Saturday, January 7, 2023

CUỘC CHIẾN TRANH Ở UKRAINE BƯỚC SANG NĂM THỨ HAI : XIN ĐỪNG SỐT RUỘT (Phúc Lai)

 



Cuộc chiến tranh ở Ukraine bước sang năm thứ hai : Xin đừng sốt ruột

Phúc Lai

06/01/2023

https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/01/phuc-lai-cuoc-chien-tranh-o-ukraine.html

 

Những ngày vừa qua tranh thủ chiến trường “vừa lạnh lại vừa nóng,” trên nhãn quan “không nên cố nói, nói cố hóa ra nhàm”. Nên tui hạn chế viết, để thời gian tranh thủ tập trung vào bản thảo sách "Nước Nga những vấn đề địa chính trị và cuộc chiến tranh ở Ukraine".

 

Đồng thời trong vài tuần qua, tui bỏ rất nhiều thời gian để làm một việc, hôm nay xin báo cáo các bác luôn.

 

1. Chúng ta đã bàn luận với nhau rằng “đến Mỹ và phương Tây còn cạn kiệt đạn pháo, thì Nga làm sao mà không cạn cho được” – đó là những vấn đề hoàn toàn bình thường, không có gì lạ cả.

 

Thời bình, chẳng ai đi sản xuất hàng đống đạn rồi mất công bảo quản, rồi để quá hạn lại mất công đem tiêu hủy. Nga có một kho đạn khổng lồ thời Liên Xô để lại, trong khi cả thế giới này những loại đạn ngu như thế may ra chỉ mấy ông dấy loạn bên châu Phi mới không sản xuất được thôi. Vì thế Nga không cần sản xuất, vì sản xuất ra chẳng bán cho ai.

 

Một lý do nữa để không sản xuất, là ngay học thuyết quân sự mới của Nga cũng xác định hai nội dung cơ bản của thời kỳ mới – nước Nga sẽ duy trì sức mạnh quân sự để tự vệ và đầu tiên sẽ áp dụng các biện pháp hòa bình: (1) Cùng thế giới, Nga nếu có tham gia các xung đột quân sự, thì cũng chỉ là các xung đột hạn chế cả về thời gian lẫn không gian, từ đó quy mô cũng không lớn và (2) Lực lượng vũ trang Nga không đứng ngoài cuộc Cách mạng 4.0 gì đó, nên từng bước ứng dụng vũ khí thông minh, cách thức tác chiến mới dùng ít nhân lực nhưng đã đánh là chính xác, không còn dùng cách đánh cũ với những lực lượng khí tài khổng lồ.

 

Vì vậy mà công nghiệp quốc phòng Nga trở nên đứng ở ngã ba đường. Quay lại với các dây chuyền sản xuất cũ để sản xuất đạn ngu, thì không muốn. Nhưng phát triển các loại mới có dẫn đường, có độ chính xác cao... thì lại quá đắt đỏ, quân đội không phải lúc nào cũng sẵn sàng trả tiền cho chuyện đó. Các tổ hợp công nghiệp quốc phòng do vậy chỉ sản xuất số lượng vừa đủ để trình diễn.

 

2. Đó là các suy tính như vậy dựa trên logic “Nga có kho đạn khổng lồ thời Liên Xô nên không cần sản xuất” chúng ta thường đọc thấy trên báo chí phương Tây. Thực tế thì Nga vẫn có những tổ hợp sản xuất đạn dược đặc biệt là đạn pháo, vậy năng lực sản xuất đó là như thế nào?

 

Sau năm 2014, tất cả dữ liệu hàng năm về kho dự trữ đạn dược ở Nga đã bị thổi phồng lên rất nhiều. Do đó, sẽ thật là ngây thơ khi tìm kiếm thông tin về khối lượng sản xuất của chúng dựa trên thông tin công khai. Tuy nhiên, một số giả định có thể được đưa ra dựa trên dữ liệu tài chính của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng sản xuất một số loại vũ khí và hóa chất đặc biệt.

 

Hiện nay các doanh nghiệp quốc phòng chính của Nga trong sản xuất đạn dược có thể kể:

 

- Hiệp hội khoa học và sản xuất (Tula) – sản xuất Hệ thống phóng và đạn tên lửa phóng loạt.

 

- Viện nghiên cứu chế tạo máy (Moscow) – sản xuất đạn xe tăng, pháo hạm và các loại đạn cho pháo binh nói chung

 

- Nhà máy Plastmass (Kopeysk, Vùng Chelyabinsk) – sản xuất đạn pháo

 

- Hiệp hội sản xuất nhà máy Sergo (Zelenodolsk, Cộng hòa Tatarstan) – sản xuất đạn dược cỡ nhỏ.

 

- Nhà máy sợi nhân tạo Novosibirsk (Iskitim, vùng Novosibirsk) – sản xuất thuốc nổ.

 

- Sản xuất Cheboksary V.I. Chapaeva (Cheboksary, Cộng hòa Chuvash) – sản xuất bom ném từ trên không.

 

- Nhà máy cơ khí Novosibirsk (Vùng Novosibirsk) – sản xuất chất nổ.

 

- Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Liên bang, Viện Nghiên cứu Hóa học Ứng dụng (Sergiev Posad, Vùng Moscow) – sản xuất thiết bị cho công nghiệp đạn dược.

 

- Viện Nghiên cứu Vật liệu Polyme (Perm) – sản xuất nhiên liệu cho hỏa tiễn, tên lửa, pháo phóng loạt.

 

Trong số các doanh nghiệp trên, đáng chú ý nhất là (1) Hiệp hội khoa học và sản xuất đạn MLRS, (2) Nhà máy Plastmass, đạn pháo và (3) Viện chế tạo máy chủ yếu sản xuất đạn pháo xe tăng và pháo hạm, cũng như phát triển và sản xuất đạn pháo 152 mm trong tương lai gần (nguồn Promweekly.ru, ngày 30 tháng 11).

 

Cả ba doanh nghiệp này đều là cổ phần của Rostec và dẫn đầu ngành sản xuất đạn dược của Nga. Hiện nay họ đang tích cực tìm cách phát triển các chương trình đầu tư mạnh mẽ hơn và tăng năng lực sản xuất. Có thể việc sản xuất một loại đạn tương tự đã được thành thạo tại các doanh nghiệp khác của Nga, đặc biệt là tại Nhà máy cơ khí Verkhne-Udinsk, cũng là một doanh nghiệp trong sở hữu của Rostec.

 

Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất đáng kể tại nhà máy này đã không xảy ra cho đến năm 2022. Do đó, kể từ năm 2016, nó không thể sản xuất những loại vũ khí này trên quy mô lớn, bằng chứng là đã có những khoảng cách lớn về doanh thu của ba nhà sản xuất dẫn đầu trong ngành. Ngoài ra, nhiều khả năng nhà máy Verkhne-Udinsk chỉ sản xuất vỏ đạn, sau đó nó được chuyển tới sản xuất ra thành phẩm tại các nhà máy sản xuất chính khác (nguồn: TASS, ngày 26 tháng 1).

 

Xin dẫn một vài con số cụ thể:

 

- Năm 2014 công nghiệp đạn pháo Nga sản xuất được 155.337 quả đạn 152 mm, quy ra là 7.767 tấn.

- Năm 2015 là 211.855 quả, 10.593 tấn.

- Năm 2016 là 364.560 quả, 18.228 tấn.

- Năm 2017 là 419.244 quả, 20.962 tấn.

- Năm 2018 là 482.130 quả, 24.107 tấn.

- Năm 2019 là 554.450 quả, 27.723 tấn.

- Năm 2020 là 637.618 quả, 31.881 tấn.

- Năm 2021 là 733.260 quả, 36.663 tấn.

 

- Tổng số 3.558.454 quả, 177.924 tấn.

 

Trong giai đoạn từ 2014 đến 2021, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã sản xuất khoảng 3,6 triệu đơn vị đạn pháo 152 mm, với tổng khối lượng hơn 178.000 tấn. Một đánh giá như vậy có vẻ khá lạc quan, chúng ta đang đề cập tới việc sản xuất loại đạn rẻ nhất – loại đạn phân mảnh sức nổ cao. Thực chất, nếu xem con số doanh thu thì có khả năng một phần đáng kể trong tổng số đơn vị sản xuất đã rơi vào các loại khác đắt tiền hơn, nghĩa là để sản xuất đạn được gọi là thông minh của Nga, họ sẽ phải cắt giảm số lượng đáng kể đạn “ngu” truyền thống.

 

Về đạn phản lực phóng loạt (MLRS) – Nga tập trung vào 3 loại chính: 122 mm “Grad”, 220 mm “Uragan” và 300 mm “Smerch”. Thực tiễn cuộc chiến tranh của Nga tiến hành ở Ukraine họ dùng nhiều nhất là Grad BM-21 – 122 mm trong khi đó trước chiến tranh, đó là loại đang bị băn khoăn nhất. Chỉ đến năm 2015 Putox đã ra lệnh nối lại việc sản xuất hàng loạt đạn loại này để phục vụ cho cuộc chiến trong tương lai.

 

Tuy nhiên lệnh của Putox yêu cầu tiếp tục sản xuất hàng loạt đạn pháo cho “Grad”, loại “vật tư tiêu hao” chính trong cuộc chiến chống lại Ukraine, chỉ được hoàn thành vào tháng Bảy năm 2020. Chính xác, năm 2019 một nhà xưởng mới rộng 3.400 mét vuông của Rostec mới được khai trương cho nhiệm vụ này với tổng mức đầu tư 150 triệu rúp (2,32 triệu đô-la Mỹ) (Nguồn: Rostec.ru, ngày 24 tháng 7 năm 2020).

 

Trong suốt các năm từ 2015 đến 2021, công nghiệp quốc phòng Nga tập trung vào sản xuất các loại đạn phản lực phóng loạt cho Uragan, Hurricane, Tornado-G với số lượng 70.289 quả Uragan, 9.651 quả Tornado-G, tổng số 66.764 tấn.

 

Như vậy, dựa trên những ước tính sơ bộ trên đây có thể suy ra trong giai đoạn từ 2014 đến 2021, ngành công nghiệp quốc phòng Nga chỉ sản xuất được khoảng 66.000 tấn đạn MLRS, trong khi loại đạn được sử dụng phổ biến nhất – đạn BM-21 “Grad” rất có thể không được sản xuất theo lô lớn cho đến năm 2020 .

 

Cũng không thể loại trừ việc vào năm 2021, đã có một quyết định đã được đưa ra yêu cầu tăng sản lượng đạn dược lên nhiều lần để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Ukraine được lên kế hoạch vào năm 2022. Nếu có một quyết định như vậy sẽ cần tăng đầu tư gấp nhiều lần vào tài sản cố định, và số lượng người Nga làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng cũng sẽ tăng theo. Điều này không được quan sát và ghi nhận trên các nguồn thông tin công khai.

 

Thực tiễn cuộc chiến ngay từ diễn biến của những tuần đầu tiên cho thấy giới lãnh đạo Nga dự tính đến một cuộc tấn công chớp nhoáng, và rõ ràng không có kế hoạch tiêu thụ hàng triệu tấn đạn dược theo tiêu chuẩn của Thế chiến II.

 

Rất khó để lượng hóa chính xác tất cả các yếu tố trên. Tuy nhiên chúng ta có thể giả định một cách thận trọng rằng khối lượng sản xuất trong chu kỳ 2014 – 2021 chỉ bù đắp cho việc tiêu hao đạn dược, và không dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong kho dự trữ của Nga.

 

3. Vậy tại sao mà họ lại thiếu đạn, trong khi vẫn sản xuất được đến 3,6 triệu đơn vị trong chu kỳ 2014 – 2021?

 

Nếu như trong 300 ngày thi hành chiến tranh, Nga có 2/3 số đó tức là 200 ngày bắn phá với mức độ đạt tiêu chuẩn của họ – tức là theo kiểu đánh của Chiến tranh thế giới lần thứ hai với số đạn bắn một ngày là 50.000 quả, thì họ tiêu tốn 10 triệu đơn vị đạn pháo các loại (cả MLRS) còn nếu 60.000 quả thì sẽ là 12 triệu đơn vị. Đó là lý do tại sao lúc này tất cả các tổ hợp quốc phòng Nga đang sản xuất đạn pháo thục mạng chạy 3 ca/ngày mà vẫn không đủ.

 

Nhìn lại con số 733.260 quả đạn 152 mm được các nhà máy của Nga sản xuất trong năm 2021 (khoảng 2.000 quả một ngày) và căn cứ vào tin tình báo vỉa hè cho biết hiện nay họ đã tăng sản lượng trung bình lên gấp 2,3 lần trước đây, như vậy mỗi ngày họ có thể sản xuất được khoảng 4.600 quả đạn pháo. Con số này bằng 1/3 con số tui vẫn sử dụng (lấy số liệu của một tay dư luận viên pro-Nga nào đó trên mạng).

 

Như vậy là với sản lượng 4.600 đạn/ngày mà muốn đáp ứng được cách đánh của người Nga hiện nay, tức là bắn 46.000 đạn 152mm 1 ngày trong liền 1 tháng tấn công (khoảng 14.000 đạn sẽ dành cho MLRS), họ sẽ cần 1.380.000 quả đạn; và như thế, sẽ đòi hỏi sản xuất hết ga trong... 300 ngày.

 

 

4. Nếu đầu tư mở rộng sản xuất, mở thêm các nhà máy mới, thì tác động của kế hoạch lên nền kinh tế Nga như thế nào?

 

Các số liệu trên đây cho thấy lượng dự trữ đạn dược của Nga cho đến trước chiến tranh là 3,6 triệu tấn đối với đạn 152 mm. Tuy nhiên những vấn đề đối với pháo có nòng, đặc biệt là lâu nay Nga ưu tiên phát triển pháo tự hành hạng nặng 152 mm nhưng chúng lại bộc lộ vô số những vấn đề về kỹ thuật xe – máy, sẽ làm nảy sinh yêu cầu quay sang ưu tiên phát triển thích đáng đổi với pháo phản lực phóng loạt.

 

Để bổ sung chi phí hiện tại cho loại đạn pháo chính là 152 mm và đạn MLRS được sử dụng từ nay trở đi, ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ cần chi khoảng 3 nghìn tỉ rúp (46,39 tỉ đô-la Mỹ) để đạt mục tiêu sản xuất tới 1,8 triệu tấn đạn dược trong năm 2023.

 

Xin lưu ý rằng chúng ta đang nói việc cạn kiệt đạn dược của phía Nga trong cuộc chiến này mới chỉ là một phần. Các loại đạn dược khác có thể kể: mìn, đạn xe tăng, đạn cho vũ khí cá nhân, tên lửa và bom dùng cho máy bay, cũng như tên lửa hành trình. Chi phí sản xuất của tất cả các loại đạn dược vừa kể ít nhất phải bằng và thậm chí vượt quá chi phí sản xuất ước tính đối với đạn pháo và đạn MLRS vừa được xem xét trên đây. Ngoài ra, phạm vi sản xuất các loại đạn khác có thể bao gồm các sản phẩm đắt tiền hơn, điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất chung (nguồn: EDM, ngày 18 tháng.

 

Nếu chúng ta tính đến tất cả các loại đạn khác, thì tổng chi phí sản xuất toàn bộ các loại đạn được sử dụng trong các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine năm nay sẽ vượt quá 6 nghìn tỉ rúp (92,74 tỉ đô-la Mỹ). Một con số khổng lồ như vậy so với tổng chi tiêu quốc phòng của Nga vào năm 2021 sẽ gây thêm căng thẳng ngày càng tăng cho kinh tế nói chung, cho ngành công nghiệp vốn đang lao đao trước nhu cầu thực tiễn ngày càng trở nên “đói khát” (nguồn: EDM, ngày 17 tháng 11).

 

4. Khoảng cách đây từ một tháng rưỡi đến hai tháng hoặc hơn – tui có viết rằng họ (người Nga) đang cố gắng phục hồi những dây chuyền sản xuất cũ, chủ yếu là dây chuyền sản xuất đạn pháo bằng những linh kiện còn tồn kho từ thời Xô-viết. Đây là một câu chuyện có thật mà... không hiểu tại sao tui lại biết. Đây là một việc rất quan trọng. Tại sao vậy? Vì hiện nay các doanh nghiệp quốc phòng Nga đã chuyển sang sản xuất 3 ca/ngày và khả năng mở rộng sản xuất, đầu tư mới là rất khó khăn trong điều kiện bị trừng phạt và cấm vận.

 

Chúng ta cần nhìn lại sức sản xuất vĩ đại của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc, là nhờ có 38.000 cái máy tiện và các máy công nghiệp khác của Mỹ trang bị, nói chính xác là “đầu tư mới toàn bộ nền sản xuất quốc phòng Liên Xô.” Máy móc của Liên Xô còn lại cho đến cuối năm 1941 nhìn chung không đạt cả về độ chính xác và khả năng đáp ứng sản xuất cường độ cao. Bây giờ câu chuyện cũng lặp lại y như vậy.

 

Thời gian qua tôi đã tốn nhiều công để thăm dò các nguồn tin trên mạng xã hội, chủ yếu từ Nga và đi đến kết luận: Hiện nay Nga đang có vấn đề lớn là các dây chuyền sản xuất đạn pháo được phục hồi từ thời Liên Xô,là không chạy được, mà nếu có chạy thì cũng cho ra nhiều phế phẩm. Họ cũng có vấn đề lớn với chuỗi cung ứng, do vậy phải cắt giảm sản lượng phân bón để sản xuất thuốc nổ chẳng hạn, là một câu chuyện thực tế. Cuộc sống dân sinh nói chung sẽ nhìn thấy ảnh hưởng càng ngày càng rõ rệt.

 

5. Sau khi đi đến kết luận như vậy thì ngày hôm kia (04/01), Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga A. Gurulyov phát biểu rằng không thể tiến hành thêm một lệnh tổng động viên  trong vòng 6 tháng tới, vì các Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga không thể cung cấp đủ trang thiết bị vũ khí cho lệnh động viên đó.

 

Như vậy các tính toán của tui có vẻ đang dần dần đúng: Nga sẽ không thể tổ chức được bất cứ đợt tấn công nào vào mùa xuân này (thời điểm mà ai cũng muốn tấn công – tháng Ba là tháng đất còn đóng băng cứng). Trên đây chúng ta mới xem xét vấn đề của đạn pháo. Còn vấn đề của pháo, ví dụ tui gửi kèm bài này ảnh một lựu pháo tự hành của Nga loại 2S7 bị quân Ukraine bắt được nhưng không dùng được nữa vì nó đã toác nòng.

 

Nếu như họ cố tổ chức tấn công thì với khả năng chuẩn bị như vậy, chắc chắn cũng không đi đến đâu và sẽ thất bại.

 

6. Cách đây 4 ngày, hôm 02/01 thiếu tướng Kyrylo Budanov đứng đầu ngành tình báo của Ukraine cho biết: hiện nay Nga phải điều chỉnh xuống bắn với số lượng đạn pháo là 20.000 quả một ngày, như thế cũng là gấp 4 lần khả năng sản xuất của công nghiệp quốc phòng trong nước.

 

Đến đây chúng ta đã thấy sự bế tắc toàn tập đến mức nghiêm trọng của quân sự Nga: đánh nhau phụ thuộc hỏa lực pháo binh, không những thế mà còn phụ thuộc vào số lượng, không đủ thì không đánh được. Khổ cái dù có đủ đạn thì cũng không đủ xe tải chở đạn.

 

7. Như vậy, câu chuyện là trong thời gian này ai sẽ là người tích được nhiều đạn pháo hơn trong thời gian nhanh hơn – trong tiêu chuẩn cách đánh của mình – tất nhiên. Bên nào hết đạn trước, sẽ là bên thua trận.

 

Người Ukraine vẫn sẽ dùng hỗn hợp đạn pháo mới và cũ – chẳng hạn tấm ảnh tui gửi kèm bài này là lô đạn 152mm của Ukraine mới sản xuất, đề tặng rất cẩn thận đến những người lính Nga sẽ nhận chúng.

 

Thực tế chiến trường đã cho thấy vấn đề của đạn pháo nghiêm trọng hơn vấn đề của tên lửa hành trình và UAV tự sát nhiều. Chính vì vậy nhiều bác nhận thấy tui có vẻ... không coi trọng những câu chuyện về hạ tầng năng lượng của Ukraine bị bắn bằng tên lửa và UAV tự sát. Quan tâm chứ! Nhưng thực tế thì chẳng có ai chết vì mất điện trong chiến tranh cả, cùng lắm là quay lại chế độ cung cấp củi, tầm này “nhất là bét,” đã leo lên lưng hổ thì phải đánh đến cùng.

 

Chúng ta cũng sẽ hình dung câu chuyện là Nga cần thời gian đủ để tích lũy đạn dược và như vậy cũng phải tầm mùa hè – nghĩa là cỡ tháng Sáu hoặc Bảy năm 2023 may ra họ mới đủ khả năng động viên một trận nữa để đánh một chiến dịch mới, định chiếm cái gì chưa rõ. Vấn đề là trong thời gian đó người Ukraine có để cho người Nga câu giờ như vậy hay không, lại là chuyện khác.

 

Cũng ông Budanov nói: mọi chuyện sẽ giải quyết (cùng lắm) là đến tháng Ba. Để phát biểu được như thế, ông ấy phải căn cứ trên thông tin tính toán thực lực hai bên. Trong thời gian mấy tuần qua, chiến trường vẫn “vừa lạnh vừa nóng,” lạnh là phía Ukraine vẫn phòng thủ chủ động, nếu Nga cố quá thì lùi; nóng là Nga vẫn cố quá và người Ukraine thì vẫn tích cực bào mòn.

 

Hôm qua họ tiễn 810 bác lính Nga về chầu ông vải, haizzz.

 

Từ giờ đến tháng Ba cứ có đợt lạnh được cỡ dăm bảy ngày đất đông cứng là đánh tốt. Cơ mà nếu không có đợt lạnh thì họ vẫn đánh được, vì theo nguồn tin đâu đó thì họ đang huấn luyện cách tác chiến này rồi. Nghĩa là không sử dụng xe bọc thép chở quân hạng nặng kiểu Xô-viết mà sẽ dùng các xe tác chiến hạng nhẹ, kết hợp kỳ binh và hỗ trợ của không quân cường kích tấn công mặt đất. Ngoài ra các loại UAV mới và tên lửa phiên bản Ukraine cũng sẽ xuất trận. Về hướng tấn công, Budanov xác nhận dự đoán của tui: đồng loạt cả Donbas, mặt trận miền Nam và cả Crimea. Như thế Nga mới trở tay không nổi.

 

Tui vẫn giữ nguyên ý kiến rằng họ sẽ giải quyết xong trong mùa xuân này, trước khi Nga hội đủ lực lượng để đánh mạnh vào mùa hè.

 

PHÚC LAI 06.01.2023

 




No comments: