Tuesday, January 24, 2023

NHỮNG TÌNH HUỐNG MỚI TRONG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA NĂM CŨ (Nguyễn Thị Từ Huy)

 



Những tình huống mới trong ngày cuối cùng của năm cũ

Nguyễn Thị Từ Huy

15 Tháng Một, 2023

http://vanviet.info/nghe-thuat/nhung-tnh-huong-moi-trong-ngy-cuoi-cng-cua-nam-cu/

 

Ngày 31/12/2022 khép lại một năm với “Những tình huống mới”, bộ tranh mới của Bùi Chát, được trưng bày tại Lele Atelier, An Phú, Sài Gòn.

 

Đôi khi, tôi muốn đến sống ở một đô thị nhỏ, yên tĩnh hơn, trong lành hơn, hoặc cũng có thể về lại quê nhà. Nhưng tôi biết rằng, ít nhất là lúc này, tôi chưa thể rời xa Sài Gòn. Bởi, bên cạnh sự ồn ào, bụi bặm, quán nhậu, kẹt xe, ngập nước, đắt đỏ…, Sài Gòn căn bản được đặc trưng bởi sự giàu có về tinh thần, về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, học thuật. Ngày tranh của Bùi Chát là một trong những biểu hiện của sự phong phú đó. Thành phố này luôn làm ta bất ngờ vì những bí ẩn và năng lực tạo tác của nó.

 

Chọn ngày cuối cùng của năm để mở ra “Những tình huống mới” hẳn không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên của tác giả. Quả thực, thời gian được sử dụng như là một phần của cuộc trưng bày tác phẩm nghệ thuật. Đưa thời gian vào trong kết cấu của một triển lãm, không phải lúc nào cũng có thể làm được như vậy.

 

Không gian trưng bày cũng phá lệ bởi trạng thái thô sơ, không chăm chút, không trau chuốt, trái ngược với không gian nghệ thuật theo chuẩn thông thường. Có đất cát và vẻ nham nhở của những bức tường gạch cũ cùng những tấm tôn đặt đó đây. Một cái cây mọc giữa sân, thân ngả dài trên mặt đất để vươn tới và vượt qua tường. Hoàn toàn tự nhiên.

 

Lựa chọn về thời gian và không gian phù hợp với các ý tưởng của tác giả về nghệ thuật tình huống. Thiên nhiên dường như ưu ái thêm khi tặng cho họa sĩ một ngày không mưa, nắng nhẹ, hơi thoảng heo may như mùa thu Hà Nội, để có thể bày tranh giữa trời.

 

http://vanviet.info/wp-content/uploads/2023/01/image25.png

Ảnh: Nguyễn Thị Từ Huy

 

Bùi Chát, cùng với Lý Đợi và các thành viên nhóm Mở Miệng, là những người có ý tưởng lập thuyết cho sáng tạo. Lập thuyết theo nghĩa là tạo ra một trường phái riêng, Mở Miệng thực hành theo khuynh hướng mà các tác giả của nó gọi là “Thơ rác”. Và hiện nay, dễ dàng nhận thấy rằng Bùi Chát đang nỗ lực lập thuyết cùng với ý tưởng về hội họa tình huống, cái tên đầy đủ mà anh đặt cho nó là “Hội họa ứng biến tình huống”.

 

Bùi Chát gói hội họa tình huống vào 39 đặc điểm được giới thiệu cùng với những bức tranh trưng bày trong ngày 31/12/2022 vừa qua. Trong đó có thể kể những lập ngôn của họa sĩ về các đặc điểm trọng tâm sau đây:

 

Hội họa Tình huống không bắt đầu và kết thúc bằng các ý tưởng, mà chỉ bắt đầu và kết thúc bằng các tình huống và cách ứng biến/ ứng xử tình huống

 

Đối tượng của Hội họa Tình huống không gì khác ngoài tình huống hội họa. Các nghệ sĩ không mô tả, thể hiện, phản ánh, hoặc hướng đến đối tượng; mà chỉ có thể xử lý/ứng biến/ ứng xử với đối tượng

 

Các nghệ sĩ không chuẩn bị trước mỗi khi thực hành. Hội họa Tình huống bắt đầu bằng sự trống không và kết thúc bằng một sự trống không khác. Nhưng đầy thỏa mãn

 

Nghệ sĩ, cần thiết có thể phá vỡ hầu hết các nguyên tắc của hội họa, nếu biết tuân thủ logic của tình huống

 

Vấn đề là chúng ta không thể nào bình đẳng trước cái đẹp, mà chỉ có thể bình đẳng trước các tình huống

 

Hội họa của Bùi Chát quả thực đặt người xem trước một sự xóa bỏ ý tưởng. Gần như không thể nhìn thấy những ý tưởng cố định có thể được gợi ý từ các bức tranh. Và người ta cũng không thấy quá trình chuẩn bị cho mỗi tác phẩm. Màu dường như được quẹt lên vải theo một cách thức như thế, tự phát, tại thời điểm vẽ. Điều này có thể khiến cho những người đam mê các ý tưởng sâu sắc cảm thấy hụt hẫng khi đứng trước tranh. Bố cục cũng bị xóa bỏ. Những người yêu thích bố cục cũng có thể sẽ tuột mút vì sự nhập nhằng của đường nét và các khối màu, không theo một cấu trúc tạo nghĩa nào. Điểm nhấn chính của tác giả là trải nghiệm tự do cả trong công việc sáng tạo lẫn trong hoạt động thưởng thức tác phẩm. Đồng thời trạng thái vô tổ chức của bức tranh cùng với các mảng màu đôi khi vụng về khiến cho có thể hình dung tác giả trong trạng thái bị xâm chiếm bởi một cái gì tuôn trào, mạnh mẽ, không kiểm soát được.

 

Marguerite Duras nói: “Khi ta lôi từ trong mình ra cả một cuốn sách…”. Có thể nói tương tự như vậy về Hội họa tình huống của Bùi Chát rằng, tác giả đã lôi cả bức tranh ra khỏi mình, nhưng không định nghĩa cả mình lẫn bức tranh. Màu sắc cứ như đập thẳng lên toile một cách thiếu chủ ý, đúng như tác giả viết, đó là “một dạng hội họa không chủ đích”. Và tác giả đang ở trong thời kỳ đầy đam mê và bị thúc đẩy một cách mạnh mẽ bởi tính không chủ đích này. Bằng chứng là anh đã làm việc không mệt mỏi và không nghỉ ngơi, kể từ lần triết lãm trước, mới cách đây vài tháng, để cho ra một loạt tác phẩm mới này.

 

Điều mong chờ, ở những khán giả khó tính, là, cùng với ý niệm về “tình huống” và “ứng biến”, tranh của Bùi Chát sẽ đạt tới mức độ điêu luyện và hoàn hảo trong họa pháp. Và dù rằng họa sĩ từ chối ý tưởng, để đặt trọng tâm vào độ không của vẽ, tức là không có gì ngoài việc “bắt đầu và kết thúc của các tình huống”, thì, mỗi tình huống vẫn cần phải là một tình huống, nghĩa là phải phân biệt với những tình huống khác. Vì thế, người xem vẫn chờ đợi có thể gọi tên các tình huống khác nhau. Nếu mọi tình huống đều chỉ là một tình huống, không có gì xác định bản sắc riêng của các tình huống khác nhau, thì có vẻ như tình huống vẫn chưa trở thành tình huống.

 

Bùi Chát đã tự vạch cho mình một con đường riêng, một thử nghiệm về ý niệm ứng biến và tình huống. Và như ta thấy trong phần lập ngôn của họa sĩ: anh đang ở giai đoạn đầu tiên đầy đam mê của một người khám phá nghệ thuật và khám phá chính mình thông qua nghệ thuật. Và nghệ thuật, như chúng ta biết, rất khắc nghiệt chính trong tính chất trò chơi của nó. Bùi Chát có cả tương lai phía trước để chinh phục thế giới nghệ thuật khắc nghiệt đó cùng với khán giả khó tính của nó, trong cuộc chơi đầy ngẫu hứng của mình.

 

Sài Gòn, 31/12/2022 – 5/1/2023

 

XEM HỌA PHẨM TẠI ĐÂY >>>>>   

 

 

 



No comments: