Thứ Ba, 06/30/2020 -
09:37 — nguyenanhtuan
Phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải
với tất cả những diễn biến xung quanh nó đã bóc trần những hủ bại của nền tư
pháp hình sự Việt Nam.
Từ xung đột lợi ích trong lựa chọn thẩm phán
đến hình thức biểu quyết kết án không đảm bảo khách quan. Từ ‘trọng cung hơn trọng
chứng’ đến sự vắng bóng của nguyên tắc suy đoán vô tội.
Tất cả xuất hiện trong một phiên xét xử của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao - cơ quan mà như tên gọi của nó có quyền
lực cao nhất đất nước về tư pháp, không khỏi khiến công chúng bàng hoàng.
Phiên xử lại còn diễn ra đúng vào dịp 15 năm
thực hiện chiến lược cải cách tư pháp quốc gia đầy tham vọng của đảng cầm quyền,
đặt nghi ngờ về tính hiệu quả của chương trình này.
Đã có nhiều lời kêu gọi cải cách. Song, câu hỏi
đặt ra là cải cách từ đâu?
Từ việc củng cố nguyên tắc suy đoán vô tội -
trái tim của một nền tư pháp hình sự vì con người.
Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Hiến
pháp 1992, nghĩa là không quá nhạy cảm đối với đảng cầm quyền nếu so với việc cải
cách thể chế (mối quan hệ giữa tòa án và các bộ phận khác trong hệ thống quyền
lực) hay tổ chức bộ máy.
Bộ Luật Hình sự Tố tụng 1972 (Bộ Luật 1972) của
Việt Nam Cộng Hòa có thể cung cấp những gợi ý quan trọng và đáng tham khảo cho
việc củng cố nguyên tắc này.
Chẳng hạn, Tòa Đại hình (xử án hình sự nghiêm
trọng) theo Bộ Luật bao gồm 7 thành viên (01 chánh thẩm, 02 phụ thẩm thẩm phán
và 04 phụ thẩm nhân dân) và phán quyết chỉ được thông qua khi hội đủ từ 5/7 phiếu
trở lên. Phiếu trắng hoặc vô hiệu thì được coi là phiếu có lợi cho bị
can.
Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (Bộ
Luật 2015) hiện nay lại quy định tòa hình sự xử án có mức hình phạt lên đến
chung thân hoặc tử hình có thành phần 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Biểu
quyết theo đa số, nghĩa là chỉ cần từ 3/5 phiếu trở lên. Không có quy định về
phiếu trắng hay phiếu vô hiệu được tính là phiếu có lợi cho bị can.
Thêm nữa, Bộ Luật 1972 quy định rất rõ hình
thức biểu quyết là bằng phiếu kín, nhiều lần nhấn mạnh tính chất kín đáo của việc
bỏ phiếu nhằm đảm bảo tính khách quan, tránh được việc các thẩm phán, vốn được
cho là có hiểu biết pháp luật hơn, ảnh hưởng lên phụ thẩm nhân dân.
Trong khi đó Bộ Luật 2015 lại không quy định
hình thức biểu quyết bản án, để ngỏ khả năng thẩm phán có thể ảnh hưởng lên hội
thẩm nhân dân. Hoặc phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vừa rồi cho thấy việc
biểu quyết bằng cách giơ tay hoàn toàn không đảm bảo tính khách quan khi mà 16
thành viên đều là cấp dưới cả trong bộ máy tòa án lẫn trong chi bộ đảng của
chánh án/bí thư Nguyễn Hòa Bình.
Một điểm khác cũng rất quan trọng là câu hỏi
trung tâm của cuộc nghị án. Theo Bộ Luật 1972 các thành viên tòa đại hình phải
trả lời câu hỏi: "Bị cáo có phạm tội đã ghi trong phúc quyết phòng luận tội
(cáo trạng) hay không?” Trong khi đó, câu hỏi chính khi nghị án theo quy định của
Bộ Luật 2015 hiện nay là: “Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo?”
“Có căn cứ kết tội không?” khác với “có tội
hay không?”. Người ta sẽ dè dặt với câu hỏi sau hơn rất nhiều và chỉ một nghi
ngờ hợp lý có thể khiến họ trả lời Không hoặc bỏ phiếu trắng. Trong khi đó,
không có chỗ cho nghi ngờ hợp lý khi trả lời câu hỏi đầu, vì chỉ cần một dấu hiệu
có tội là đủ để trả lời Có.
Tóm lại, chỉ điểm qua vài khía cạnh đã thấy Bộ
Luật 1972 đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội hơn nhiều so với Bộ luật 2015, và
có thể được tham khảo cho việc củng cố nguyên tắc này trong nền tư pháp hình sự
Việt Nam hiện nay.
No comments:
Post a Comment