Nhìn
lại tình hình Biển Đông trong năm 2022
31/12/2022
https://www.voatiengviet.com/a/nhin-lai-tinh-hinh-bien-dong-trong-nam-2022/6898381.html
https://gdb.voanews.com/3D7F2551-9FD9-4E6E-AD5C-C36AABFF08E2_cx11_cy6_cw88_w1023_r1_s.jpg
Vùng Biển Đông Nam Á
Trung Quốc trong năm 2022 tiếp tục khẳng định các tuyên bố chủ quyền của
mình đối với vùng Biển Đông rộng lớn bằng những hành động ngày càng mang tính
cưỡng ép và hăm dọa, và điều này có thể gây bất lợi cho Bắc Kinh vì các nước
láng giềng đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ để làm đối trọng, theo
nhận định của giới quan sát.
Biển Đông, nơi chứa trữ lượng hải sản và khoáng sản phong phú và là thủy
lộ quan trọng cho thương mại toàn cầu, trong những năm gần đây đã chứng kiến
căng thẳng bùng lên liên quan tới tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia trong
khu vực bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines.
Trung Quốc từ chối công nhận chủ quyền của năm nước kia đối với một phần
hoặc cả vùng biển và bác bỏ phán quyết của một tòa án trọng tài quốc tế vô hiệu
hóa những tuyên bố chủ quyền lịch sử rộng lớn của nước này vào năm 2016 theo
Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc.
Vào tháng 3, Trung Quốc khẳng định họ có quyền phát triển các đảo ở Biển
Đông như ý muốn sau khi Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất
ba trong số những hòn đảo mà họ xây cất ở Biển Đông, trang bị các hệ thống phi
đạn chống hạm và chống máy bay, thiết bị gây nhiễu và laser, cũng như máy bay
chiến đấu.
Vào tháng 5, Trung Quốc cấm tàu thuyền và máy bay tiến vào vùng Biển
Đông đang tranh chấp trong khi tiến hành các cuộc tập trận quân sự trùng với
chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản, chủ yếu tập
trung vào việc chống lại điều mà Mỹ xem là mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Các nước Mỹ, Úc và Canada cũng báo cáo những vụ việc mà trong đó tàu và
máy bay của Trung Quốc bị nói là nghênh cản, đeo bám hoặc quấy nhiễu tàu và máy
bay của các nước này thực hiện các nhiệm vụ trong hải phận hoặc không phận quốc
tế theo quan điểm của họ.
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và một
nhà quan sát Biển Đông nhiều năm, nhận định tất cả những hành động của Trung Quốc
ở Biển Đông “không hề giảm bớt” so với các năm khác và điều này cho thấy dù bất
cứ chuyện gì xảy ra thì “tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông không hề thay đổi.”
“Năm 2020 là năm mà Trung Quốc bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn về dịch bệnh
[COVID-19] nhưng họ vẫn không ngơi các hành động của họ trên khu vực Biển Đông,
khẳng định sức mạnh của họ cũng như tăng cường sự diện diện của họ,” ông nói.
“Cho đến năm 2022 cũng vậy khi mà cả thế giới đang tập trung vào cuộc chiến ở
Ukraine, và bản thân Trung Quốc cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ không lợi dụng làm
giống như Nga đã làm ở Ukraine. Tuy nhiên những hành động của Trung Quốc trên
khu vực Biển Đông vẫn luôn luôn thể hiện.”
Nhà quan sát này liệt kê những vụ việc mà trong đó Trung Quốc bị nói là
xâm phạm vùng nhận diện phòng không hoặc vùng trời của Malaysia hay cho tàu vào
“quấy nhiễu” trong vùng biển Bắc Natuna của Indonesia và các nước khác, cũng
như tăng cường bồi lấp những thực thể mà nước này kiểm soát.
“Dựa trên tất cả những hành động đó thì có thể thấy một điều rằng là dự
báo trong năm 2023 chắc chắn những hành động của Trung Quốc không hề suy giảm bởi
vì mục tiêu của họ là chiếm đoạt Biển Đông để họ trở thành cường quốc. Từ sức mạnh
đó họ có thể cạnh tranh với sức mạnh của nước Mỹ.”
Mỹ không có lập trường chính thức ủng hộ nước nào trong những tranh chấp
ở Biển Đông, nhưng luôn nói họ có toàn quyền hoạt động ở nơi mà họ xem là vùng
biển quốc tế. Điều này bao gồm điều tàu chiến của Hải quân Mỹ đi ngang qua các
thực thể do Trung Quốc nắm giữ, bao gồm các đảo nhân tạo được trang bị đường
băng và các cơ sở quân sự khác.
Vào tháng 1, một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ mang tên “Ranh giới trên
Biển” khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông gần như hoàn
toàn vô giá trị. Nó cũng nói rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn
100 thực thể ngập nước khi thủy triều lên là không phù hợp với luật pháp quốc tế;
rằng yêu sách bao phủ vùng biển rộng lớn không có sơ sở trong luật pháp quốc tế;
và rằng việc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển dựa trên việc định danh từng
nhóm đảo như một tổng thể là “không được luật pháp quốc tế cho phép.”
“Các yêu sách hàng hải rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp
với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển
năm 1982,” nghiên cứu của Mỹ nói.
Về phần mình, Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ đối với vùng biển
đã được xác lập qua một thời kì lịch sử lâu dài và bác bỏ lập luận của phía Mỹ
là “tùy tiện diễn giải sai công ước.”
Gregory Poling, nhà nghiên cứu cao cấp và giám đốc Chương trình Minh bạch
Hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington,
nói những hành động mang tính “cưỡng ép” của Trung Quốc đang đưa tới một sự dịch
chuyển chính sách ở Philippines về Biển Đông, điều mà ông nói là diễn biến quan
trọng nhất ở khu vực này trong năm 2022.
“Dưới chính quyền mới của Marcos Jr., Philippines đang nhanh chóng hiện
đại hóa quan hệ đồng minh với Mỹ và kháng cự một cách công khai hơn những hành
động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông,” ông nói.
“Bắc Kinh đã tăng tốc điều đó bằng cách ngăn chặn các nhiệm vụ tiếp tế
của Philippines tới các tiền đồn của họ, bao vây các rạn san hô trong vùng đặc
quyền kinh tế của Philippines bằng các tàu dân quân, và gần đây nhất là nghênh
cản một cách nguy hiểm một tàu Tuần duyên của Philippines đang kéo các mảnh vỡ
tên lửa của Trung Quốc rơi xuống gần một trong những hòn đảo do Philippines chiếm
giữ.”
Ông nói thêm:
“Bất chấp những lời lẽ về chuyện giải quyết tranh chấp một cách hòa
bình, Trung Quốc dường như không thể thay đổi hướng đi ở Biển Đông—họ tiếp tục
dựa vào sự cưỡng ép và bắt nạt để thúc đẩy các yêu sách của mình theo cách liên
tục thúc đẩy các bên đoi chủ quyền ở Đông Nam Á tìm kiếm các mối quan hệ gần
gũi hơn với Mỹ, với nhau và với các bên ngoài khu vực khác. Điều đó hoàn toàn
ngược lại với những gì Trung Quốc mong muốn.”
Chuyên gia Hoàng Việt lưu ý rằng Việt Nam, một trong những nước có
tranh chấp chủ quyền đôi khi căng thẳng với Trung Quốc, trong những năm gần đây
đang thúc đẩy quan hệ với nhiều quốc gia khác ngoài khu vực tranh chấp bao gồm
Mỹ, các nước Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ. Tất cả các nước này từng lên
tiếng ủng hộ một vùng Biển Đông tự do và rộng mở cũng như bày tỏ lo ngại về những
hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong khu vực.
“Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á đều muốn thực sự vấn đề Biển
Đông không chỉ còn là vấn đề riêng của các nước Đông Nam Á và Trung Quốc nữa mà
nó là vấn đề của thế giới, bởi vì Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trên
toàn thế giới,” ông nói.
No comments:
Post a Comment