Sunday, December 5, 2021

CHO VAY LÃI NẶNG VÀ CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN (Ngô Huy Cương)

 


CHO VAY LÃI NẶNG VÀ CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngô Huy Cương

04/12/2021  20:16  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1543540212681988&id=100010780718014

 

Cho vay lãi nặng đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với toàn xã hội. Những quảng cáo cho vay bằng giấy dán, tờ rơi và tin nhắn điện thoại đang tràn lan khắp mọi nơi và rất khó kiểm soát.

 

Gặp khó khăn về kinh tế, nhất là trong thời gian dịch bệnh hay sau dịch bệnh, nhiều người, do hoàn cảnh thúc đẩy buộc phải giải quyết việc chi tiêu ngay tức khắc, nhắm mắt đi vay dẫu vẫn biết làm như vậy là tự đưa bản thân mình và gia đình mình vào bẫy. Họ có lẽ luôn tự cầu xin có một phép mầu nào đó để thoát khỏi cảnh trả lãi nhục nhã, đau đớn và có thể nguy hiểm tới cả tính mạng, sức khỏe của bản thân mình và người thân của mình.

 

Đó là câu chuyện xã hội mà khó có thể một sớm, một chiều giải quyết được ngay.

 

Tuy nhiên cần phải rút ra bài học nào đó đối với công tác phòng chống tội phạm có tổ chức?

Rõ ràng là chúng ta đã không kịp thời hay đã quá muộn trong việc nhận ra, đánh giá đúng và có chính sách chuẩn xác trong việc phòng chống tội phạm có tổ chức.

 

Sáng nay VTV1 đưa tin, một nhóm cho vay nặng lãi bị truy tố về “tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và cho rằng chúng ta đang thể hiện sự quyết tâm chống lại loại tội phạm này.

 

Tội phạm hiện nay cũng có học. Chúng hiểu biết cái giá để đánh đổi. Và thậm chí chúng rất rành về việc chấp nhận tội gì và cần phải “xin” tình tiết nào.

 

Hành vi cho vay lãi nặng có khi chỉ là cái cớ để thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản.

 

Rõ ràng là không thể có được khoản lãi lớn trên mức cho phép nếu không đe dọa sử dụng bạo lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người đi vay (ví dụ như buộc người đi vay phải chụp ảnh khỏa thân để trao cho chúng).

 

Hết sức lưu ý rằng: Khoản lãi trên mức cho phép của pháp luật không thể thuộc quyền sở hữu của người cho vay. Vì vậy đòi khoản lãi này bằng thủ đoạn đe dọa sử dụng bạo lực hoặc các thủ đoạn khác luôn là cưỡng đoạt tài sản. Dù một khoản có quyền đòi thì người cho vay cũng không thể hành xử bằng bạo lực hay đe dọa sử dụng bạo lực để đòi trong một xã hội văn minh.

 

Cần lưu ý nữa rằng: Tội cưỡng đoạt tài sản bị Bộ luật Hình sự hiện hành của ta trừng trị nghiêm khắc hơn tội cho vay lãi nặng. Luật hình sự của các nước trên thế giới cũng có chính sách không khác hơn.

 

Vậy chúng ta cần xem xét thấu đáo để trừng trị đúng loại tội phạm này, trả lại sự bình an cho xã hội.

 

Không phải là chuyên gia luật hình sự, tôi kính mong mọi người góp ý!

 

.

55 BÌNH LUẬN   





No comments: