Friday, December 10, 2021

MỖI PHÚT CÓ 14 SẢN PHẨM "MADE IN VIETNAM" ĐƯỢC XUẤT KHẨU ONLINE (Việt Hưng - TheLeader)

 


Mỗi phút có 14 sản phẩm "Made in Vietnam" được xuất khẩu online    

Việt Hưng  -  TheLeader 

16:11, 09/12/2021

https://theleader.vn/moi-phut-co-14-san-pham-made-in-vietnam-duoc-xuat-khau-online-1639037957226.htm

 

TheLEADER  -  Báo cáo từ Amazon Global Selling cho hay, trong năm 2021 đã có gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam được bán cho các khách hàng trên khắp thế giới.

 

Amazon Global Selling công bố Báo cáo hoạt động năm 2021 của Amazon dành cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam lần thứ 2. Đây là báo cáo thường niên chia sẻ về tiềm năng của ngành xuất khẩu và thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam. 

 

Báo cáo này cũng tổng kết những nỗ lực và đầu tư của Amazon trong việc đồng hành và tiếp sức cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) để tiếp cận các cơ hội, công cụ, dịch vụ và đưa các sản phẩm "Made in Vietnam" đến với khách hàng quốc tế, tăng doanh thu, lợi nhuận và hỗ trợ tạo việc làm sau đại dịch Covid-19.

 

Theo đó, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trên đà phát triển trong những năm qua tại Việt Nam. Giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do Covid-19 kéo dài đã thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số, góp phần vào sự phát triển của thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới.

 

Tại Việt Nam, xu hướng xuất khẩu trực tuyến đã xuất hiện cùng với sự tăng trưởng về quy mô của các đối tác bán hàng. Thống kê trong vòng một năm - từ ngày 1 tháng 9 năm 2020 đến ngày 31 tháng 8 năm 2021, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã bán các sản phẩm cho khách hàng trên khắp thế giới tại các cửa hàng của Amazon.

 

Các doanh nghiệp Việt Nam thành công về xuất khẩu trên Amazon có thể kể đến Gốm sứ Minh Long, nón bảo hiểm Royal Helmet, Rong Nho Trường Thọ, Hạt điều Lafooco...

 

https://image.theleader.vn/upload/hungnguyen/2021/12/9/%C3%B4ng%20L%C3%BD%20Huy%20S%C3%A1ng%20-%20Ph%C3%B3%20T%E1%BB%95ng%20Gi%C3%A1m%20%C4%90%E1%BB%91c%20c%C3%B4ng%20ty%20Minh%20Long%20I%20-%20%20Minh%20Long%20va%20Amazon.jpeg

Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám Đốc Công ty Minh Long I

 

Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám Đốc Công ty Minh Long I chia sẻ: "50 năm qua, gốm sứ Minh Long đã tạo dựng được uy tín trong nước là một thương hiệu gốm sứ cao cấp, mang tinh thần văn hóa dân tộc đậm nét. Trước khi hợp tác cùng Amazon, việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường bán lẻ quốc tế đã luôn là tham vọng của chúng tôi".

 

Vị lãnh đạo này khẳng định, Gốm sứ Minh Long ý thức được tầm quan trọng và hiểu được thách thức của hành trình định vị thương hiệu khi bước ra thị trường quốc tế, đưa các sản phẩm gốm sứ "Made in Vietnam" đến tận tay khách hàng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ mọi nơi trên thế giới.

 

Được biết, danh mục nhóm sản phẩm bán chạy hàng đầu trên Amazon từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bao gồm: Đồ gia dụng, Dụng cụ nhà bếp, Tiện ích gia đình, Sản phẩm dệt may và Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ & cá nhân.

 

Cụ thể, gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán cho các khách hàng Amazon trên khắp thế giới (trung bình 14 sản phẩm mỗi phút). Số lượng sản phẩm được bán bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trên cửa hàng của Amazon tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vượt mốc doanh thu 1 triệu USD bán hàng ra thị trường quốc tế trên Amazon tăng hơn 40%. Hàng nghìn đối tác bán hàng Việt Nam đã tận dụng Dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) và doanh số bán hàng qua FBA của họ đã tăng gần 50%.

 

Theo Báo cáo của Amazon 2021, Amazon đã và đang không ngừng tiếp sức cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất, công ty khởi nghiệp và doanh nhân của Việt Nam bằng cách cung cấp công cụ và cơ hội để kinh doanh sản phẩm trực tuyến, mở rộng quy mô kinh doanh, xây dựng thương hiệu và tạo ra tác động tích cực cho nền kinh tế.

 

https://image.theleader.vn/upload/hungnguyen/2021/12/9/Amazon%20Fulfillment%20Center_27.JPG

Mỗi phút có 14 sản phẩm "Made in Vietnam" được xuất khẩu online

 

Năm ngoái, Amazon đã đầu tư hơn 18 tỷ USD để hỗ trợ các đối tác bán hàng trên toàn cầu. Những khoản đầu tư này bao gồm hậu cần, đội ngũ, dịch vụ, chương trình và công cụ cho phép đối tác bán hàng kết nối thương hiệu của họ với hàng triệu khách hàng trên toàn cầu.

 

Tại Việt Nam, để hỗ trợ các nhà sản xuất và doanh nghiệp trong nước xây dựng thương hiệu trên quy mô toàn cầu và ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới, Amazon Global Selling đã xuất bản hơn 50 khóa học bằng Tiếng Việt, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và tổ chức hơn 70 sự kiện, hội thảo, chương trình đào tạo phát sóng trực tiếp...

 

Bên cạnh đó, Amazon Global Selling tăng cường hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (IDEA) với mục tiêu không ngừng đồng hành và hỗ trợ đối tác bán hàng, từ đó góp phần thay đổi ngành xuất khẩu và định vị thương hiệu “Made in Vietnam” trên thị trường quốc tế.

 

Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết: "Dù đối mặt với những thách thức lớn do đại dịch Covid-19 kéo dài, năm nay, chúng tôi vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng chú ý của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua Amazon".

 

Lãnh đạo Amazon nhấn mạnh, thành công của Amazon tại Việt Nam phụ thuộc vào sự thành công của các đối tác bán hàng. Trong năm 2021, công ty đã tập trung điều hướng các doanh nghiệp trở thành Chủ sở hữu thương hiệu Việt và sử dụng Dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA), thiết lập hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất và thương hiệu chất lượng cao quy mô vừa và nhỏ trong nước, cung cấp các chương trình và nội dung đào tạo bằng tiếng Việt để nâng cao nhận thức của các đối tác bán hàng về cách thức xây dựng thương hiệu và theo đuổi tăng trưởng bền vững với Amazon.

 

-------------

 

TIN LIÊN QUAN

·         Startup thương mại điện tử B2B Kilo nhận vốn 5 triệu USD

·         Quỹ Blockchain của Shark Bình rót nửa triệu USD vào startup Enrex

·         Grab chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ

·         CEO Nhan Thế Luân rời Nhaccuatui sau 15 năm khởi nghiệp




No comments: