NATO
và Liên Âu tăng cường hợp tác để đối phó với Nga
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 10/01/2023 - 11:51
Hãng tin AFP hôm qua, 09/01/2023, cho biết, trong một
tuyên bố chung, khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu cam kết sẽ tăng cường hợp tác do
cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina đe dọa đến an ninh của châu Âu.
Ảnh minh họa : Cờ của
NATO và các nước thành viên tại trụ sở NATO ở Bruxelles, Bỉ. AP - Olivier
Matthys
Bản tuyên bố chung nói trên sẽ được ký kết hôm nay
(10/01) bởi tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu
Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Từ nhiều năm qua, hai tổ chức này, đều có trụ sở ở Bruxelles, vẫn tìm
cách cải thiện khả năng phối hợp với nhau, xóa tan mối quan ngại là việc Liên
Âu tăng cường khả năng phòng thủ sẽ gây tổn hại đến liên minh quân sự do Mỹ
lãnh đạo.
Sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược
Ukraina vào tháng 2/2022, đã có nhiều lời kêu gọi NATO và Liên Âu nên khai thác
tốt hơn sức mạnh kinh tế châu Âu và sức mạnh quân sự của Mỹ để đối phó với mối
đe dọa từ Matxcơva.
Bản tuyên bố chung của NATO và Liên Âu, mà AFP tham khảo được, khẳng định: "NATO vẫn là nền tảng cho phòng thủ tập thể
của các đồng minh trong khối này và vẫn mang tính thiết yếu đối với an ninh ở
hai bờ Đại Tây Dương. Chúng tôi nhìn nhận giá trị của một nền phòng thủ châu Âu
mạnh hơn và hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào an ninh thế giới và mang tính bổ
sung cho NATO”.
Hai tổ chức này cam kết sẽ nâng quan hệ đối tác “lên một mức độ
cao hơn” và huy động “toàn bộ các công cụ đang có trong tay, từ
chính trị, kinh tế, cho đến quân sự, để thực hiện các mục tiêu chung vì lợi ích
của một tỷ công dân của chúng ta".
Hoa Kỳ cũng đang gây áp lực để Liên Hiệp Châu Âu có một lập trường cứng
rắn hơn với Trung Quốc. Bản tuyên bố chung của NATO và Liên Âu nhấn mạnh: “Thế
lực ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc và các chính sách của nước này là những
thách thức mà chúng ta phải đối phó”.
------------------------------
LIÊN QUAN
NATO,
EU củng cố cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine
11/01/2023
https://www.voatiengviet.com/a/nato-eu-cung-co-cam-ket-vien-tro-quan-su-cho-uraine/6912866.html
Các nhà lãnh đạo NATO và Liên hiệp châu Âu củng cố
cam kết cung cấp cho Ukraine hỗ trợ quân sự để chống lại cuộc xâm lược kéo dài
gần một năm của Nga, bao gồm cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến và các thiết
bị khác.
https://gdb.voanews.com/0c2aaa8e-acb0-4d9b-b026-eb5260991bff_w1023_r1_s.jpg
Chủ tịch Hội đồng Châu
Âu Charles Michel, trái, Tổng thư ký
NATO Jens Stoltenberg, giữa, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der
Leyen, phải, bắt tay sau lễ ký kết Tuyên ngôn chung thứ 3 hợp tác NATO-EU tại
trụ sở NATO ở Brussels, ngày 10/1/2023.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 10/1 nói với báo giới
bà nghĩ rằng Ukraine nên có tất cả các thiết bị quân sự cần thiết để tự vệ, “bởi
vì họ cũng bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc, về các
quyền cơ bản và luật pháp quốc tế.”
Phát biểu cùng với bà von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu
Charles Michel sau cuộc họp tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
hoan nghênh các loan báo trong những ngày gần đây của Hoa Kỳ, Đức và Pháp về kế
hoạch cung cấp cho Ukraine các loại thiết giáp và xe bọc thép mới. Ông nhấn mạnh
sự cần thiết phải tập trung vào huấn luyện, bảo trì và đạn dược cho các hệ thống
hiện có mà các đồng minh đã gửi cho lực lượng Ukraine.
“Các đồng minh NATO và các thành viên EU đã dốc hết
nguồn dự trữ của họ để hỗ trợ cho Ukraine, và đó là điều đúng đắn vì đây cũng
là vấn đề an ninh của chúng tôi và tất nhiên chúng tôi cần sử dụng khả năng,
kho dự trữ, đạn dược của mình để hỗ trợ Ukraine.”
Ông Stoltenberg nói thêm rằng mặc dù các lực lượng Ukraine có thể gây tổn
thất cho quân đội Nga, nhưng không nên đánh giá thấp Nga và Tổng thống Vladimir
Putin không có dấu hiệu thay đổi “mục tiêu tổng thể của cuộc chiến tàn khốc của
ông ta chống lại Ukraine”.
“Chế độ ở Moscow muốn một châu Âu khác. Họ muốn kiểm
soát các nước láng giềng và coi dân chủ và tự do là mối đe dọa,” ông
Stoltenberg nói. “Điều này sẽ có những hậu quả lâu dài đối với an ninh của
chúng ta, vì vậy chúng ta phải tiếp tục củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương
quan trọng trong NATO, chúng ta phải tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác giữa
NATO và Liên hiệp châu Âu, và chúng ta phải tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ của
mình đối với Ukraine.”
.
Trận Bakhmut
Bộ Quốc phòng Anh ngày 10/1 nói các lực lượng Nga và những người thuộc
nhóm lính đánh thuê Wagner “có lẽ hiện đang kiểm soát” phần lớn Soledar, một thị
trấn khai thác muối ở miền đông Ukraine, nằm ở một trong những khu vực giao
tranh ác liệt nhất.
Cuộc chiến giành Soledar đã dẫn đến tổn thất nặng nề cho cả hai bên.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu hàng đêm
hôm 9/1, đã mô tả sự tàn phá ở Soledar: “Hầu như không còn bức tường nào nguyên
vẹn.”
“Nhờ sự kiên cường của các chiến binh của chúng tôi ở Soledar, chúng
tôi đã có thêm thời gian và thêm sức mạnh cho Ukraine,” ông Zelenskyy nói.
Cách Soledar khoảng 10 km là Bakhmut, mà Bộ Quốc phòng Anh cho biết
trong bản đánh giá hàng ngày mới nhất, có khả năng là mục tiêu chính của Nga ở
Ukraine.
“Mặc dù gia tăng áp lực lên Bakhmut, nhưng Nga khó có thể bao vây thị
trấn ngay lập tức vì lực lượng Ukraine duy trì các tuyến phòng thủ ổn định theo
chiều sâu và kiểm soát các tuyến đường tiếp tế”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Một quan chức quân sự cấp cao của Hoa Kỳ, người đã nói chuyện với các
phóng viên hôm 9/1 với điều kiện giấu tên, đã gọi cuộc chiến ở Bakhmut là “thực
sự tàn bạo”.
“Tàn bạo là hàng ngàn quả đạn pháo này tới hàng ngàn quả đạn pháo khác
đã được rót xuống giữa cả hai bên,” quan chức này nói, đồng thời cho biết thêm
rằng lực lượng lính đánh thuê Nga hy sinh những người lính yếu hơn của họ bằng
cách đưa họ ra tiền tuyến.
Quan chức này nói các binh sĩ yếu hơn “về cơ bản sẽ phải chịu đòn” và rằng
các lực lượng được huấn luyện tốt hơn sẽ “di chuyển đằng sau họ để chiếm đất.”
No comments:
Post a Comment