Những
hành động độc đoán tiềm ẩn nguy cơ bất ổn thể chế
Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách &
Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
2023.01.11
Sự lãnh đạo
độc đoán là sản phẩm của chế độ chính trị tập trung quyền lực cao. Hai năm vận
hành mô hình Đảng lãnh đạo Nhà nước (Đảng – Nhà nước) được khẳng định tại Đại hội
13 năm 2021 cho thấy điều trên. Sự cần thiết được biện minh trong điều kiện
“không bình thường” của năm đầu tiên chống đại dịch COVID -2019, nhưng sau đó
chuỗi các hành động “quyết liệt chưa từng có” xuất phát từ sự lãnh đạo độc đoán
và do thiếu các thể chế kiểm soát quyền lực hiệu quả đang gây nguy cơ tiềm ẩn bất
ổn thể chế cần được cảnh báo.
.
Nguy cơ
Có hai lý do chủ yếu cho nhận định trên. Một là, mặc dù kinh tế Việt
Nam phục hồi tốt sau đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 đạt
8,02%, nhưng từ quý tư đã có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Về khách quan, bối cảnh
kinh tế thế giới dự báo sẽ ảm đạm hơn trong năm 2023, đơn hàng gia công sụt giảm
mạnh, doanh nghiệp và công nhân hết việc, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi
cung ứng, nguy cơ dịch có thể bùng phát trở lại từ các biến chủng Omicron mới…
đang có tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam với độ mở rất cao. Về chủ quan, sự
thiếu phối hợp trong điều hành, kiểm soát của các cơ quan chức năng như Bộ Tài
chính, Ngân hàng Nhà nước gây ra khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp, rối loạn
đô-mi-nô thị trường tài chính và bất động sản.
Hai là, việc điều hành mô hình Đảng – Nhà nước đang “cuốn” cả hệ thống
chính trị vào mọi lĩnh vực, trong tập trung theo đuổi tăng trưởng kinh tế
nhanh, nhưng vội vàng, và tập trung quyền lực để chống tham nhũng, xử lý cán bộ
được đẩy lên cao độ trong khi việc xây dựng cơ chế phòng ngừa đã không được chú
trọng đúng mức. “Chiếc lồng thể chế” kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản
quan chức, được khởi động từ giữa nhiệm kỳ 12, nhưng đang là “món nợ xấu” cho cải
cách.
Trong giới hạn chủ đề trong công tác tổ chức cán bộ và chống tham
nhũng, những hành động độc đoán tiềm ẩn nguy cơ bất ổn thể chế cao hơn cả sau
đây được tập trung phân tích, bao gồm: (1)chống tham nhũng gieo rắc nỗi sợ hãi;
(2)tập trung quyền lực phá vỡ quy tắc đảng; và (3)chuyển giao quyền lực chi phối
công tác cán bộ.
.
“Gieo rắc nỗi sợ hãi”
Số liệu liên quan đến chống tham nhũng không thể và không nên được ca
ngợi là thành tích, mà ngược lại, nên hiểu đó là biện pháp răn đe, một phương
pháp chuyên chế, cai trị bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi để xiết lại kỷ luật, buộc
tuân thủ sự trung thành và phục tùng lý tưởng cộng sản và lãnh tụ. Các vụ việc
và cá nhân tham nhũng tăng lên cho thấy tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Trong
mười năm kể từ khi chiến dịch ‘đốt lò’ được phát động năm 2013 đã có “hơn 7.390
đảng viên bị trừng phạt do tham nhũng trong tổng số 2.700 tổ chức Đảng, gần
168.000 đảng viên bị kỷ luật”. Riêng “trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa
phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm
trước.”
Đặc biệt, có hàng chục cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí
thư quản lý bị khởi tố, trong đó không ít quan chức mới được chọn lựa, bổ nhiệm
trong nhiệm kỳ như hai ông nguyên Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ và Y tế. Những
vụ án điển hình như “bộ kist xét nghiệm Việt Á”, “buôn lậu xăng dầu”, “những
chuyến bay giải cứu”, “quan chức nhận hối lộ từ AIC”, “đăng kiểm xe cơ giới”…
phản ánh “sức đề kháng yếu ớt” của thể chế, tổ chức và cán bộ khiến cho tham
nhũng tràn lan trong mọi lĩnh vực. Các cách xử lý nhiều vụ án tham nhũng chưa
làm rõ căn nguyên của vấn đề, chẳng hạn khi điều tra xét xử vụ “bà Nhàn Tổng
giám đốc tập đoàn AIC” các cơ quan tố tụng tập trung khai thác việc bà này lấy
tiền từ đâu và cách đưa hối lộ mà lẽ ra trước hết cần phải làm rõ vì sao bà
Nhàn lại phải hối lộ, từ đó có giải pháp chính sách căn cơ.
.
“Phá vỡ quy tắc Đảng”
Chiến dịch chống tham nhũng được tăng cường kéo theo nỗi sợ hãi, sự
giao động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã tạo thuận lợi cho việc tập
trung quyền lực Đảng bằng nhiều cách, chính thức công khai hay xử lý nội bộ,
phá vỡ các nguyên tắc dân chủ Đảng hay áp dụng các biệt lệ.
Để thâu tóm quyền lực nhiều chuẩn mực, quy tắc, quy định của tổ chức Đảng
đã buộc phải chỉnh sửa, thay thế, ban hành mới, và thậm chí bị phá vỡ dưới các
hình thức biệt lệ. Như đã biết, “những trường hợp đặc biệt” là các diễn đạt của
Đảng nhằm bỏ qua quy định về giới hạn tuổi và nhiệm kỳ cho một số vị trí lãnh đạo
cao cấp ở trung ương, đặc biệt cương vị Tổng bí thư Đảng trong hai nhiệm kỳ Đại
hội 12 và 13 liên tiếp.
Ngoài ra, những phiên “bất thường” của hội nghị Ban Chấp hành trung
ương khoá 13 và Quốc hội khoá 15 để miễn nhiệm và bổ nhiệm thay thế cán bộ “cấp
trung ương quản lý” cũng gây xôn xao dư luận. Đó là các trường hợp truy tố và bắt
giam hai ông Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Khoa học - Công nghệ vừa qua có liên quan
đến vụ án tham nhũng “bộ xét nghiệm của Việt Á”. Tuy nhiên, trường hợp hai ông
phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị miễn nhiệm ngày 5/1/2023 mới đây
do Đảng, Quốc hội không công khai lý do, mà báo chí Nhà nước đưa tin bằng cách
trích dẫn một số phát biểu của các lãnh đạo Đảng, chung chung kiểu như “khuyến
khích từ chức”, “để làm trong sạch đội ngũ” hay “góp phần thực hành nêu gương
trong đảng” khiến dấy lên nhiều đồn đoán, trong đó có việc thanh trừng phe
phái…
Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm
1/2/2021. Ông Trọng đã được bầu vào chức Tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp, phá
vỡ điều lệ Đảng. AFP
.
“Kẻ xấu leo cao”
Việc chuyển giao chức Tổng bí thư theo quy định Điều lệ Đảng CS đã
không thể trong hai nhiệm kỳ 12 và 13, nay sẽ là nhiệm vụ nặng nề cho việc vận
hành mô hình Đảng – Nhà nước.
Cơ chế tập quyền càng cao thì sự phụ thuộc vào người đứng đầu càng lớn.
Với “chiếc nhẫn quyền lực” trong tay ông ta có thể bắt cả cơ chế làm “con tin”.
Như đã nêu, thể hiện quyền uy trước tiên là trừ hoạ từ mầm mống. Sự kiện mới nhất
là hai nhà kỹ trị cuối cùng, hai phó tướng của nguyên Thủ tướng Dũng còn sót lại
đã “bất đắc dĩ” rời khỏi chính trường.
Tuy nhiên, dù quyền lực không giới hạn như Vua cũng không thể cai trị một
mình, bởi vậy ông ta cần có những kẻ nắm giữ chìa khoá mở các cánh cửa quan trọng
dẫn đến ngai vàng mà ông ta phải lệ thuộc. Đó là những vị trí gần gũi nắm thực
lực: tiền và quyền: trợ lý, nội chính, kiểm tra, kế hoạch, tài chính, tập đoàn…
hình thành liên minh bởi cá nhân hoá mối quan hệ thân hữu và đồng hương. Trong
cơ chế như vậy những kẻ cơ hội có thể leo cao. Liệu có thể loại trừ được hết bất
ngờ?
Hơn thế, vận hành mô hình Đảng – Nhà nước từ đầu nhiệm kỳ 13 tới nay
đang triệt tiêu hai yếu tố cơ bản: dân chủ và kiểm soát quyền lực, tạo nên sự bền
vững của thế chế. Như một cơ thể với sức đề kháng yếu, nguy cơ nhiễm bệnh, bất ổn
thể chế, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment