DAVOS: Nước
Mỹ đang suy tàn hay “America First” đang trở lại?
Việt Linh
January 25, 2023
Một nước Mỹ đã bị đánh bại ở Afghanistan, một thời đại độc tài mới do
Trung Quốc lãnh đạo với sự hỗ trợ từ nước Nga đang lao đao vì tham vọng xâm lược
của Vladimir Putin.
Thế giới đang bi quan hay lạc quan khi nhìn về nước Mỹ và sức mạnh của
hai lĩnh vực quan trọng nhất, quân sự và tài chính của nước Mỹ.
Tôi không sống ở Mỹ nhưng tôi yêu nước Mỹ nhưng không phải là yêu vô điều
kiện, yêu bất chấp, yêu điên cuồng, đặc biệt là bởi vì nước Mỹ có những điểm
tương quan với những quốc gia dân chủ mà tôi đang sống, đó là “tự do và dân
chủ”, nhưng cũng vẫn là những từ ngữ giống nhau, “tự do và dân chủ”
nhưng người sống ở Mỹ nhìn nhận và đón nhận nó khác với những quốc gia khác.
Nhưng ai cũng phải đồng ý với tôi rằng, dù yêu hay ghét nước Mỹ, dù
thích hay không thích người Mỹ, thì mọi sinh hoạt từ văn hóa, kinh tế đến chính
trị, cả thế giới này đều bị cuốn hút vào nước Mỹ, vì bất cứ tin vui tin buồn,
tin tích cực hay tiêu cực đến từ nước Mỹ đều ảnh hưởng đến thế giới, dù muốn dù
không.
Rõ ràng, thế giới chúng ta không còn sống trong “thời điểm đơn cực”
của đầu những năm 1990 hay kỷ nguyên của một siêu cường duy nhất và không thể
thay thế, như nhận định của các nhà ngoại giao ưu ái dành tặng cho Hoa Kỳ vào đầu
thế kỷ 21.
Các quốc gia Châu Âu nói riêng và cả thế giới nói chung đã cảm thấy lo
lắng khi nhận thấy một nước Mỹ ngày nay đang cổ súy những quan điểm thờ ơ về
toàn cầu hóa và trật tự thế giới tự do, khép mình vì hỗn loạn xã hội và chính
trị phân cực trong lòng nước Mỹ, khiến họ không còn đủ nguồn lực, không còn thiết
tha đến việc nắm vững trọng trách là một quốc gia dân chủ đầu đàn có trách nhiệm
như vào cuối thế kỷ 20.
Nhưng trước tiên, chúng ta hãy lắng nghe những mặt tích cực mà qua diễn
đàn kinh tế Davos, những nhà kinh tế, những chính trị gia, họ đã thấy gì, nhận
biết gì về một nước Mỹ ngày nay sau 6 năm, sau một nhiệm kỳ đáng xấu hổ của một
Tổng thống tệ hại người đã trực tiếp đánh đổ tất cả những thành tựu ngoại giao,
kinh tế, uy tín của nước Mỹ.
Tổng thống Joe Biden có lẽ đã không nghĩ đến sự trớ trêu về thời cuộc
không thể đoán trước được dù nước Mỹ có một cơ quan tình báo CIA với quyền lực
và phạm vi hoạt động khắp thế giới, ông cũng không thể đoán trước được các cuộc
chiến nào sẽ chấm dứt hay bắt đầu, sau khi Tổng thống Biden ra lệnh chấm dứt cuộc
chiến vô ích kéo dài 20 năm ở Afghanistan và rút quân Mỹ khỏi Kabul, nhường lại
cuộc chiến 20 năm cho Taliban và khiến các đồng minh của ông tức giận về quyết
định bất ngờ, không thông báo cho đồng minh.
Chỉ vài tháng sau đó thì Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội của mình
xâm lược Ukraine. Ngay sau đó, một nhà ngoại giao châu Âu ở Washington đã chỉ
trích mạnh mẽ về đội ngũ chính sách đối ngoại thiếu kinh nghiệm của Tổng thống
Mỹ, làm việc bất nhất, xem thường đồng minh. Nhận thức của một nhà ngoại giao về
một siêu cường đang suy tàn dường như khẳng định niềm tin của Putin rằng Hoa Kỳ
không đủ can đảm hoặc cơ bắp để cản đường ông ta ở Ukraine.
Nhưng thực ra, nhìn từ nhiều khía cạnh khác, thì người chiến thắng duy
nhất trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine cho đến nay chính xác là Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ chiếm gần một nửa khả năng quân sự của thế giới, dù mạnh và đã tốn
bao công sức và tiền của đổ vào hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, đó là một
ký ức tồi tệ, khó phai mờ nhưng Hoa Kỳ vẫn có đủ tự tin để bảo đảm với các nước
bạn bè Đồng Minh và cả kẻ thù về ưu thế không thể phủ nhận của mình để tiếp tục
là đầu tàu của thế giới về nhiều phương diện như bảo vệ nền dân chủ nước nhà
cũng như của thế giới, giúp ổn định trật tự thế giới dù bất cứ nơi đâu.
Trước mắt, nhìn về đất nước Ukraine, khi họ được trang bị và hỗ trợ
quân sự bởi Washington, người Ukraine không chỉ chống trả được cuộc tấn công mà
còn tiêu diệt một phần lớn sức mạnh của quân đội Nga. Washington, không ra mặt
đấu trực tiếp nhưng đã nhận được điểm cộng cho chính sách ngoại giao của mình.
Các nước Đồng Minh cũng khen ngợi chính sách khôn khéo của Hoa Kỳ qua cuộc chiến
Ukraine.
François
Heisbourg, nhà quan sát kỳ cựu và thường chỉ trích người Mỹ về chính sách đối
ngoại cũng phải thốt lên rằng: “Hoa Kỳ đã dẫn đầu một cách thuyết phục
và khá khéo léo trong vấn đề Ukraine. Người Mỹ đang đưa chúng ta trở lại một
thế giới được dẫn dắt bởi một nước Mỹ hùng mạnh cách đây khoảng hai thập niên”.
Một nguồn sức mạnh khác của Mỹ lại đến một cách tình cờ từ một địch thủ
mạnh khác, đó là Trung Quốc. Khi quân đội của Putin tan nát trên chiến trường,
Tập Cận Bình đã quản lý sai cách ứng phó với Covid và củng cố chế độ độc tài tại
đại hội đảng của mình theo cách khiến các nước láng giềng và các nhà đầu tư bỏ
chạy. Trung Quốc lại gặp thêm vấn nạn quốc gia với dân số già mau hơn dự đoán
và tăng trưởng chậm lại vì họ đã bế quan tỏa cảng trong gần ba năm đại dịch khiến
kinh tế chậm lại khá nặng nề.
Điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không còn là mối nguy hiểm với
thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng vì những nhược điểm của Trung Quốc có thể
khiến Tập cận Bình trở nên khó dự đoán hơn và nguy hiểm hơn.
Nhưng, qua diễn đàn Davos, nhiều chuyên gia kinh tế trước đây từng đưa
ra ý tưởng rằng Trung Quốc sẽ sớm thay thế Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế
giới nghe có vẻ hơi đáng sợ, nhưng với Davos năm nay, không ai muốn nhắc lại những
dự đoán xem ra khó có thể trở thành hiện thực trong ít nhất 20 năm nữa.
Sự bi quan đối với nền kinh tế Trung Quốc và triển vọng khả quan của
châu Âu làm tăng thêm sức hấp dẫn của Mỹ, đặc biệt đối với giới tinh hoa kinh
doanh.
Và qua Davos 2023, một cảm nhận mới được ghi nhận, đó là: “Hoa Kỳ, trong
hầu hết mọi lĩnh vực, vẫn là thị trường hấp dẫn nhất, không chỉ về quy mô
mà cả sự đổi mới,”.
Vas
Narasimhan, người điều hành nhà sản xuất dược phẩm Thụy Sĩ Novartis, công ty dược
phẩm lớn thứ tư thế giới với một sự hiện diện lớn ở Massachusetts, nhận định rằng:
“Khi thế giới lo lắng về suy thoái kinh tế có thể xảy ra, thì sự trở lại
mạnh mẽ của Hoa Kỳ sẽ giúp tất cả chúng ta vượt qua viễn cảnh suy thoái đó
một cách tốt nhất.”
Quan điểm lạc quan này về Hoa Kỳ không nhằm mục đích hâm nóng ngọn lửa
yêu nước hay đảng phái của thế giới khi nhìn về nước Mỹ.
Nhưng những lo lắng về nước Mỹ cũng đáng để chúng ta lắng nghe, vì những
vấn đề đó tiết lộ sự lạc quan về nước Mỹ và tình hình thế giới.
Sau kỷ nguyên xấu xí, tệ hại thời Trump, mọi người đã có thể thoải mái
bỏ qua những nghi ngờ về sự ổn định của hệ thống Mỹ, ngay cả khi cuộc bầu cử giữa
nhiệm kỳ đã gửi đi một thông điệp trấn an thế giới về tình trạng bình thường của
nước Mỹ đã trở lại.
Hầu hết các công ty và giới kinh doanh trên toàn cầu đều biết tình trạng
tê liệt chính sách và phân cực chính trị tại Mỹ là chuyện không dễ giải quyết ổn
thỏa.
Chưa hết, đối với một trật tự hiến pháp có từ 250 năm trước và truyền
thống pháp quyền nghiêm khắc sẽ không để nước Mỹ rơi tự do như những kẻ phát xít
muốn phá hủy nền dân chủ Mỹ mong muốn.
Dù sao, một nền dân chủ có tuổi đời lâu nhất trên thế giới sẽ không thể
nào bị những con mọt Cộng Hòa đục khoét, phá hủy vì nước Mỹ vẫn còn nhiều những
con người hiểu biết, nhận thức được đúng sai để vực dậy một đất nước từng là quốc
gia hùng mạnh nhất trên thế giới nhưng đã không may mắn sản sinh ra những con
quái vật chính trị với tham vọng quyền lực vô hạn và muốn cắn nát nền dân chủ
lâu đời.
Qua cái nhìn về một nước Mỹ tươi sáng hơn, có triển vọng hơn, chứng tỏ
nước Mỹ đang đi đúng hướng để quay trở lại guồng quay cùng thế giới như trước
đây thì vẫn còn một nỗi lo lắng mới: Nước Mỹ đã trở lại vũ đài thế giới,
nhưng nước Mỹ sẽ như thế nào đây?
Về chủ nghĩa đa phương, thông qua NATO hoặc Liên hiệp quốc, và về an
ninh ở châu Âu, chính quyền Biden đã đưa nước Mỹ quay trở lại một thế kỷ khác –
chứ không phải thế kỷ thời Obama, là thời kỳ nước Mỹ bắt đầu xa rời các đồng
minh truyền thống bằng chính sách “xoay trục sang châu Á” mà Trump tiếp
tục.
Nhưng cách tiếp cận của nước Mỹ dưới thời chính quyền Biden đối với
thương mại, đối với chính sách công nghiệp ưu tiên “thu hồi vốn” và “mua
hàng Mỹ”, thì trong mắt giới tinh hoa kinh tế ở Davos, họ có cùng cảm nhận
là nước Mỹ dường như vẫn còn đang thực hiện khá nhiều chính sách giống thời
Trump với chủ thuyết “America First” hơn những năm trước.
Điều này khiến người châu Âu có vẻ mâu thuẫn với Đạo luật Giảm lạm phát
của Hoa Kỳ, là đạo luật sẽ thúc đẩy hàng tỷ đô la trợ cấp cho ngành công nghiệp
Mỹ và Đạo luật CHIPS tìm cách thu hồi sản xuất chất bán dẫn, khiến các quốc gia
châu Âu mất tinh thần.
Sự thờ ơ của chính quyền Biden đối với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO
cũng vậy. Joe Manchin, tác giả chính của đạo luật IRA, đã trực tiếp cảm nhận được
phản ứng dữ dội ở Davos là không thân thiện từ các quốc gia Đồng Minh.
Cecilia
Malmstrom, một chính trị gia Thụy Điển, người điều hành chính sách thương mại của
EU trong gần 10 năm qua cho rằng: “Mỹ làm suy yếu quá trình toàn cầu
hóa, họ đang tự bẻ gẩy một trụ cột lãnh đạo của chính nước Mỹ. Đây có
thể là sai lầm chiến lược lớn nhất trong quan hệ toàn cầu trong một thời gian
dài”.
Đối với họ, cách tiếp cận này là một sự trở mặt đối với cam kết của Mỹ
đối với một trật tự toàn cầu được xây dựng dựa trên các giá trị dân chủ và
thương mại mở – là điều từng được gọi là Đồng thuận Washington, trái ngược với
bất kỳ thỏa thuận nào đã đạt được ở Davos trong nhiều thập niên trước đây.
Nếu một nước Mỹ vừa hùng mạnh trở lại vừa sẵn sàng để đi một mình trên
con đường độc đạo thì đây là chuyện không bình thường chút nào.
Người Mỹ giờ đây đã thay đổi quá nhiều, nước Mỹ ngày nay khác với một
nước Mỹ trong quá khứ rất nhiều. Có vẻ như đây sẽ là một thế kỷ 21 đầy hỗn loạn,
khi nước Mỹ và các nước Đồng Minh sẽ không còn gắn kết, tin tưởng và hợp tác
cùng nhau, và điều đó xem ra khá đáng sợ.
Lời
kết:
Có lẽ
người Mỹ chưa đọc qua câu chuyện cổ tích Việt Nam “Chuyện bó đũa: rằng, “Bó
đũa xé lẻ từng chiếc sẽ dễ dàng bị bẻ gãy, còn đồng lòng gắn kết
thành một bó sẽ không dễ gì lay chuyển”.
Nước Mỹ
dù là cường quốc hàng đầu thế giới, là nước giàu nhất thế giới, nhưng nước Mỹ sẽ
không thể tự cung tự cầu và tồn tại bằng cách bế quan tỏa cảng nếu vẫn tiếp tục
nuôi dưỡng chủ thuyết xấu xí có từ thời Trump với “America First”.
Qua một
DAVOS 2023, phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu đã rút ra
được một bài học, đó là hãy tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình, về tất cả
mọi mặt, kinh tế, quân sự, thương mại, khối Liên hiệp Châu Âu với 27 quốc gia
và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng với con Rồng Trung Quốc, nền kinh tế số
2 của thế giới dù sao vẫn là khối mạnh mẽ có thể đủ sức đối trọng với một Hoa Kỳ
kiêu căng và đơn độc.
Việt
Linh 25.01.2023
No comments:
Post a Comment