Mặt
Dày Tim Đen, Chó Sủa Đoàn Lữ Hành Cứ Đi!
Trần
Văn Chánh
12/12/2021
http://www.viet-studies.net/kinhte/TranVanChanh_MatDayTimDen.html
Thời
sự kinh tế-chính trị-xã hội ở nước ta đã và đang ngày càng xuất hiện vấn đề,
nên trừ số đông những người lao động đầu tắt mặt tối chạy vạy để kiếm sống
không còn thì giờ nghĩ ngợi gì khác, chứ bất kỳ ai, nếu chưa phải thuộc hạng
người vô tâm vô cảm, cũng đều khó thể “mũ ni che tai” làm ngơ một cách hoàn
toàn.
Đặc
biệt, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tràn lan kéo dài cả năm nay làm tê liệt
một phần quan trọng nền kinh tế trong nước, nhiều nỗi khó khăn chồng chất đang
vây bủa trên đời sống của mọi thành phần trong xã hội, trừ những phần tử đặc
quyền nằm trong các nhóm lợi ích, mà sự rối loạn càng giúp cho họ thêm đục nước
béo cò, nên họ càng ít muốn có sự thay đổi theo chiều hướng tốt như người dân
mong muốn.
Nguyên
nhân có nhiều (chủ quan, khách quan), nhưng tựu trung vẫn phải quy về cho bộ
máy cầm quyền đã thối nát đến cùng cực, vận hành trong một thể chế độc tài toàn
trị.
Tính
ra thì nhà cầm quyền cũng biết lo lắm, lo sốt vó một phần vì dân còn phần khác
vị sợ mất chế độ. Họ hội họp tối ngày để tìm cách chỉnh sửa bộ máy, mong cho nó
được tốt hơn, nhưng sửa tới đâu hỏng tới đó, đã kéo dài 40-50 năm rồi mà xem ra
chẳng ăn thua, vì chỉ sửa
trên những chi tiết râu ria trong khi phần cơ bản là thể chế chính trị trong đó
quyền lực không được kiểm soát thì gần như vẫn giữ y nguyên như cũ.
Kết
quả cho tới hiện nay: xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầy rẫy bất công, hố
ngăn cách giàu nghèo ngày một thêm giãn rộng, các hiện tượng tham nhũng tiêu cực
ngày càng gia tăng, tệ nạn xã hội tràn ngập, văn hóa đạo đức xã hội xuống cấp
theo tốc độ mũi tên, môi trường thiên nhiên bị phá hủy trầm trọng…, và còn bao
thứ khác nữa, không thể kể xiết trong một bài viết ngắn.
Nổi
cộm và kéo dài mà người dân dễ nhận ra hơn cả là tình trạng tham nhũng, thoái
hóa biến chất về đạo đức và lối sống trong tầng lớp lãnh đạo các cấp chỉ có hướng
gia tăng, đến nỗi các ông bà chức trách cấp cao nhất nhiều người phải kêu lên
“chúng như một bầy sâu”, “họ ăn không chừa một thứ gì”, và mới đây nhất có người
nói: hở chút là ăn, trong khi danh dự mới là quan trọng, còn tiền nhiều mà để
làm gì…
Thực
tế cho thấy, chỉ riêng trong vòng 5 năm gần đây, đã có hơn 110 cán bộ diện
Trung ương quản lý bị kỷ luật với nhiều mức độ khác nhau, kể cả vào tù, trong
đó có cả cấp phó thủ tướng, bộ trưởng và tướng tá, theo số liệu được công
bố tại hội
nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn
2013-2020. Chưa kể hàng ngàn người khác có chức danh lãnh đạo thuộc các cấp tỉnh
thành, quận huyện, phường xã mà ông nào cũng được lựa chọn cơ cấu đưa vào chức
vụ một cách rất đúng quy trình và khoa học, chỉ thiếu điều kiện căn bản nhất là
tất cả họ đều được thăng tiến bổ nhiệm không phải do dân bầu lên.
Các
cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng từ lâu đã tỏ ra bất lực, nếu không
muốn nói chính các nơi này cũng là cái ổ tham nhũng, nên ông nào phụ trách đến
lúc về hưu hạ cánh an toàn cũng trở nên giàu sụ.
Trong
khi đó, giải pháp phòng chống tham nhũng loay hoay cơ bản vẫn không ra ngoài những
lời kêu gọi về về đạo đức xã hội chủ nghĩa, rằng phải biết phê bình tự phê
bình, tôn thờ lý tưởng cộng sản, nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa
cá nhân, noi theo lời dạy “cần kiệm liêm chính chí công vô tư” của các lãnh tụ
tiền bối…; rằng phải biết nhìn nhận, soi xét lại mình, tự sửa mình trong
công tác, cuộc sống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm..., nhưng tất cả đều
đã cũ rích và trở nên hoàn toàn vô hiệu, nói ra càng thêm nản chí!
Còn
như nói chống tham nhũng bằng cách bắt cán bộ chức quyền phải kê khai tài sản,
đăng ký tài sản, thì đây là điều không thể làm được trong một bộ máy cầm quyền
hầu như đã thối nát rệu rã toàn diện, như thực tế đã từng cho thấy trong rất
nhiều năm nay.
Công
cuộc “đốt lò” tuy khởi đầu có mang lại một ít niềm hi vọng trong dân, nhưng
cách thực hiện thiếu khách quan, công bằng, và còn có những vùng tránh, đã gây
nên nỗi nghi ngờ rằng người ta chỉ làm chủ yếu vì mục đích tạo dựng uy tín cá
nhân hoặc để giải quyết các vấn đề thuộc về tranh chấp nội bộ giữa các nhóm lợi
ích đầu sỏ.
Thật
ra chỉ là ru ngủ hoặc tự ru ngủ, nếu không muốn nói mị dân, trong khi ai cũng
biết nhà đã dột từ nóc, và nếu thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Đại biểu Quốc
hội, khoảng 500 người thay mặt cho dân, phần đông hèn kém, thì không hi vọng
trông cậy gì được, vì cách bầu bán thiếu dân chủ đã đồng hóa họ với chính quyền,
nên họ chỉ còn đóng được vai trò trình diễn, không hơn không kém, mà có vẻ thu
hút sự chú ý của người thường dân hơn cả là màn trình diễn ngoạn mục Quốc hội
chất vấn các thành viên chính phủ.
Tưởng
gì, chứ Hiến pháp từ trước đến nay chỉ còn là một vật trang trí cho chế độ, vì
tất cả các quyền về tự do dân chủ quy định ở Điều 25 (Hiến pháp 2013), như công
dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình…, đều không được
thực hiện.
Đã
có quá nhiều tiếng nói phê phán, xuất phát từ nhiều phía: người dân, giới nhân
sĩ trí thức, một số ít cán bộ nhà nước còn chút điểm lương tâm.
Cũng
đã có quá nhiều phản ứng cụ thể hoặc tiếng kêu oan từ phía người dân thấp cổ bé
miệng, đặc biệt trong lĩnh vực đấu tranh chống lại nạn tham nhũng đất đai,
nhưng thay vì tiếp thu, sửa đổi một cách tích cực, nhà cầm quyền chủ yếu đáp lại
bằng giải pháp trấn áp, cầm tù, đã để xảy ra những vụ án gây bất bình xã hội cả
trong lẫn ngoài nước, như vụ Lê Đình Kình ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), vụ gia đình
bà Cấn Thị Thêu ở quận Dương Nội (Hà Đông)…
Luật pháp xây dựng hàng đống, nhưng toàn luật
rừng, không áp dụng khách quan được dưới sự chi phối của nhà nước độc tài toàn
trị. Nhiều vụ án oan mà
nổi tiếng nhất là vụ Hồ Duy Hải ở Bưu điện Cầu Voi (Long An); một số vụ gây chết
người đã bị ém nhẹm, như vụ quân nhân Trần Đức Đô, Nguyễn Văn Thiên mới đây; hầu
hết các vụ án tham nhũng lớn liên quan viên chức cấp cao đều được xét xử theo
kiểu “bỏ túi”, trong đó vai trò biện hộ của luật sư bị mờ nhạt nên phần nhiều
chỉ có tính cách tượng trưng.
Trên
đây chỉ là kể sơ sơ tình trạng, chứ nếu muốn liệt kê đủ thêm nhiều thứ chuyện
thì không sách vở nào chép nổi, vì chính sự phiền hà, trúc rừng cũng không ghi
hết tội, như cách diễn đạt văn chương của bài “Bình Ngô đại cáo”.
Gần
đây nhất, đặc biệt trong những tháng nhân dân Việt Nam phải đối đầu với đại dịch
Covid-19, nhà cầm quyền đã tỏ ra lúng túng phạm phải nhiều khuyết điểm, sự tệ hại
càng thêm bộc lộ rõ nét, đã khiến cho trên 20 ngàn người dân bị tử vong, hàng
trăm ngàn người dân nghèo khác không được cứu trợ thích đáng đã phải kéo nhau
tháo chạy về quê để vừa tránh dịch vừa tránh đói, dẫn đến tình trạng thiếu hụt
lao động trong tương lai sắp tới tại các khu công nghiệp, khiến cho
nền kinh tế đang ngắc ngư vì dịch bệnh sẽ còn bị tê liệt nặng thêm. Trong thảm
cảnh này, mà trách nhiệm chủ yếu thuộc về chính quyền, nhiều tiếng nói phê phán
mạnh mẽ trung thực không chút húy kỵ của các nhà văn, nhà báo, bác sĩ… đã được
cất lên, phần nào cũng đã có tác động làm cho giới chức trách phải điều chỉnh
chính sách theo hướng tích cực.
Bức
xúc trước tình hình xã hội có quá nhiều biểu hiện ngoài ý muốn, nhà thơ Bùi Chí
Vinh đã vừa cho ra một bài thơ chính luận mới:
Sau những ồn ào về “hoa hậu
vót chông”
Về “bò dát vàng rắc muối”
làm đau dạ dày dân tộc
Thì lò lửa thành Thăng Long
bất ngờ hừng hực
Bầy yêu quái trong truyện Tây du lần lượt hiện
nguyên hình
Những tên yêu quái lọt xuống trần gian đều có lộ
trình
Luồn sâu leo cao, bán tước mua quan, đội trên đạp dưới
Chúng đạp dân nghèo Đồng Tâm như là đạp dưới chân
rác rưởi
Chúng làm bẩn dạ dày kinh đô bằng âm mưu sông Đuống,
sông Đà
(…)
Nhìn
chung, song song với tình trạng tệ hại từ lâu như đã được mô tả, sự công kích
chính quyền một cách hòa bình và hợp hiến đã và đang ngày càng gia tăng, với nồng
độ/ liều lượng ngày càng thêm đậm. Đối với các nhà gọi là “hoạt động dân chủ”
trong nước, đối sách của chính quyền thường là: kiểm soát chặt chẽ an ninh mạng,
trấn áp, bỏ tù… căn cứ Điều 117 Bộ luật hình sự, truy tố về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông
tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; hoặc
điều 331, gọi là “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền,
lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Với cách xử lý vấn đề thế này, người dân Việt trên thực tế chỉ còn lại
quyền dân chủ được nói lên những tiếng nói đồng điệu với chính quyền.
Tại
các nước ngoài, trong thời đại truyền thông Internet, cũng có hai loại tiếng
nói phê phán nhà cầm quyền Việt Nam bằng hai loại giọng điệu khác nhau: giọng
điệu phản biện thẳng thắn nhưng có tính xây dựng của một số trí thức người Việt,
và giọng điệu chống phá của “các thế lực thù địch”. Đối với loại đối tượng sau,
đúng là người ta có ác ý mong muốn cho nhà cầm quyền CS Việt Nam sụp đổ càng
nhanh càng tốt, gọi họ “thế lực thù địch” là hoàn toàn chính xác, nhưng nhà cầm
quyền Việt Nam qua phát biểu của Ban tuyên giáo trung ương luôn gộp chung cả
hai loại thành một giỏ “các thế lực thù địch”. Tuy nhiên, nếu xét kỹ trên một
khía cạnh tế vi khác, các báo đài thuộc “thế lực thù địch” ngoài việc chửi bới
đôi khi quá lố họ còn có một quan điểm chung tốt khác, đó là luôn đứng về phía
lập trường dân tộc, chống chủ nghĩa bá quyền nước lớn, phê phán các hiện tượng
tiêu cực thối nát trong nước, chống bất công, bảo vệ người nghèo, và đòi hỏi
nhà cầm quyền trong nước phải thực thi dân chủ.
Khách
quan mà nói, để chống lại hiệu quả thành trì quá kiên cố của những hiện tượng xấu
trong nước, nhằm đẩy mạnh cải cách kinh tế-chính trị, chúng ta rất cần đến nhiều
loại tiếng nói màu sắc khác nhau để gộp chung thành sức mạnh công phá tổng hợp.
Nói cách khác, cần phải vận dụng đến cả 84 ngàn pháp môn hết sức phong phú và
đa dạng.
Nếu
nhà cầm quyền đã làm tốt chức trách của mình với dân, thực hiện đúng một chính
phủ của dân, do dân, vì dân thì họ sẽ không còn sợ gì dư luận phê phán hoặc chửi
rủa, cũng chẳng sợ ai mưu toan lật đổ, khi đó tất cả những tiếng nói đang bị
cáo buộc là “thế lực thù địch” kia đều sẽ tan biến đi một cách tự nhiên, và đổi
lại sẽ là những lời khen tặng nhiệt liệt, kể cả của những “thế lực thù địch” thật
sự.
Cổ
nhân dạy: Người khen ta mà khen đúng là bạn ta; kẻ chê ta mà chê đúng là thầy
ta; còn kẻ nịnh ta là thù địch ta vậy (Tuân Tử). Lời dạy minh triết này xem ra rất phù hợp với ý kiến thông minh tuyệt vời của
nhà cách mạng tiền bối Lênin vì ông này thường biết chú ý lắng nghe ý kiến của
những người đối lập, chịu khó đọc các sách báo của kẻ thù viết về cuộc cách mạng
ở Nga 1917, khi đó đang gặp nhiều khó khăn, và tự nhủ: “Những người này đã
giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Họ nhắc chúng ta chú ý đến tất cả những sai lầm và
hành động ngốc nghếch mà chúng ta mắc phải. Chúng ta phải cám ơn họ”. Ông
không ưa kẻ khác tán tụng mình hoặc thêu dệt thêm những thành tích đã đạt được ở
Nga, đủ chỉ là để tuyên truyền (xem Lênin, Về văn học nghệ thuật,
NXB Văn Hoá Nghệ Thuật, Hà Nội, 1963, tr. 114).
Rất tiếc nhà cầm quyền Việt Nam của chúng ta
hiện nay tuy luôn muốn bảo vệ lâu bền chế độ nhưng lại không chịu nghĩ sâu nghĩ
xa được như ông thầy Lênin của mình thuở trước. Trái lại, ngoài việc trấn áp
dân chủ là chính bằng lực lượng công an dày đặc, và tuyên truyền kiểu áp đặt của
Ban Tuyên giáo các cấp, họ còn áp dụng chiến thuật làm ngơ: ai nói
gì nói, họ sẵn sàng ngồi xổm trên dư luận, coi đó như những tiếng chó sủa; ai bất
đồng chính kiến có thể sủa nhau cho nghe để xả stress trong nhà, tại các quán
cà phê hoặc quán nhậu, nhưng “chó sủa thì đoàn lữ hành cứ đi!”.
Thí dụ, đối với một số “tù nhân lương tâm”, dư
luận trong nước và thế giới cực lực lên tiếng đòi thả thì họ nhốt cứ nhốt; ai
đang bị xử án về hành vi chính trị, dư luận đề nghị giảm án thì có khi họ còn
phán quyết nặng hơn; ai ngồi tù lâu tuyệt thực để phản đối họ cũng không hề cảm
động… Nếu bảo một số người thẩm quyền trong họ đã trở nên mặt dày tim đen thiết
tưởng cũng không phải là điều quá đáng!
Cái chiến thuật như vừa nêu trên thật ra chỉ
là một loại thủ đoạn gian xảo, phân biệt áp dụng cho từng loại đối tượng: đại
khái, đối với nhóm người tương đối trẻ tuổi đấu tranh cho dân chủ dân quyền, nếu
cảm thấy bất lợi cho thể chế độc tài toàn trị thì họ cho nhốt vào tù; đối với hạng
già gần đất xa trời mà trước kia từng là người đồng đảng nay đã về hưu thì họ
không bắt bớ vì sợ mang tiếng, lại còn được tiếng là Việt Nam biết tôn trọng
dân chủ, nhưng lại dùng lực lượng dư luận viên để công kích, bôi nhọ, gộp những
cụ già này vào chung rọ “các thế lực thù địch”.
Nhưng bàn tay không che nổi mặt trời, thủ đoạn
chính trị dù khôn khéo đến đâu nếu trái với thiên lý nhân tình và lòng dân thì
lần lần cũng sẽ bị lòi ra cho mọi người trông thấy.
Công tâm mà nói, không phải bây giờ, mà từ khá
lâu, không ít các nhà chức trách CSVN đã nhận ra vấn đề, rằng nếu để lòng tin của
nhân dân xuống tới cực độ thì dù có trấn áp dân chủ bao nhiêu cũng không phải
thượng sách, trái lại chỉ là cách tự đào hố chôn mình và ngày tàn của chế độ chẳng
qua chỉ còn là câu chuyện thời gian. Tuy nhiên, vì những lý do ngoắt ngoéo của
lịch sử cộng với lòng tham của vô đáy của các nhóm đặc quyền tư sản đỏ tất yếu
sinh ra trong điều kiện thắng lợi “hậu cách mạng”, đã làm cho việc cải cách thể
chế chính trị trở nên trì trệ, khiến các nhà cầm quyền CS phải cố bám riết CNXH
nhưng là một thứ CNXH thân hữu, dị dạng, mà nếu diễn đạt dưới hình thức ngược lại
thì có thể gọi là CNTB dã man cuồng nhiệt có tính nguyên thủy của loài người thế
kỷ thứ XIX.
Trước mắt và trong những ngày gần đây nhất,
nhà cầm quyền thật sự đã có nhiều nỗ lực thiện chí muốn chỉnh đốn tình trạng thối
nát suy thoái của hàng ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, nhằm tạo bước đột phá mạnh,
chuyển họa thành phúc, bằng nhiều cuộc hội thảo hội nghị, cho ra hàng loạt những
nghị định, nghị quyết, chỉ thị có nội dung quan trọng, nhưng xem ra cũng chỉ là
loay hoay luẩn quẩn trong cái vòng cũ kỹ ít hi vọng đạt được hiệu quả tốt,
trong điều kiện một nền chính trị đã suy thoái đến mức không còn đủ sự lành mạnh
cần thiết khả dĩ làm tiền đề vững chắc cho các quá trình cải cách cơ bản. Cụ thể
hơn thế nữa, đúng như lời cảnh báo giá trị của ông thầy CS Lênin phát biểu từ một
thế kỷ trước, rằng nếu người ta còn có thể hối lộ được thì người ta cũng không
có cái điều kiện tối thiểu để làm chính trị, vì khi đó mọi biện pháp, pháp lệnh,
nghị quyết đều sẽ trở thành những tấm giấy lộn và chỉ lơ lửng trên không trung
(xem Về chủ nghĩa quan liêu, NXB. Sự Thật, Hà Nội). Điều này có
nghĩa, tất cả những giải pháp nửa vời có tính vá víu do nhà cầm quyền đưa ra gần
đây, như đã thấy, dù có xuất phát từ thiện chí, đều chắc chắn không thể đạt được
hiệu quả tích cực vì vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, hay còn gọi “tít
mù vòng quanh”, nạn tham nhũng tài sản và tham nhũng quyền lực vì thế cũng
không thể đẩy lùi, mà chỉ biến tướng qua những biểu hiện dạng khác mà
thôi.
Giải pháp căn cơ cho mọi vấn đề cải cách nếu đặt
trong bối cảnh chính trị cụ thể như hiện tại là một câu chuyện rất dài dòng phức
tạp, tuy không thể không thực hiện, nhưng cần phải hiện thực hóa nó một cách tiệm
tiến, đi chắc từng bước, hầu tránh được tình trạng động loạn rất dễ xảy ra gây
trì trệ nền kinh tế và nỗi khó khăn cho người dân. Trong khi chờ đợi các bước
tiến hành thích hợp, phải
mạnh dạn đột phá sửa đổi càng sớm càng tốt vài điều quan trọng trong Hiến pháp
2013, đặc biệt đối với 2 điều dã man nhất là Điều 51 “kinh tế nhà nước giữ
vai trò chủ đạo” và Điều 53 “Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước
thống nhất quản lý”. Thực hiện đúng thực chất Điều 25 “Công dân
có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội,
biểu tình…”, bằng cách sớm soạn thảo và thông qua một số luật liên quan đến Điều
25 này.
Trên cơ sở nguyên tắc coi hiến pháp là văn bản
pháp luật căn bản cao nhất của quốc gia, cần xây dựng một tòa án hiến pháp để xử
các trường hợp vi hiến, đồng thời với việc đẩy mạnh phong trào vận động toàn
dân “Sống và hành động theo hiến pháp và pháp luật”, một cách thực chất, như nội
dung những tấm bảng cổ động mà ngành tuyên truyền của chính phủ lâu nay đã treo
dán trên khắp các đường phổ cả nước. Thực hiện cải cách tư pháp để có một ngành
tòa án độc lập với hành pháp. Tiếp tục cải cách hành chính để có một nền hành
chính vận hành theo phương pháp khoa học, vì nếu hành chính yếu kém thì bao
nhiêu lý tưởng quốc gia và kế hoạch tốt đẹp của nhà nước cũng đều sẽ tiêu tan
thành mây khói.
Sửa đổi luật để mở rộng quyền tự do báo chí,
xuất bản, biến báo chí thành một loại đệ tứ quyền, tương tự như ở rất nhiều nước
phương Tây văn minh tiến bộ.
Để tạo được bầu không khí tươi mới phấn khởi
gây lại niềm tin trong dân và thúc đẩy cải cách toàn diện kinh tế đi đôi với cải
cách chính trị, thiết tưởng cần phải làm ngay một số việc sau đây:
- Nếu chưa thể thả ngay hết các “tù nhân lương
tâm” thì ít nhất phải tính đến kế hoạch phúc thẩm, giám đốc thẩm để trả tự do
hoặc giảm án. Có thể nghĩ đến việc thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng cách giam
lỏng (xưa gọi là an trí) đối với một số nhân vật cụ thể nào đó, tùy theo trường
hợp. Trong khi chờ đợi, cần cải cách nhanh chế độ nhà tù, trước nhất dành sự
thoải mái và đối xử tử tế hơn cho các “tù chính trị”, đặc biệt tù nữ, trên cơ sở
nhận thức rằng sở dĩ có tù chính trị là do có phần lỗi trước của nhà cầm quyền,
hoặc chưa chắc ai đã lỗi hơn ai nếu tính theo tầm nhìn dài hạn hướng đến tương
lai. Kinh phí dùng cho việc cải cách chế độ lao tù lấy ra từ ngân sách của
ngành công an (lớn gấp 10 lần ngân sách của ngành y tế), cùng với việc giảm bớt
số lượng công an, cảnh sát để giảm bớt quỹ lương; lấy số quỹ lương được thừa ra
này dùng vào việc cải cách chế độ lao tù. Trong mọi quốc gia, số lượng đông
công an và nhà tù luôn tỉ lệ nghịch với mức độ thành đạt trị dân của các nhà
đương cuộc.
Trước mắt phải hạ nhiệt ngay lập tức việc bắt
bớ cầm tù các nhà bất đồng chính kiến. Ngành công an thay vì phát triển quân số,
cần lập riêng những đội dân ý, chuyên đi thu thập ý kiến của dân để phản ảnh lại
cho các nhà đương cuộc, làm cơ sở cho công cuộc điều chỉnh chính sách.
- Tiếp tục phòng chống tham nhũng nhưng không
làm theo cách “đốt lò” như hiện nay, tuy có đem lại một số hiệu quả nhất định
nhưng không cơ bản, thực tế cho thấy chẳng những không thu hồi được tài sản
tham nhũng mà còn rất dễ đưa đến tình trạng lạm dụng để thanh trừng nội bộ, làm
cho nhân tâm ly tán, gây mất đoàn kết và lòng thù hận giữa những người “đồng
chí”, vô tình sập vào cái bẫy của một ngoại bang ác ý nào đó đang rình rập quấy
rối chúng ta.
Có thể tạm bỏ qua cho những quan chức
hay cựu quan chức tay lỡ dính chàm, coi tài sản của họ là khoản tiền thưởng trả
trọn một lần, khuyến khích họ đầu tư tài sản nhờ tham nhũng mà có vào các hoạt
động kinh tế hợp pháp hoặc dùng tiền cho những hoạt động công ích, từ thiện,
chia sẻ với người nghèo. Bù lại, Chính phủ cần tuyên bố một lệnh mới thể chế
hóa bằng pháp luật, theo tinh thần “từ ngày… trở đi, nếu ai còn phạm tội tham
nhũng sẽ bị phạt tù thật nặng đến mức tử hình, không phân biệt công lao thành
tích hoặc lý lịch thành phần xanh đỏ”, rồi mang ra xử thật nặng hoặc xử bắn vài
vụ án tham nhũng tiêu biểu để làm gương.
Cơ sở nhận thức của vấn đề chống tham nhũng cần
nhìn ở góc độ cải cách thể chế chính trị và cải cách hành chính, trong đó các
loại quyền lực phải được phân công, kiểm soát và chế ước lẫn nhau, song song với
việc cải cách thật mạnh chế độ tiền lương dành cho công chức, với mức lương của
cấp thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng cục phó… có thể lên đến 60-100
triệu đồng mỗi tháng.
Đành rằng, nếu cứ khư khư giữ mãi lối mòn cũ,
các nhà cầm quyền độc tài vẫn có thể giữ được quyền lực thống trị của mình
trong khoảng thời gian nhất định nào đó theo kiểu Trung Quốc, bằng biện pháp trấn
áp dân chúng, bịt miệng các nhà đấu tranh dân chủ, hoặc bằng cách áp dụng chiến
thuật chà đạp dư luận, mặt dày tim đen, “chó sủa đoàn lữ hành cứ đi” như trên
đã nói, nhưng đây hẳn không phải là thượng sách, mà ngay cả những kẻ độc tài nhất
thiên hạ lỡ leo lưng cọp, trong thâm tâm họ cũng đã thấu hiểu và dường như cũng
đang tìm mọi cách xoay xở để thực hiện đổi mới. Bản thân họ không ít người cũng
đã chân trong chân ngoài dự kiến sẵn cho một khả năng có ngày phải kiếm đường tẩu
thoát sang các nước văn minh phương Tây, nhưng dù có làm được như vậy, đó cũng
không phải là lựa chọn danh dự và hạnh phúc của những người CS.
Tính đến nay, trên thế giới có cả thảy 204 quốc
gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ còn lại vài bốn quốc gia XHCN tiếp tục đi theo
chế độ độc tài toàn trị, tôi cho rằng nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam mạnh dạn cải
cách tiệm tiến đất nước theo đường hướng dân chủ, không rập khuôn theo mẫu hình
Trung Quốc, họ sẽ tạo nên một kỳ tích không chỉ tác động tích cực vào lịch sử
chung của toàn nhân loại hiện đại mà còn được nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ
công ơn. Bằng như cố làm ngược lại để duy trì nhất thời các loại đặc quyền kinh
tế-chính trị dành cho thiểu số thì kết quả xấu tất yếu sẽ như thế nào, coi như
đã được lập trình sẵn.
TVC
12.12.2021
No comments:
Post a Comment