Lưỡng
đảng đạt được thoả thuận tăng trần nợ, ngăn chặn vỡ nợ
Cali
Today
December 7, 2021
(Washington Post) –
Lãnh đạo lưỡng đảng vào thứ Ba tỏ dấu hiệu đạt được thoả thuận tăng mức trần nợ
quốc gia, giúp chính phủ Mỹ tránh được vụ vỡ nợ thảm khốc có thể xảy ra.
Nhân nhượng diễn ra khi chỉ còn 8 ngày trước hạn
chót tài khoá quan trọng, ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh
tế khác. Lãnh tụ Đa số Thượng viện Charles E. Schumer (Dân chủ – New York) và
Lãnh tụ Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hoà – Kentucky) đều bày tỏ tự
tin đã có đủ phiếu để có thể thực hiện kế hoạch, trong khi Chủ tịch Hạ viện
Nancy Pelosi (Dân chủ – California) giữ Hạ viện theo đúng hướng vào tối thứ
Ba.
Bản thân thoả thuận không trực tiếp nâng trần
nợ, nhưng đưa ra một thủ tục êm thấm hơn, cho phép Dân chủ với tỉ lệ sít sao tại
Thượng viện có thể hoàn tất nhiệm vụ mà không cần sự ủng hộ của Cộng hoà.
Hai bên mâu thuẫn về vấn đề này trong
vài tháng qua, và Cộng hoà từ chối hậu thuẫn Dân chủ tăng mức trần nợ nhằm phản
đối chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Dân chủ chỉ trích
quan điểm của Cộng hoà, nhất là khi họ hỗ trợ Cộng hoà những lá phiếu cần thiết
giải quyết trần nợ khi cựu Tổng thống Donald Trump theo đuổi các chính sách mà
họ không thích. Tuy nhiên, cuối cùng thì các nhà lập pháp Cộng hoà ít nhất cũng
dọn đường cho Dân chủ đạt được hạn chót tài khoá mà không bị gián đoạn hay trì
hoãn, có khả năng tăng giới hạn mức nợ đủ để kéo dài qua bầu cử giữa kỳ
2022.
“Chúng tôi cảm thấy rất tốt về phương hướng trước mắt,” Schumer cho truyền thông hay tại buổi họp báo, mặc dù ông thừa nhận
công việc chưa xong cho đến khi nào hoàn tất.
Trần nợ là giới hạn mức nợ Mỹ có thể vay để trả
cho các chi phí của mình. Trừ phi Quốc hội tăng trần nợ bằng một con số cụ thể
hoặc đình chỉ hoàn toàn, Bộ Ngân khố không thể đáp ứng được những nghĩa vụ tài
chánh, và quốc gia có thể rơi vào khủng hoảng tài chánh, hoặc thậm chí rơi vào
một cuộc suy thoái mới.
Chính phủ Mỹ đã nợ gần $29 nghìn tỉ Mỹ kim theo giới
hạn. Bộ Ngân khố cho hay, theo mức hiện nay, quốc
gia có thể kéo dài cho đến ngày 15 tháng 12 cho đến khi một lần nữa vượt quá giới
hạn. Nếu không có biện pháp nào vào hạn chót này, “Bộ Ngân khố sẽ không có đủ
tài nguyên để tiếp tục chi tiền cho các hoạt động của chính phủ Mỹ sau ngày
này,” theo lời Bộ trưởng Janet L. Yellen.
Hoa Kỳ chưa từng bị vỡ nợ, thậm chí ngay cả
khi các cuộc chiến đảng phái đẩy quốc gia đến bờ vực đi chăng nữa, như vào đầu
mùa thu năm nay. McConnell và đồng minh Cộng hoà của ông ta tìm cách chống lại
tăng trần nợ, nằm trong chiến dịch phản đối nghị sự kinh tế rộng lớn của Biden.
Nhưng Cộng hoà cuối cùng cũng đạt được thoả thuận với Dân chủ, ngăn chặn được
thảm họa tài khóa.
McConnell sau đó thề, Cộng hoà sẽ không ủng hộ
tăng trần nợ một lần nữa, tuyên bố này gia tăng khả năng một cuộc đụng độ khác
tại Quốc hội, vì Dân chủ chỉ chiếm đa số 51 phiếu, bao gồm cả lá phiếu của Phó
Tổng thống Kamala Harris, trong khi họ cần đến 60 phiếu trong hầu hết các dự luật.
Trong khi đó, Schumer từ chối sử dụng biện pháp reconciliation để giải quyết trần
nợ mà không cần đến Cộng hoà.
Hai bên dường như đã bảo đảm được lối thoát khỏi
bế tắc, đem lại chiến thắng chính trị cho cả hai bên trong thoả thuận mới.
Theo thoả thuận, Quốc hội lần đầu tiên thông
qua một biện pháp cho phép Dân chủ tăng trần nợ chỉ một lần bằng đa số phiếu tại
Thượng viện. Phải có ít nhất 10 Thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu cùng Dân chủ
thông qua biện pháp này. Sau đó, Dân chủ có thể đơn phương tăng trần nợ thực tế
với sự phản đối hoàn toàn của Cộng hoà mà không có rủi ro khủng hoảng
kinh tế.
Hương Giang (Theo Washington Post)
No comments:
Post a Comment