Sunday, December 5, 2021

NHÂN KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP VIỆN KHOA HỌC GIÁO DỤC VIỆT NAM / 6/12/1961 - 6/12/2021 (Mạc Văn Trang)

 


Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (6/12/1961 – 6/12/2021)

Mạc Văn Trang

05/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/05/nhan-ky-niem-60-nam-thanh-lap-vien-khoa-hoc-giao-duc-viet-nam-6-12-1961-6-12-2021/

 

Được Thông báo, mời tham gia phát biểu trực tuyến Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện. Nhưng tôi không phát biểu đâu! Vì Kỷ niệm 60 năm của bất kỳ đơn vị, tổ chức nào trong chế độ ta, thì đều là ngày VUI MỪNG, phấn khởi với biết bao THÀNH TÍCH và đón nhận HUÂN CHƯƠNG, Bằng khen túi bụi, nghe những LỜI CÓ CÁNH từ các cấp lãnh đạo… Để rồi sau đó tất cả lại trở về với “cái máng lợn”! Do đó tôi chỉ xin chia sẻ vài điều tâm sự với những bạn quan tâm.

 

1. Nhớ lắm các thế hệ đi trước.

 

Tôi về Viện tháng 9/1968, đi sơ tán ở Canh Nậu, Sơn Tây. Lúc đó Viện tách đôi là “Viện Khoa học giáo dục” và “Viện Chương trình và Phương pháp”, cùng chung trụ sở 101 Trần Hưng Đạo và cùng sơ tán một nơi. Viện KHGD do anh Nguyễn Đức Minh và Hà Thế Ngữ phụ trách; Viện CTPP do anh Nguyễn Sĩ Tỳ và Phạm Văn Hoàn phụ trách. Hình như đến 1970 thì nhập làm một với tên gọi: Viện KHGD Việt Nam. Việc này rất hợp lý.

 

Bây giờ thế hệ đầu tiên của Viện còn tại thế, mình nhớ một số anh chị, toàn trên dưới 90 tuổi: Chị Phạm Diệu Vân, Nguyễn Cao Lũy, Đặng Bích Hà (Vợ tướng Giáp), Anh Phạm Tất Dong, Nguyễn Thế Trường…

 

Lứa NCV Tâm lý học về cùng với mình chỉ còn ít người, cũng U 90 cả rồi: Hoàng Xuân Hinh, Ngô Đặng Minh Hằng, Phạm Hưng Trinh, Ôn vi Sơn, Phạm Nguyệt Lãng, Nghiêm Thị Phiến, Vũ Thị Nho,… Lứa tiếp sau thì không nhớ hết.

 

Nhớ những anh chị thân thiết với tôi, ân nhân của tôi đã mất: Nguyễn Đức Minh, Hà Thế Ngữ, Đỗ Thị Xuân, Phạm Văn Hoàn, Phạm Hoàng Gia, Nguyễn Thị Tân, Hà Vỹ, Phạm Huy Thụ, Đặng Xuân Hoài, Phạm Ngọc Luận, Nguyễn Thị Lý, Lê Sơn, Nguyễn Huy Diễm, Nguyễn Lê Hoà, Đặng Ngọc Riệp, Nguyễn Kế Hào…

 

Một thời những người lãnh đạo vừa là Thầy vừa là đồng nghiệp thân thiết, những bạn bè gắn bó thân thương chia ngọt sẻ bùi và tất cả đều say sưa hết mình với KHOA HỌC. Rất tiếc bao nhiêu báo cáo khoa học, bài viết chỉ được viết tay, đánh máy, in roneo, được xuất bản thành sách chuyên khảo quá ít. Sau bao đảo lộn, giờ đây các tài liệu cũ chắc vứt hết đi rồi. Viện mà không có Lịch sử nghiên cứu các môn khoa học, chỉ có Lịch sử nhập – tách – nhập, đổi tên?!

 

 

2. Tiếc lắm, Viện KHGD VN vì đâu tan tác?

 

Vào đầu những năm 1970, anh Nguyễn Đức Minh, Hà Thế Ngữ, Nguyễn Văn Hoàn, sau này có anh Phạm Minh Hạc về, Viện KHGDVN được thiết kế theo mô hình Viện Hàn lâm KHGD của CHDC Đức và một số nước, nhưng không có các “Viện con” mà là các BAN và TRUNG TÂM. Viện có 3 Ban lớn là Giáo dục học, Tâm lý học và Chương trình phương pháp. Dưới Ban là các Phòng/Trung tâm định hướng nghiên cứu chuyên sâu với 3 lớp cán bộ nghiên cứu kế tiếp; mỗi chuyên ngành đều bồi dưỡng những đầu đàn để thành các “NHÀ”/ Chuyên gia: Nhà Xã hội học giáo dục; Nhà Kinh tế học giáo dục, Nhà Giáo dục so sánh, Nhà Lịch sử giáo dục, chuyên gia về Quản lý giáo dục, chuyên gia về Đánh giá giáo dục, chuyên gia về Giáo dục gia đình; Nhà Tâm lý học giáo dục, nhà Tâm lý học Dạy học, nhà Tâm lý học Hướng nghiệp, Nhà Tâm lý học về nhân cách nhà giáo, Nhà Tâm lý học lứa tuổi/phát triển, Chuyên gia Tâm lý học học đường; Các chuyên gia về giáo dục trẻ khuyết tật; các chuyên gia về phát triển Chương trình giáo dục, các Chuyên gia về Lý luận dạy học, về Phương dạy học bộ môn; các chuyên gia về Thiết bị dạy học,…

 

Lúc đó có cuộc tranh luận sôi nổi: Viện nghiên cứu cơ bản, khoa học chuyên sâu là chính hay phục vụ các hoạt động thực tiễn của Bộ là chính? Cuối cùng đi đến đồng thuận rằng: Phải nghiên cứu KHOA HỌC CƠ BẢN, CHUYÊN SÂU LÀ CHÍNH (~70% nguồn lực) trên cơ sở đó mới CÓ CÁI để phục vụ cho những hoạt động “thời vụ” của Bộ có cơ sở khoa học; mới có các CHUYÊN GIA có uy tín để có tiếng nói ĐỦ TIN CẬY. Nhờ định hướng đúng đắn đó nên dù đói rách, nhưng nhiều cán bộ nghiên cứu say sưa bám chắc đối tượng nghiên cứu, cặm cụi đọc sách, dịch sách, điều tra, làm thực nghiệm, theo mục đích dài hạn, trở thành những nhà chuyên môn. (Các bạn có nhớ GS Nguyễn Mạnh Tường cũng “ngồi lỳ” ở Thư viện để dịch sách của Jean-Jacques Rousseau và viết cuốn Giáo dục châu Âu?).

 

Những năm ấy, Viện KHGD là đơn vị có uy tín chuyên ngành khoa học lớn nhất so với các đơn vị khác, vì đã đào tạo được đội ngũ “đầu đàn”. Chẳng hạn Ban Tâm lý học không chỉ đào tạo trong ngành Sư phạm, mà còn vào dạy cả trong Học viện Chính trị quân sự, trong Học viện An ninh (C500),…

 

Có được những thành tựu ấy là do Bộ Trưởng Nguyễn Văn Huyên là nhà khoa học; ông hiểu rằng, giáo dục muốn phát triển đúng thì phải trên cơ sở nghiên cứu khoa học căn cơ, mà nghiên cứu thì phải xây dựng Viện KHGD cho đàng hoàng, để yên cho cán bộ nghiên cứu yên tâm làm việc ổn định, chừng chục năm mới cho được sản phẩm có giá trị, đồng thời hy vọng có được một đội ngũ chuyên gia… Bộ cần vấn đề gì, Bộ trưởng chỉ gọi vài chuyên gia lên trao đổi. Cả viện vẫn yên tĩnh làm việc… “Trong yên tĩnh thì hình thành trí tuệ”!

 

Tôi nhớ, vào năm 1971, Anh Đức Minh bảo anh Phạm Hoàng Gia và tôi lên gặp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên để trao đổi về vấn đề “TRẺ EM HƯ”. Chủ yếu là Thầy Gia chuẩn bị, tôi mới tập sự nghiên cứu, chỉ đi “điếu đóm” để học hỏi. Bộ trưởng rất vui vẻ thân tình, mời uống nước trà, rồi ngồi đàm đạo. Ông bảo: Hiện nay trên đài báo rồi cả trên văn bản nhà nước người ta dùng khái niệm “Trẻ em hư” là sao? Như vậy chia học sinh ra một bên học sinh “ngoan”, một bên học sinh “hư” à? Trong số trẻ “hư” có bao nhiêu loại? Không nghiên cứu phân loại, tìm ra nguyên nhân dẫn trẻ đến hành vi bất thường thì sao giáo dục, trị liệu được?

 

Thầy Phạm Hoàng Gia trình bày cách phân loại học sinh có hành vi bất thường của Liên Xô, của Pháp. Bộ trưởng đặt ra một loạt câu hỏi, rồi bảo, như vậy một mặt phải đưa người đi đào tạo gấp các chuyên ngành này, một mặt mình có sức đến đâu, cứ nghiên cứu ngay đi.
Sau đó Bộ trưởng cho cử một loạt cán bộ đi Liên Xô đào tạo về các ngành giáo dục trẻ có vấn đề bất thường: Trẻ rối nhiễu hành vi, tâm lý học đường, giáo dục trẻ Câm điếc, khiếm thị. Sau này Viện có Ban nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật.

 

Sau buổi gặp Bộ trưởng, tôi về nghiên cứu đề tài “Nguyên nhân dẫn đến trẻ em hư”. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện rất thích thú đề tài này và lấy kết quả in trong tập “Nghiên cứu trẻ em” của Trung tâm NT.

 

Nhân đây kể lại một chuyện buồn cười: Tối hôm đó, Bí thư đảng uỷ Viện Nguyễn Hữu Tưởng gọi anh Nguyễn Văn Lê và tôi lên Văn phòng Đảng uỷ viện. Bí thư nghiêm mặt bảo, 2 đồng chí có biết 2 bài viết của các đồng chí đăng trên Tạp chí Giáo dục, có vấn đề không?


Cả hai đều ngỡ ngàng hỏi, có vấn đề gì?

 

Bí thư mở cuốn Tạp chí ra, bài của đồng chí Lê viết “Cần nghiên cứu Thị trường lao động”… Đó là của tư bản, đồng chí còn trích dẫn cả tài liệu của Pháp, Mỹ… Ta chỉ có đào tạo, bố trí, sử dụng lao động tối ưu hoá… Đồng chí cần rút kinh nghiệm, xác định lại quan điểm nghiên cứu.

 

Đồng chí Trang, bài viết “Nguyên nhân dẫn đến trẻ em hư” có nhiều số liệu, điều tra thực tế công phu, phân tích tốt. Nhưng câu kết, đồng chí viết “tình trạng gia tăng trẻ em hư vì có nhiều người lớn hư” thì rất nguy hiểm. Đó là nhận định mang tính chính trị. Đồng chí còn trẻ, có nhiệt tình, nhưng phải rất thận trọng trong phát ngôn, viết lách…

 

Giờ nghĩ lại, thật buồn cười! Mà cái tính “nghĩ sao nói vậy, viết vậy” của mình vẫn thế, đến già không sửa được!

 

Thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình cũng rất hay. Lên Bộ trưởng, việc đầu tiên bà đến thăm Viện KHGD và nói, tôi quen làm Ngoại giao, nay được giao nhiệm vụ phụ trách Giáo dục. Về lĩnh vực này tôi chưa có hiểu biết gì nhiều, nên phải dựa vào Viện, rất mong các đồng chí hợp tác, giúp đỡ Bộ. Sau đó bà điều Viện trưởng Phạm Minh Hạc lên làm Thứ trưởng Giáo dục.

 

Thời Bà Bình, Viện góp phần đắc lực, chuyển hệ thống giáo dục miền Bắc hoà nhập với miền Nam thành hệ thống 12 năm và ra được bộ Sách giáo khoa chung cả nước từ lớp Một đến lớp 12. Đề tài nghiên cứu Giáo dục Gia đình; Giáo dục Hướng nghiệp; Giáo dục giới tính (Sau chuyển thành Giáo dục sức khỏe sinh sản Vị thành niên); đề tài Vị thành niên phạm pháp được Viện nghiên cơ bản, viết sách và triển khai trong cả nước rất sâu rộng. Uy tín Viện KHGD lan tỏa cả nước.

