Sunday, December 12, 2021

ÚC VỠ MỘNG về TÀU NGẦM HẠT NHÂN CỦA MỸ? (Thanh Hà - RFI)

 


Úc vỡ mộng về tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ?   

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 10/12/2021 - 15:26

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20211210-%C3%BAc-v%E1%BB%A1-m%E1%BB%99ng-v%E1%BB%81-t%C3%A0u-ng%E1%BA%A7m-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9

 

Ba tháng sau khi thông báo chuyển hướng sang Hoa Kỳ, hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, Úc trong một vùng « sương mù ». « AUKUS đau đầu vì tàu ngầm nguyên tử hạt nhân », còn Pháp « vẫn hy vọng » đảo ngược được tình huống : Đó là nội dung hai bài báo dài trên Le Monde ngày 10/12/2021.

 

https://s.rfi.fr/media/display/7ee75002-220a-11ec-94ed-005056a90284/w:1024/p:16x9/taungam_05.webp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2 từ trái) và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (giữa) trên tàu ngầm HMAS Waller tại căn cứ hải quân Garden Island, Sydney. Ảnh tư liệu chụp ngày 02/05/2018. AP - Brendan Esposito

 

Cuối tháng 9/2021, hai tuần sau khi Luân Đôn, Canberra và Washington thông báo khai sinh liên minh quân sự AUKUS, cựu thủ tướng Úc Malcom Turnbull rất bực mình vì các bên chưa ấn định bất kỳ điều gì về hợp đồng mua bán tàu ngầm, từ giá cả đến phương án thiết kế … Điều chắc chắc duy nhất là « giá thành sẽ đắt hơn nhiều » so với thỏa thuận đã thông qua với Pháp. Cũng ông Turnbull quả quyết, nếu chọn Paris, Canberra sẽ thu ngắn được đến 10 năm thời gian đợi chờ để có hàng mới. Khoảng thời gian đó rất quý giá bởi Úc đang « nhanh chóng » cần có những công cụ phòng thủ hiện đại hơn.

 

Ngoài hai điểm nhậy cảm mà truyền thông quốc tế đã nhiều lần lưu ý là Úc không thuộc câu lạc bộ các cường quốc nguyên tử và chiến lược của Canberra có nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, tác giả bài báo, Isabelle Dellerba nêu lên những thách thức khác chờ đợi chính quyền của thủ tướng Scott Morrison trong hợp đồng với Mỹ. Trước hết, Canberra sẽ « chọn kiểu tàu ngầm nào » giữa lớp Astute của Anh hay Virginia của Hoa Kỳ.

 

Marcus Hellyer, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Úc, thiên về giải pháp thứ nhì. Anh Quốc không có được những lợi thế về mặt công nghiệp như Hoa Kỳ và cũng không có được vị trí tại Ấn Độ -Thái Bình Dương như Mỹ. Nhưng chọn lớp Virginia cũng không phải là dễ, vì hiện tại « hai xưởng sản xuất ở Hoa Kỳ đều đang hoạt động hết công suất và để đáp ứng nhu cầu của Úc, sẽ phải mở thêm một cơ sở thứ ba ». Hiện tại, « không một chuyên gia nào » tin vào kịch bản đó. Đây là khó khăn thứ nhì Canberra phải nhanh chóng vượt qua.

 

Trong bối cảnh cảnh căng thẳng khu vực càng lúc càng lớn, bang giao giữa Canberra và Bắc Kinh xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây, nước Úc của thủ tướng Morrison hiện chỉ có thể trông cậy vào 6 chiếc tàu ngầm « cổ lỗ » lớp Collins của Thụy Điển mà trên nguyên tắc sẽ chính thức ngừng hoạt động vào năm 2026. Chỉ sau 5 năm nữa, khả năng phòng thủ trên biển của Úc sẽ chỉ có thể trông cậy vào những chiếc tàu ngầm « cổ lỗ và rệu rã nhất thế giới » như báo bảo thủ The Australian ghi nhận.

 

Canberra quay đầu lại Paris, một giấc mơ điên rồ ? 

Vậy tránh để rơi vào thế kẹt đó, Úc có thể « đi thuê » tàu ngầm của các đồng minh đáng tin cậy hòng tăng cường khả năng phòng thủ hay không ? Theo Marcus Hellyer, câu trả lời là không, bởi hiện tại Anh và Mỹ đều không « dư giả » để cho đồng minh Úc vay mượn. Thế còn  kịch bản Canberra nối lại « mối tình xưa » với Paris ?

 

Philippe Ricard của tờ Le Monde quả quyết: 3 tháng sau vố tát tai của chính phủ Úc, Pháp cũng như tập đoàn chế tạo tàu ngầm Naval Group đang « thầm hy vọng » Canberra hiểu được là chơi với Anh, Mỹ « không dễ ». Một nguồn tin thông thạo « không loại trừ khả năng Úc lại trở mặt », nhưng lần này là để quay lại với Paris.

 

Đây không hoàn toàn là một « giấc mơ điên rồ » bởi vào tháng 6/2022, Úc sẽ bầu lại Quốc Hội, không chắc đảng cầm quyền giữ được đa số. Bản thân thủ tướng Morrison đang bị chỉ trích mạnh mẽ  ngay cả trong nội bộ về hồ sơ hạt nhân và liên minh quân sự AUKUS. Trong viễn cảnh đó, Pháp tuy vẫn giữ thái độ « lạnh như băng » với Úc, nhưng chính tập đoàn Naval Group lại rất « kín tiếng » trên hồ sơ này và không mấy nặng lời chỉ trích đối tác đã thất hứa.

 

Sinh nhật buồn đánh dấu 20 năm Trung Quốc gia nhập WTO

Một ngày trước kỷ niệm tròn 20 năm Trung Quốc được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Gới, Le Monde trong loạt bài đặc biệt với rất nhiều phóng sự cho thấy việc kết nạp gã khổng lồ châu Á đã làm « chao đảo » cả hệ thống công nghiệp toàn cầu đến mức độ nào.

 

Trong bài xã luận, tờ báo nói đến « một sinh nhật buồn » đối với sự kiện quan trọng, làm « thay đổi hẳn thế cân bằng của kinh tế toàn cầu ».

 

Cả Bắc Kinh lẫn phương Tây cùng « chẳng thiết » nghĩ đến cái ngày 11 tháng 12 năm 2001. Sau những giây phút hồ hởi ban đầu trước viễn cảnh sự hiện diện của Trung Quốc trong câu lạc bộ này sẽ tạo đà cho trao đổi mậu dịch quốc tế, 2 thập niên sau nhìn lại, chỉ thấy « sự nghi kỵ lẫn nhau, mỗi bên đều co cụm lại, tố cáo đối phương cạnh tranh bất bình đẳng, sử dụng thương mại như một công cụ để phục vụ những lợi ích về địa chính trị ».

 

Trung Quốc phạm tội ác « diệt chủng »

Cũng về Trung Quốc, Libération chú ý đến « phiên tòa » đặc biệt tại Luân Đôn hôm 09/12/2021 vừa « ra phán quyết » với nội dung như sau : « Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã tiến hành một vụ diệt chủng do áp đặt các biện pháp hạn chế sinh để nhằm hủy hoại một phần lớn cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương ».

 

Tờ báo dùng cụm từ « Tòa Án Duy Ngô Nhĩ » để chỉ một cơ chế độc lập, hoạt động tại Luân Đôn từ hơn một năm nay. « Tòa án » này bao gồm 9 vị thẩm phán đã lắng nghe hàng trăm nạn nhân, nhiều luật sư, chuyên gia về nhân quyền, giới nghiên cứu, các nhà ngoại giao, hiệp hội bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ. « Phán quyết » của tòa nêu đích danh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và bí thư thành ủy khu tự trị Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) cùng nhiều quan chức cao cấp khác của Đảng và Nhà nước là những người phải « chịu trách nhiệm hàng đầu » trong vụ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.

 

Libération nhắc lại thảm cảnh của người Duy Ngô Nhĩ không thể đem ra xử trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, bởi Bắc Kinh với tư cách thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ dùng quyền phủ quyết ngăn cản « mọi cuộc điều tra độc lập » trên lãnh thổ Trung Quốc. Cái được gọi là « Tòa Án Duy Ngô Nhĩ » tại Luân Đôn không có thẩm quyền về mặt pháp lý nhưng đây là nơi để những nạn nhân và gia đình họ được lắng nghe, nơi để thẩm định về mức độ tội ác mà những người này đã phải hứng chịu và quan trọng hơn nữa, theo tác giả bài báo, « những bằng chứng, tài liệu thu thập được có thể là cơ sở cho những thủ tục pháp lý trong tương lai ».

 

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lập tức tố cáo « tòa án Duy Ngô Nhĩ » tại Luân Đôn là một « trò hề chính trị », một « cái máy tạo ra những điều bịa đặt » do các « thế lực thù nghịch với Trung Quốc ở các nước phương Tây dựng lên ».

 

Phán quyết Trung Quốc phạm tội ác diệt chủng ở Tân Cương được đưa ra vào lúc tại Hoa Kỳ tổng thống Joe Biden chủ trì thượng đỉnh vì dân chủ qua cầu truyền hình. Le Figaro bình luận: Washington kêu gọi các nền dân chủ trên thế giới « đoàn kết » trước những chế độ chuyên chế mà đứng đầu là Trung Quốc và Nga. Nhưng tác giả bài viết, Adrien Jaulmes tỏ ra thất vọng bởi Joe Biden chỉ đưa ra những quyết định nửa vời  thượng đỉnh vì dân chủ mở ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga cũng như giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang dâng cao. Nhà Trắng dọa « mạnh tay trừng phạt kinh tế » nếu Matxcơva xâm chiếm Ukraina nhưng Biden đã « loại trừ khả năng điều quân sang Ukraina ».

 

Washington chỉ tẩy chay về mặt ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, nguyên thủ Mỹ không áp dụng lại biện pháp triệt để như với Olympic ở Liên Xô năm 1980: khi đó không một vận động viên Mỹ nào đến dự đại hội thể thao toàn cầu này.

 

Thêm vào đó, hình ảnh quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan cuối tháng 8/2021 trong cảnh hỗn loạn, càng khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi về quyết tâm của Hoa Kỳ bảo vệ các nền dân chủ trên thế giới.

 

Liên Hiệp Châu Âu, bệ phóng để tổng thống Macron tái tranh cử

Về thời sự nước Pháp, các tờ báo trong ngày bình luận nhiều về sự kiện tổng thống Macron hôm qua trình bày lộ trình trong sáu tháng giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, kể từ ngày 01/01/2022. Bất luận tả, hữu, các báo đều có chung một phân tích : Giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu sẽ là « bệ phóng cho chiến dịch tái tranh cử » của tổng thống của Emmanuel Macron.

 

Đúng bốn tháng nữa sẽ diễn ra vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp, Emmanuel Macron chưa chính thức thông báo tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai nhưng báo Libération thiên tả xem cuộc họp báo hôm 09/12/2021 là điểm « khởi đầu » để Macron lao vào « cuộc chiến ». Những ưu tiên của Paris trong vai trò chủ tịch Liên Âu sáu tháng tới đây thực ra là « chương trình vận động » của một ứng cử viên tổng thống tương lai. Không phải tình cờ mà nguyên thủ Pháp xem những hồ sơ « nhập cư », « sự tự chủ của Liên Âu về kinh tế, công nghệ, công nghiệp, năng lượng sạch » … là những ưu tiên hàng đầu.

 

Tác giả bài xã luận nhật báo kinh tế Les Echos, Etienne Lefebvre, nhận định: lộ trình cho sáu tháng điều hành Liên Hiệp Châu Âu của Emmanuel Macron buộc các ứng cử viên tổng thống Pháp sẽ phải tập trung vào những « hồ sơ chính » những gì thiết thân nhất với cử tri Pháp. Le Figaro thiên hữu đánh giá tuy thông báo những ưu tiên của Paris đối với châu Âu, nhưng cuộc họp báo hôm qua trước hết là « cơ hội để tổng thống Macron chỉ trích các đối thủ » mà ông sẽ phải đối mặt trong cuộc bầu cử tháng 4/2022.

 

Nouvelle Calédonie trước cuộc trưng cầu dân ý về quy chế độc lập 

Riêng về cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra tại Nouvelle Calédonie vào Chủ Nhật, 12/12/2021, trang nhất báo công giáo La Croix nhường lời cho thanh niên tại vùng lãnh thổ hải ngoại này của nước Pháp.

 

Ra đi hay ở lại « dưới trướng » Paris ? Đây là một chủ đề gây chia rẽ nghiêm trọng trong công luận tại vùng lãnh thổ với 280.000 dân cư này. Phe đòi độc lập kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý cho nên, « kết quả sau cùng, gần như đã được biết trước ».

 

Les Echos nói đến « kết quả cực kỳ quan trọng đối với nước Pháp » đặc biệt là vào thời điểm Trung Quốc và Mỹ đang tranh giành ảnh hưởng trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chắc chắn là các ứng viên tổng thống Pháp theo dõi sát tình hình trong những ngày sắp tới, bởi Nouvel Calédonie mang tính « quyết định » cho sự hiện diện của Pháp trong vùng, hơn nữa đây là một nơi nắm giữ đến « 25 % dự trữ nikel của thế giới » thứ kim loại không thể thiếu để làm ra những bình điện trong công nghiệp ô tô … mà chắc chắn là Trung Quốc cũng đang nhòm ngó tới.

 

Gan ngỗng béo « thật » và « giả » 

Thiết thực với đời sống hàng ngày hơn : Hai tuần lễ trước Giáng Sinh, một phần lớn dân Pháp lo không có gan ngỗng béo trên bàn tiệc vì dịch cúm gia cầm bùng phát tại 5 vùng trên toàn lãnh thổ. Bên cạnh đó, tranh cãi cũng đang dấy lên quanh câu hỏi có nên tiếp tục thưởng thức món ăn truyền thống này hay không, khi mà bốn thành phố lớn tại Pháp - ba trong số đó do đảng Xanh điều hành - loại bỏ món « foie gras » khỏi các bàn tiệc.

 

Le Figaro trong phần trang dành để nói về các chủ đề xã hội chạy tựa « những nhà bảo vệ thú vật muốn loại bỏ món foie gras ». May thay cho các nhà sản xuất là có tới « ¾ người Pháp cho biết không thể từ bỏ truyền thống ấm thực này vào dịp lễ cuối năm ».

 

Những nhà bảo vệ thú vật đề nghị người tiêu dùng ăn « gan ngỗng béo giả » tức là thay vì dùng gan ngỗng, gan vịt để có được những thỏi gan đẹp trên bàn tiệc, nên thay thế gan thật bằng đậu hũ và nấm !  

.

-------------------------------

.

Các nội dung liên quan

ĐIỂM BÁO

Liên minh AUKUS : 12 tàu ngầm và vài bài học cho Pháp

PHÂN TÍCH

Biển Đông : AUKUS có ảnh hưởng ra sao đến đàm phán ASEAN-Trung Quốc về COC ?

ANH - G7 - ĐÔNG NAM Á

Anh mời ASEAN tham dự G7 vào lúc liên minh Aukus gây căng thẳng trong khu vực




No comments: