Cali Today News
January 26, 2023
Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho
hay tại Việt Nam, Tết con Mèo năm nay là dịp Tết đầu tiên không còn đại dịch
Covid, tuy nhiên, không khí lo ngại dịch bệnh tái phát vẫn ám ảnh nhiều người,
trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh tại quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Theo một số nhân chứng tại chỗ, lo ngại nguy
cơ dịch bệnh và đời sống khó khăn hơn đối với đông đảo dân nghèo là hai nét nổi
bật của không khí Tết Quý Mão này. Một dấu hiệu được truyền thông trong nước và
nhiều người dân ghi nhận là tình trạng chợ hoa Tết tại các thành phố lớn rất ế ẩm.
Đây là điều khác thường so với những năm trước.
Ngày mùng Một Tết, 22/1/2023, ông Trần Hữu
Ngư, quận Bình Thạnh (Sài Gòn), cho biết cảm nhận của ông về dịp Tết Quý Mão
năm nay:
“Nói chung quy lại dân Việt Nam năm nào đến Tết
họ cũng háo hức lắm. Năm nay tình hình ở Sài Gòn, các chợ hoa và ngày mùng Một
và ngày 30 không đông đúc như mọi khi. Dịch Covid đã qua, nhưng có lẽ tình hình
đời sống, kinh tế, tiền bạc họ không có dư dả, nên năm nay không ăn Tết nhiều
như những năm trước.
Thứ hai là các chợ búa không bán sầm uất như
cách đây ba, bốn năm. Người ta cứ nói là hàng không thiếu. Đúng! Nhưng mà phải
biết là tiền đâu mà người ta mua. Điều quan trọng là ở chỗ đó. Người ta nhìn vô
chợ hoa, năm nào mà người ta đi sắm hoa nhiều, thì biết là đời sống người ta
sung túc. Chợ hoa ế vô cùng tận luôn. Người ta lo cái ăn thôi, không có lo chuyện
hoa với các chuyện bề nổi nữa. Người ta lo cái bao tử trước cái đã! Tết năm nay
so với mọi năm thì thua xa.
Bây giờ bước ra ngoài chợ, hồi trước mua một
món hàng, ví dụ một ngàn đồng, bây giờ phải hai ngàn đồng. Hồi trước một ổ bánh
mì không, nhỏ xíu nghen, ba ngàn đồng. Một ổ bánh mì bây giờ là bốn ngàn. Chỉ
nói một ổ bánh mì là biết giá cả gia tăng thế nào. Tôi đi chợ, tôi hỏi cái này
bao nhiêu tiền? Bà nói, tôi giựt mình. Trời, sao nó đắt dữ vậy! Bà nói hình như
ông đi chợ lần đầu. Tôi nói đúng: “Bữa nay bà xã tôi có việc, tôi phải đi chợ”.
Bà nói một câu, mình thấy thấm thía. Tôi hỏi: “Bà thử chỉ cho tôi thứ gì ở đây
rẻ nhứt”. Bà ấy nói: “chỉ có tôi là rẻ!” Chỉ có con người là rẻ.
Mong mỏi của người dân nói chung, và Sài Gòn
nói riêng, là đừng có dịch mới nữa. Sợ lắm! Trung Quốc bây giờ chết nhiều lắm,
nhưng chính quyền Trung Quốc lại mở cửa ra cho dân đi khắp các nơi. Nước nào mà
không kiểm soát nổi thì chết ráng chịu. Mong sao dịch không xảy ra”.
Nhiều địa phương tại Việt Nam vẫn bắn pháo hoa
mừng Tết năm nay, riêng tỉnh Quảng Nam quyết định không tổ chức bắn pháo hoa
Giao thừa tại thành phố Hội An và Tam Kỳ. Một số người liên tưởng giữa việc
chính quyền tỉnh không cho bắn pháo hoa với việc ông Nguyễn Xuân Phúc, chính trị
gia người gốc Quảng Nam, vừa bị buộc thôi chức Chủ tịch Nước, sau hơn một năm nắm
quyền, ít ngày trước dịp Tết cổ truyền. Đây là lần đầu tiên diễn ra sự kiện một
Chủ tịch Nước bị buộc thôi chức trong chế độ do đảng CSVN lãnh đạo.
Trả lời RFI tiếng Việt, một số doanh nhân xin ẩn
danh cũng bày tỏ lo ngại về những đảo lộn có thể về chính sách kinh tế vĩ mô,
sau vụ nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bị buộc phải thôi chức Chủ tịch Nước,
đe dọa khu vực kinh tế tư nhân. Trên Nikkei Asia, nhà phân tích Zachary Abuza
nhận định là chiến dịch chống tham nhũng đang gây bối rối cho các nhà đầu tư
ngoại quốc, vì nhiều nạn nhân hàng đầu của chiến dịch này lại là các nhà quản
trị có năng lực.
Tuyến Cáp Quang APG, Gặp Thêm Trục Trặc Đúng
Vào Ngày 30 Tết!
– Vào ngày 21/1/2023, tức 30 Tết Quý Mão, tuyến
cáp quang biển quốc tế APG (Asia Pacific Gateway) bị đứt trên nhánh S9 hướng kết
nối đi Tân Gia Ba.
Mạng báo Công lý của Tòa án Nhân dân Tối cao
Việt Nam loan tin trong cùng ngày. Đây là trục trặc mới trên tuyến APG và là trục
trặc đầu năm 2023. Lần đứt cáp mới này được cho biết gây mất toàn bộ dung lượng
cáp APG hướng kết nối đi Tân Gia Ba và Nhật Bản.
Mới vào ngày 26/12/2022 trục trặc trên phân đoạn
S6 gần Hồng Kông của tuyến này xảy ra và đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đây
là lần thứ tư trong năm 2022, tuyến cáp APG gặp ‘trục trặc”. Tuyến này có sự
tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC
Telecom.
Cáp APG có chiều dài khoảng 10.400 cây số, tuyến
cáp này được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng
thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hồng
Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Nam Hàn, Mã Lai Á, Tân Gia
Ba, Thái Lan và Việt Nam.
Hai tuyến cáp quang biển AAG (Asia America
Gateway) và Asia-Africa-Euro 1 (AAE-1) đến thời điểm 26/12/2022 bị “trục trặc”
mà vẫn phải sửa chữa chưa xong.
Ba tuyến cáp quang biển này thuộc năm tuyến
chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Hai tuyến
kia là SEA-ME-WE3 (SMW3) và Liên Á (IA-Intra Asia).
Chuyện Tranh Chấp, Đấu Đá Trong Nội Bộ Đảng,
‘Nhân Dân’ Không Có Mặt Trong Mọi Chuyện Này!
Có hệ thống chính trị nào đại diện cho “ý chí,
nguyện vọng” của dân chúng một quốc gia lại răm rắp thực thi chỉ đạo miễn nhiệm
nguyên thủ như Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam?
Từ Tổng Bí thư đến các thành viên trong Ban Chấp
hành Trung ương đảng CSVN khóa 13 cùng coi nhẹ người dân, và có thể nhận ra điều
đó từ thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13 về hội nghị bất thường
lần thứ ba. Bên dưới là toàn bộ thông cáo này – xin dẫn nguyên văn….
Ngày 17/1/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện
vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của đồng chí Nguyễn Xuân
Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ
tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an
ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo
chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng;
được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ Chính trị các khóa tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng
của Đảng và Nhà nước. Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, đồng
chí đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống
dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đồng chí chịu trách nhiệm
chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ
tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 đồng
chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 Bộ trưởng và nhiều cán bộ bị
giải quyết hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí
đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và
xem xét nguyện vọng của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng
đồng ý để đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị,
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị
chỉ đạo các cơ quan liên quan khai triển thực hiện các thủ tục theo quy định
(1).
***
Thông cáo tuy gọn lỏn – chỉ có 389 chữ nhưng vẫn
bộc lộ rất rõ sự coi thường nhân dân của cả Tổng Bí thư lẫn các thành viên Ban
Chấp hành Trung ương đảng khóa 13. Trong thông cáo vừa đề cập, chỉ có một chỗ
nhắc tới… “nhân dân” nhưng đó là “nhân dân” trong nhận thức về trách nhiệm của
riêng “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc. Tổng Bí thư và các Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương đảng khóa 13 chỉ tham gia… “chứng thực”, rằng “đồng chí” Nguyễn Xuân
Phúc xin… tự rời chức, và… “nhất trí” cho “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc… được thực
hiện nguyện vọng.
“Vi phạm, khuyết điểm” của “hai đồng chí Phó
Thủ tướng, ba Bộ trưởng” tuy “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và bất kể nhân dân
là đối tượng đã cũng như đang trực tiếp gánh chịu các “hậu quả rất nghiêm trọng”
ấy nhưng Tổng Bí thư và các thành viên Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13 vẫn
thản nhiên hành xử như các… quan sát viên và… trọng tài (xem xét và đưa ra quyết
định về nguyện vọng của “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc)….
Tại sao đảng giành quyền sắp đặt các “đồng
chí” như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh
Long,… làm Chủ tịch Nhà nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bộ này, bộ khác, rồi Chủ
tịch thành phố nọ, tỉnh kia… vì đó là Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chấp
hành Trung ương của đảng mà không nhận trách nhiệm khi lựa sai, chọn lầm, giám
sát lỏng lẻo nên không phát giác, ngăn chặn kịp thời các “vi phạm, khuyết điểm”
để… “tự rời chức” và “xin lỗi” khi nhân dân liên tục phải gồng gánh đủ loại “hậu
quả rất nghiêm trọng” không ngừng rơi xuống vai họ?
Trong lịch sử nhân loại, có tổ chức chính trị
nào khi tham gia cầm quyền lại độc đoán và trịch thượng tới mức, sau khi thản
nhiên thừa nhận các thành viên do mình lựa chọn, sắp đặt đã “gây hậu quả rất
nghiêm trọng” không những không nhận trách nhiệm, không xin lỗi dân chúng mà
còn khơi khơi ra những lệnh kiểu như: Giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan
liên quan khai triển thực hiện các thủ tục theo quy định?
Có hệ thống chính trị nào đại diện cho “ý chí,
nguyện vọng” của dân chúng một quốc gia lại răm rắp thực thi chỉ đạo miễn nhiệm
nguyên thủ như Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam (2)? Có xứ sở nào mà những cá
nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chỉ tự kiểm với tổ chức
chính trị mà mình là thành viên, dẫu có tự xử hay bị xử thì cũng chẳng bao giờ
thèm mở miệng xin lỗi đối tượng mà họ phục vụ? Chẳng lẽ trong mắt Tổng Bí thư
và các thành viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN nhân dân… vô giá trị, có
quyền rẻ rúng nên mới thản nhiên thể hiện sự xem thường đến mức như vậy?
No comments:
Post a Comment