Căng
thẳng Ukraina: Putin gia tăng áp lực với phương Tây
Thanh
Phương -
RFI
Đăng ngày: 23/12/2021 - 13:51
Đó chỉ là một sự “leo thang” về giọng điệu, hay là
những lời đe dọa thật sự? Câu hỏi này đang gây lo ngại cho các nước phương Tây
sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/12/2021 tuyên bố Matxcơva sẵn sàng
“thi hành các biện pháp quân sự và kỹ thuật tương ứng để trả đũa” nếu các nước
phương Tây tiếp tục duy trì chính sách “rõ ràng mang tính gây hấn” đối với
Nga.
Tổng thống Vladimir
Putin cảnh cáo NATO trong trường hợp muốn thâu nạp thêm Ukraina. Ảnh ngày
14/12/2021 lính Nga tập trận tại Kadamovskiy - Rostov. AP
Trong những tuần qua, các nước phương Tây vẫn
cáo buộc Matxcơva có ý đồ xâm lược khi tập trung hàng chục ngàn quân ở vùng
biên giới giáp với Ukraina, quốc gia mà Nga đã sáp nhập một phần lãnh thổ,
trong đó có vùng Crimée vào năm 2014. Nhưng chính quyền tổng thống Putin khẳng
định việc huy động số quân đông đảo như vậy chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Đối với
điện Kremlin, chính Hoa Kỳ và khối NATO đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở
biên giới Nga khi trang bị vũ khí cho Ukraina, yểm trợ Kiev về chính trị, tiến
hành các cuộc tập trận và triển khai lực lượng ở vùng Biển Đen.
Hôm 21/12/2021, tổng thống Putin đã một lần nữa
yêu cầu Hoa Kỳ đưa ra những bảo đảm với Nga bằng việc ký kết những hiệp ước cấm
mở rộng khối NATO ra bất cứ nước nào trong tương lai. Ông Putin vẫn khẳng định
không hề muốn có một “cuộc xung đột vũ trang, một cuộc đổ máu”, mà thiên về “một
giải pháp chính trị - ngoại giao”.
Theo chiều hướng này, vào tuần trước, Matxcơva
đã đề nghị hai hiệp ước, một cho Mỹ và một cho khối NATO. Hai văn bản này cấm
Liên minh Bắc Đại Tây Dương kết nạp các nước thành viên mới, đặc biệt là
Ukraina, đồng thời hạn chế hợp tác quân sự giữa phương Tây với các nước Đông Âu
và các nước Liên Xô cũ, nhưng lại không áp đặt các biện pháp tương tự đối với
Nga.
Cho tới nay, điện Kremlin vẫn cho rằng các nước
phương Tây đã phá vỡ sự tin cậy giữa hai bên khi khối NATO mở rộng sang các nước
Đông Âu kể từ thập niên 1990, trái với cam kết mà họ đã đưa ra sau khi Liên Xô
sụp đổ.
Việc tổng thống Putin lên giọng, tuyên bố sẵn
sàng “trả đũa” phải chăng là chỉ là nhằm gây áp lực với các nước phương Tây, buộc
họ phải chấp nhận các yêu sách của Matxcơva?
Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã đe dọa ban hành
các biện pháp trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraina, nhưng các nước này lại không
dự trù gởi quân đến để ứng cứu Ukraina. Dẫu sao thì Ukraina không phải là một
thành viên của khối NATO, nên sẽ không có chuyện Liên minh Bắc Đại Tây Dương
can thiệp để bảo vệ Ukraina.
Điện Kremlin thừa biết phương Tây sẽ không thể
làm gì khác ngoài các trừng phạt, cho nên chắc chắn là tổng thống Putin sẽ
không lùi bước trước những lời đe dọa nói trên.
Trước mắt, tổng thống Nga đã thành công được một
bước, đó là các nước phương Tây vẫn chưa thể đưa ra một lịch trình cụ thể cho
việc thâu nhận Ukraina vào khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu, trong khi đối với
Kiev, việc gia nhập hai tổ chức này là mang tính chất sống còn trước nguy cơ bị
Nga thôn tính.
Cuộc đối thoại dự trù vào tháng 1 năm tới giữa
Hoa Kỳ và Nga, và có thể là giữa NATO với Nga sẽ là dịp để phương Tây và Nga
tìm cách làm giảm căng thẳng trong vấn đề Ukraina, nhưng chắc là hai bên sẽ
khó mà đạt được ngay một thỏa thuận nào.
Trong thời gian từ đây đến đó, Putin tiếp tục
gia tăng áp lực quân sự với Ukraina. Theo hãng tin Interfax hôm nay, trích dẫn
bộ Quốc Phòng Nga, hàng trăm lính nhảy dù của Nga trong tuần này sẽ tiến hành
các cuộc tập trận ở vùng Crimée và vùng biên giới chung với Ukraina. Kịch bản của
các cuộc thao dượt quân sự này là đánh chiếm một vùng trong khuôn khổ một cuộc
tấn công.
--------------------------------
Các nội dung liên
quan
Tổng
thống Nga Putin dọa đáp trả phương Tây về quân sự và kỹ thuật
NATO
- Ukraina: Mỹ không chấp nhận nhiều đề xuất của Nga về bảo đảm an ninh
No comments:
Post a Comment