Thứ Ba, 06/30/2020 -
07:38 — nguyenlanthang
Có một chuyện về nông dân
Dương Nội hiếm ai biết được nếu chỉ là người ủng hộ và quan sát từ xa. Ấy là
chuyện tôi đố ai tìm thấy bất cứ một hình chụp nào của chị Cấn Thị Thêu và chị
Nguyễn Thị Tâm. Cùng là dân oan ở Dương Nội, cùng đi đòi đất, cùng tham gia đấu
tranh trong các hoạt động khác như bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường,
bảo vệ quyền con người và đòi hỏi thực thi công lý... trong suốt hơn 10 năm
qua, nhưng hai người phụ nữ kiên cường này chưa bao giờ đứng cạnh nhau.
Chuyện kể ra thì dài lắm.
Nếu nói cho ngọn ngành thì phải quay về bối cảnh từ hơn 10 năm về trước. Năm
2008 sau khi có chủ trương mở rộng Hà Nội, sát nhập Hà Tây, tập đoàn Nam Cường
là một trong các chủ đầu tư lớn đã về Dương Nội để tiến hành đầu tư đô thị ở
đây. Đất Dương Nội hồi đó là một vùng quê trù phú rộng mênh mông. Nhưng không rộng
bằng lòng tham của kẻ có tiền và kẻ có con dấu đỏ. Từng bước một, những kẻ đó cấu
kết với nhau để cướp đi từng thửa ruộng luống khoai của dân nghèo.
Suốt những năm đó, từ năm
2008 đến năm 2012, về cơ bản là hầu hết ruộng đất ở Dương Nội đã bị cướp xong.
Người ta vẫn hay gọi những việc như thế này là "cưỡng chế" hay là
"thu hồi" đất đai. Nhưng tôi muốn gọi nó thẳng thừng bằng một từ đơn
giản là CƯỚP.
Tôi gọi là cướp bởi vì
như chị Cấn Thị Thêu đã từng giải thích nhiều lần:
Thứ nhất, quá trình thu hồi
đất các cấp, các ngành của xã Dương Nội không tổ chức họp dân một cách dân chủ,
minh bạch.
Thứ hai, dân Dương Nội
không được tham gia góp ý kiến khi chính quyền lập phương án bồi thường hỗ trợ
giải phóng mặt bằng.
Thứ ba, chính quyền
không bố trí được công ăn việc làm cho người dân bị tịch thu đất như hứa hẹn, dẫn
tới hàng ngàn dân Dương Nội thất nghiệp.
Thứ tư, chính quyền không
giao quyết định cưỡng chế, hoặc ra quyết định cưỡng chế không chính xác, nhưng
vẫn tiến hành cưỡng chế đất bằng cách đem máy xúc, máy ủi, công an tới phá tan
hoa màu, đánh đập những người dân chống đối.
Thứ năm, thu hồi đất vĩnh
viễn nhưng không quy hoạch khu đất giãn dân theo luật định khiến các hộ dân mới
phát sinh ở Dương Nội không có chỗ ở.
Đã có 360 ha đất nông
nghiệp bị cướp, bị đền bù một cách rẻ mạt. Người ta phản đối thì xua quân đi trấn
áp, bắt bỏ tù nhiều người. Không chỉ như vậy, nhà cầm quyền còn khốn nạn đến mức
cho máy xúc ủi cả mồ mả trên cánh đồng, là nơi an nghỉ của nhiều thế hệ dòng tộc
người dân Dương Nội nơi đây. Chính vì nguyên nhân đó, nên rất nhiều người dân bất
bình, và họ nổi lên tìm cách chống lại việc này suốt từ đó đến nay.
Trong bối cảnh đó có khoảng
356 hộ dân trong tổng số 17 ngàn người ở xã cương quyết không nhận tiền đền bù,
không nhận đất dịch vụ, mà đi khiếu kiện khắp nơi, biểu tình khắp nơi để đòi
cho được chủ quyền đất đai của mình. Nhóm bà con này chính là lực lượng phản đối
đông nhất ở Dương Nội, mà đại diện chính là chị Cấn Thị Thêu.
Song song với đó có khoảng
30 hộ dân khác cũng phản đối việc cướp đất, nhưng lại chủ trương kiện tụng để
đòi bồi thường bằng tiền hoặc đất dịch vụ, sao cho tương xứng với giá trị đất
đai bị mất, quyết không chịu nhận đền bù một cách rẻ mạt. Đây chính là nhóm hay
mặc áo đỏ đen tưng bừng đi khắp Hà Nội để khiếu kiện, và gương mặt đại diện của
họ là chị Nguyễn Thị Tâm.
Năm 2012, sau một mùa hè
đỏ lửa năm 2011 chống Trung Quốc xâm lược, tôi cùng với mấy anh em hay đi biểu
tình đã tình cờ gặp dân Dương Nội chỗ Thanh tra bộ Nông nghiệp PTNT ở Ngọc Hà.
Lúc đó họ còn âm thầm lắm và chưa được mấy ai biết đến. Chính chúng tôi là những
người đầu tiên hướng dẫn họ, từ cách lập facebook, cách chơi blog, cách quay
phim chụp ảnh, cách đưa tin bài... cho đến việc tiếp xúc với các cơ quan ngoại
giao và truyền thông quốc tế.
Chính vì lẽ đó, trong
thâm tâm tôi luôn muốn tìm cách hoà giải sự khúc mắc về đường lối đấu tranh giữa
nhóm của chị Tâm và chị Thêu. Tuy cả hai nhóm đều rất quý chúng tôi, nhưng nhất
quyết không bao giờ chung đường với nhau, chung chỗ với nhau, dù chỉ là trên một
tấm ảnh.
Tôi mang nỗi khổ tâm đó
trong nhiều năm. Lúc chị Thêu ra tù đợt trước, tôi nhắn chị Tâm nên đến tặng
hoa chúc mừng nhau một chút. Nhưng chị ấy không đến. Khi phe áo đỏ chị Tâm bị bắt,
tôi nhắn nhóm chị Thêu tìm cách giải cứu thì chị ấy lờ đi. Tôi đau vô cùng.
Hai người đàn bà ấy, hai
nhóm dân oan ấy như hai đường thẳng song song, đi mãi mà chẳng bao giờ gặp
nhau. Trong suốt 8 năm từ 2012 đến giờ, hai nhóm đó luôn tham gia đủ thứ chuyện
xã hội. Từ biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tưởng niệm biển đảo đã mất, tưởng
niệm chiến tranh biên giới phía Bắc, biểu tình chống chặt 6700 cây xanh Hà Nội,
biểu tình phản đối Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung... không có sự kiện lớn
nào mà hai nhóm này không tham gia, những vẫn cương quyết không đi chung với
nhau.
Cho đến khi vụ Đồng Tâm nổ
ra năm 2017, khi mà hầu hết giới hoạt động xã hội bị cầm chân, bị giam lỏng ở
nhà, chính những người nông dân của cả hai nhóm dân oan này đã tìm cách tiếp cận
nhóm cụ Kình giữa muôn trùng thép gai, để ủng hộ động viên, để đưa tin trung thực
ra toàn thế giới về những gì đã xảy ra trong đó.
Căng thẳng là thế, nhưng
tuyệt nhiên không bao giờ tôi thấy chị Tâm hay chị Thêu có một lời nào nặng nề
với nhau. Điều đó tôi thấy khối vị mang tiếng là trí thức phải nên cảm thấy xấu
hổ, vì đã có hành vi rủa xả không thương tiếc những ai khác chính kiến với mình
trong vụ ông Trump ở nước Mỹ xa xôi.
Dù đấu tranh bằng cách
này hay cách kia, cho đến giờ này cả hai người đàn bà tôi yêu quý ấy đều đã phải
ngồi sau song sắt. Với thái độ sắt máu mà nhà cầm quyền thể hiện qua việc giết
cụ Kình ở Đồng Tâm một cách tàn bạo gần đây, tôi nghĩ là rất lâu nữa mới có thể
gặp lại hai chị. Và tôi cũng không loại trừ khả năng là nhiều người hay lên tiếng
về các vấn đề xã hội như tôi cũng sẽ bị bắt. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận việc
đó. Và rồi sẽ có nhiều người sẵn sàng cho việc đó. Ai sống ở trên đời cũng chỉ
có một lần. Còn gì vinh dự hơn khi tên tuổi mình được khắc ghi trong lòng lịch
sử dân tộc này, vì đã dám hiên ngang chống lại một chế độ bất nhân, tàn bạo.
Hai đường thẳng song song
dù không thể chạm vào nhau, nhưng nhất định sẽ gặp nhau ở chân trời xa kia. Ở
nơi đó là một đất nước bình yên, nơi người nông dân có ruộng cày, nơi trẻ em được
ăn cơm có thịt, nơi phụ nữ không bị bạo hành, nơi ai yếu thế được chăm sóc, nơi
người trí thức được tự do sáng tạo, nơi người lính không bị ai cấm nổ súng vào
quân xâm lược.
Dù cho ngày mai thế nào,
dù cho có thể chúng tôi chỉ còn là áng mây cuối trời kia, nhất định sẽ có ngày
chúng tôi lại gặp nhau. Để khóc, để cười, để ôm lấy nhau vui ngày đất nước được
thái bình.
Yêu thương tất cả
No comments:
Post a Comment