Thursday, July 30, 2020

TRÍ THỨC CHÍNH TRỊ LÀ AI và PHẢI LÀM GÌ? (Việt Hoàng - Thông Luận)



Trí thức chính trị là ai và phải làm gì ?

Việt Hoàng  -  Thông Luận

30/07/2020

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/18279-tri-th-c-chinh-tr-la-ai-va-ph-i-lam-gi

 

Trí thức chính trị là những người có hiểu biết và kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, có lý tưởng quảng đại là phụng sự xã hội và tha nhân. Dám dấn thân tranh đấu để thay đổi và làm cho xã hội tốt đẹp hơn, có dành thời gian cho các hoạt động chính trị và nhất là có tham gia hoặc ủng hộ cho các tổ chức chính trị. Có những trí thức chính trị hoạt động độc lập, không tham gia đảng phái nào nhưng trong điều kiện đất nước chưa có dân chủ như Việt Nam thì các hoạt động cá nhân thường có tác dụng tiêu cực vì chúng cổ vũ cho các giải pháp cá nhân trong khi đất nước đang cần một giải pháp chung. Trí thức chính trị khác với trí thức khoa bảng, là những người có bằng cấp cao nhưng không quan tâm đến chính trị.

 

Ông bà ta có câu "không thầy đố mày làm nên" và đó là sự thật. Làm gì cũng phải học, dù là vá xe hay hớt tóc. Trong các nghề nghiệp thì "làm chính trị" là khó nhất vì đó là chuyên môn tổng hợp của mọi chuyên môn, là kiến thức tổng hợp của mọi kiến thức. Làm chính trị rất khó khăn và có tầm quan trọng đặc biệt vì chính trị quyết định tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống và liên quan đến mọi người. Một đất nước có những người làm chính trị tốt thì đất nước đó phát triển và ngược lại.

 

Người làm chính trị phải có kiến thức và tư tưởng chính trị để dẫn dắt cho các hành động, trước là của mình và sau đó là của quần chúng. Điều đáng nói và đáng ngạc nhiên nhất là trí thức Việt Nam rất xem nhẹ tầm quan trọng của tư tưởng chính trị và dự án chính trị. Đó là lý do khiến Việt Nam vẫn là một nước độc tài, nghèo khổ và chưa có dân chủ. Việt Nam tụt hậu rất xa với thế giới trong đó lĩnh vực chính trị là rõ nét nhất. Phải nói một cách đáng buồn là trí thức Việt Nam biết rất ít về chính trị, đấu tranh chính trị lại càng không.

 

Trí thức phải đi trước và dẫn đường cho quần chúng chứ không phải chạy theo quần chúng. Phan Châu Trinh được kính trọng vì ông đi trước thời đại mà ông đã sống. Những người đi trước thời đại luôn cô đơn vì những ý kiến mới mẻ và táo bạo. Cái gì mới cũng thế, nhưng rồi, chính những cái mới đó sẽ làm thay đổi lịch sử và cuộc sống trên trái đất này. Dù vậy, chỉ có một số ít người là thích thú và chia sẻ với cái mới còn đa số là lo sợ và e ngại. Tâm lý con người là muốn an phận và hài lòng với những gì đã biết và đang có. Những người mạo hiểm đi trước mở đường phải có một niềm tin, quyết tâm và kiến thức vượt lên trên thời đại. Đó là nhiệm vụ của trí thức chính trị. Thời nào và ở đâu cũng vậy.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50169502348_9e71536a7d.jpg

Cách đây vài năm không ai có thể tưởng tượng rằng hãng xe ô tô điện Tesla của Elon Musk có thể vượt mặt hãng Toyota…

 

Những ý tưởng mới và đúng của một thiểu số nhỏ dù bị chống đối lúc ban đầu nhưng sẽ tạo ra thay đổi và buộc đa số còn lại phải thích nghi theo. Điện thoại di động hay internet là một ví dụ, chỉ 20 năm trước, chúng hoàn toàn xa lạ với chúng ta nhưng giờ đây nếu không có chúng thì cuộc sống sẽ rất buồn tẻ. Cách đây vài năm không ai có thể tưởng tượng rằng hãng xe ô tô điện Tesla của Elon Musk có thể vượt mặt hang Toyota để trở thành hãng xe có giá trị nhất thế giới, nhưng chuyện đó đã xảy ra. Lịch sử luôn tiến về phía trước bởi một thiểu số nhỏ tiên phong và dù muốn hay không thì loài người cũng sẽ bị cuốn theo dòng chảy đó. Người nào chủ động hội nhập thì sẽ có tương lai tươi sáng ngược lại người nào cố tình trì hoãn, cố thủ trong vỏ bọc an toàn của quá khứ thì sẽ bị tụt hậu và bị bỏ rơi lại đằng sau.

 

Trí thức luôn là tâm hồn và tiếng nói của mỗi dân tộc. Bổn phận của trí thức là đi trước dẫn đường, là "hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng" vì vậy phải luôn chủ động đón nhận những thay đổi mới, những tư tưởng mới của nhân loại để rồi truyền đạt cho dân chúng. Trí thức phải có tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Trí thức không nên quá khiêm tốn mà phải lên tiếng trước hiện tình đất nước. Phải xem sự chiếm đóng của Đảng cộng sản là một xúc phạm lớn đối với cả dân tộc chứ không phải với cá nhân mỗi người.

 

Nếu trí thức Việt Nam có kiến thức và quan điểm rõ ràng với tư tưởng chính trị thì lịch sử Việt Nam có thể đã khác. Nếu trước năm 1945 trí thức Việt Nam bàn luận sôi nổi và có thái độ dứt khoát với chủ nghĩa cộng sản thì chúng ta đã không mắc nạn cộng sản. Trí thức Việt Nam hồi đó, ngay cả những người xuất sắc nhất cũng không dám lên án chủ nghĩa cộng sản vì nó đang là một trào lưu mạnh mẽ nổi lên khắp thế giới. Hai trí thức nổi tiếng là Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường không những không lên án chủ nghĩa cộng sản mà còn đi theo cộng sản để rồi bị hắt hủi và sống những ngày cuối đời trong đau khổ và dằn vặt.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50170303672_66549aa28c_n.jpg

Hai trí thức nổi tiếng là Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường không những không lên án chủ nghĩa cộng sản mà còn đi theo cộng sản.

 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) là tổ chức chính trị lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa dân túy thông qua hiện tượng Donald Trump là để cảnh báo sự tác hại của nó nhằm tránh cho Việt Nam rơi vào tình trạng của nước Nga (thời Putin) hay Philippines (thời Duterte). Chúng tôi tin rằng sau chế độ cộng sản chắc chắn Việt Nam sẽ có dân chủ vì các chính trị gia dân túy không còn đất sống sau những cố gắng kiên trì và bền bỉ của Tập Hợp. Một chế độ maphia như Nga hay dân túy như Philippines hiện nay sẽ không thể xuất hiện và tồn tại được ở Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến Tập Hợp phải có thái độ với Donald Trump trong lúc nhiều tổ chức và những người "khôn ngoan" chọn cách im lặng. Việc có lập trường rõ ràng với một nhân vật quan trọng và có ảnh hưởng như Trump là rất cần thiết và quan trọng với một tổ chức chính trị. Một tổ chức đứng đắn phải có thái độ rõ ràng trên những vấn đề liên quan đến đạo đức chính trị như một vụ giết người, kì thị tôn giáo hay chủng tộc, kêu gọi bạo lực, mị dân, dối trá...Chúng tôi thường không đưa ra ý kiến chủ quan trên các vấn đề thuần túy kỹ thuật hoặc chuyên môn như "trồng cây gì, nuôi con gì?"...Sau tháng 11 này những tổ chức chính trị không có thái độ rõ ràng với Trump sẽ mất rất nhiều uy tín.

 

Một lý do quan trọng khiến người Việt Nam rất khó thảo luận về chính trị là vì không có các khái niệm căn bản về chính trị (1). Ai cũng nghĩ và cho rằng mình có hiểu biết về chính trị và vì thế luôn khó chịu với những người có quan điểm chính trị khác mình. Các bài viết của tôi, có thể sẽ làm cho một số người không hài lòng, thậm chí là bực bội. Tôi biết điều đó vì các bài viết của tôi thường hay đề cập và động chạm đến những vấn đề chính trị đau nhức và khác lạ với những gì mà nhiều người đã biết, đã quen thuộc. Tuy nhiên tôi tin rằng các ý kiến đó là có chất lượng vì chúng đã được thảo luận trong nội bộ Tập Hợp.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50170045356_8599607e82_o.jpg

Tranh đấu chính trị phải có tư tưởng chính trị và một dự án chính trị.

 

Thời đại của những "anh hùng áo vải" hay minh quân đã qua đi. Làm chính trị theo kiểu thủ đoạn, âm mưu, "thật thật, giả giả", "binh bất yếm trá" (chiến đấu bất chấp thủ đoạn)… cũng đã qua đi. Chính trị hiện đại đồng nghĩa với đạo đức và sự minh bạch. Nhiều người Việt Nam chưa hiểu và chưa đồng tình với điều đó vì thế đất nước vẫn chưa có được một tầng lớp trí thức chính trị đúng nghĩa. Không thể hy sinh lẽ phải, lương thiện và đạo đức để đạt được mục đích. Một lý tưởng đẹp phải nâng cao giá trị con người và phải được thực hiện bởi những phương tiện lành mạnh và trong sáng.

 

Muốn làm chính trị thì phải học hỏi như bao nghề nghiệp khác. Ai cũng có thể tham gia vào các hoạt động chính trị vì "chính trị là việc chung". Một người muốn hoạt động chính trị, muốn trở thành một chính trị gia thì phải có đam mê. Không có đam mê thì sẽ không đi được đến cùng vì chính trị là khô khan, trăn trở và nhiều suy tư. Tiếp theo, người làm chính trị phải có tinh thần học hỏi và cầu tiến. Môi trường duy nhất để học hỏi về đấu tranh chính trị chỉ có thể là các tổ chức chính trị có tư tưởng và viễn kiến. Các trường đại học lớn có dạy môn chính trị nhưng cũng chỉ là các kiến thức chung chứ không có trường nào dạy về "đấu tranh chính trị".

 

Trí thức chính trị phải có tinh thần dân tộc. Thật ra tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của người Việt Nam là có sẵn trong lòng mỗi người vì Việt Nam là vùng đất cô lập, bao bọc bởi núi rừng và biển cả, người Việt Nam sống chung với nhau lâu nên tạo ra tình cảm quyến luyến với đất nước. Tinh thần dân tộc đó chỉ ở dạng thụ động chứ chưa phải chủ động vì khi ra nước ngoài người Việt Nam đánh mất căn cước rất nhanh. Ý thức quốc gia và tinh thần dân tộc của người Việt Nam rất thấp. Tình đồng bào, tình bạn không được coi trọng khi nhiều người sẵn sàng nổi giận và từ mặt nhau vì một người xa lạ như Donald Trump.

 

Lý do chính khiến tinh thần dân tộc của người Việt thấp là vì đất nước Việt Nam chưa bao giờ thực sự là của người Việt Nam. Trước đây là của các triều đại phong kiến và sau năm 1945 đến giờ là của riêng Đảng cộng sản. Nhiều người, kể cả các quan chức cộng sản đều dễ dàng chọn giải pháp bỏ nước ra đi thay vì ở lại và tranh đấu cho tương lai của đất nước. Tinh thần quốc gia chỉ mới xuất hiện tại Châu Âu vào thế kỷ 18 trong đó xem đất nước là di sản và tài sản chung của tất cả mọi người. Chúng ta đang mất nước bởi những kẻ chiếm đóng là người bản xứ có tên là Đảng cộng sản.

 

Cuộc tranh đấu cho dân chủ là để giải phóng đất nước khỏi ách chiếm đóng của Đảng cộng sản. Bất cứ người Việt Nam nào cũng có trách nhiệm và bổn phận tham gia trong đó trí thức chính trị phải tiên phong để dẫn đường và lãnh đạo quần chúng chứ không phải chạy theo quần chúng.

 

Kết thúc bài viết, tôi xin trích lại lời nhắn gửi của ông Nguyễn Gia Kiểng : "Một số trí thức ưu tú đã đề cao Phan Châu Trinh, tôi chỉ có thể tán thành họ, nhưng cũng xin phép nhắc nhở rằng Phan Châu Trinh đã qua đời từ gần một thế kỷ rồi và cách tôn vinh đúng các nhà cách mạng tư tưởng không phải là làm theo họ mà là đi xa hơn họ, như họ đã đi xa hơn di sản lịch sử của chính họ" (2).

 

Việt Hoàng

(30/7/2020)

 

1. Hồng Việt, "Các khái niệm chính trị", thongluan.blog, 2016

 

2. Nguyễn Gia Kiểng, "Về văn hóa chính trị nhân sĩ", Phạm Thị Hoài thực hiện, 19/02/2019

 

 

 

 

 

 


No comments: