BBC Tiếng Việt
Anh Vũ
- RFI
.
=========================================
.
BBC
Tiếng Việt
28 tháng 7 năm 2020
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói cần tính đến cả “tình
huống xấu nhất” trong lúc có thêm ca dương tính Covid-19 tại Đà Nẵng và Quảng
Nam.
Thông điệp được đưa ra
trong bối cảnh có thêm 7 ca nhiễm mới trong ngày thứ Ba 28/07, với 3 bệnh nhân ở
Quảng Nam và 4 người ở Đà Nẵng.
Như vậy, trong bốn ngày
qua (25-28/07) riêng Đà Nẵng ghi nhận 18 ca nhiễm, Quảng Nam 3 ca, và Quảng
Ngãi một ca.
Các ca Quảng Ngãi và Quảng
Nam đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.
Trong tổng số 22 ca nhiễm
mới trong cộng đồng cho tới nay, ít nhất hai ca được mô tả là trong "tình
trạng nặng" và phải thở máy.
Một số nhóm y bác sỹ tại
Hà Nội và Tp HCM được điều tới Đà Nẵng để hỗ trợ cho các ca "có bệnh nền"
và giảm tải cho gánh nặng y tế của thành phố này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch
COVID-19, nói "cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần
"chia lửa" với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với
địa phương hoặc địa phương với địa phương" và "không để xảy ra trường
hợp nào tử vong".
"Chúng ta không bất ngờ trước tình hình dịch bệnh
ở Đà Nẵng nhưng trong chống dịch bao giờ cũng phải lường đến tình huống xấu,
tính đến cả tình huống xấu nhất.
"Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh, thành phố
như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, đặc biệt Hà Nội, Thành phố Hồ Chí
Minh đều có nguy cơ có những người liên quan đến Đà Nẵng nhưng thành phố này hiện
đang là ổ dịch.
"Do đó, cả hệ thống chính trị, trước hết là
ngành y tế cần "chia lửa" với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến
Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương," ông Đam nói.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin trước mắt sẽ tiến hành xét nghiệm khoảng 10.000 người là nhân
viên y tế, bệnh nhân các bệnh viện được phát hiện có ca lây nhiễm, người dân ở
khu vực nguy cơ và người nước ngoài.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh nhu cầu đặc biệt lưu ý đến tình trạng
"người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam".
Ông Nhân được dẫn lời nói
trong phiên họp ngày 28/7 rằng "đây là mối nguy cơ cao, từ đó yêu cầu mỗi
người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính
quyền và y tế địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng".
"Xác định rõ nguy cơ, nguồn bệnh là từ đâu thì
từ đó mới có các giải pháp hiệu quả," ông Nhân nói thêm.
Tin cho hay trong ba ngày
qua, có hơn 18.000 người dân từ Đà Nẵng về TP.HCM bằng đường hàng không tại sân
bay Tân Sơn Nhất.
Được biết TP. HCM đã đề
nghị các quận huyện chủ động rà soát, kiểm tra xác minh trong cộng đồng dân cư
những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 hiện đang có mặt ở thành phố để áp dụng
khai báo y tế.
Trong khi đó chính quyền
Thành phố Hà Nội yêu cầu thực hiện rà soát "những trường hợp đi Đà Nẵng và
trở về Hà Nội từ ngày 8/7/2020".
Chủ tịch UBND Thành phố
Nguyễn Đức Chung được dẫn lời xác định Hà Nội là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao
và do đó cần ngay lập tức thực hiện rà soát những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm
từ "ổ dịch Đà Nẵng".
"Kết quả rà soát ban đầu của các quận, huyện
cho thấy khoảng 15.000 đến 20.000 người từ Đà Nẵng trở về thủ đô," Chủ tịch Chung nói. "Mọi người tự
giác chấp hành, vì chính quyền có đi rà soát cũng không thể hết,".
Tin cho hay ngành y tế Quảng
Nam đưa hơn 10 người đi cách ly và sẽ lấy mẫu xét nghiệm sau khi những người
này đã "bỏ trốn" khi đang trong diện phải cách ly ở Bệnh viện Đà Nẵng.
------------------------------------------
Anh
Vũ -
RFI
Đăng
ngày: 28/07/2020 - 12:39
Bảy tháng kể từ khi xuất hiện ở Trung Quốc, làm hơn
4 triệu 300 ngàn người bị nhiễm 650 ngàn người chết trên thế giới, đến
giờ đại dịch Covid-19 không hề có dấu hiệu đà lây lan thuyên giảm. Trái lại số
ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là tại khu vực châu Mỹ và tại cả những
nước đã dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, cố gắng trở lại các hoạt động bình thường,
sau khi đà lây lan virus chững lại.
Lo ngại làn sóng dịch thứ
2 đang xuất hiện, hàng loạt quốc gia đã ban hành trở lại và tăng cường nhiều biện
pháp phòng dịch, như hạn chế tiếp xúc, đi lại, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công
cộng, xét nghiệm bắt buộc ở sân bay. Nhiều nước cũng không loại trừ biện pháp
đóng của trở lại các biên giới vừa được mở lại ở một vài nơi.
Tuy nhiên, đối với tổ chức
Y Tế Thế Giới ( WHO ), đóng biên giới không phải là giải pháp hữu hiệu nhất để
ngăn chặn đà lây lan của virus corona.
Thông tín viên RFI tại Genève, Jérémie Lanche,
cho biết thêm thông tin :
Các du khách từ Tây Ban Nha đến Anh và Na Uy từ giờ
sẽ bị cách ly. Người Rumani và Bulgari muốn tới Hy Lạp cũng sẽ bị cách ly. Hoa
Kỳ vẫn đóng cửa với các nước châu Âu. Một số người cho đó là biện pháp đúng hướng,
nhưng việc đóng biên giới không phải là phương thuốc trị đại dịch, giám đốc
đặc trách Tình trạng Khẩn cấp Y tế của Tổ Chức Y Tế Thế Giới Mike Ryan nhắc lại.
Ông đánh giá :
« Tìm được một phương thức tốt để hạn chế đi lại là
rất phức tạp. Các vị có thể mở cửa biên giới và lại phải đóng ngay sau đó, rồi cứ
phải đóng đi mở lại. Mọi người tự hỏi thế thì đóng luôn cho tốt hơn, dù việc
làm đó đôi khi không mang lại kết quả nào. Điều chắc chắn đó là đóng cửa
các biên giới quốc tế là giải pháp không bền vững đối với bất kỳ ai, đối với
kinh tế thế giới, cũng như đối với những người nghèo khó nhất hành
tinh. »
Ông Mike Ryan nói thêm, đóng cửa biên giới
không có cùng tác động tùy theo đó là một đảo nhỏ có rất ít ca nhiễm hay một nước
nằm trong lục địa có nhiều ổ dịch.
Với trường hợp thứ nhất, đóng đảo sẽ có thể giúp hạn
chế lây lan virus. Còn trong trường hợp thứ 2, đóng biên giới không có tác động
nào đến đường lây truyền của virus, vốn đã xuất hiện trên khắp lãnh thổ.
-----------------------------
.
06:30 - 29/07/2020 0 THANH
NIÊN
Covid-19 được đánh
giá là đại dịch nghiêm trọng nhất, giữa lúc làn sóng thứ hai, thứ ba đang xuất
hiện và diễn biến khó lường ở nhiều nơi.
Đại dịch Covid-19
đã biến đổi rất nhanh kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp
y tế toàn cầu vào cuối tháng 1. Tính đến tối qua 28.7, thế
giới đã có khoảng 16,5 triệu ca nhiễm với hơn 654.000 ca tử vong.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO dự kiến nhóm họp để đánh giá lệnh ban bố tình trạng khẩn
cấp vào ngày 30.7 nhưng theo nhận xét của Tổng giám đốc Tedros Adhanom
Ghebreyesus, Covid-19 chính là đại dịch nghiêm trọng nhất so với những đại dịch
y tế khẩn cấp toàn cầu được tuyên bố trước đây.
Chuyên gia khẩn cấp WHO
Michael Ryan nói rằng việc tiếp tục đóng cửa biên giới không phải là chiến lược
bền vững vì nền kinh tế cần vận hành trở lại, đặc biệt là với những nước khó
khăn. Ông Ryan cho biết việc đóng biên giới chỉ hữu hiệu khi kết hợp với các biện
pháp truy vết và bẻ gãy chuỗi lây nhiễm. Tương tự, chuyên gia kỹ thuật Maria
Van Kerkhove khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp đề
phòng, theo AFP.
Cảnh báo của WHO được đưa
ra trong bối cảnh Covid-19 đang tăng tốc trở lại tại những nơi trước đó
được đánh giá kiểm soát dịch thành công. Trung Quốc đang hứng
chịu đợt tái bùng phát mạnh nhất trong vài tháng qua, với 68 ca bệnh mới trong
ngày 27.7. Trong số này, có 57 trường hợp tại khu tự trị Tân Cương, nâng tổng số
ca bệnh tính từ trường hợp đầu tiên vào ngày 16.7 đến nay lên 235 người, theo
Tân Hoa xã. Dịch bệnh chủ yếu tập trung tại TP.Urumqi, nơi sau đó hoạt động
giao thông công cộng đã bị hạn chế, một số cộng đồng bị cách ly và những người
có nguy cơ được xét nghiệm.
Trong khi đó, chùm lây
nhiễm mới tại TP.Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) bùng phát hồi tuần trước đến nay đã
lan ra 9 thành phố tại 5 tỉnh, trong đó có trường hợp ở tận TP.Phúc Châu (tỉnh
Phúc Kiến) cách Đại Liên đến 1.500 km, theo AFP. Tính đến hôm qua, giới chức Đại
Liên đã lấy mẫu xét nghiệm của 1,68 triệu người trong tổng số 6 triệu dân.
Còn tại Phúc Châu, chính
quyền ban bố “tình trạng thời chiến” và đẩy mạnh kiểm tra đối với những người từ
vùng dịch đến. Bắc Kinh hôm qua cũng ghi nhận ca nhiễm đầu tiên từ khi dịch bệnh
được kiểm soát hồi đầu tháng. Bệnh nhân có liên quan một ca bệnh ở Đại Liên.
Đài Loan cùng ngày điều
tra một trường hợp nghi lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên kể từ tháng 6, khi một
lao động từ Đài Bắc trở về Thái Lan hồi tuần trước và được phát hiện dương tính
với Covid-19. Trong khi đó, số ca nhiễm theo ngày tại Hồng Kông hôm qua tiếp tục
giữ ở mức hơn 100 ca trong ngày thứ 7 liên tiếp, theo tờ South China Morning
Post. Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng ngày họp bàn với các quan chức về
khả năng hoãn bầu cử vào tháng 9 nếu làn sóng Covid-19 thứ ba này diễn biến
nghiêm trọng.
-----------------------------------------
.
Người
Việt
Jul 28, 2020
WASHINGTON, DC (AP) – Cơ quan tình báo Nga đang dùng ba
trang web tiếng Anh để tung tin giả về COVID-19, nhằm can thiệp cuộc bầu cử tổng
thống ở Mỹ, giới chức Mỹ loan báo vào Thứ Ba, 28 Tháng Bảy.
Hai giới chức cao cấp của
cơ quan tình báo quân sự Nga GRU được xác nhận là chủ mưu chiến dịch tung tin
giả đến người Mỹ và Tây phương, các giới chức chính phủ Mỹ nói với hãng tin AP.
Các giới chức này yêu cầu giấu tên vì họ không được phép phát ngôn trước công
chúng.
Ban đầu, thông tin này được
xếp loại bí mật, nhưng sau đó được hạ mức độ nên họ được phép nói thoải mái
hơn, theo lời các giới chức. Họ nói họ muốn tiết lộ thông tin này để báo động về
ba trang web đó cũng như chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa chúng với tình báo
Nga.
Một trong các giới chức
này cho biết, từ cuối Tháng Năm đến đầu Tháng Bảy, ba trang web nêu trên đăng
khoảng 150 bài viết về cách chống dịch COVID-19, gồm nhiều bài hoặc là ca ngợi
Nga hoặc là chê bai Mỹ.
Các giới chức Mỹ tiết
lộ thông tin này giữa lúc nạn tung tin giả, trong đó có Nga, là mối lo ngại khẩn
cấp của Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào Tháng Mười Một trong khi các giới
chức đang tìm cách tránh lặp lại vụ Nga mở chiến dịch bí mật trên mạng xã hội
can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Thứ Sáu tuần trước, giám
đốc phản gián của chính phủ Mỹ cảnh báo rằng Nga vẫn dùng trò tung tin giả trên
Internet để đạt mục tiêu của họ. (Th.Long) [qd]
No comments:
Post a Comment