‘tiêu chuẩn thành công’ của đàn ông Việt Nam là rất không bình thường. Nó tầm thường hóa đàn ông Việt Nam. Nó hạ đàn ông Việt Nam xuống ngang hàng với…con vật. Không có công trình khoa học đứng đắn nào chứng minh đàn ông Việt Nam yếu về khả năng tình dục. Tạo hóa sinh ra người đàn ông Việt Nam như thế nào thì cũng sinh ra người phụ nữ Việt Nam như thế đấy. Nồi nào vung ấy. Đa số đàn ông Việt Nam có khả năng tình dục bình thường, chưa kể một số người lấy vợ Tây và họ vẫn sống hạnh phúc trọn đời bên nhau.

 

Mặt khác, tình dục phụ thuộc rất lớn yếu tố tinh thần. Cho nên thay vì sưu tầm và tìm kiếm các loại thuốc hỗ trợ thì đàn ông Việt nên chịu khó tập một môn thể thao nào đó và nhất là cần có một đời sống tinh thần lành mạnh, yêu đời và có trách nhiệm. Việc xem đàn ông Việt Nam yếu kém về khả năng tình dục là một cái nhìn phiến diện, sai lầm và nguy hại. Đó hình thái của sự yếu đuối và tự ti không đáng có. Nên cảnh giác và không nên tiếp tay cho lối suy nghĩ tiêu cực và không có thật này. Nó sẽ làm cho chúng ta yếu đuối và thiếu tự tin vào bản thân.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52621818123_0bd4d4386b.jpg

Việc một số người nâng khả năng tình dục lên thành một tiêu chuẩn thành công của đàn ông Việt Nam là rất không bình thường. Nó tầm thường hóa đàn ông Việt Nam.

 

.

Kết luận

 

Là con người, ai cũng có quyền theo đuổi những giấc mơ riêng của mình. Mọi khát vọng đều chính đáng nếu nó được xây đắp bằng nỗ lực vươn lên của mỗi người. Ai cũng muốn thành công nhưng các giá trị như sự giàu có, bằng cấp hay quyền lực đã trở nên lỗi thời. Đó là những giá trị rất cũ. Lịch sử luôn tiến về phía trước, một số giá trị cũng thay đổi theo thời gian. Với một xã hội văn minh và phát triển thì thành công lớn nhất của một người là đã đóng góp cho sự thay đổi và thăng tiến của cộng đồng.

 

Ai cũng thấy Việt Nam vẫn còn là một nước độc tài đảng trị, đa số người dân vẫn còn sống trong nghèo khổ, mất tự do, nhân phẩm không được tôn trọng. Quan tâm đến chính trị, tìm hiểu và học hỏi về chính trị để góp phần vào công cuộc dân chủ hóa đất nước mới thực sự là một người đàn ông Việt Nam có trí tuệ và bản lĩnh. Đất nước Việt Nam cần thay đổi và hội nhập với thế giới văn minh. Việc tham gia và ủng hộ các tổ chức chính trị dân chủ để cùng nhau mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam đó mới là sự thành công có giá trị và ý nghĩa nhất của một người Việt Nam trong thời đại ngày hôm nay.

 

Việt Hoàng

(11/1/2023)





No comments: