Wednesday, December 1, 2021

TRAO ĐỔI VỚI TIÊN SINH NGUYỄN VĂN NGHỆ (Nguyễn Đình Cống)

 


Trao đổi với tiên sinh Nguyễn Văn Nghệ

Nguyễn Đình Cống

01/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/01/trao-doi-voi-tien-sinh-nguyen-van-nghe/

 

GS Trần Ngọc Thêm viết: “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”. Theo tôi, viết như thế không sai, nhưng chỉ đúng một phần. Không phải toàn bộ “lễ” cản trở tư duy phản biện mà chỉ một phần nào đó của “lễ” có tác dụng cản trở hành động phản biện của người dưới đối với người trên (bị cho là vô lễ vì dám cãi lại, dám phản bác).

 

Còn để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo thì cần chống lại lực cản lớn gấp hàng ngàn, hàng vạn lần cái điều do một phần của lễ giáo. Lực cản này nhiều người thấy rõ, đã viết nhiều nơi, gần đây được Hiếu Chân vạch ra (bài: Nói thêm về điều ông Thêm không dám nói…), Hà Sĩ Phu nhắc lại (bài: Thế nào là Tiên học lễ, hậu học văn) và một vài tác giả khác đề cập đến.

 

Tuy nêu nhận xét như trên, nhưng tôi hưởng ứng việc bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ…” như đã giải thích trong bài “Hưởng ứng GS Trần Ngọc Thêm”. Đó là bỏ khẩu hiệu chứ không bỏ việc học “lễ”, bỏ là bỏ việc học “lễ” được đặt lên hàng đầu khi mà trong nội dung của “lễ” có những phần không còn thích hợp.

 

Điều cần thiết trước tiên là đề cao đạo nghĩa làm người, là học làm người lương thiện, người tử tế. Trong con người đó thì “lễ” chỉ chiếm phần nhỏ và nặng về hình thức, còn có nhiều thứ khác quan trọng hơn. Ông cha ta đề cao việc học lễ là đúng, là phù hợp với thời trước, còn ngày nay nếu đề lên cao quá việc học lễ (Tiên học…) thì bên cạnh cái lợi còn gặp phải cái hại, trong khi vẫn có thể và nên dùng biện pháp khác có hiệu quả hơn là dùng khẩu hiệu để thực hành đạo đức.

 

Đã có nhiều tác giả viết bài bênh vực cho “lễ”, trong đó tôi thấy các bài của Tiên sinh Nguyễn Văn Nghệ là đáng quan tâm. Tiên sinh đã dẫn ra rất nhiều câu để chứng minh cho sự cần thiết của “lễ”. Nếu chỉ đọc những câu lấy từ các sách kinh điển của Đạo Nho như Luận Ngữ, Lễ Ký, Mạnh Tử thì Tiên sinh hoàn toàn đúng. Nhưng xin nhớ rằng “Tận tín thư bất như vô thư” (Quá tin vào sách thì thà không có sách). Ngoài những câu đã được tiên sinh trích dẫn, tôi xin bổ sung vài câu liên quan về thực hành lễ, ví như câu “Tư bất xuất kỳ vị… Bất tại kỳ vị bất mưu kỳ chính …” Tuy vậy, ngoài sách kinh điển ra hãy dùng cuộc sống và các trường phái khác để đối chiếu, để kiểm chứng.

 

Theo sách vở, cũng như theo sự trình bày của Tiên sinh, thì Lễ rất quan trọng vì nó làm cho mọi sinh hoạt có quy củ, cũng giống như hiện tại người ta nói về luật pháp, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, điều lệ, nội quy v.v… Tất cả những thứ đó là rất cần thiết, nhưng chưa phải là bản chất, nó chỉ thể hiện ra bên ngoài dưới cái vỏ hình thức. Bản chất là tinh thần chứa bên trong. Đó là đạo lý, công lý, là sự nghiêm khắc kết hợp với nhân đạo, bao dung, là tôn trọng nhân quyền và dân chủ. Với Đạo Phật, đó là “TÂM”. Với đạo làm người thì đó là lòng trung thực, tình yêu thương và tôn trọng đồng loại, là đức tính tự tin, tự lập, tự trọng, là đức liêm chính. Trong nội dung của “lễ” không có những thứ này. Nếu ở một nơi nào đó có ai ghép những đức tính vừa nêu vào với “lễ” thì phải chăng đó là sự gán ghép khập khiễng.

 

Với trẻ khi chưa có trí khôn, chưa có nhận thức thì có thể dạy vài điều về lễ phép một cách hình thức, máy móc như chào hỏi, thưa gửi. Nhưng với trẻ đã có trí khôn thì phải quan tâm nhiều hơn đến đạo lý. Khi xem lễ là những bông hoa đẹp trên thân cây thì đạo lý là gốc rễ. Hãy chăm lo cho gốc rễ bền vững rồi sau mới chăm cho hoa lá.

 

Trong đời tôi đã từng gặp những nhà giáo dục rất biết chăm lo đến dạy đạo nghĩa, trên cơ sở đó mới dạy về lễ. Cách giáo dục như vậy tạo nên những con người có phẩm chất cao. Ngược lại những bậc bề trên nặng về dạy lễ mà không chú ý đúng mức đến đạo lý thì dễ phạm phải những lệch lạc, tạo nên những đứa trẻ thụ động hoặc đa nhân cách.

 

Tạo nên trẻ theo kiểu con ngoan, trò giỏi, chỉ biết thụ động vâng lời, không biết suy nghĩ linh hoạt khi người giáo dục còn giữ được nhân cách để làm gương và trẻ là những đứa yếu bản lĩnh. Tạo nên trẻ đa nhân cách khi chúng là những đứa có bản lĩnh mà người giáo dục lại không thực hiện được “thân giáo”, không nêu được gương tốt cho trẻ. Phải chăng đó là những kẻ “xảo ngôn lệnh sắc” (nói hay, mặc đẹp), những kẻ đạo đức giả.

 

Tôi đã biết những đứa trẻ rất lễ phép trước mặt cha mẹ, ông bà, nhưng lại là tay trộm cắp siêu hạng. Tôi đã chứng kiến những người rất lễ phép với cấp trên ở trước mặt, nhưng sau lưng thì chửi rủa thậm tệ. Tôi cũng biết nhiều trường hợp người ta dựa vào sự kiên định theo chủ nghĩa mà đàn áp tàn khốc những người bất đồng chính kiến, những người làm phản biện, họ cho như thế là thực hành lễ giáo của họ. Chắc rằng tiên sinh Nguyễn Văn Nghệ và nhiều người khác cũng biết những chuyện tương tự.

 

Tôi đã đọc ở đâu đó ý sau: Giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái, thầy – trò… nếu không có lễ, không giữ được lễ thì không thể có sự yêu thương, kính trọng cần thiết. Tôi nghĩ ngược lại hoàn toàn. Chính là tại vì giữa họ thiếu tình yêu thương, thiếu sự kính trọng mới để xảy ra sự thiếu lễ. Phải chăng đã có ai đó nhầm lẫn giữa nguyên nhân và kết quả.

 

Theo Lão Tử thì quan trọng nhất là Đạo, mất Đạo mới cần đến Đức, sau Đức là Nhân, sau Nhân là Nghĩa, sau Nghĩa mới đến Lễ. Thế mà đề lên hàng đầu việc học lễ thì Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa đặt vào đâu? Học lễ, hành lễ xin cứ học, cứ hành, chỉ đừng nêu thành khẩu hiệu và đặt nó lên hàng đầu. Ở các nước người ta vẫn thực hành việc giao tiếp có văn hóa, người ta tôn trọng tự do và sự khác biệt, nhưng không nêu ra khẩu hiệu tiên học cái này, hậu học cái kia. Phải chăng đó là một kiểu “Vô Vi”.

 

Xã hội VN trong thời gian qua có sự xuống cấp đạo đức. Một số người hy vọng đề cao việc học lễ thì sẽ cứu vãn được tình thế, vì vậy mà ủng hộ hết lòng khẩu hiệu “Tiên học lễ”. Nguyên nhân cơ bản làm xuống cấp đạo đức nằm ở nơi khác chứ không nằm ở nơi không dùng khẩu hiệu “Tiên học lễ”. Vì thế, dù cho đề lên rất cao, hô rát cả họng hàng ngày câu khẩu hiệu đó, nhưng không tìm đúng nguyên nhân cơ bản để khắc phục, thì vẫn phải nhìn đạo đức tiếp tục xuống cấp hơn nữa.

 

Phải chăng nguyên nhân cơ bản làm xuống cấp đạo đức cũng trùng với nguyên nhân hạn chế sự phản biện và sáng tạo đã viết ở trên?

 

Những bài viết của ông Nguyễn Văn Nghệ tỏ rõ sự học vấn uyên thâm, lòng thiết tha mong mỏi chấn hưng đạo đức. Tôi xin gọi là “Tiên sinh” để thể hiện lòng kính trọng, đoán rằng ông lớn tuổi hơn tôi. Nhưng nếu không lớn tuổi hơn mà có học vấn uyên thâm thì cũng đáng được gọi là “tiên sinh” trước khi có thể trở thành bằng hữu.

 

Có vài lời trao đổi, mong thể hiện được lòng chân thành. Tiên sinh có lời gì trao đổi, xin gửi cho tôi tại địa chỉ: ndcong37@gmail.com (37 là năm sinh).





No comments: