Nguyễn Kiến Thiết -
Saigon Nhỏ
21 tháng 1, 2023
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ban-ve-thu-choi-cau-doi/
Trong các thú chơi tao nhã của người xưa, như thú uống
trà, thú đọc sách, thú chơi đồ cổ, thú chơi xướng-họa, còn có Thú chơi câu đối.
Nhứt là trong những dịp Xuân về Tết đến, có “Thịt mỡ dưa hành”, có “Cây nêu
tràng pháo” thì câu đối đỏ càng điểm tô cho Xuân thêm hương sắc, Tết
thêm ý nghĩa.
Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau, nhằm biểu thị
một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc
nào đó trong đời sống xã hội. Để ý: chữ biền là hai con ngựa chạy song
song với nhau; ngẫu là chẵn đôi; chữ đối ở đây có nghĩa là ngang
nhau, hợp thành một đôi. Câu đối là một trong những thể loại của văn học Trung
Hoa, Việt Nam, Nhựt Bổn và Hàn Quốc. Người xưa đã tán tụng câu đối như sau: “Nếu
thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”.
Câu đối bắt nguồn từ đâu? Cũng như thơ Đường luật, câu đối có nguồn gốc
từ Trung Hoa, là tinh hoa của văn hóa chữ Hán. Người Tàu gọi câu đối là doanh
thiếp, doanh liên (doanh: cột; thiếp: mảnh giấy; liên: đối
nhau) hoặc đối liên. Thật ra tên gọi đầu tiên của nó là Đào phù, tức hai tấm gỗ
đào treo ở hai bên cửa, trên mỗi tấm có vẽ tranh một vị môn thần (thần canh cửa),
do chúa nhà Hậu Thục là Mạnh Sướng khởi xướng để đón mừng năm mới (959 Sau Công
Nguyên), khi có sáng kiến viết lên hai tấm gỗ đào treo trước cửa phòng ngủ của
mình hai câu “Tân niên nạp dư khánh” (Năm mới thừa chuyện vui) và “Gia tiết hiệu
trường xuân” (Tiết đẹp xuân còn mãi).
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/cau-doi-tet-4-chu1.png
An khang thịnh vượng
Mã đáo thành công
Câu đối Trung Hoa có lẽ du nhập sang nước ta vào thế kỷ XV, cụ thể từ thời
Lê Thánh Tông (1442-1497), tục chơi câu đối Xuân và Tết đã rất thịnh hành. Câu
đối Việt Nam còn gọi là liễn hay liễn đối. Chúng tôi xin nhấn mạnh một đặc điểm:
Mặc dầu chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa cả ngàn năm Bắc thuộc – trong đó có
câu đối, nhưng tổ tiên người Việt chẳng những không bị đồng hóa, không bắt chước
một cách rập khuôn, mà còn sáng tạo cái mới cho riêng mình. Nói khác đi câu đối
của ta mượn “xác Trung Hoa” nhưng vẫn giữ cái “hồn Việt Nam”.
Cái “hồn Việt Nam” thể hiện ở câu đối trên ba phương diện: chữ viết, cách đọc
và cách phân loại.
Một số tư liệu, luận văn, luận án thạc sĩ và tiến sĩ phân loại câu đối
mỗi người mỗi cách khác nhau (1). Theo Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam Văn Học
Sử Yếu, câu đối Việt Nam gồm 11 loại theo ý nghĩa, như: câu đối mừng,
câu đối phúng, câu đối Tết, câu đối thờ, câu đối tự thuật, câu đối đề tặng, câu
đối tức cảnh, câu đối chiết tự, câu đối trào phúng, câu đối tập cú, câu đối
thách (đối hay đố). Chúng tôi xin được tản mạn về một số loại câu đối thông dụng
như: câu đối Tết, câu đối thử tài và câu đối trào phúng.
.
Câu đối Tết (Xuân liên)
Song song với việc làm câu đối Tết, còn có cả sự phát triển của nghệ
thuật thư pháp đầu tiên bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, và về sau bằng chữ Quốc
ngữ mà bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng của Vũ Đình Liên đã phản ảnh rõ nét
thú chơi nầy:
Mỗi năm
hoa đào nở / Lại thấy ông đồ già / Bày mực tàu giấy đỏ / Bên phố đông người
qua…/ Hoa tay thảo những nét / Như phượng múa rồng bay.
Hơn mấy mươi năm trước – và cho tới ngày nay, cứ mỗi độ Xuân về,
Tết đến, các tay thư pháp mới cũng đua nhau viết câu đối Tết – thường là chữ Quốc
ngữ, trên đường phố ở một số đô thị lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ông tổ của
thư pháp Việt chính là nhà giáo, nhà thơ Đông Hồ (1906-1969). Nhà thư pháp Trụ
Vũ, trước học viết thư pháp chữ Hán, sau có duyên may được gặp gỡ thầy Đông Hồ,
đem lòng yêu mến nét chữ, nên đã thể hiện cái hồn của thi pháp Hán bằng chữ Quốc
ngữ.
Về sau, Tăng Hưng – nhiếp ảnh gia, học trò ruột và được đích thân thầy
Đông Hồ chỉ dạy cho cách viết thư pháp Việt. Phong trào thư pháp bằng chữ Quốc
ngữ được phổ biến rộng rãi nhờ sự phối hợp ăn ý giữa kiến trúc sư Nguyễn Thanh
Sơn và nhà thư pháp Trụ Vũ. Rồi trên các trang báo Xuân báo Tết cũng không thể
thiếu Câu đối Tết!
Theo truyền thống người Việt Nam, mỗi độ Tết đến Xuân về, nhà nhà đều
trang hoàng nhà cửa, cùng nhau mua sắm để chuẩn bị đón Xuân. Người ta chúc tụng
nhau bằng những lời chúc tốt đẹp. Và câu đối Tết là một món quà Xuân đầy ý
nghĩa, chẳng hạn như:
-Thiên
tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ < > Xuân mãn càn khôn phúc mãn
đường.
(Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi. Xuân khắp đất trời, phước khắp
nhà).
Các danh sĩ hàng đầu chơi câu đối Tết hoặc Hán, hoặc Nôm phải kể đến
Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương v.v…
Một vài thí dụ:
-Tối ba
mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới; Sáng mồng
một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho Tiên nữ đón Xuân vào (Hồ Xuân
Hương).
Hoặc:
–Chiều
ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa; Sáng mồng một rượu say túy
lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà (Nguyễn Công Trứ).
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/cau-doi-ngay-tet.jpg
Năm mới hạnh phúc bình an đến .
Ngày xuân vinh hoa phú quý về.
.
Câu đối thử tài
Các cụ xưa thường thử tài học trò, bằng hữu hay đối thủ của mình để… thử
tài, để biết rõ chí khí, hoài bão của nhau qua những câu đối lý thú.
–Văn Bình lai bắc
cụ: Giai thoại về học sinh Văn Bình hay chữ và tự cao tìm ông thầy đồ
thách đối, bị ông thầy đồ chơi khăm như sau: Điều kiện là ông thầy khi ra vế xuất,
ông chỉ nói ra từng chữ một, học trò phải đối lại từng chữ một.
Ông thầy đọc vế xuất (từng chữ một): VÕ/TRẮC/VÃNG/NAM/CÔ;
Học trò đối lại (từng chữ một): VĂN/BÌNH/LAI/BẮC/CỤ.
Chắc các bạn đã thấy ông thầy đồ chơi khăm cậu học trò tự cao ở chỗ nào
rồi phải không? (Nói lái “Bắc Cụ”). Ông thầy đồ nầy không ai khác hơn là Thủ
khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872).
.
–Da trắng vỗ bì
bạch (Đoàn Thị Điểm):
Đoàn Thị Điểm (1705-1749) vừa xinh đẹp, lại giỏi văn thơ thời Lê Trung
hưng, là dịch giả truyện thơ Chinh Phụ Ngâm Khúc nổi tiếng. Một
hôm nữ sĩ đang tắm bỗng Cống Quỳnh (1677-1748) đến chơi, gõ cửa đòi vào. Nàng
Điểm tức cảnh ra ngay một vế đối với điều kiện nếu Quỳnh đối được thì… cho vào!
Vế xuất ấy như sau: Da trắng vỗ bì bạch.
Quỳnh nghĩ nát óc mới đối: Trời xanh màu thiên thanh.
(Có người cho rằng vế đối nầy do một nho sĩ đời sau đối lại).
Bị cô Điểm chê không chỉnh, Quỳnh lủi thủi ra về.
Gần 300 năm nay, đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo,
nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà ngôn ngữ học đã thử đối lại vế xuất hiểm
hóc ấy của Hồng Hà nữ sĩ. Nhưng trong mấy mươi vế đối, chưa có vế đối nào thật
sự hoàn chỉnh, chẳng hạn như:
-Tay tơ
sờ tí ti – Hạc đỏ thở hồng hộc – Mập phù thở phì phò… Kể cả vế đối
của nhà ngữ học Nguyễn Tài Cẩn “Rừng sâu mưa lâm thâm” vẫn chưa chỉnh.
Thế là cho tới ngày nay, chúng ta vẫn chưa trả được món “nợ văn chương” ấy.
Ngoài ra nhiều vế xuất hóc búa chưa ai đối được dưới đây, kính mời các
bạn cùng đối cho vui:
-Cô
Miên ngủ một mình
-Quê Đồng
Nai có nhiều nai đồng quê
-Cha
con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương phụ tử…
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/cau-doi-chuc-tet-hay-va-y-nghia-3.jpg
Lộc biếc mai vàng xuân hạnh phúc
- Đời vui sức khỏe tết an
khang
.
Câu đối trào phúng
Trào phúng là nghệ thuật gây tiếng cười mang ý nghĩa phê phán xã hội.
Thật ra, nguyên nhân của tiếng cười trong xã hội có giai cấp thường nói lên sự
tương phản, sự mâu thuẫn. Đó là sự mâu thuẫn giữa cái xấu xa và cái đẹp đẽ
(Aristote); giữa cái tầm thường và cái cao quý (Kant); giữa cái có lý và cái
phi lý (Richter). Từ cái tương phản, mâu thuẫn dẫn đến sự đối kháng. Câu đối
trào phúng nhằm nói lên cái dở, cái rởm, thói hư tật xấu của người đời, là võ
khí sắc bén của kẻ yếu thế cô chống lại kẻ mạnh có quyền thế.
-Vế đối khẩu khí dưới đây của Cao Bá Quát (1809-1855) đối lại vế xuất
tương truyền của Vua Minh Mạng nhằm lên án chế độ bất công “cá lớn nuốt cá bé”:
Vế xuất của Vua Minh Mạng: Nước trong leo lẻo, cá đớp cá
Vế đối lại của Cao Bá Quát: Trời nắng chang chang, người trói người.
Phép đối trong văn chương bình dân truyền khẩu, đặc biệt là
thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Thật vậy, mặc dầu chỉ được truyền miệng từ đời nầy
sang đời khác, nhưng các tác giả dân gian đã để lại cho hậu thế những câu đối
khá thú vị. Đặc biệt về cách sử dụng Từ hoa, các thi sĩ bình dân
quả là những nghệ sĩ điêu luyện.
– Đồng nghĩa dị âm: Con rể nết na xem tử tế < >
Ông chồng cay đắng kể công phu.
Tử tế: cắt nghĩa
từng chữ một là con rể; công phu tức ông chồng.
–Đồng âm dị nghĩa: Bà cử, ở cữ, làm cữ, nên kiêng cữ <
> Ông hàn, ra hàng, ăn hàng, mắc thương hàn.
– Dùng các thuật ngữ có ý nghĩa liên quan với nhau:
-Nước
không chưn sao kêu nước đứng < > Cá không giò
cũng gọi cá leo (2).
Hoặc:
–Bánh nhiều quá sao kêu bánh ít < > Chuối non
nhớt cũng gọi chuối già (3).
Và: Bánh ít nhiều đường, bánh ít ngọt.
Thật ra vế xuất nầy do Nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay phát động
(1997-1998), Chánh chủ khảo là ông Huệ Thiên (tức An Chi). Vế đối trúng giải
là: Giò chả có quế, giò chả thơm.
Vế xuất nầy đã có tới trên 30 vế đối (sưu tầm và sáng tác), chẳng
hạn như:
-Trầu
không có vôi trầu không cay – Nem chả có bì nem chả ngon.
Giai thoại: Vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả.
Nguyễn Đỗ Mục (1882-1951) và Dương Bá Trạc (1884-1944) thường viết ra
những giai thoại nhằm đả kích thực dân Pháp và tay sai, trong số đó có một câu
chuyện rất hay và vui, đại khái như sau:
Một anh nông dân ở làng nọ có hai vợ. Theo thói thường, người vợ nhỏ/vợ
bé vốn có nhan sắc và trẻ trung nên được “sủng ái” nhiều hơn. Một chiều nọ, để
tránh sự so bì “một tháng đôi lần, có cũng không” của người vợ lớn, anh chồng nổi
hứng đề nghị: “Anh ta ra một vế đối, nếu ai đối “họa” được thì tối nay, anh
sẽ “vô buồng” ngủ với người ấy”. Cả hai bà vợ đều đồng thanh tán
thành. Anh chồng bèn đọc: Vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả.
Cô vợ nhỏ khiêm tốn nhường lời cho người vợ lớn đối trước. Nhưng chị vợ
lớn vốn ít chữ nên chịu thua. Người vợ nhỏ bèn ứng khẩu đáp: Chồng thôi chồng
nửa, nửa chồng cũng vẫn chồng thôi.
Chuyện gì xảy ra sau đó, chỉ người trong cuộc mới biết.
Trước năm 1975, trong một bài báo, tôi có thử đối lại cho vui:
Người
ta người mọi, mọi người cũng giống người ta.
Ngoài ra, còn có hơn 20 vế đối (sưu tầm và sáng tác) nữa, chẳng hạn
như:
–Con nuôi, con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi – Con dòng, con giống, giống
con mới thiệt con dòng.
-Chồng
thôi, chồng bỏ, bỏ chồng cũng có chồng thôi (Lộc Bắc).
Câu đối nói lái
Nói lái – nói trại, là cách nói kiểu “chơi chữ” của dân ta trong những
lúc trà dư tửu hậu hoặc để giúp vui. Nói lái có thay đổi đôi chút từng vùng miền
tùy theo tiếng nói địa phương. Nói lái khi thì thanh khi thì tục,
lúc tục mà thanh rồi thanh mà tục thể hiện tính hài hước của dân
tộc Việt Nam. Thí dụ:
-Chim mỏ
kiến đậu trên miếng cỏ / Chó vàng lông đứng dựa vồng
lang (4).
Riêng Câu đối nói lái tục-mà-thanh-thanh-mà-tục có khá nhiều. Chúng tôi
bàn về đề tài liên quan tới văn hóa, nên chỉ muốn dẫn vài câu đối nói lái có
mùi vị… mằn mặn mà không dám đụng tới những câu đối mặn quéo, mặn
chát. Ước mong các cụ… đặc xá!
-Gái Củ
Chi, chỉ cu anh, hỏi củ chi? < > Trai Cù Mông,
còng mu em, đòi cù mông.
-Giai
nhân “tái đắc” giai nhân tử < > Anh hùng “khai đống”
anh hùng tiêu.
_______
Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, kính chúc quý bạn đọc khắp nơi
“Tân
Niên Hạnh Phúc Bình An Tiến / Xuân Nhựt Vinh Hoa Phú Quý Lai”
--------------
Chú thích:
(1) Trần Thị Thanh Quỳnh: “Nghiên Cứu Câu Đối…”. Luận văn Thạc
sĩ chuyên ngành Hán-Nôm, ĐH Hà Nội-2008; Trịnh Văn Trường: “Ngôn Ngữ Câu Đối
Tiếng Việt”. Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, ĐH Vinh-2010.
(2), (3) và (4): Trích Nguyễn Kiến Thiết: Tánh Cách Đặc Thù Của Ca
Dao Miền Nam. Luận án Cao học Văn chương Việt Nam, ĐH Văn Khoa Sài Gòn.
1972, tr.109.
No comments:
Post a Comment