'Nhà ngoại giao tài năng' Phạm Bình Minh phải về, ‘để lại khoảng trống’?
BBC News Tiếng Việt
14 tháng 1 năm 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crg67ze0px0o
Việc cùng lúc đưa hai Phó thủ tướng Việt Nam
có trình độ học vấn từ Phương Tây “về vườn” vẫn tiếp tục được các
báo khu vực bình luận.
Các ông Phạm
Bình Minh và Vũ
Đức Đam bị Đảng Cộng sản Việt Nam thôi chức vụ trong diễn
biến được dư luận nước này quan tâm.
Cả hai bị cho là phải “chịu trách nhiệm chính trị” để làm
gương cho các lãnh đạo, cán bộ cao cấp khác ở Việt Nam, theo một bài
báo nhắc lại Hội nghị bất thường cuối tháng 12/2022 của Trung ương
đảng cầm quyền ở nước này.
Trong bài tiếng Anh trên trang The
Diplomat hôm 11/01/2023, tác giả Nguyễn Hồng Hải
từ Úc cho rằng riêng việc “sa thải ông Phạm Bình Minh khiến quan hệ
đối ngoại của Việt Nam trở nên khó khăn hơn”.
Tuy báo chí Việt Nam cố gắng diễn giải đây không phải là vụ
sa thải, mà là “cho thôi chức vụ” vì trách nhiệm chính trị, việc để
ông Minh rời các vị trí trong Bộ Chính trị và Chính phủ giữa nhiệm
kỳ ĐH Đảng đặt ra câu hỏi lớn, theo tác giả từ Úc.
Đương kim Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thì đã bị "đề
nghị kỷ luật" trong Đảng CS, theo báo VN.
Đề nghị
kỷ luật ông Bùi Thanh Sơn
Rào cản
thị thực với người nước ngoài đến VN
Bài trên The Diplomat nhận định rằng dù Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn
“sống sót và giữ ghế, việc ra đi bất chợt, giữ nhiệm kỳ của ông
Phạm Bình Minh là một bước lùi của ngoại giao Việt Nam”.
“Điều này để lại khoảng trống (vacuum) trong nhóm lãnh đạo
ngành ngoại giao.”
Việc ra đi của ông Minh xảy ra đúng vào lúc Việt Nam “hết sức
cần có một nhà ngoại giao kinh nghiệm, tài năng và một lãnh đạo có
khả năng lèo lái trong một môi trường khu vực đang có cạnh tranh giữa
các cường quốc...”
Một trong những vấn đề là việc nâng cấp quan hệ ngoại giao
với Hoa Kỳ, ông
Nguyễn Hồng Hải viết từ Centre for Policy Futures, ĐH
Queensland, Úc. Và các hồ sơ quan trọng như chiến tranh của Nga ở
Ukraine, Biển Đông...cần ngoại giao giỏi.
Chưa kể năm 2023 này là năm nhiều dịp kỷ niệm quan hệ ngoại
giao quan trọng của CHXNCN VN với các nước khác.
Năm nay 63 tuổi, nếu được tiếp tục một nhiệm
kỳ nữa trong Bộ Chính trị, ông Minh thậm chí có tiềm năng giữ một
trong bốn ghế “tứ trụ” ở Việt Nam, bài báo suy luận.
Đặc biệt, Nguyễn Hồng Hải trích nguồn từ
Hoa Kỳ nói ông Phạm Bình Minh có tiếng là một “nhà ngoại giao có
năng lực nhất châu Á”.
Đó là sự kiện ngày 24/09/2014 của Hội Asia
Society tại New York, khi chủ tịch Hội, bà Josette Sheeran đã giới
thiệu “Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao VN lên phát biểu”.
Bà trích lời cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd ca
ngợi ông Phạm Bình Minh là “một trong những nhà ngoại giao tài giỏi
nhất của toàn châu Á” (one of the most skilled diplomats of all of Asia).
Theo cách nói tiếng Anh của người Phương Tây mà BBC tìm hiểu,
“all of Asia” có nghĩa là toàn bộ châu Á, từ Nam Á sang tới Đông Nam
Á, và Đông Á, một đánh giá hết sức cao dành cho nhà ngoại giao từ
Việt Nam.
Trên đường dẫn của Asia Society còn bài phát biểu và trả lời
câu hỏi của ông Phạm Bình Minh hoàn toàn bằng tiếng Anh dài 1 tiếng.
Ông giải thích vị thế của Việt Nam trong bối cảnh “thời sự
vùng Đông Nam Á xoay chuyển, và nhu cầu cân bằng quan hệ với Trung
Quốc và Hoa Kỳ của Việt Nam. Ông cũng nói Việt Nam có thể đóng góp
ra sao vào một châu Á-Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng hơn.
Đây là sự kiện diễn ra bên lề Đại hội đồng LHQ họp tại New
York tháng 9/2014.
Cũng vào dịp này, ông Phạm Bình Minh đã tới thăm Bộ Ngoại giao
Hoa Kỳ ở Washington, DC, ngày 2/10/2014.
https://ichef.bbci.co.uk/news/640/cpsprodpb/c6e4/live/56fae240-932c-11ed-80d6-337feeda602f.jpg
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony
Blinken gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại một cuộc họp song phương ở
Washington, DC, hồi tháng 5/2022
.
Các ý kiến khác về hướng đi của đối ngoại
VN
Tin hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị sa thải sau cuộc
bỏ phiếu tại Quốc hội VN tuần đầu năm mới 2023 được nhiều báo quốc
tế đăng tải.
Ngoài các báo khu vực như Bangkok Post, đài NHK của Nhật Bản,
hãng tin Anh Reuters, trang Financial Times (FT, 05/01) có uy tín với giới
kinh tế trên toàn cầu đánh giá rằng vụ việc “đem lại khó khăn trước
mắt cho chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính”.
Trang FT còn cho rằng đây là dấu hiệu TBT Đảng CS VN, Nguyễn
Phú Trọng “củng cố thêm quyền lực”.
NHK của Nhật trong bài tiếng Anh thì nhắc đến vụ scandal
“chuyến bay giải cứu” và “tiền tham nhũng liên quan đến chiến dịch
xét nghiệm Covid” ở Việt Nam thời gian trước, là lý do hai ông bị Minh
và Đam bị sa thải.
Trước đó, dư luận Việt Nam đã nhận được các tín hiệu rằng
ngành ngoại giao bị “rọi đèn” sau các vụ bắt, gồm cả một thứ
trưởng, và sau đó là trợ lý của ông Phạm Bình Minh.
Ở VN, việc ai đó bị kỷ luật hoặc công khai nhắc nhở về mặt
Đảng chỉ là thủ tục để dẫn tới việc mất chức vụ trong chính
quyền, thậm chí có thể dẫn tới truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngay từ hôm 30/12/2022, một tác giả từ Việt Nam có bài
trên Diễn
đàn BBC News Tiếng Việt cho rằng việc loại các ông Phạm
Bình Minh và Vũ Đức Đam “gây tốn thất cho ngành ngoại giao” của quốc
gia này.
Tuy thế, có luồng dư luận cho rằng việc quy chiếu các thay đổi
nhân sự cao cấp qua lăng kính quan hệ Việt -Trung, hoặc Mỹ – Việt, chưa
hẳn đã phản ánh hết tình hình.
Luồng dư luận này tỏ ra thất vọng trước điều gọi là sự thăng
tiến của phái “kỹ trị, Tây học” khi mà họ không hề tránh khỏi các
vấn đề nghiêm trọng như khả năng quản trị, điều hành, thậm chí mắc
vào tham nhũng.
Một phần dư luận khác thì tin rằng bất cứ lãnh đạo Việt Nam
nào dính vào bê bối đều phải chịu trách nhiệm.
Cùng thời gian, một số trang mạng tiếng Việt ở hải ngoại nêu
ra các suy luận khác nhau về những vụ việc gần đây, và quy về một
cuộc đấu tranh quyền lực bộ ở cấp cao.
Truyền
thông chính thống của VN tuy thế bác bỏ luận điểm này và nói
chống tham nhũng là “chặt cành để cứu cây”, không phải là "đấu đá
nội bộ".
No comments:
Post a Comment