 

Không biết cái HOẠ từ đâu đến. Bắt đầu thời Bộ trưởng Trần Hồng Quân, Bộ Giáo dục (phổ thông) nhập vào Bộ Đại học và cả Tổng cục Dạy nghề thành Bộ GIÁO DỤC và ĐÀO TẠO, cái tên LẠ, không thấy trên thế giới! Rồi nhập Viện Khoa học dạy nghề vào Viện Nghiên cứu Đại học và Chuyên nghiệp. Viện KH Dạy nghề lúc đó có quan hệ hợp tác rất tốt với các Viện đào tạo nghề của Liên Xô, CHDC Đức, Úc, Tiệp… và có mấy đề tài nghiên cứu rất hay, nhất là Thực nghiệm mô hình “Trung học nghề” như của Đức, tức là hướng nghiệp học sinh hết THCS vào học nghề 3 năm, tốt nghiệp ra vừa có nghề, vừa có bằng THPT, có thể đi làm nghề hoặc thi vào Đại học. Một mô hình tuyệt vời. Vậy mà tất cả bị xóa đi! Vì GS Phạm Minh Đường, TS Đặng Danh Ánh, 2 lãnh đạo Viện say mê hết mình cho Khoa học dạy nghề, bỗng đưa đi làm việc khác và đội ngũ cán bộ điều chuyển tứ tung, chả ai yên tâm mà nghiên cứu nữa!

 

Mấy năm sau, Tổng cục Dạy nghề lại tái lập, Viện Khoa học Dạy nghề lại thành lập; đúng là xoá đi, làm lại từ đầu!

 

Rồi mấy đời Bộ trưởng sau, cứ ông nào lên, việc đầu tiên là “sắp xếp lại” tổ chức của Viện KHGD. Thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, đưa hết cán bộ nghiên cứu KHOA HỌC CƠ BẢN Tâm lý học, Giáo dục học, Trẻ khuyết tật về các trường Đại học Sư phạm, mỗi trường lại đẻ ra Viện Nghiên cứu giáo dục. Cán bộ mạnh ai nấy chạy tìm chỗ dễ sống hơn, tan đàn xẻ nghé! Rồi nhập tất cả các Viện nghiên cứu Đại học, giáo dục chuyên nghiệp với Viện KHGD, gọi là Viện CHIẾN LƯỢC và CHƯƠNG TRÌNH GD! Láo thế! Từ đó Bộ Giáo dục chỉ còn chỉ huy “Sự nghiệp giáo dục” bằng KHẨU HIỆU, cóc cần gì KHOA HỌC nữa! Hết phong trào “Hai không” đến “Ba không”, “Thầy giáo là tấm gương đạo đức, tự học”… Giáo dục thì phải “Từ không đến có diễn ra thế nào?”, chứ ai lại “giáo dục ba không”?

 

Đến đời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, các cán bộ giáo dục Lão thành và anh chị em đấu tranh gay gắt, Viện lại được “trả lại tên cho em” là Viện KHGDVN, nhưng ruột thì rỗng, tái lập Ban Tâm lý học, Giáo dục học, GD Trẻ khuyết tật… Nhưng toàn người trẻ, chuyên gia còn có mấy ai?

 

Chưa xong, Viện trưởng, Viện Phó không phải những người trưởng thành từ Viện, hiểu công việc, mà được Bộ trưởng đưa từ đâu về, chả hiểu về Tâm lý học, Giáo dục học, Lý luận dạy học… Viện thành ra cơ sở chạy các DỰ ÁN và là CÁNH TAY NỐI DÀI của Bộ! Cán bộ của Viện chạy như cờ lông công, họp hành suốt ngày, chả đứa nào “ngồi nóng đít” để nghiên cứu! Sắp họp Quốc hội, Bộ trưởng gửi xuống mấy chục câu hỏi chuẩn bị trả lời trước QH, cả Viện ngày đêm “chổng mông lên” lo viết bài trả lời mẫu cho BT!

 

Đề tài nghiên cứu hầu hết là những vấn đề sự vụ, “mì ăn liền”, đáng lẽ các VỤ giải quyết, chuyển thành Đề tài nghiên cứu của Viện, trong đó các cán bộ Vụ lại là thành viên nghiên cứu quan trọng. (Có vậy giải ngân và nghiệm thu mới “ngon”. Nghiệm thu xong đút ngăn kéo!).

 

Cần gì KHOA HỌC! BT là “Tư lệnh ngành”, chỉ huy “Những trận đánh lớn”, các giáo viên là “Chiến sĩ xông trận”, làm sao “đồng loạt ra quân và chiến sĩ không quay súng về phía Tư lệnh ngành” là ok!

 

Ông BT như thế mà đến giữa Viện KHGD ba hoa, bảo, anh Nhân, rồi tôi bận quá, không thì trực tiếp kiêm Viện Trưởng, chỉ đạo nghiên cứu rồi. Nói vậy chứng tỏ các ông chẳng hiểu chút gì về Khoa học giáo dục! Người hiểu biết như Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Thị Bình không ai dám nói liều như vậy!

 

Chính sau khi ông BT nói câu ấy, tôi đã đưa cho ông bài viết “Mấy suy nghĩ tản mạn về giáo dục” và tôi không nói lời nào nữa. Trong bài đó có 14 mục. Đây là mục 14, nói về Viện.

“14. Nghiên cứu khoa học GD rất khó, vì khoa học về con người, phát triển thế hệ trẻ của dân tộc đáp ứng yêu cầu của thời đại.

 

Nó đòi hỏi vừa nghiên cứu cơ bản, vừa thực nghiệm, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của ta, vừa cập nhật các thành tựu mới của thiên hạ; nghiên cứu từ những vấn đề chung nhất như Triết học GD, Xã hội học GD, Kinh tế học GD, khoa học Quản lý GD, khoa học Phát triển Chương trình, nội dung GD cho đến những vấn đề vi mô như đo nghiệm IQ, EQ, SQ của học sinh; quy luật nhận thức, tư duy, trí nhớ, nhu cầu, tình cảm đến tâm vận động và hình thành thao tác ở trẻ…; rồi chẩn đoán, trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm thần, trẻ tự kỷ, trẻ câm, mù, điếc.

 

Để có chuyên gia về mỗi lĩnh vực dù “vĩ mô” hay “vi mô” phải có người chuyên tâm nghiên cứu, thực nghiệm, phổ biến khoa học, tổng kết chừng 15 – 20 năm. Họ cần có lương đủ sống (không phải ngó nghiêng, nhấp nhổm kiếm ăn); chuyên tâm theo đuổi chuyên ngành khoa học tương đối ổn định, lâu dài; môi trường làm việc thuận lợi; điều kiện vật chất, tài chính đảm bảo tối thiểu cho hoạt động. Cách quản lý khoa học luôn “tái cấu trúc” theo nhiệm kỳ quản lý đã gây bao xáo trộn, bất an, khiến đội ngũ hẫng hụt, phân tán, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả. Phải có một tầm nhìn mới, cách quản lý mới, mới tạo ra sự phát triển mới cho khoa học GD nước nhà”.

 

Chả biết về ông BT có đọc bài viết của tôi không và đọc có hiểu gì không!? Nhưng sau đó thấy ông trả lời “Triết lý giáo dục là Nghị quyết của Đảng”… rồi thanh minh thanh nga: 70.000 tỉ đồng làm Chương trình Sách giáo khoa là “anh em mới khái tính, rồi lúc báo cáo bị “khớp”… Còn ông BT sau thì chả có gì để nói!

 

Giáo dục phải kế thừa. Quản lý phải hiểu hệ thống và công việc, giữ cho hệ thống ổn định, vận hành trơn tru; trục trặc đâu thì điều chỉnh đó một cách khoa học để hệ thống trở lại ổn định, vận hành tối ưu và đem lại kết quả có thể kiểm soát.

 

Thời BT Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cũng lắm Nghị quyết, chỉ thị, nhiều sức ép từ Bộ Chính trị, từ tuyên giáo. Nhưng các ông có bản lĩnh, biết đâu là những điều nhảm nhí, khiến các tác động đó không làm rối nhiễu hệ thống và kiên quyết bảo vệ sự vận hành của giáo dục đúng với bản chất của nó.

 

Một ví dụ, năm 1962 tôi làm Hiệu trưởng trường Cấp 2, đi họp Hiệu trưởng các trường, do Trưởng Ty (Giám đốc) giáo dục tỉnh Hải Dương triệu tập. Ông Trưởng Ty bảo, họp Bộ kỳ này vui lắm, họp xong anh em trêu BT (Huyên): Miệng thì lẩm nhẩm Phương châm/ Đầu đội Nguyên lý, Tay cầm Mục tiêu/ Ra về lo lắng trăm chiều/ Ý nói hè này, các Ty giáo dục về phải chỉnh huấn giáo viên quán triệt Nguyên lý, Mục tiêu, Phương châm giáo dục, vất vả lắm đây! Nhưng BT Huyên nói, học gì thì học, chỉ 15 ngày thôi, còn để giáo viên nghỉ hè. Người giáo viên chọn nghề này, yêu nghề này là vì được 3 tháng NGHỈ HÈ và là nghề TỰ DO, dù cho lương có thấp hơn nhiều ngành khác! Người BT hiểu và trân trọng nghề nghiệp của giáo viên như vậy đó.

 

3. Thưa các bạn trẻ!

 

Nếu các bạn muốn ở Viện nghiên cứu để trở thành chuyên gia, Nhà này, nhà nọ thì phải:

 

– Chọn một lĩnh vực mình yêu thích và có năng lực để theo đuổi, như tiền nhân nói “Nếu có hai cuộc đời, tôi vẫn tiếp tục công việc này”!

 

– Muốn vậy phải luôn say sưa bám chắc ĐỐI TƯỢNG khoa học, dù làm đề tài gì cũng là cụ thể hoá đối tượng, đi sâu vào bản chất của đối tượng, tích luỹ lý luận và sự kiện thực tế, thực nghiệm để hiểu sâu sắc về đối tượng… Buông bỏ đối tượng, chạy theo các vụ việc linh tinh thì suốt đời chỉ làm tay sai, điếu đóm thôi.

 

– Đồng thời các bạn phải hội nhập lĩnh vực mình nghiên cứu vào dòng chảy của văn minh nhân loại; phải mạnh dạn viết bài, tham gia các hội thảo chuyên sâu, tham gia là thành viên của các tổ chức khoa học quốc tế, rồi giao lưu, thỉnh giảng ở các trưởng/viện nước tiên tiến. Muốn vậy các bạn phải giỏi ngoại ngữ và dũng cảm, bền bỉ dấn thân vào lĩnh vực chuyên môn (Đừng lăng xăng và hèn mọn như thế hệ chúng tôi!).

 

– Tất nhiên, đời sống, cách quản lý, môi trường làm khoa học hiện nay… quá tồi tệ. Nhưng nhiều nhà khoa học đã trưởng thành từ hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, nếu họ có lòng say mê bền bỉ theo đuổi đối tượng đến cùng.

 

Lão già hèn mọn, kiếp này làm chẳng ra gì! Nếu có kiếp sau lại mong được nghiên cứu Tâm lý học giáo dục để làm lại từ đầu!

 

_____

 

Chú thích:

 

Ảnh 1: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/A1.jpg

Từ trái qua, các nhà Tâm lý học: Phạm Huy Thu (đã mất), Nghiêm Thị Phiến, Mạc văn Trang, Nguyễn Hải Khoát (mất), Phạm Hoàng Gia (mất),Đặng Xuân Hoài (mất), Phạm Nguyệt Lãng, Ngô Đặng Minh Hằng, Phạm Hưng Trinh xem sản phẩm cuối năm (1972);

 

 

Ảnh 2: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/A2-1024x823.jpg

Các cụ Ban Tâm lý học đã về hưu, hàng đầu, từ trái qua: Nguyễn Thế Trường, Nguyễn Thị Phúc, Đỗ Thị Xuân, Phạm Tất Dong, Phạm Huy Thụ, Lê Đức Phúc; hàng sau: Ôn Vi Sơn, Phạm hưng Trinh, …?, …?, Vũ Thị Nho, Phạm Nguyệt Lãng, Mạc Văn Trang, Ngô Đặng Minh Hằng.





No comments: